Lật lại “vụ án” tàn sát tôn tộc nhà Lý và thử minh oan cho Thái sư Trần Thủ Độ
Mỗi khi lật lại trang sử hai nhà Lý, Trần, hậu thế đều thấy hiện lên câu chuyện: Trần Thủ Độ tàn sát tôn tộc nhà Lý. Và cho đến nay, "vụ án" này vẫn đang được giải mã và vẫn chưa có hồi kết.
Thái sư Trần Thủ Độ (1194 - 1264) là người đoạt vương vị cho nhà Trần. Sử sách nhận xét, ông chính là người "đạo diễn" cho sự thay đổi triều đại. Ông cũng chính là người mang trọng trách gánh vác Hoàng triều nhà Trần thời kỳ đầu, mở ra một vương triều huy hoàng trong cả việc giữ nước, chống giặc ngoại xâm, lẫn việc xây dựng đất nước. Ông thực sự là một thiên tài quân sự với lòng trung quân, ái quốc tột độ. Và ông là người rất nghiêm minh, hết lòng phụng sự triều Trần cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Thế nhưng, mỗi khi lật lại trang sử hai nhà Lý, Trần lại hiện lên câu chuyện Trần Thủ Độ tàn sát tôn tộc nhà Lý, gây nhiều tranh cãi và hiện vẫn chưa có hồi kết.
Chúng tôi đã cố gắng tìm đọc sách sử, gặp gỡ các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử để tìm hiểu rõ thực hư và nhận thấy còn rất nhiều điểm nghi vấn, cần làm sáng tỏ. Có giả thuyết đề cập đến việc, Trần Thủ Độ có thể là cháu ngoại của vua Lý Anh Tông nên khó có chuyện ông tuyệt diệt hết người họ ngoại nhà mình.
Người Việt Nam vốn trọng họ ngoại chẳng kém gì họ nội nên trong sử sách hầu như không có chuyện chỉ biết họ cha mà quên họ mẹ. Cuối đời Lý, đầu đời Trần, ảnh hưởng của Nho giáo (vốn đặt nặng quan hệ phụ hệ) với người Việt không lớn trong khi ảnh hưởng của tư tưởng mẫu hệ từ dân gian vẫn còn rất mạnh. Vậy tại sao trong chính sử lại đề cập chuyện Trần Thủ Độ thảm sát họ Lý?
Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Tháng 8 (năm 1232), gió lớn, dân gian phát dịch lệ, nhiều người chết. Trần Thủ Độ giết hết tông thất nhà Lý. Khi ấy, Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tông, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng. Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết".
Theo tờ Một thế giới, chi tiết này có vẻ phù hợp với phát ngôn được cho là của Trần Thủ Độ với Lý Huệ Tông tại chùa Chân Giáo "nhổ cỏ nhổ tận gốc". Song nếu đối chiếu với một sự kiện trước đó thì lại thấy khó có chuyện Trần Thủ Độ thanh toán cả nhà họ Lý.
Bằng chứng là cũng theo chính sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì vào năm 1226, ngay khi Trần Cảnh đăng cơ thay Lý Chiêu Hoàng đã "đem bọn cung nhân và con gái tôn thất nhà Lý gả cho các tù trưởng người Mán".
Đây là cách nhà Trần học theo nhà Lý, dùng hôn nhân để ban ân, mua lấy sự trung thành của tù trưởng miền sơn cưới. Và kể từ năm 1226 đến 1232 (6 năm), một khoảng thời gian quá ngắn. Nếu nhà Trần giết sạch tôn thất họ Lý thì chẳng quá gây thù chuốc oán với các thế lực vùng sơn cước có quan hệ hôn nhân với nhà Lý hay sao? Thay vào đo, nhà Trần duy trì đối xử tử tế với người họ Lý để tiếp tục duy trì giao hảo với các thủ lĩnh vùng sơn cước.
Khi nhắc đến câu chuyện của Trần Thủ Độ với nhà Lý, trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử thần Ngô Sĩ Liên cũng tỏ ra nghi ngờ về sự kiện thảm sát này và để ngỏ ý kiến cho hậu thế phán xét như sau: Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa [Phan] Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây.
Trên thực tế, trong danh sách các trạng nguyên thời nhà Trần vẫn có người mang họ Lý. Cụ thể là Lý Đạo Tái (sinh năm 1245) đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ khoa thi năm 1272, thời vua Trần Thánh Tông. Sau đó được bổ nhiệm làm việc trong Viện Nội Hàn của triều đình, tiếp sư Bắc triều, nổi tiếng văn thơ. Sau này từ chức đi tu với pháp danh Huyền Quang, theo Trần Nhân Tông lê Trúc Lâm. Cùng với Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông và Pháp Loa, ông được xem là một Đại thiền sư của Việt Nam và người ta xem ông và hai vị nêu trên ngang hàng với 6 vị tổ của Thiền tông Trung Quốc hoặc 28 vị tổ của Thiền Ấn Độ.
Đến năm 1334, thời vua Trần Hiến Tông, Lý Đạo Tái viên tịch, thọ 80 tuổi. Thượng hoàng Trần Minh Tông sắc thụy là Trúc Lâm Thiền Sư Đệ Tam Đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả. Sở dĩ kể dông dài chuyện về Lý Đạo Tái như thế là để thấy nhà Trần cũng đâu xét chuyện lý lịch để cản đường công danh của người họ Lý mà còn trọng dụng là đằng khác.
Cũng có không ít ý kiến cho rằng, trên thực tế, nhà Trần không cần thiết phải xử lý người họ Lý vì thời điểm chuyển giao quyền lực là lúc họ đang cần thu phục nhân tâm, bao gồm cả các thủ lĩnh vùng sơn cước lấy con gái họ Lý. Thêm nữa, những người họ Lý khi ấy trong tôn thất đều là họ rất xa. Lý Huệ Tông lại là người không có con trai, các anh em của Lý Huệ Tông thì đã bị mẹ của Huệ Tông là Đàm Thái hậu ép chết để con trai bài thuận lợi đăng cơ. Người có đủ địa vị và uy tín nhất khi đó là hoàng tử Lý Long Tường đã rời nước Việt vào năm 1226.
Xét từ những dữ liệu trên thì thấy chẳng ai có đủ khả năng tranh ngôi báu của Trần Cảnh. Vậy nên, nhà Trần không cần phải tận diệt họ Lý làm xáo trộn nhân tâm, mua khó vào mình.
Vậy tại sao có chi tiết Trần Thủ Độ thảm sát trong bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư? Phải biết rằng, người chép sử thời Trần là Lê Văn Hưu - rất tài giỏi. Ông chép bộ Đại Việt sử ký toàn thư gồm 30 quyển, hoàn thành vào năm 1272 và được Trần Thánh Tông xuống chiếu khen ngợi. Nhưng khi nhà Minh xâm lược nước ta thì đã lấy hết sách sử mang về nước rồi thất lạc.
Sau này, nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã soạn lại sử thì cũng không có bản gốc và có nhiều chỗ dựa theo giai thoại nhân gian và để ra những khoảng trống để hậu thế suy ngẫm. Trong đó có đoạn Trần Thủ Độ thảm sát họ Lý.
Vậy vì sao các giai thoại dân gian lại chỉ trích Trần Thủ Độ nặng nề? Có thể thời gian trước nhiều người tưởng nhớ nhà họ Lý hoặc dư đảng của Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn sẵn sàng oán hận Trần Thủ Độ nên đã thêu dệt nên những câu chuyện khó về Thái sư. Hoặc cũng có thể do vào cuối triều Trần, người đời chán ghét Hồ Quý Ly chuyên quyền nên dùng giai thoại Trần Thủ Độ để chửi xéo Hồ Quý Ly. Dẫu gì thì Quý Ly cũng hành xử cứng rắn giống Thủ Độ và cũng đã sát hại gần hết tông thất nhà Trần để dọn đường cướp ngôi.
Trong bộ sử đề cập về đầu nhà Trần là An Nam chí lược của Lê Tắc có ghi chuyện liên quan đến họ Lý như sau: Lý Chiêu Hoàng lên ngôi được một năm, trao quốc chính cho chồng là Trần Nhật Cảnh. Tất cả tôn thất nhà Lý và bình dân họ Lý đều khiến đổi ra họ Nguyễn để dứt lòng dân trông nhớ. Đến nay họ Lý vẫn được tế tự luôn luôn.
Ở chi tiết này, có thể tin Lê Tắc ghi khá công bằng vì ông ở nước ngoài không bị chi phối bởi các thế lực liên quan đến việc chuyển giao Lý - Trần, khi chép sử. Một mặt, Lê Tắc vừa nói vụ nhà Trần ép người họ Lý phải đổi họ, nhưng mặt khác vẫn ghi chuyện người họ Lý được tế tự đến nay (nay tức là thời Trần Minh Tông - thời điểm Lê Tắc viết An Nam chí lược, mà người họ Lý vẫn còn được đến tông miếu thờ cúng). Hoàn toàn không có chi tiết nào cho thấy là Trần Thủ Độ thảm sát người họ Lý hết.
Ngày nay, hậu thế có cái nhìn khoan dung hơn về lịch sử thời xưa nên Trần Thủ Độ đã được tạc tượng, đặt tên đường. Song nếu để những chi tiết mơ hồ khiến hậu thế có những suy nghĩ định kiến về Trần Thủ Độ thì có lẽ chúng ta vẫn mắc nợ tiền nhân. Trong lúc chờ những sử liệu chính xác thì người có tâm với lịch sử cần có cái nhìn khái quát về cả một triều đại, cũng cần ghi nhận những công lao của Trần Thủ Độ với nhà Trần.
Lời bàn: Không phải mọi sử liệu trong Đại Việt sử ký toàn thư đều là "khuôn vàng thước ngọc". Vậy nên, khi trích dẫn, sao chép cần thận trọng, cân nhắc thấu đáo. Người cầm bút giống như vị quan tòa, hơn kém nhau ở con mắt và cái đầu. Mắt sáng để quan sát mọi sự vật. Cái đầu sáng để suy xét, làm rõ thực hư, không để nhầm lẫn, oan sai. Mắt mà không sáng nhìn không chính xác, đầu mà không sáng suy xét thiếu chuẩn mực, thấu đáo sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Vì thế, con cháu hậu duệ họ Trần rất mong các nhà sử học Việt Nam sớm vào cuộc để làm rõ câu chuyện của Trần Thủ Độ.
Đánh giá về Trần Thủ Độ, nhiều nhà viết sử có những góc nhìn khác nhau, có cả khen lẫn chê. Ông là người quyết liệt và mưu cao, kế sâu và nắm bắt được cơ hội khi triều Lý suy vi để lập nên vương triều Trần. Trước khi mất chỉ vài tháng, đã ở độ tuổi trên 70, Trần Thủ Độ vẫn dẫn người đi tuần nguồn sông ở Lạng Sơn. Chỉ chi tiết này thôi cũng chứng tỏ Trần Thủ Độ tận lực lo việc nước như thế nào, và vì sao Hoàng triều Trần hùng mạnh với 3 lần đánh tan giặc Nguyên Mông, có nhiều thành tựu trong xây dựng đất nước.
Xem thêm: Thái sư Trần Thủ Độ - vị "đạo diễn" khởi dựng triều Trần, có lòng trung quân, ái quốc tột độ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận