Triết lý giúp cậu bé nghèo Kim Beom-su trở thành tỷ phú tự thân giàu nhất Hàn Quốc
Vào tháng 7/2021, Kim Beom-su đã soán ngôi giàu nhất Hàn Quốc từ "thái tử" Samsung. Câu chuyện của ông chủ Kakao cho thấy, những tỷ phú tự thân đang từng bước vượt mặt người thừa kế của các tập đoàn khổng lồ.
"Con tàu an toàn nhất khi nằm trong bến cảng, nhưng đó không phải mục đích nó được ra đời" - triết lý giúp Kim Beom-su trở thành người giàu nhất "xứ kim chi".
Hồi ức nghèo khó
Theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index công bố hôm 6/8 cho thấy, ông Kim Beom-su (Brian Kim) - cha đẻ của ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Hàn Quốc KakaoTalk - là người giàu nhất nước này với khối tài sản 13,4 tỷ USD, vượt qua phó chủ tịch Samsung Electronics, ông Lee Jae Yong.
Cũng theo Bloomberg, tài sản của ông Kim đã tăng hơn 6 tỷ USD chỉ tính riêng trong năm 2021, khi cổ phiếu của Kakao tăng 91% nhờ niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng như kế hoạch ra mắt công ty con.
Ở tuổi 55, tỷ phú Kim Beom-su có tất cả. Thế nhưng ít ai biết được, thời còn trẻ, ông từng là một đứa trẻ xuất thân trong gia đình rất bình thường, thậm chí là nghèo khó.
Kim Beom Su sinh trưởng trong gia đình không khá giả. Ông từng phải ở chung phòng với 7 thành viên trong nhà. Cha mẹ ông đều không học quá tiểu học. Cha làm công nhân, mẹ làm phục vụ trong khách sạn.
Hồi ức của Kim là những chuỗi ngày lớn lên trong cảnh nghèo khó. Cả gia đình gần chục người chen chúc trong một phòng ngủ tồi tàn ở khu phố nghèo tại Seoul. Để nuôi con, cha mẹ đã phải làm rất nhiều công việc khác nhau.
Kim Beom-su là người đầu tiên trong gia đình được học đại học. Vào năm 1986, ông đỗ Đại học Quốc gia Seoul (hay còn gọi là Harvard của Hàn Quốc). Để trang trải học phí đắt đỏ của ngôi trường này, ông phải đi dạy thêm. Nhưng tại mái trường này, ông đã lần đầu tiên được tiếp xúc với chiếc máy tính của 1 người bạn và nó đã mê hoặc ông: "Đó là lần đầu tiên tôi biết về Internet và thế giới kết nối".
Công việc đầu tiên của ông là phát triển dịch vụ truyền thông trực tuyến tại Samsung. 5 năm sau, ông quyết định rời công ty để mở một tiệm cà phê internet, đồng thời phát triển trò chơi trên mạng xã hội mang tên Hangame. Và trò chơi này sau đó sáp nhập với công cụ tìm kiếm Naver để trở thành cổng thông tin điện tử lớn nhất Hàn Quốc (NHN).
"Những ngày đầu, tôi làm việc cả ngày lẫn đêm với tư cách vừa là quản lý, vừa là lập trình viên. Có những hôm, tôi đến phòng tắm lúc sáng sớm và bật khóc. Tôi rất tự hào về việc mình đã tự khởi nghiệp kinh doanh, nhưng tôi cũng sợ rằng mình có thể không trả được lương cho nhân viên", tỷ phú Kim Beom-su nhớ lại.
Bản thân Kim Beom-su cũng là người rất mê game, đặc biệt là trò chơi Diablo của nhà sản xuất Blizzard. Trong một bài phỏng vấn với Financial Times năm 2015, ông từng đùa rằng cuộc đời có thể đã khác nhiều nếu ông không được chơi game khi đang trưởng thành.
"Khi lên mạng, bạn sẽ được trải nghiệm những thức rất khác biệt so với đời thực. Khi bảo vệ thành và chiến đấu với kẻ thù, bạn sẽ học được những kỹ năng giải quyết vấn đề bằng cách tạo nên những chiến lược sáng tạo và phối hợp với đồng đội", ông Kim kể lại.
Sau khi dẫn dắt NHN trong 5 năm, ông KIm chuyển đến Thung lũng Silicon, California, Mỹ vào năm 2005 để tìm kiếm cơ hội cho công ty tại thị trường này. Tuy nhiên, điều đó khó khăn hơn ông nghĩ. Trong lá thư từ chức năm 2007, ông viết: Con tàu an toàn nhất khi đậu trong bến cảng, nhưng đó không phải là mục đích ra đời của nó".
Rời NHN, ông Kim bị mê hoặc bởi các ý tưởng liên quan đến iPhone nên cùng các đồng đội mới trở lại Hàn Quốc để theo đuổi sự nghiệp phát triển các ứng dụng cho nền tảng này của Apple - hai năm trước khi chiếc điện thoại được giới thiệu tại quốc gia này vào tháng 11/2009.
Trở về và thành công với KakaoTalk
Vào năm 2010, công ty của ông ra mắt ứng dụng KakaoTalk. Đây là một ứng dụng liên lạc OTT được 3/4 dân số Hàn Quốc sử dụng. Nói một cách dễ hiểu hơn, cứ 4 người Hàn Quốc thì có 3 người dùng các dịch vụ của Kakao.
Sau khi sáng lập Kakao, Kim Beom-su yêu cầu các nhân viên gọi mình bằng tên tiếng anh là Brian. Mọi nhân viên đều sử dụng tiếng Anh ở công ty. Ông cho rằng, đây là cách để vượt qua cấu trúc cấp bậc khắt khe ở Hàn Quốc.
Ông Kim Beom Su cũng là có nhiều ý kiến chỉ trích về hệ thống giáo dục của Hàn Quốc là cứng nhắc và thiếu sáng tạo. Ông cho rằng, trường học ở Hàn Quốc chỉ dạy bọn trẻ cách để đỗ đại học, thứ không hề kích thích một chút sáng tạo nào.
Theo truyền thông Hàn Quốc, ông Kim có cả con trai và con gái. Con trai ông đang du học ở Mỹ, còn con gái đang tự học ở nhà.
Kim Beom-su đã ký vào một bản cam kết của quỹ Giving Pledge, do các tỷ phú Warren Buffett, Bill Gates và Melinda Gates tạo ra. Cam kết này buộc người ký quyên góp phần lớn tài sản để giải quyết các vấn đề xã hội.
"Sau khi đạt được sự thành công như bây giờ, tôi cảm thấy trống rỗng và mất phương hướng", vị tỷ phú chia sẻ. Kim cho rằng sự nghèo khổ thuở còn thơ bé đã giúp ông có được lòng trắc ẩn với những người khó khăn hơn mình.
Tỷ phú tự thân soán ngôi người thừa kế của các tập đoàn khổng lồ
Sự thành của Kim Beom-su là ví dụ cho thực trạng những tỷ phú tự thân đang dần từng bước vượt mặt các tập đoàn khổng lồ nắm giữ nền kinh tế Hàn Quốc bấy lâu nay. Kim Beom Su thành lập Kakao vào năm 2006 và tạo ra KakaoTalk 4 năm sau. Nền tảng nhắn tin này đã có trên 53 triệu người dùng trên toàn cầu, trong đó 88% là người Hàn Quốc.
Tập đoàn Kakao, từ ứng dụng tin nhắn đã bành trướng sang các lĩnh vực khác như ví điện tử, ngân hàng và giờ là các trò chơi điện tử hay ứng dụng gọi xe. Giờ đây họ là công ty lớn thứ 4 của Hàn Quốc, với giá trị xấp xỉ 58 tỷ USD.
"Chiến thuật của Kakao là mở rộng quy mô kinh doanh bằng cách liên tục thu hút vốn đầu tư. Điều này cho thấy IPO là cách nhanh và mượt mà nhất", Hyunyong Kim, nhà phân tích của tập đoàn Hyundai Motor Securities chia sẻ.
KakaoBank là ứng dụng cho vay trực tuyến mà Kakao đang nắm 32% cổ phần, cũng sẽ IPO trong tháng tới. Công ty dự định sẽ huy động số vốn ở mức 2,3 tỷ USD (2,6 nghìn tỷ won). Trước đó, đơn vị gaming Kakao Games cũng đã huy động được số vốn 384 tỷ won trong một kỳ IPO.
Đại dịch COVID-19 đã tạo điều kiện cho KakaoTalk tăng trưởng vượt bậc do người dân hạn chế gặp mặt nhau trực tiếp. Lợi nhuận của nền tảng này đã tăng gấp ba lần lên đến mức 209 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2021 so với năm ngoái.
Xem thêm: Khi giới siêu giàu Hàn Quốc cam kết cho đi phần lớn tài sản
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận