Người ở cảnh giới cao biết tôn trọng sự khác biệt, nhìn ai cũng thấy thuận mắt

Ở cảnh giới cao, con người biết đặt mình vào vị trí của người khác mà suy xét, biết thấu hiểu và tôn trọng người khác. Vì thế, họ nhìn ai cũng thấy thuận mắt.

Loan Nguyễn
16:55 07/09/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cảnh giới không đủ cao nên nhìn người khác không thuận mắt

Chuyện kể rằng, khi còn trẻ, Tô Thức đã cùng tham thiền với Phật Ấn. Có lần trong lúc tham thiền, Tô Thức hỏi Phật Ấn rằng: "Đại Sư, ông xem tôi ngồi ở đây giống thứ gì?".

Phật Ấn nói: "Nhìn ông trông giống một vị Phật tôn nghiêm".

Tô Thức cười nói: "Nhưng tôi trông ông giống như một bãi đại tiện vậy!".

Nghe Tô Thức nói lời bất kính, Phật Ấn chỉ cười và không nói gì cả. Khi về nhà, Tô Thức kể cho Tô tiểu muội chuyện này.

Nghe xong, Tô tiểu muội liền nói: "Bản thân là Phật thì nhìn người khác sẽ giống Phật, nếu bản thân giống bãi đại tiện thì nhìn người khác cũng sẽ giống bãi đại tiện. Cảnh giới của huynh so với thiền sư Phật Ấn quả thực còn thua xa". 

Quả thực, cách bạn nhìn nhận người khác chính là tấm gương phản chiếu bản thân. Bạn nhìn người khác giống thứ gì, thì bạn chính là thứ đó.

Nhìn người khác không thuận mắt, chẳng qua do cảnh giới của bản thân không đủ cao. Chẳng cần phải nghĩ cách để thay đổi người khác, trước hết hãy điều chỉnh tâm thái của chính mình. Tu tốt cái tâm của bản thân, càng đạt đến cảnh giới cao, bạn sẽ càng thấy hài lòng với người khác.

nguoi-o-canh-gioi-cao-biet-ton-trong-su-khac-biet-cua-nguoi-khac-1

Người ở cảnh giới cao biết đặt mình vào vị trí người khác

Câu chuyện "Sáng ba chiều bốn" từng được Trang Tử kể lại. Ở nước Tống, có người đàn ông nuôi khỉ. Gia cảnh nghèo khó nên anh ta tính đến việc giảm bớt thức ăn của lũ khỉ.

Anh ta nói với lũ khỉ: "Sáng sớm cho các ngươi ba hạt dẻ, chiều tối cho các ngươi bốn hạt dẻ, vậy có được không?". Lời nói của anh khiến bầy khỉ nổi nóng.

Thấy vậy, anh lại thay đổi: "Vậy thì sáng sớm cho các ngươi bốn hạt dẻ, chiều tối cho các ngươi ba hạt dẻ, vậy có được không?". Lúc này, bầy khỉ vui mừng đón nhận.

Qua câu chuyện trên, Trang Tử muốn nói về cách nhìn sự vật khác nhau cũng giống như "sáng ba chiều bốn" và "sáng bốn chiều ba". Khi phản ánh cùng một sự vật, xét về bản chất thì giống nhau chỉ khác ở góc nhìn.

Trang Tử nói: "Vật cố hữu sở nhiên, vật cố hữu sở khả. Vô vật bất nhiên, vô vật bất khả".

Trên thế gian này, vạn vật đều có giá trị và lý do tồn tại của chúng, sự tồn tại của chúng là hợp lý. Thế nào là tốt xấu thiện ác, tất cả đều là từ các góc nhìn khác nhau.

Có khi, con người đứng tại chỗ của mình nhìn sự việc thì thấy hợp với luân lý đất trời, nhưng đứng ở chỗ khác nhìn thì có thể thấy không còn thuận mắt như vậy nữa. Vì thế, người ở cảnh giới cao không tùy tiện đưa ra phán xét. Họ biết đặt mình vào vị trí của người khác để suy xét vấn đề, không áp đặt suy nghĩ và quan điểm của bản thân lên người khác.

nguoi-o-canh-gioi-cao-biet-ton-trong-su-khac-biet-cua-nguoi-khac-2

Tôn trọng sự khác biệt chính là cảnh giới của sự tu dưỡng

Với một sự vật, nếu một người nhìn không quen mắt thì đó là vấn đề của chính họ, chứ không liên quan gì đến người khác. Cảnh giới tu dưỡng của họ chưa đến nơi đến chốn nên nhìn đâu cũng không thuận mắt. Người ở cảnh giới cao luôn biết tôn trọng sự khác biệt.

Trang Tử nói: "Thánh nhân hòa chi dĩ thị phi, nhi hưu hô thiên quân, thị chi vị lưỡng hành".

Bậc thánh nhân coi thị phi như nhau, sống hài hòa, nhàn nhã. Không phải Trang Tử nói rằng con người không phân biệt đúng sai, ý của ông là cần phải đứng từ nhiều góc độ để nhìn vấn đề, từ đó biết tôn trọng sự khác biệt.

Con người sống ở đời, mỗi người đều có tính cách, quan điểm, cách sống riêng của bản thân. Với những người xung quanh, chúng ta hãy đối đãi bằng trái tim rộng lượng và bao dung. Mỗi người sẽ có lập trường khác nhau. Không thuận mắt khi nhìn người khác có thể chỉ là cách hiểu khác nhau và góc nhìn khác nhau.

Ở cảnh giới thấp, con người đề cao cái tôi của bản thân, coi mình là trung tâm của vũ trụ. Họ có xu hướng coi tiêu chuẩn của bản thân là tiêu chuẩn duy nhất. Những việc không giống với tiêu chuẩn của họ thì đều cho là sai.

Người ở cảnh giới cao biết hoán chuyển góc độ suy xét, thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt. Họ rất ít khi bình phẩm và chỉ trích người khác, nhìn ai cũng thấy thuận mắt. Đây chính là một loại trí huệ, hơn nữa là một loại tu dưỡng trong kiếp nhân sinh.

Xem thêm: Biết cách "yếu thế" đúng lúc cũng là một loại trí tuệ cần tu dưỡng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận