Vì sao hàng phong lá đỏ chết khô trên tuyến đường được kỳ vọng lãng mạn nhất Thủ đô?
Dẫu đang trong mùa sinh trưởng tốt nhưng hàng cây phong lá đỏ trên tuyến phố Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh lại trơ trọi lá, không sức sống. Trong đó có nhiều cây đã chết.
Theo báo Tuổi trẻ, sáng 6/4, hàng phong lá đỏ được trồng trên tuyến phố Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh (262 cây) gần như trơ trọi lá, không có sức sống, nhiều cây khô như cành củi. Thậm chí có không ít cây đã chết.
Được biết, cây phong lá đỏ được trồng từ năm 2018, nằm trong chủ trương của Hà Nội về chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh (giai đoạn 2016 - 2020). Những cây phong lá đỏ được trồng trên tuyến phố Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh với hy vọng sẽ mang lại cho Thủ đô một diện mạo mới.
Trong 2 năm đầu, cây phong lá đỏ vẫn sinh trưởng ổn định, song lá không chuyển hẳn sang màu đỏ như kỳ vọng. Vào năm 2020, nhiều cây phong lá đỏ trên đường Trần Duy Hưng và Nguyễn Chí Thanh có hiện tượng rụng lá, chết khô. Thậm chí cây nứt toác thân khi trời chuyển sang đông.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây; trên tuyến phố Trần Duy Hưng trồng 143 cây. Bước đầu đơn vị này nhận định cây phong chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội. Trong đó có 45 cây đã chết.
Còn 217 cây sống hiện trạng sinh trưởng, phát triển kém. Sau một thời gian lá héo, cành, nhánh bị khô, hay bị sâu bệnh. Trước thực tế đó, Sở Xây dựng đã đề xuất thay thế toàn bộ hàng cây phong lá đỏ trên và được UBND TP Hà Nội chấp thuận.
Lý giải về việc phong lá đỏ không thích hợp để trồng ở Hà Nội, ông Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Công viên cây xanh Việt Nam cho biết: Phong lá đỏ là cây ôn đới, quen sống trong khí hậu lạnh, không thể thích nghi với môi trường đô thị nhiệt đới nắng nóng, mưa nhiều. "Trước khi trồng cây phong lá đỏ, đơn vị đã không nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng, khí hậu Hà Nội nên cây chết là tất yếu", ông Chính nói thêm.
Cũng theo ông Chính, trước đây khi người Pháp trồng cây xanh ở Hà Nội họ đã nghiên cứu rất cụ thể khu vực nào, tuyến đường nào trồng cây gì, tán cao hay thấp, đường rộng hay hẹp để trồng cây cho phù hợp.
Còn GS.TS Lê Đình Khả - nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp phân tích: Việc thay thế phong lá đỏ tại 2 tuyến phố trên đáng lẽ phải thực hiện từ lâu. Đến nay cây chết khô mới thay là quá muộn, ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố.
Ông Khả đánh giá: "Sai lầm lớn nhất của Hà Nội là chọn cây nhưng không trồng thử đã đưa vào trồng với số lượng lớn dù chưa biết gì về phong lá đỏ. Nguyên tắc lớn nhất của một loài cây khi đưa vào trồng là phải trồng thử trong 3-4 năm xem nó phát triển như thế nào. Mua cây giống thì đắt tiền, công chăm sóc lớn, bây giờ thay thế, quá lãng phí.
Còn về việc trồng cây bàng lá nhỏ thay phong lá đỏ, ông Khả đánh giá: Loài cây này có khả năng thành công cao hơn, sinh trưởng tốt hơn. Song bản thân ông cũng vẫn muốn trồng những cây có nguồn gốc trong nước.
"Như loài lá đỏ, tôi thấy có lộc vừng rất đẹp, mùa hè lá xanh tươi, tới mùa đông chuyển sang xuân, lộc vừng chuyển lá đỏ rất đẹp mắt, sau đó đâm chồi nảy lộc xanh tươi vào mùa xuân", ông Khả chia sẻ.
Trước thực trạng phong lá đỏ chết khi được trồng trên tuyến phố Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất UBND thành phố Hà Nội trồng thay thế bằng bàng lá nhỏ.
Ngày 5/4, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay UBND thành phố đã chấp thuận đề xuất thay thế cây phong trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng bằng toàn bộ cây bàng lá nhỏ, đường kính thân 10-15 cm; chiều cao vút ngọn 6-8 m.
Chuyên gia lý giải hiện tượng thời tiết Sài Gòn nóng 36 độ C nhưng cảm giác như 38 - 39 độ C
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận