Nữ Trạng nguyên duy nhất của Việt Nam: Giả trai đi thi và giai thoại tình yêu với Mạc đế
Không chỉ sở hữu tài năng, trí tuệ hơn người, Nguyễn Thị Duệ còn được nhiều người biết đến với tình yêu cùng Mạc đế.
Theo nhiều ghi chép, bà Nguyễn Thị Duệ sinh ra ở vùng đất Chí Linh, Hải Dương. Đây được mệnh danh là nơi sản sinh nhiều bậc kỳ tài. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, bà Nguyễn Thị Duệ vừa thông minh lại có nhan sắc, mới hơn 10 tuổi đã được nhiều nhà quyền quý đến xin hỏi cưới nhưng bà không thuận.
Sau này, bà giả trai đi thi, trở thành nữ Trạng nguyên duy nhất trong lịch sử triều đại phong kiến, được nhiều người ngưỡng mộ bởi lễ nghĩa, cách đối nhân xử thế. Đặc biệt, bà còn có mối tình ngọt ngào với Mạc đế, trở thành vị phi tần được triều đình lẫn hậu cung kính phục.
Giả trai đi thi, trở thành nữ Trạng nguyên duy nhất của Việt Nam
Vốn xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, từ nhỏ bà Nguyễn Thị Duệ đã bộc lộ nhiều tài năng ấn tượng. Thời kỳ chiến tranh, bà theo gia đình lên Cao Bằng – nơi được triều đình nhà Mạc đóng đô – để lánh nạn và sinh sống tại đây.
Ở đất cao bằng, dù tài hoa đầy người nhưng bà lại không được phép đi học vì có thân phận là nữ nhi. Vì ham học, Nguyễn Thị Duệ đã quyết định giả trai để tiếp tục đèn sách. Thời điểm đó, vì đang trong thời kỳ Mạc – Trịnh phân tranh nhưng lòng dân đa số ủng hộ nhà Mạc.
Khi triều đình mở khoa thi để tìm kiếm nhân tài giúp nước, bà Nguyễn Thị Duệ cùng nhiều sĩ tử khác đã nhanh chóng tham gia. Bà lấy tên đi thi là Nguyễn Ngọc Du, đỗ đầu các các kỳ thi Hương, Hội và Đình; trở thành Trạng Nguyên.
Giai thoại tình yêu cùng Mạc đế
Trong sách Những Người Thầy Trong Sử Việt có ghi chép, khi triều đình tổ chức yến tiệc để chiêu đãi các tân khoa, Trạng nguyên Nguyễn Ngọc Du (tức Nguyễn Thị Duệ) là người đầu tiên được diện kiến long nhan. Mạc đế và cả triều đình đều không khỏi ngạc nhiên trước vẻ tuấn tú khôi ngô cùng bước đi khoan thai của tân khoa Trạng nguyên.
Khi được vua ban ngự tửu, ngài để ý thấy Nguyễn Ngọc Du mặt hoa da phấn, nét phượng mày ngài, sóng mắt long lanh cùng thân hình yểu điệu mảnh mai giống hệt nữ nhi. Đến khi hỏi vài câu thăm dò, Mạc đế mới ngã ngửa khi biết vị tân Quan trạng là con gái.
Điều bất ngờ là, khi bị phơi bày giới tính thật, tân Trạng nguyên không hề bị xử tội khi quân vì dối trên lừa dưới. Cảm mến và quý trọng vị tài nữ hiếm có như Nguyễn Thị Duệ, Mạc đế không những không trách tội mà còn cho bà trở thành Lễ quan trong cung, chuyên dạy chữ và lễ nghi cho các thị nữ và phi tần.
“Lâu ngày sinh tình”, càng ngày Mạc đế càng rung động trước nhan sắc và tài hoa của nàng Lễ quan. Bà được đưa vào hậu cung, tấn phong Tinh phi. Bà được Mạc đế hết lòng sủng ái, yêu thương, tiếp tục được giao cho việc dạy bảo quy tắc và lễ nghi cho thị nữ, phi tần trong cung.
Sau khi Mạc đế bị bắt và áp giải về Thăng Long trong trận chiến giữa nhà Mạc và quân đội của vua Lê - chúa Trịnh, Nguyễn Thi Duệ cũng bị đưa về phủ chúa Trịnh sau nhiều tháng ngày ở ẩn. Một lần nữa, bà lại bộc lộ tài năng và đức độ khiến vua Lê - chúa Trịnh cảm phục, đối đãi với bà vô cùng tử tế.
Không chỉ tấn phong với chức vị cao, dạy dỗ trong cung của vua Lê mà bà Nguyễn Thị Duệ còn có nhiều đóng góp về quyết sách giáo dục của triều đình, được nhiều người cảm phục và kính trọng.
Đến tuổi 70, bà xin được về quê tĩnh tu, đọc sách và dạy bảo các sĩ tử trong làng. Bà dạy học, làm nhiều việc công ích giúp đỡ người nghèo. Khi bà qua đời, nhiều người trong làng đã xây ngọn tháp gọi là Tinh phi cổ tháp với 10 chữ "Lễ phi sinh thông tuệ, nhất kính chiếu tam vương" (Lễ phi là người thông tuệ, một gương soi chiếu ba vua) để tưởng nhớ bà và tỏ lòng kính trọng với vị tài nữ một thời.
Xem thêm: Chuyện Nguyễn Quán Quang đuổi giặc Mông Cổ bằng một hòn đá: Hàm ý sâu xa khiến người đời khâm phục
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận