Chàng trai khuyết tật vượt nghịch cảnh, tạo việc làm cho người cùng cảnh ngộ

Dù bị khuyết tật teo chân từ nhỏ nhưng anh Lê Văn Thạch (38 tuổi), ở xã Đoàn Kết, TP.Kon Tum (Kon Tum) không đầu hàng số phận. Anh vượt nghịch cảnh và tạo việc làm cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Đỗ Thu Nga
15:00 31/01/2024 Đỗ Thu Nga

Khi vừa tròn 2 tuổi, anh Thạch bị sốt bại liệt, đôi chân cứ teo dần, mềm oặt. Gia đình đã đưa đi chạy chữa khắp nơi nhưng anh chỉ có thể bước đi chập chững, xiêu vẹo. Học hết THCS, anh Thạch đành nghỉ học vì con đường đến trường THPT dài hơn 10 cây số, trở nên quá sức với đôi chân tật nguyền…

Đôi chân khuyết tật nên ước mơ cháy bỏng trong anh là được đi nhiều nơi để nhìn ngắm thế giới xung quanh. Anh Thạch làm đủ thứ việc để kiếm tiền. Có tiền anh lại đi và rồi lại nhảy việc. Sau hơn 10 năm, lang thang hơn 10 tỉnh và trải qua đủ thứ nghề từ bán vé số, công nhân may mặc đến thợ cơ khí…, anh Thạch quyết định trở về quê nhà…

Giã từ tháng ngày trôi dạt, anh Thạch trở về với mảnh đất quê hương hành nghề bán vé số, kẹo kéo nuôi gia đình… Cho đến một ngày, anh gặp một người bạn cùng cảnh ngộ đang làm nghề bện chổi. Thấy tò mò nên anh Thạch xin theo học nghề. Cũng từ đây anh chuyển hẳn sang nghề bện chổi.

“Làm chổi đót nhẹ nhàng, đỡ tốn sức hơn bán vé số hay các nghề khác. Trong khi đó lại chỉ việc ngồi một chỗ, không phải đi lại nhiều nên rất phù hợp với những người khuyết tật như tụi tui”, anh Thạch chia sẻ.

vuot-nghich-canh-tao-viec-lam-cho-nguoi-cung-canh-ngo

May mắn đến với anh Thạch khi vào đầu năm 2016, TP.Kon Tum triển khai dự án “Hòa nhập người khuyết tật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và đa dạng hóa thu nhập” nhằm hướng dẫn, gợi mở định hướng làm kinh tế phù hợp thực tế và nhu cầu của người khuyết tật. Anh Thạch bảo rằng khi tham gia vào dự án, anh liền nghĩ ngay đến mô hình làm chổi đót vì đây là công việc không quá nặng nhọc và có đầu ra ổn định. Đây cũng là công việc anh đã nắm chắc kiến thức và ấp ủ khát vọng lập nghiệp. Cuối năm 2016, anh Thạch đã thành lập nhóm “Tự lực” sản xuất chổi đót và vận động thêm 13 người cùng cảnh ngộ tham gia dự án.

Năm 2021, cả nhóm thực hiện đơn đặt hàng làm 5.000 cây chổi cho một đơn vị tại TP.HCM. Anh Thạch chẳng giấu nổi niềm vui vì đơn hàng khủng này sẽ là nguồn thu nhập nuôi sống hàng chục anh em trong nhóm. Thế nhưng đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến giao thông đi lại khó khăn. Cũng bởi vậy đơn hàng khủng này chẳng thể gửi đi.

Việc tồn kho hơn 5.000 cây chổi khiến cả nhóm lâm vào bế tắc vì không có thu nhập trong khi dịch đang diễn ra. “Thời điểm đó tui nghĩ lung lắm, phải làm sao để trả lương cho anh em. Vậy rồi tui đánh liều đến gặp Thành đoàn Kon Tum nhờ giúp đỡ. Vài ngày sau Thành đoàn đã huy động các đơn vị giải cứu chổi đót cho anh em”, anh Thạch nhớ lại.

Trong tổng số 13 thành viên thì có 1 người khiếm thị, 1 người khiếm thính, 3 người khuyết tật thần kinh, còn lại là người khuyết tật vận động. Hơn một nửa số thành viên là gia đình thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Sau nhiều năm hoạt động, nhóm “Tự lực” làm được khoảng 10.000 cây chổi/năm. Với giá bán hiện tại khoảng 35.000 - 60.000 đồng/cây, trừ đi chi phí sản xuất, doanh thu của nhóm đạt từ 150 - 250 triệu đồng/năm...

(Theo Thanh Niên)

Xem thêm: Cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Huyền: Không oán trách số phận, nỗ lực hoạt động thiện nguyện

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận