Xót xa ước mơ "tết tóc cài nơ" của cô bé ung thư
Tuy mới 7 tuổi nhưng bé Trâm Anh đã trải qua nhiều lần hóa trị đau đớn. Những sợi tóc cứ thế theo nhau rơi xuống nhưng cô bé vẫn luôn ước mơ một ngày nào đó dược "tết tóc cài nơ".
Năm năm trước, khi những sợi tóc cuối cùng của con gái rơi xuống đất, chị Hoan vội giấu chiếc kẹp nơ ra sau lưng, hy vọng một ngày nào đó con sẽ dùng lại nó.
Năm năm sau, khi bệnh ung thư máu của cô bé 7 tuổi tái phát, người mẹ một lần nữa cất chiếc kẹp tóc vào balo, nhưng để ở vị trí dễ tìm nhất.
"Lúc nào khỏi bệnh, mẹ lại lấy ra cài lên tóc cho xinh nhé", người mẹ 31 tuổi vỗ về khi cô con gái đặt câu hỏi "Đến lúc nào con mới được tết tóc, cài nơ".
Không chỉ giải đáp câu hỏi này, hơn 1.500 ngày trôi qua, chị Nguyễn Thị Hoan, sống tại xóm Tây Hồ, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An phải trả lời hàng trăm câu hỏi khác của con gái như "Tại sao con phải nằm viện?", "Tại sao ai cũng có bố chăm sóc, con thì không?".
Nhận được bất kỳ câu hỏi nào của con gái, người mẹ cũng cảm thấy xót xa.
Kể từ ngày nhận được kết quả không mong đợi về bệnh tình của Trâm Anh, tháng 7/2019, tâm nguyện của chị Hoan là làm mọi thứ để cứu sống cô con gái duy nhất.
Thời điểm Trâm Anh phát bệnh, cô bé chưa tròn hai tuổi. Hai mẹ con khi đó đang sống cùng ông bà ngoại. Mọi chi tiêu trong nhà, một phần nhờ ông bà, phần khác người mẹ bán hàng online sống qua ngày.
Căn bệnh ung thư ập đến, không chỉ chị Hoan mà cả ông bà ngoại - những người chăm lo cho Trâm Anh từ lúc lọt lòng - đều suy sụp. Vì quá lo nghĩ, bệnh mạn tính của ông bà như thoát vị đĩa đệm, dạ dày tái phát phải đi viện liên tục. Tiền chữa bệnh cho con, chị Hoan phải vay mượn bạn bè cũng như nhờ tới sự giúp sức của họ hàng, làng xóm.
Những ngày đầu điều trị ở Hà Nội, Trâm Anh không hiểu tại sao mình phải nằm một chỗ, tại sao bị những kim tiêm châm chích khắp người. Đau đớn, cô bé chỉ biết gào khóc, lăn lộn từ trên giường xuống đất, từ viện về nhà trọ và ngược lại. Có những đêm, con gái đuối sức rồi lịm đi trên tay, người mẹ lại bế con chạy bộ gần hai km vào viện cấp cứu. Ly dị chồng, bố mẹ đẻ già yếu, mọi việc chăm lo cho Trâm Anh, chị Hoan chỉ có một mình.
Sau một năm điều trị, sức khỏe của cô bé tốt dần và được về nhà. Người mẹ hy vọng, Trâm Anh được giống các bạn, đi học đều đặn và khi tóc mọc dài sẽ cài được nơ trên đầu.
Thế nhưng, mỗi lần ai đó hỏi điều gì khiến gia đình có con mắc ung thư cảm thấy sợ hãi nhất, người mẹ thở dài đáp: "Bệnh tái phát".
Tháng 6/2023, khi bắt đầu viết được những nét chữ đầu tiên, Trâm Anh phải nhập viện vì liên tục chảy máu mũi. Bác sĩ thông báo, bệnh tình của cô bé trở nặng. Lần này những tế bào ung thư đã xâm lấn vào tủy xương. Sau một thời gian hóa trị nhưng không đáp ứng thuốc, người mẹ được thông báo trường hợp của bé nên ghép tế bào gốc, nếu không tiên lượng xấu.
Gia đình đã khánh kiệt, mới được đưa vào hộ nghèo của thôn nên người mẹ quỵ xuống bất lực. Không có tiền ghép tế bào gốc, chị xin con về nhưng được bác sĩ khuyên nên tiếp tục điều trị vì vẫn còn cơ hội. Trường hợp của Trâm Anh sau đó được đưa vào danh sách hỗ trợ của Bệnh viện Nhi trung ương, nhận sự giúp đỡ của mạnh thường quân. Nhờ lòng tốt của mọi người, cô bé được tặng thêm cơ hội sống.
Trong thời gian điều trị lần hai, vài lần Trâm Anh bị sốc thuốc, tím tái người rồi sùi bọt mép phải vào phòng cấp cứu. Có thời điểm cô bé sốt cả tuần, chiếc đầu trọc lốc luôn ửng đỏ. Mỗi khi tỉnh táo hơn, bé gái 7 tuổi lại sờ vào đám tóc lơ thơ trên đầu mơ ước vào sinh nhật mình sẽ được mẹ mua tặng bánh kem, đầu đeo nơ để mừng tuổi mới cùng các bạn.
Nhưng trước ngày sinh nhật, cô bé bị nhiễm khuẩn toàn thân, không thể ăn uống phải đưa vào phòng cấp cứu. Nhớ lời hứa, đúng ngày sinh nhật con, chị Hoan mua một chiếc bánh kem cùng chùm bóng bay rồi xin bác sĩ cho con gái ra hành lang vài phút. Chung vui với Trâm Anh hôm đó, ngoài một số bạn trong khoa còn có một cô bé 3 tuổi muốn tổ chức sinh nhật chung. Cả hai bạn cùng thổi nến, chụp chung một kiểu ảnh trước khi Trâm Anh tiếp tục phải vào phòng điều trị.
Hơn một tháng sau, chị Hoan biết tin cô bé 3 tuổi tổ chức sinh nhật cùng con gái đã mất. Cho đến giờ, người mẹ vẫn chưa nói cho Trâm Anh biết điều này. Mỗi khi giở bức ảnh chụp chung hôm nào, khi cô bé hỏi về bạn gái trong ảnh, người mẹ lắc đầu nói không biết nhưng vội quay đi giấu những giọt nước mắt lăn dài.
"Đôi khi trong giấc mơ, tôi lại thấy cảnh hai bé cười đùa bên chiếc bánh sinh nhật, không còn dây truyền xung quanh. Cả hai đều rất vui vẻ, đều có tóc và cài nơ rất xinh", chị Hoan kể.
Năm ngoái nếu bệnh tình không tái phát, Trâm Anh đã là học sinh lớp 1. Biết con thích học chữ, mỗi khi cô bé đỡ mệt, người mẹ lại lôi sách vở ra dạy. Hai mẹ con tập đọc, tập viết trong phòng bệnh, có hôm đến tận 22h. Trâm Anh nhớ chữ rất nhanh, nhưng cứ qua một đợt cấp cứu hay sốt cao, cô bé lại quên nhiều, người mẹ phải kiên nhẫn dạy lại từ đầu.
Thích múa hát, nhiều hôm xem được điệu nhảy hay, Trâm Anh lại bật dậy, nhảy theo trên giường bệnh. Người nhà bệnh nhân khác nhìn thấy cô bé cử động mạnh, sợ ảnh hưởng thuốc truyền nên nhắc nhở nhưng chị Hoan chỉ cười: "Con bé không thể ngừng theo đuổi ước mơ chỉ vì bệnh tật".
Ước mơ của Trâm Anh sau này là được nhảy múa trên đôi chân vốn luôn thâm tím bởi những vết châm chích do truyền dịch, được mặc chiếc váy xinh và cài lên tóc những chiếc nơ, chiếc bờm thật đẹp.
Đó là những việc mà ở thời điểm hiện tại, cô bé chưa thể thực hiện được.
(Theo VnExpresss)
Xem thêm: Mẹ đi đốt rẫy bị chết ngạt bỏ lại 3 đứa con thơ đáng thương cần sự giúp đỡ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận