Trần Tự Khánh mới là tay đội trời đạp đất thúc đẩy chuyển giao thiên hạ từ Lý sang Trần

Trần Tự Khánh mới thực sự là tay gian hùng số 1 trong việc thúc đẩy công cuộc chuyển giao quyền lực từ tay nhà Lý sang nhà Trần. Trần Thủ Độ chỉ là người hoàn tất công đoạn cuối cùng.

Đỗ Thu Nga
09:00 07/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sách “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục” chép, việc Trần Thủ Độ được bổ nhiệm làm Điện tiền chỉ huy sứ (thời vua Lý Huệ Tông) chính là yếu tố chuẩn bị cực kỳ quan trọng trong việc nhà Trần soán lấy thiên hạ của nhà Lý. Sau đó, Trần Thủ Độ sử dụng cuộc "hôn nhân chính trị" giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh để từ từ khiến người họ nhường ngôi con cháu nhà Trần.

Tuy nhiên, khi nhắc đến cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử này cũng có một số cứ liệu cho rằng, Trần Thủ Độ chỉ là người  hoàn tất công đoạn cuối được đàn anh Trần Tự Khánh dọn đường từ trước. Trần Tự Khánh mới thực sự là tay gian hùng số 1 trong việc thúc đẩy chuyển từ Lý sang Trần.

Theo Một thế giới, trước khu đền Trần ở Nam Định là đường Trần Thừa (hay Trần Thái Tổ - người dựng cơ đồ cho nhà Trần). Bên cạnh đó còn có hai con đường nối với đường Trần Thừa là đường Trần Thủ Độ và Trần Tự Khánh. Đường Trần Thủ Độ to nhưng ngắn hơn còn đường Trần Tự Khánh nhỏ nhưng dài hơn. Có lẽ đó cũng là cách để nói về công trạng của các nhân vật thời đầu xây dựng cơ nghiệp họ Trần.

ai-la-nguoi-don-duong-cho-tran-thu-do-khoi-dung-nha-tran

Vai trò của Trần Thủ Độ rất rõ ràng khi chỉ một thời gian ngắn cầm quyền đã đổi ngôi vua từ Lý sang Trần. Trước đó, người đánh đông dẹp bắc một thời gian dài giúp nhà Trần trong giữ thiên tử, ngoài áp chư hầu là Trần Tự Khánh. Giai đoạn này thì ít được biết hơn.

Năm 1209, khi loạn Quách Bốc xảy ra thì vua Lý Cao Tông phải chạy ra ngoài còn thái tử Lý Sảm (sau là vua Lý Huệ Tông) phải nương nhờ Trần Lý (ông nội của Trần Thái Tông) và người em vợ của Lý là Tô Trung Từ. Trần Lý có 3 người con là Trần Thừa, Trần Tự Khánh và Trần Thị Dung. Nhờ sự giúp sức của họ Trần mà loạn được dẹp, Lý Cao Tông được trở về thành Thăng Long.

Tuy nhiên lúc này ở trung ương không còn kiểm soát được các phiên trấn nữa. Ba phiên trấn lớn khi đó là họ Trần, Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng. Ngoài ra còn có lực lượng tàn quân Quách Bốc, họ Hà ở miền núi phía Bắc, họ Phạm ở Hải Dương... 

Thời điểm ấy, họ Trần xây dựng được quân đội riêng với lực lượng mạnh nhưng chưa đủ để trấn áp các thế lực khác. Năm 1210, Trần Lý qua đời do tử trận trong các cuộc chiến với phiên chấn khác. Anh em Trần Thừa và Trần Tự Khánh đã thay cha lãnh đạo quân đội họ Trần.

Sử sách có chép, Trần Tự Khánh xuất sắc hơn về tài cầm quân. Trần Lý bị giặc giết chết, con thứ 2 là Tự Khánh lên thay, cai quản quân gia. Những năm sau này, Trần Tự Khánh là người nam chinh bắc chiến, đánh đông dẹp tây để giữ lãnh địa cho họ Trần và đưa dòng họ bước vào vũ đài lịch sử.

ai-la-nguoi-don-duong-cho-tran-thu-do-khoi-dung-nha-tran-0
Tranh minh họa về Trần Tự Khánh

Đến năm 1211, Lý Huệ Tông lên ngôi. Sách lập Trần Thị Dung là Nguyên phi; dùng cậu nguyên phi là Tô Trung Từ làm Thái úy Phụ chính; phong anh Nguyên phi là Trần Tự Khánh làm Chương Thành hầu (sử Nguyễn chép là Chương Tín hầu). Tháng 7 cùng năm, Tô Trung Từ đi thông dâm bên ngoài bị đánh chết nhưng quyền lực đến tay Tự Khánh không hề dễ dàng.

Thái hậu họ Đàm (mẹ của vua Huệ Tông) khi đó đã ngờ ngợ về dã tâm của họ Trần. Cuối năm 1211, Trần Tự Khánh rầm rộ réo binh đến đóng ở Tế Giang. Thái hậu nghe quân đến, ngờ rằng Trần Tự Khánh có ý phế vua.

Đứng trước tình cảnh bị nghi ngờ, Trần Tự Khánh đã cắt tóc căn thề với trời đất. Đồng thời sai công chúa Thiên Trinh (tức Trần Thị Dung) tâu với bà Thái hậu rằng là mình không có ý chi khác. Thái hậu cũng không tin.

Thời điểm đó, vua Lý Huệ Tông không có chủ kiến. Một mặt gioa hết binh quyền cho Trần Tự Khánh để dẹp loạn các phiên hầu và ra lệnh cho trăm quan văn võ đều phải nghe lệnh của Chương Thành hầu. Mặt khác lại nghe lời mẹ dễ dàng đổi ý với Tự Khánh.

Đến năm 1213, Đàm Thái hậu ngầm hẹn các tướng đánh úp quân của Trần Tự Khánh. Vị chiến tướng họ Trần vốn không phải người ngu trung nên khi bị đánh úp đã dẫn quân phản kích. Trong Đại Việt sử lược chép: Trần Tự Khánh dẫn quân vào cung cấm đốt cầu Ngoạn Thiềm rồi kéo về bến Đại Thông. Vì chuyện này, Huệ Tông lần đầu thân cầm quân đi đánh Tự Khánh nhưng không thành công.

ai-la-nguoi-don-duong-cho-tran-thu-do-khoi-dung-nha-tran-7
Vua Lý Huệ Tông

Sau sự việc đó, Tự Khánh tìm cách dàn hóa để về dưới trướng của Huệ Tông. Thậm chí ông còn dùng chiêu đút lót nhưng không thành. Sử chép: "Trần Tự Khánh thả Doãn Tín Dực (một viên sủng thần của Huệ Tông được Tự Khánh bắt nhưng tha chết trước đó) trở về kinh sư. Rồi nhân đó, Trần Tự Khánh đem nhiều của đút lót cho Doãn Tín Dực mà bảo Dực rằng: "Ông về đấy hãy khéo vì ta mà tâu trình cho ở vương cung được rõ cái lòng chung thủy, cái khí tiết của ta để ở đấy đừng có nghe theo lời sàm siểm của kẻ tiểu nhân, khiến cho tôi được bảo toàn tính mệnh nhé.  Doãn Tín Dực về đến kinh sư, nhà vua hỏi đến Trần Tự Khánh. Doãn Tín Dực tâu rằng, Trần Tự Khánh có lòng soán nghịch, nhà vua cùng Thái hậu càng oán ghét Khánh".

Không về được kinh sư, Trần Tự Khánh sẵn sàng đem quân đánh luôn kinh sư. Sử lại chép rằng: "Đầu 1214 Trần Tự Khánh hội họp các đạo binh lại mà thề nguyền tại miếu thờ Đỗ Thái úy ở Đông Phù Liệt để sắp muốn đánh kinh sư. Trần Tự Khánh chia quân ra làm hai đạo là thủy quân và lục quân. Sai Phan Lân và Nguyễn Nộn đem binh ở Quốc Oai theo con đường Bình Nhạc tiến đánh theo Lục Lộ. Trần Tự Khánh tự lãnh binh thuyền đóng ở sông Tha Mạc. Trần Thừa và Trần Tự Khánh đánh mặt hữu ngạn sông Lô. Trần Thủ Độ, Trần Hiến Sâm và Nguyễn Ngạnh đánh mặt tả ngạn sông Lô. Vương Lê, Nguyễn Cải đánh cầu Nổi thuộc bến Triều Đông".

Có thể nói rằng, thời điểm đó, Trần Tự Khánh đã nhận ra tài thao lược của Trần Thủ Độ nên mới giao việc chỉ huy quân ở tả ngạn còn mình thì chỉ huy quân hữu ngạn. Sau trận đó, Trần Tự Khánh cho Trần Thủ Độ giữ Lạng Ải - một cứ điểm rất quan trọng.

Vua Huệ Tông đã 2 lần cầm quân đánh Tự Khánh nhưng đều thua, các tướng bỏ chạy lên Lạng Châu. Mặc dù đánh thắng nhưng Tự Khánh vẫn xin về dưới trướng của Huệ Tông. 

Sử chép: Trần Tự Khánh cắt tóc sai người dâng cho nhà vua và tâu rõ ý mình rằng là: "Tôi thấy bọn tiểu nhân ở cạnh vua, chúng che lấp ngăn cản các bậc trung lương, dân tình thì uất ức không biết theo đâu mà chuyển đạt thấu lên trên. Cho nên nhân đó mà (tôi tụ họp) người trong nước khởi binh đánh bọn này, cắt bỏ gốc rễ của sự hiểm họa để làm yên lòng dân. Và, đến phận mệnh của vua tôi thì không dám một tí xúc phạm, lại há có cái ý quá ỷ vào việc chăm đánh dẹp đó hay sao! Chẳng ngờ là tôi đã khiến cho xa giá phải lẩn tránh chỗ khác. Tôi tự lượng biết thân tôi. Tội tôi thật đáng muôn chết. Xin bệ hạ hãy tạm nguôi cơn giận mà đưa xa giá trở về kinh sư".

ai-la-nguoi-don-duong-cho-tran-thu-do-khoi-dung-nha-tran-4
Tranh vẽ Thái sư Trần Thủ Độ

Trần Tự Khánh còn sai Đàm Kinh Bang đốc xuất trăm quan chuẩn bị pháp giả để đón vua về kinh. Khi đó, Huệ Tông có ý muốn về nhưng phe Thái hậu họ Đàm lại tìm cách can ngăn. Cuối cùng vua nghe lời Thái hậu không về với họ Trần dịp đó. Huệ Tông không về thì Tự Khánh lập tức có đối sách khác là lập vua Lý khác lên ngôi. 

Vào tháng 2/1214, Trần Tự Khánh triệu tập các bậc Vương tước và trăm quan đề nghị bàn về việc cải lập. Tiếp đó sai người đón con vua Anh Tông và Huệ Văn Vương ở Hạc Kiều về lập vua. 

Ngay sau đó thì sai người bắt người trong gia tộc của Thái hậu là bọn Đàm Kinh Bang. Tất cả đều bị trói thêm bằng dây thép rồi cầm tù ở Mỹ Lộc. Tháng 3, Huệ Văn Vương lên ngôi vua ở điện Thiên An. Đổi niên hiệu là Càn Ninh và lấy hiệu là nguyên Vương.

Việc lập vua mới khi vua cũ chưa truyền ngôi là đại nghịch bất đạo. Nhưng với Trần Tự Khánh thì ngôi vua như trò đùa, chỉ là vật tạo dựng vị trí của dòng họ ông. Sau này, Trần Tự Khánh cũng không ít lần lộng quyền trên triều để thiết lập vị trí cho họ Trần.

Cũng nhờ những bước đi trước của Trần Tự Khánh mà sau này, Trần Thủ Độ mới ép vua Huệ Tông phải nhường ngôi cho con gái Lý Chiêu Hoàng. Tiếp đó tạo ra cuộc hôn nhân chính trị của Chiêu Hoàng với Trần Cảnh. Và ép Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận khách quan rằng, bối cảnh của Trần Thủ Độ khi ấy là lúc nhà Trần gần như nắm hết binh quyền chứ không liều như Trần Tự Khánh dám cầm quân chống lại Huệ Tông, phế lập ngôi vua họ Lý trong lúc vẫn chỉ là một sứ quân. Và đó không phải là lần phế lập vua duy nhất mà Tự Khánh làm trong đời.

Xem thêm: Nước Đại Việt suýt tan nát nếu không có Trần Tự Khánh

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận