Tâm sự nhói lòng của cặp vợ chồng ở Long An nuôi con bị bại não thành người thạo máy tính, giỏi ngoại ngữ

Phát hiện con trai bị bại não, hai vợ chồng ở Long An đau đớn tột cùng. Cầm tờ kết quả trong tay, người phụ nữ vẫn không dám tin, không tin vào sự thật.

Vân Đức
08:05 03/04/2021 Vân Đức
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mới đây, chương trìnhMảnh ghép hoàn hảo” đã phát sóng tập 13 với câu chuyện “Giúp con bị bại não vượt qua số phận” khiến nhiều khán giả không cầm nước mắt. Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Kim Ngọc (45 tuổi) và chồng là anh Nguyễn Công Luân đều quê ở Tân An, Long An. Kể lại hành trình đưa con đi chữa bệnh bại não, vợ chồng chị Ngọc không kìm được nước mắt.

Con bị bại não - nỗi đau vô bờ bến của cha mẹ

Theo lời kể của chị Ngọc, chị và anh Luân lấy nhau năm 1999. Một năm sau, vợ chồng họ sinh được một bé trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Hoàng Phúc. Lúc mới chào đời, Phúc có sức khỏe bình thường, trông rất kháu khỉnh, sự xuất hiện của con khiến gia đình chị Ngọc ngàn ngập hạnh phúc.

Tuy nhiên, hạnh phúc chưa được bao lâu, vợ chồng chị Ngọc phát hiện con trai bị bại não, khiến anh chị đau đớn tột cùng. Chị Ngọc kể, “Khi bé Phúc 6 tháng tuổi, tôi phát hiện con vẫn chưa thể ngồi. Lo lắng con phát triển khá chậm so với cột mốc vận động của một đứa trẻ bình thường, tôi đưa con đi khám thì được bác sĩ kết luận con bị bại não.

Lúc đó tôi không dám tin, cũng không muốn tin vào sự thật. Cầm tờ kết quả trong tay, tôi có cảm giác như bị ai đó vừa đẩy mình xuống vực thẳm”.

CHI NGOC (1)
Phát hiện con trai bị bại não, chị Ngọc đau đớn tột cùng. (Ảnh: Vietnamnet)

Thấy vợ cầm tờ giấy kết quả trong tay như “chết lặng”, anh Luân cố kìm nén nỗi đau rồi ôm lấy vợ. Kể từ giây phút đó, chị Ngọc thường hay tự chất vấn bản thân đã làm gì sai mà biến cố khủng khiếp này lại rơi vào “tổ ấm” của chị, rơi vào hài nhi bé nhỏ chưa tròn 1 tuổi. Mỗi lần tự chất vấn bản thân như vậy, chị Ngọc cứ buồn, rồi khóc.

Mãi cho tới khi Phúc lên 3 tuổi, chị Ngọc mới chấp nhận sự thật con mình bị ngạt khi chào đời, dẫn đến biến chứng tổn thương não. Sau đó, chị nói với chồng, bằng mọi giá phải cho con trai mình một cuộc sống bình thường, vui vẻ như bao đứa trẻ cùng trang lứa.

Kể từ đó, vợ chồng chị Ngọc đưa con khắp nơi trị bệnh, cuối tuần dành thời gian đưa con đi chơi. Chị Ngọc kể: “Cuối tuần chúng tôi cố gắng đưa cháu đi chơi nhưng có người nói con tôi bị như vậy mà còn bế đi chơi cầu trượt làm gì?”, chị nghẹn lại và không kìm được những giọt nước mắt rơi xuống gò má.

Chị Ngọc cho biết, khoảng thời gian nuôi dạy, chăm sóc con vất vả nhất là lúc con 6 tháng đến 6 tuổi. Trong khoảng thời gian đó, ngoài bại não, bé Phúc còn bị nhiều bệnh khác như: Viêm phổi, viêm phế quản hay tiêu chảy….

Để bé Phúc đỡ cảm thấy buồn chán và giúp tay chân con hoạt động linh hoạt hơn, chị Ngọc bắt đầu cho con tập chơi game trên máy tính; luyện ngón tay bằng cách bấm phím chữ, số trên điện thoại; mua xe đạp dành cho trẻ em để luyện cho đôi chân Phúc hoạt động.

"Do con không thể tự ngồi được nên tôi phải dùng dây vải buộc con vào chiếc ghế nhựa để con tập chơi game trên máy tính. Sau đó, chúng tôi cũng mua cho con chiếc điện thoại đầu tiên trong đời để bé luyện ngón tay khi bấm trên các phím chữ, số. Rồi mua một chiếc xe tập đi dành cho trẻ em, buộc con lên xe để luyện cho đôi chân hoạt động”, chị Ngọc chia sẻ.

CHI NGOC (4)
Nhớ lại chuyện cũ, anh Luân không thể kìm những giọt nước mắt. (Ảnh: Vietnamnet)

Ngay cả việc ăn uống đối với anh chị cũng là cả vấn đề và hàng tuần, vợ chồng chị Ngọc bế con đi gần 50km từ Long An đến TP. HCM để con nhập viện điều trị.

“Thời gian đó, vợ chồng tôi lấy bệnh viện làm nhà. Nhiều khi, hai vợ chồng cũng chỉ gặp nhau lúc thay ca chăm con”, chị Ngọc nói.

Trước đây, vợ chồng chị Ngọc đều là giáo viên của một trường dạy nghề gần nhà, để có thời gian chăm sóc con nhiều hơn, cả hai vợ chồng quyết định xin nghỉ hẳn. Nghỉ dạy ở trường, anh chị gom hết tiền dành dụm có được trong nhiều năm qua, mua máy tính, mở lớp dạy Tin học ở nhà. Bởi cả hai vợ chồng chị Ngọc làm cùng chuyên môn nên thay vị trí cho nhau không có gì là khó khăn. Khi chị Ngọc ở nhà thì anh Luân ở viện cùng con và ngược lại.

Cứ như vậy, chị Ngọc và anh Luân thay đổi vị trí của nhau liên tục, người thì kiếm tiền, người thì ở viện chăm con. Bên cạnh đó, những lúc rảnh, chị Ngọc tự mày mò làm hoa thủ công để bán hay bất kể công việc gì kiếm ra tiền để lo cho con.

“Đời tôi chỉ trang điểm có 2 lần”

Năm 2006, gia đình chị Ngọc tình cờ xem trên tivi thấy Giáo sư Nguyễn Tài Thu châm cứu rất tài tình. Vợ chồng chị Ngọc gom góp lại hết tiền bạc để anh Luân đưa bé Phúc ra Hà Nội cứu chữa.

“Hồi đó con tôi được châm cứu bằng những chiếc kim dài, nó phải dài bằng gần 10 chiếc kim bình thường ghép lại. Điều trị suốt 10 ngày liền tại Bệnh viện Châm cứu Trung Ương, con tôi hoàn toàn kiệt sức, không ăn uống được. Sợ con không chịu đựng nổi, chồng tôi quyết định đưa cháu về nhà”, chị Ngọc kể.

Lúc đó, chị còn nhớ mãi cảnh đi đón chồng và con ở sân bay, bố cõng con trên lưng, tay kéo va li. Con thì không nhận ra mẹ vì quá mệt mỏi và đau đớn. Thế nhưng, kể từ khi từ Hà Nội trở về, bé Phúc khiến gia đình hoàn toàn bất ngờ bởi dòng chữ: “Mẹ ơi, Hà Nội có hội nghị APEC” được bé gõ trên máy vi tính.

Điều khiến chị Ngọc và anh Luân rất bất ngờ đó là tại sao bé Phúc lại biết chữ? Bởi trước đó chị Ngọc mới chỉ dạy Phúc sử dụng máy vi tính, còn về chuyện dạy chữ, hai vợ chồng chưa bao giờ nghĩ đến do sức khỏe của bé rất yếu, thường xuyên phải nằm viện.

Kể từ đó, mỗi lần được đưa đi chơi, Phúc đều nhớ toàn bộ bảng hiệu, số điện thoại và tên đường. Về nhà, Phúc bật máy tính rồi vào trang word, em gõ lại những gì nhìn thấy trên đường cho bố mẹ đọc khiến vợ chồng chị Ngọc vui mừng khôn xiết.

Bận bịu kiếm tiền và chăm lo cho con, chị Ngọc dường như quên mất thời gian chăm sóc cho bản thân, quên cả việc “tút tát” lại nhan sắc cho khuôn mặt. “Đời tôi chỉ được trang điểm có hai lần. Lần đầu là trong đám cưới của mình, lần hai là tại chương trình ngày hôm nay. Bởi tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ tới việc chăm lo cho con”, chị Ngọc nghẹn ngào chia sẻ.

Nói về thành tích của Phúc, chị Ngọc tự hào cho biết: “Trước con tôi ngoài việc tự mày mò tìm hiểu để có thể sử dụng thành thạo máy vi tính và giỏi tiếng Anh, thì con còn viết truyện và từng đạt giải bài viết ấn tượng nhất trong cuộc thi viết về Doraemon. Bên cạnh đó, Phúc còn dựng clip cho CLB Gia đình siêu nhân và tìm được niềm yêu thích trong lĩnh vực phim ảnh, truyền hình khi lập một hội nhóm chuyên review phim”.

CHI NGOC (2)
Phúc và em gái (Ảnh: Vietnamnet)

Hạnh phúc hơn khi vợ chồng chị Ngọc sinh con gái thứ hai khỏe mạnh, hiểu chuyện, biết giúp đỡ ba mẹ và anh trai.

“21 năm trôi qua kể từ ngày con trai chào đời, nhưng đối với tôi mọi chuyện cứ như vừa xảy ra. Mỗi lần nghĩ về hành trình cùng con vượt qua số phận khiến tôi không kìm được cảm xúc của mình”, chị Ngọc chia sẻ.

Đồng cảm trước những em nhỏ có số phận như con mình, chị Ngọc lên mạng tham gia các nhóm, câu lạc bộ trẻ em bị bại não để chia sẻ về các cách chăm sóc, nuôi dạy với mong muốn giúp các em nhỏ bị bại não rút ngắn thời gian hồi phục.

Xem thêm: Cuộc sống của NTK Đỗ Mạnh Cường sau ánh hào quang: Tất bật chăm sóc 8 đứa con thơ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận