Sử Việt có 1 nhân vật giỏi hơn cả Tào Tháo, nhờ công của ông mà nước ta tránh khỏi nội chiến thế kỷ 13
Nếu không có nhân vật quyết đoán, mưu cao này thì nước Việt hồi thế kỷ 13 đã rơi vào vòng xoáy nội chiến liên miên, rồi từ đó tạo ra lỗ hổng lớn để ngoại bang xâm lược, nhân dân hứng chịu cảnh lầm than.
Nhân vật lịch sử quan trọng mà Sống Đẹp muốn nhắc đến trong bài viết này chính là Trần Tự Khánh (? - 1223). Ông là viên tướng trứ danh trong thời kỳ suy vong của triều đại nhà Lý. Ông chính là người lãnh đạo chính thống buổi đầu giành quyền lực của nhà Trần.
Trước đây từng có ý kiến so sánh Trần Tự Khánh với Tào Tháo (thời Tam Quốc). Táo Tháo mượn danh nhà Hán để đánh bại các thế lực cát cứ như Viên Thiệu, Viên Thuật, Lã Bố... để đặt nền móng cho nhà Ngụy sau này. Nhưng Tự Khánh còn giỏi hơn Tào Tháo ở chỗ, ông thống nhất được nước Việt. Còn Tào Tháo cuối đời vẫn không làm gì được Lưu Bị, Tôn Quyền.
Và điều quan trọng hơn là, Trần Tự Khánh đã có công lớn trong việc giúp Đại Việt tránh khỏi cuộc nội chiến hồi thế kỷ 13, hàn gắn lòng dân để không bị ngoại bang nhân cơ hội nhòm ngó, quấy phá.
Nói về đại công của Trần Tự Khánh, sử chép: Năm 1214, sau khi bất thành trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của đương kim hoàng thượng Lý Huệ Tông thì Tự Khánh đã dựng con vua Lý Anh Tông là Huệ Văn vương (tức chú của Lý Huệ Tông) lên ngôi.
Nước cờ lập Huệ Văn vương lên ngôi vua là cách để Tự Khánh tạo chính danh cho mình, để người trong nước khỏi coi ông là phản loạn. Đây chính là kiểu mà kẻ khởi loạn trước là Quách Bốc lập Lý Thẩm (anh của Lý Huệ Tông) lên ngôi để đấu lại với Lý Huệ Tông.
Việc một nước có 2 vua thì sẽ dẫn đến loạn lạc lâu dài. Bài học có thể thấy từ việc khá giống bên Trung Quốc khi Bắc Ngụy Hiếu Vũ Đế Nguyên Tu bất mãn với sự kìm kẹp của quyền thần Cao Hoan đã chạy sang địa bàn của sứ quân Vũ Văn Thái.
Cao Hoan thấy vậy bèn lập người em họ của Nguyên Tu là Nguyên Thiện Kiến lên ngôi, sử gọi là Đông Ngụy Hiếu Tĩnh Đế. Miền bắc Trung Quốc đầu thế kỷ thứ 6 bị phân liệt thành Đông Ngụy của Nguyên Thiện Kiến và tây Ngụy của vua cũ Nguyên Tu, rồi Đông Ngụy thành Bắc Tề, Tây Ngụy thành Bắc Chu. Rốt cuộc phải đến năm 581 thì Tùy Văn Đế mới thống nhất lại được. Quá trình thống nhất như vậy phải trả giá bằng rất nhiều xương máu của người dân.
Sử Việt sau này cũng có giai đoạn phân liệt như vậy. Đầu thế kỷ 16, khi Mạc Đăng Dung trở thành quyền thần, lấn át ngôi vua thì Lê Chiêu Tông không chịu nổi. Đến năm 1522, Chiêu Tông chạy sang huyện Minh Nghĩa ở Sơn Tây (vùng đất thuộc Hà Tây cũ), lúc đó, ông mưu ngầm với bọn Phạm Hiến, Phạm Thứ, sai người đem mật chiếu vào Tây Kinh bảo Trịnh Tuy nghênh viện.
Ngày hôm sau, Đăng Dung nghe tin liền cho người đuổi theo nhưng Chiêu Tông quyết chống trả, chạy vào thành Tây Kinh. Trong kinh thành, Mạc Đăng Dung cùng Thái sư Lượng quốc công Lê Phụ và các công hầu lập em của Chiêu Tông là Lê Xuân lên ngôi.
Dù Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung bắt và ám sát thì cái nền móng ông gây dựng vẫn được các cựu thần nhà Lê phát huy. Nước Việt kể từ đó rơi vào cuộc nội chiến Lê - Mạc rồi Đàng Ngoài - Đàng Trong khiến máu đổ, nhân dân rơi vào đau khổ cho đến khi vua Gia Long thống nhất đất nước, thông suốt từ Nam ra Bắc.
Trở lại với bối cảnh của Trần Tự Khánh thời điểm lập Huệ Văn vương làm vua. Nếu tình trạng đất nước 2 vua cùng việc các sứ quân nhao nhao nổi lên như nhà Bắc Giang vương Nguyễn Nộn, Hiền Tín vương Lý Bát, Hồng hầu Đoàn Văn Lôi, Hà Cao ở Quy Hóa thì mảnh đất Việt Nam nhỏ bé khi ấy sao tránh khỏi cảnh máu thành sông, xương trắng đồng.
Nguy hiểm nhất là nếu không kịp thống nhất tạo thành một khối vững chắc thì chẳng mấy chốc nước Việt sẽ trở thành con mồi béo bở cho vó ngựa phương Bắc. Nhưng may mắn thay, Trần Tự Khánh đã đưa ra quyết sách sáng suốt với nước cờ cao tay để nhanh chóng ổn định lại cục diện.
Theo đó, Trần Tự Khánh vừa đánh dọa Lý Huệ Tông nhưng lại chìa tay ngỏ ý đón vua về. Hành động có tính biểu tượng cao nhất của Tự Khánh là việc tháng 11/1215, đem trả vua cái mũ bình thiên. Mũ bình thiên là mũ chỉ vua được dùng và Khánh lấy được nó trong một lần đánh vào cung. Hành động này ngầm cho nhà vua hiểu Khánh vẫn coi Huệ Tông là vua.
Đến tháng Giêng năm 1216, Huệ Tông cùng với Đàm Thái Hậu ngự ở thảo điện để thị triều. Trần Tự Khánh trả lại cái ghế bằng vàng. Hành động này có tính chất biểu tượng hệt như việc trả mũ bình thiên. Thông điệp của Tự Khánh rõ ràng khi lặp lại 2 lần và Huệ Tông bắt đầu suy nghĩ đến chuyện hợp tác với họ Trần.
Tự Khánh còn có một hành động quyết đoán để làm yên lòng Huệ Tông ấy là phế Huệ Văn vương từng được Khánh dựng lên 2 năm trước. Trầm Tự Khánh coi như bỏ quân bài quan trọng để giữ chính danh cho mình trong 2 năm để đổi lấy lòng tin của Huệ Tông.
Có ý kiến cho rằng, thông tin "tình báo" từ cô em Trần Thị Dung đang làm Hoàng hậu của Huệ Tông cũng đã hỗ trợ đắc lực để Tự Khánh đi nước cờ mạo hiểm này.
Lúc này, vua Huệ Tông vẫn chưa thực sự tin tưởng Khánh. Ông làm thêm một phép thử nữa là vào tháng 5/1216, sai sứ xin binh của Trần Tự Khánh để đánh Đỗ Nhuế. Tự Khánh phụng chiếu đi ngay. Đỗ Nhuế khi ấy chạy về với Nguyễn Nộn.
Sau khi nhận những tín vật quan trọng thấy sức mạnh của quân đội họ Trần, Lý Huệ Tông có ý trở về nương náu với nhà Trần. Và thêm một lý do khác khiến Huệ Tông quyết tâm nhờ anh vợ Tự Khánh là do thúc ép của Trần Thị Dung.
Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chép: "Thấy Tự Khánh là người phản trắc, Thái hậu nhiều lần chỉ vạch phu nhân là bè đảng của giặc, khuyên nhà vua ruồng bỏ, nhưng nhà vua không nghe. Thái hậu bắt phu nhân phải tự sát, nhưng nhà vua ngăn cản lại. Thái hậu lại bỏ thuốc độc vào các món ăn, thức uống của phu nhân. Cứ mỗi bữa ăn, nhà vua lại chia sẻ cho phu nhân một nửa và cho cùng ở chung, chứ không để rời khỏi bên mình. Rồi đang đêm, nhà vua cùng với phu nhân vi hành lén đi".
Đại Việt sử ký toàn thư thì chép rõ hơn cảnh Tự Khánh đón vua về: "Ngày Giáp Thìn (tháng 5/1216), nhà vua cùng với phu nhân là Trần thị, ban đêm sang trại quân Thuận Lưu để theo về với Trần Khánh. Ngày hôm sau nhà vua gặp viên tướng của ngài là Vương Lê đem thuyền đến đón. Lúc bấy giờ Thái hậu và con của nhà vua là Công chúa đều lẫn tránh ở Ô Kim. Trần Tự Khánh thấy nhà vua thì mừng rỡ lắm. Các tướng sĩ đều đánh trống, nhảy múa hoan hô nhà vua".
Khi Huệ Tông đồng ý hợp tác, họ Trần đã có danh chính ngôn thuận để đánh bại các thế lực cát cứ. Tự Khánh cùng Thượng tướng quân Phan Lân chỉnh đốn quân đội, rèn đúc vũ khí, luyện tập binh sĩ, khí thế quân đội khi ấy dâng cao, phấn chấn đi đánh phản loạn. Tình hình kinh thành tạm ổn định. Tự Khánh rước Huệ Tông về Thăng Long.
Vào tháng 6/1217, Đoàn Thượng đem lực lượng ra hàng, được phong tước vương. Tháng 6 năm sau, Trần Thừa và Trần Tự Khánh gả em gái Trần Thị Tam Nương cho Đoàn Văn Lôi (tước Hồng hầu) thu phục đất Hồng Châu. Hôn sự này đã giúp họ Trần loại bỏ được thế lực cát cứ lớn nhất là họ Đoàn. Tự Khánh chuyển sang đánh Nguyễn Nộn ở Bắc Giang, quân Nộn thua to. Năm sau các tướng của Nộn đều ra hàng.
Chưa dừng lại, Tự Khánh còn đánh dẹp, thu phục lực lượng cát cứ ở Quốc Oai, Cam Giá. Cá ấp ở Phong Châu đều ra hàng. Nguyễn Bát (Hiền Tín vương) ở Từ Liêm (Hà Nội ngày nay) phải bỏ chạy lên vùng thiểu số An Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc). Hà Cao ở Quy Hóa không chạy thoát, Cao cùng vợ con thắt cổ chết. Đến tháng 5/1220, chấm dứt hoàn toàn nạn cát cứ ở các địa phương. Đất nước trở lại yên bình.
Nhờ Trần Tự Khánh thống nhất được đất nước từ 1220 mà nhà Trần có thời gian nuôi sức dân, hàn gắn lòng người để có sức mạnh đối chọi với vó ngựa Nguyên Mông sau này.
Xem thêm: Trần Tự Khánh mới là tay đội trời đạp đất thúc đẩy chuyển giao thiên hạ từ Lý sang Trần
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận