Trần Nguyên Đán đã cố gắng giữ cơ nghiệp nhà Trần thế nào?

Trần Nguyên Đán là một trong những vị quan có tâm, có tầm. Khi nhà Trần bước vào thời kỳ suy vi, ông đã cố gắng vận dụng tài học và tài xem tử vi của mình để giữ cơ nghiệp. Thế nhưng, mọi sự không thành.

Đỗ Thu Nga
10:00 31/03/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trần Nguyên Đán thuộc dòng dõi Hoàng thân quốc thích nhà Trần, tổ 4 đời là Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải (con vua Trần Thái Tông); ông nội là Văn Túc Vương Trần Đạo Tái học giỏi nổi tiếng.

Vào năm 14 tuổi, ông đỗ Bảng nhãn; thân phụ ông là Uy Túc công Trần Văn Bích giữ chức Nhập nội Thái bảo. Ông thích tìm hiểu về Đạo gia. Đặc biệt có tài xem tử vi. Tài này được truyền từ thời Huệ túc phu nhân. Ông cũng là người đặt nền móng sơ khai đầu tiên cho ngành thiên văn Việt Nam.

Tác phẩm "Bách thế thông kỉ thư" của Trần Nguyên Đán có ghi chép những nghiên cứu về thiên văn, chuyển động của các hành tinh cũng như các hiện tượng thiên văn dẫn đến những biến chuyển ở nhân loại từ cổ đại đến tận thời nhà Trần. Tiếc rằng, sau khi quân Minh đánh bại nhà Hồ đã hủy mất quyển sách quý giá này.

Sách "Nam ông mộng lục" của Hồ Nguyên Trừng có viết rằng: "Ông thông hiểu lịch pháp, thường xem sách thông kỷ trăm đời, ngược lên khảo đến Giáp Thìn vua Nghêu, vua Thuấn xuống nhà Tống, nhà Nguyên, vạch ra vận hành tiền độ của Mặt trăng, Mặt trời giao dung so với thời xưa rất phù hợp".

Tran-Nguyen-Dan-da-co-gang-giu-co-nghiep-nha-Tran-the-nao-0
Trần Nguyên Đán là vị quan am hiểu thời thế

Ông còn tự đặt hiệu cho mình là "Băng Hồ Tử" mang ý nghĩa là người có tấm lòng trắng như tuyết. Ông làm quan đến Ngự sử Đại phu, là chức quan chuyên can gián vua.

Trần Nguyên Đán được biết đến là vị quan hết mực vì dân vì nước. Sinh thời, ông luôn cố gắng làm những việc có lợi nhất để giữ vững cơ nghiệp nhà Trần. 

Sử chép, thời vua Dụ Tông, ông là người ham ăn chơi, không lo lắng cho xã tắc, cũng không có con nối dõi. Năm 1368, vua mất, cháu là Trần Nhật Lễ lên ngôi. Đây là con của Cung Túc vương Trần Nguyên Dục.

Về xuất thân của Trần Nhật Lễ, sử sách có chép rằng: Khi Trần Nguyên Dục lấy mẹ của Nhật Lễ thì bà đang mang thai với người họ Dương và sau này sinh ra Nhật Lễ.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép: Nhật Lễ là "con người phường chèo tên là Dương Khương, mẹ của Nhật Lễ hiệu là Vương mẫu (khi ra làm trò có bản tuồng 'Vương mẫu hiến bàn đào', mẹ Nhật Lễ đóng vai Vương mẫu cho nên gọi thế) đương có thai, Dục ham sắc đẹp lấy làm vợ". "Ngày Vua, vì không có con, xuống chiếu đón NHật Lễ vào nối đại thống... Ngày 16 (tháng 6 năm Kỷ Dậu), Hiến Từ hoàng thái hậu sai người đón Nhật Lễ lên ngôi".

Khi ấy trong triều hầu như không ai đồng ý Nhật Lê đăng cơ. Vì không phải là con ruột của Cung Túc vương Trần Nguyên Dục. Song Hiến Từ Thái hậu lại muốn thực hiện theo đúng ý của vua Trần Dụ Tông.

sau khi lên ngôi, Trần Nhật Lễ rượu chè bê tha, ham chơi bỏ bê triều chính. Không chỉ thế Nhật Lễ còn muốn lấy lại họ Dương, gọi là Dương Nhật Lễ, khiến nhà Trần nguy cơ bị mất.

Tran-Nguyen-Dan-da-co-gang-giu-co-nghiep-nha-Tran-the-nao-8
Bà Hoàng truyền lệnh lập vua mới (Hình minh họa)

Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chép rằng: Nhật Lễ "ngày ngày rượu chè, dâm dật, trăm sự chơi bời, hay bày ra các trò tạp kỹ, thân cận suồng sã với lũ tiểu nhân, muốn đổi lại họ là Dương. Người tôn thất và các quan đều thất vọng". 

Biết chuyện, Trần Nguyên Đán nhiều lần khuyên can Nhật Lễ, gửi cả tấu trình nhưng Nhật Lễ đều không đoái hoài. Biết nếu tiếp tục nhà Trần sẽ mất, Trần Nguyên Đán liền từ quan giúp Cung Định Đại Vương Trần Phủ (tức vua Trần Nghệ Tông sau này) tập hợp lực lượng.

Thái hậu Hiến Từ sau này cũng hối hận vì đã để Nhật Lễ lên ngôi. Bà tìm nhiều cách để thay người khác. Biết chuyện Nhật Lễ bèn hạ độc giết chết Thái hậu ở trong cung.

Lúc này, tôn thất nhà Trần không ai ngồi yên được. Tháng 9 Âm lịch năm 1370, một số Hoàng thân làm cuộc binh biến nhằm lật đổ Nhật Lễ nhưng bất thành. Nhật Lễ đưa quân đi truy bắt phản loạn nhà Trần ở khắp nơi, nhiều Hoàng thân bị xử tử khiến người người sợ hãi.

Lúc này, Trần Phủ có con gái được làm Hoàng hậu nên có ý không tham gia. Nhưng được Trần Nguyên Đán cùng Thiên Ninh công chúa (con vua Minh Tông) thuyết phục nên đồng ý tiếp tục xây dựng lực lượng. Cuối cùng, Trần Nguyên Đán cùng Thiên Ninh công chúa tập hợp các Hoàng thân nhà Trần thành một khối thống nhất.

Vào tháng 11 Âm lịch năm 1370, quân của các Tôn thất nhà Trần đánh vào kinh thành, bắt được Nhật Lễ, đưa Cung Định vương Trần Phủ lên ngôi, hiệu là Nghệ Tông.

Khi nhà Trần đã ổn định hơn, công chúa Thiên Ninh không màng danh lợi về Thái ấp của mình. Trần Nguyên Đán lập công lớn được phong làm Tư đồ phụ chính tương đương với Tể tướng. Đến đời vua Duệ Tông, ông được ban tước Chương Túc Quốc Thượng hầu.

Trong bối cảnh nhà Trần suy vi, Trần Nguyên Đán đã cố gắng chống giữ. Nguyễn Trãi đã mô tả tằng: "Vững tay lái trong cơn sóng gió, chống nhà siêu giữa lúc phong ba. Chỉ trong ít năm mà trong nước bình trị. Người trong nước đều khen là hiền tướng, từ đứa trẻ thơ đến người lính tốt cũng đều biết tiếng”.

Xem thêm: Loạt tiên đoán ứng nghiệm của vị tể tướng cố giữ cơ nghiệp nhà Trần [Kỳ 1]: Nhìn thấu dã tâm của Hồ Quý Ly

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận