Vua, chúa nước Việt thời xưa đã cầu lời nói thẳng như thế nào?
Lý Nhân Tông là vị vua đầu tiên trong sử Việt xuống chiếu "cầu lời nói thẳng" và điều này đã được chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư.
Trong sách "Gia ngữ", Khổng Tử nói rằng: "Lương dược khổ ư khẩu nhi lợi ư bệnh, trung ngôn nghịch ư nhĩ nhi lợi ư hành". Có nghĩa là: Thuốc tuy đắng miệng mà lợi cho bệnh, lời trung trái tai mà lợi cho việc làm.
Ở nước Việt ta cũng có câu thành ngữ: "Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng". Vậy mà vua Lý Nhân Tông - vị vua được hậu thế đánh giá là "sáng suốt, thần võ, trí tuệ hiếu nhân" lại không ngại "thuốc đắng", sẵn sàng tiếp nhận "trung ngôn", nhờ có thời trị vì thanh bình, được sử thần Ngô Sĩ Liên nhận định "nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi của triều Lý”.
Thế nhưng thật đáng tiếc khi sử cũ không ghi rõ nội dung cụ thể của tờ chiếu này. Vì thế chúng ta không biết chi tiết về thái độ cầu thị của vua Lý Nhân Tông cầu lời nói thẳng như thế nào.
Vì sao vua Trần sẵn sàng nghe lời nói thẳng?
Ở đầu đời Trần, văn hóa cung đình rất dung dị, chan hòa, chưa có những câu chuyện về lời can gián thẳng thắn. Nhưng hành động của người ở chức vị cao nhất như Thái sư Trần Thủ Độ thì có. Ông là minh chứng cho việc khuyến khích những hành động ngay thẳng, tuân thủ pháp luật.
Sử chép, khi Linh Từ quốc mẫu - vợ Trần Thủ Độ ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, bà về dinh khó bảo Thủ Độ: "Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế". Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết nhưng khi đến nơi, dù Thái sư vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời.
Thủ Độ nói: "Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa", rồi lấy vàng lụa thưởng rồi cho về. Đọc chuyện này, hẳn đời sau tin rằng, vua quan triều Trần luôn sẵn sàng nghe những lời nói thẳng.
Đời Trần Minh Tông, có Lê Cư Nhân làm quan nội mật kiêm việc thẩm hình. Ông tra xét án ngục ở nhà, bị trung úy Quách Hạo hặc lỗi. Minh Tông hỏi ông sao không tránh đi, ông đáp: "Thần thà chịu phạt trách chứ không dám lừa dối, làm quan mà lừa dối thì làm sao suất lĩnh được liêu thuộc?".
Câu trả lời khảng khái cho thấy Trần Minh Tông đã tin dùng một vị quan ngay thẳng, biết tự nhận lỗi và không chịu lừa dối. Thế nên, đến khi Lê Cư Nhân qua đời, vua truy tặng ông chức Nhập nội hành khiển hữu ty lang trung đồng tri tả ty sự (hàm tể tướng).
Vua Lê và việc cầu lời nói thẳng
Dưới thời nhà Hậu Lê, tuy vị vua khai triều giành quyền từ chiến tranh nhưng cũng rất quan tâm đến việc cầu lời nói thẳng. Sau khi chiến thắng quân Minh và lên ngôi được hơn 1 năm, ngày 26/2 năm Kỷ Dậu (1429), tức năm Thuận Thiên thứ 2, vua Lê Thái Tổ đã ra lệnh cho đại thần và các quan hành khiển rằng: "Nếu thấy các điều lệnh của trẫm có điều gì bất tiện cho việc quân, việc nước, hoặc các việc sai dịch không hợp lý, hoặc thuế khóa nặng nề, hoặc có việc tà dâm bạo ngược, thì tâu xin sửa lại”.
Chưa hết, nhà vua còn lệnh chỉ riêng cho các ngôn quan (quan giữ trách nhiệm khuyên răn vua và đàn hặc các quan): “Nếu thấy trẫm có chính lệnh hà khắc, thuế má nặng nề, ngược hại lương dân, thưởng công phạt tội không đúng, không theo đúng phép xưa, hay các đại thần, quan lại, tướng hiệu, quan chức trong ngoài không giữ phép, nhận hối lộ, nhiễu hại lương dân... thì lập tức dâng sớ đàn hặc ngay”.
Nhà vua còn dặn thêm với các ngôn quan: “Kẻ nào cứ ngồi nhìn mà dung túng, chỉ giỏi trò vặt, cùng là nói hão không đâu, thì phải chiếu luật trị tội. Lại như các quan vào sân điện, nếu để áo, mũ, cân đai không đúng phép, đi lại ngang dọc không theo đúng lễ phép, thì ngôn quan không được coi là phận sự của mình mà đàn hặc, vì việc ở điện đình đã có Tổng quan và Chỉ huy sứ năm quân Thiết đột, Ngự tiền Thiết đột, Nội mật viện xét hoặc...”.
Vua được coi là "con Trời", thay Mặt trời cai trị muôn dân, nên mỗi khi trời giáng tai dị, các vua thời xưa thường cho rằng, trời trách phạt mình nên quan tâm sử đức.
Cụ thể, tháng 5 năm Mậu Ngọ (1438), vua Lê Thái Tông vì thấy có nhiều tai dị bèn xuống chiếu cho thần dân cả nước cầu lời nói thẳng. Trong chiếu, vua viết: "Những tai dị đó phải chăng có nguyên nhân ở việc vua không lo sửa đức để mọi việc bê trễ, do quan tể phụ bất tài xếp đặt không điều hòa; do nạn hối lộ công khai mà hình ngục có nhiều oan trái; do làm nhiều công trình thổ mộc để sức dân mệt mỏi; do thuế khóa nặng nề mà dân túng thiếu. Vậy tất cả các đại thần, các quan viên văn võ các ngươi nên chỉ ra những lỗi lầm kể trên, cứ thẳng thắn nói hết, đừng kiêng nể gì. Nếu có điều gì tiếp thu được, nhất định sẽ khen thưởng cất nhắc. Dẫu có ngu đần vu khoát, cũng không bắt tội. Ngõ hầu có thể xoay chuyển được lòng trời, chấm dứt được tai biến, để nước nhà mãi mãi hưởng phúc lớn vô cùng vậy”.
Năm 1443, vua Lê Nhân Tông lên ngôi, nhà vua mới có 1 tuổi, Thần phi Nguyễn Thị Anh được tôn làm Hoàng Thái hậu, buông rèm chính sự. Thái hậu đã thay mặt vua xuống chiếu cầu lời nói thẳng từ đại thần và nhân dân để giúp vua giữ yên đất nước.
“Mới rồi trời hiện điềm tai biến như sao sa, động đất. Trẫm rất lo sợ, suy nghĩ nguyên nhân tai biến, không biết bởi đâu. Có phải vì trẫm mới cầm quyền, chưa biết giảm nhẹ lao dịch, thuế khóa, có điều không lợi cho dân không? Hay là phụ quốc đại thần điều hòa trái lẽ nên khí âm dương không hài hòa mà đến thế chăng? Hay là việc ngục tụng không công bằng, hối lộ công khai, xử án còn nhiều oan uổng mà đến nỗi thế chăng? Hay là chức thú lệnh chưa được người giỏi, làm bừa trái phép, nhiễu hại dân chúng mà đến nỗi thế chăng? Hay là bọn cung nữ oán hờn chưa thả chúng ra nên hại tới hòa khí mà đến nỗi thế chăng? Có phải là bọn gièm pha âm mưu xảo quyệt, để công thần chịu oan khuất chưa được rửa oan mà đến nỗi thế chăng? Hay là vì bày việc thổ mộc, xây dựng cung điện chăng? Kẻ tiểu nhân được tiến dùng, còn người quân tử phải lui ẩn chăng? Đường nói năng bịt kín mà ơn trên bị che lấp chăng. Bọn phi tần lộng hành mà cửa sau bỏ ngỏ chăng. Lệnh cho khắp quan lại, quân dân, đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể xoay được lòng trời, dập hết tai biến, hãy thẳng thắn nói ra, chớ nên ẩn giấu, để giúp trẫm sửa những điều thiếu sót”.
Vào thời vua Lê Thánh Tông, tháng 4 năm Nhâm Ngọ (1462), khi có tai biến về mưa đá, sấm chớp, nhà vua cũng xuống chiếu cầu nói thẳng. Sử không ghi chép lại nội dung tờ chiếu, song cho biết một số chi tiết bổ sung. Ngay sau khi vua ban chiếu, quan Đô úy là Hoàng Thanh đã dâng tờ sớ trình bày ý nguyện gồm 7 điều, trong đó có mấy điều thẳng thắn khuyên vua tiết kiệm của dùng để chi cho kinh phí, thận trọng chức thú lệnh (quan cai trị phủ, huyện) để chăn dân. Cả 7 điều trên, vua đều tiếp nhận cả.
Chúa Trịnh, chúa Nguyễn, vua nhà Nguyễn cũng cầu nói thẳng
Thời Lê Trung Hưng, các chúa Trịnh cũng thẳng thắn yêu cầu các quan dâng nói thẳng. Như tháng 5 năm Canh Tý (1720), vì đại hạn, chúa Trịnh Cương trưng cầu lời nói thẳng, “cho phép văn võ bách quan được dâng thư niêm phong điều trần về chính sự, cứ nói rõ ràng hết lời về việc được, việc hỏng, việc hay, việc dở, không được giấu giếm kiêng kị”.
Ở Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Chu cũng được bộ sử nhà Nguyễn là Đại Nam thực lục chép là "chiêu hiền đãi sĩ, cầu nói lời hay, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế mà giao dịch, bớt việc hình ngục”, nhờ đó “trăm họ không ai không vui mừng”.
Đến thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng đã sáng tác bài thơ “Tự huấn” (tự răn mình) luôn biết lắng nghe lời nói thẳng. Bài thơ dịch nghĩa là “Đạo vua phải lắng nghe/ Luôn phân biệt tà chính/ Tin dùng lẽ thẳng ngay/ Chớ nghe lời xu nịnh/ Kẻ gian lo nhà mình/ Người trung chăm triều chính/ Sai một li - một dặm/ Ngày đêm lòng như kính”.
Năm 1820, Vua Minh Mạng cũng viết chiếu cầu lời nói thẳng: “Trẫm nghe đường ngôn luận mở rộng thì nước mới trị... Vua muốn nghe lỗi của mình, tất phải đợi ở tôi ngay. Vậy cho các văn võ ở kinh từ tứ phẩm trở lên, các quan thành dinh trấn ở ngoài đều lo cố gắng, đua nhau đối đáp rõ rệt, hoặc lỗi chính ở trẫm, về kính đức nối sáng có thiếu, về nhân ân yêu giữ chưa tròn... Lại phàm nghe thấy chính sự có thiếu sót, dân tình có khổ sở, đều cho dùng phong bì mà tâu thực lên... để vua tôi sửa chữa lẫn nhau...”.
Vào năm Giáp Thân (1824), tháng 3, kinh đô nắng to, trời lâu ngày không mưa, vua Minh Mạng liền sai quan làm lễ cầu đảo nhưng không thấy mưa xuống. Vua lo lắng nói với các đại thần: "Từ khi trẫm lên ngôi đến nay, không ngày nào là chẳng lấy sinh dân làm lo, sao lại gặp hạn này vậy. Hay là về chính trị có thiếu sót chăng? Trẫm thấy các vua đời trước, gặp tai biến thì xuống chiếu trách mình và cầu lời nói thẳng. Ôi! Lỗi của mình thì mình tự trách vậy, sao lại phải xuống chiếu; đến việc cầu lời nói thẳng là một việc hư văn. Trẫm ngày thường vẫn mong những thần hạ đều được nói hết lời, há phải đợi đến có thiên biến rồi mới cầu lời nói thẳng hay sao?”.
Sử sách chép lại, vào đời Vua Thiệu Trị, tháng 4/1843 bầu trời phía Tây Bắc xuất hiện khí trắng kỳ lạ. Nhà vua cảm thấy bất an cho xã tắc mà ban chiếu có đoạn “Trẫm về nhân đạo và hiếu đạo không có chỗ thiếu sót, sao lại đến thế? Vậy ra lệnh cho thần liệu trong ngoài nói hết những lời của trẫm”.
Xem thêm: Vua, chúa nước Việt thời xưa coi trọng phong thủy đến mức nào?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận