Loạt tiên đoán ứng nghiệm của vị tể tướng cố giữ cơ nghiệp nhà Trần [Kỳ 1]: Nhìn thấu dã tâm của Hồ Quý Ly

Trần Nguyên Đán biết trước tương lai nhờ tử vi. Thậm chí, ông còn nhìn xa hơn tiên tri được chuyện Hồ Quý Ly tạo phản, cướp ngôi. 

Đỗ Thu Nga
10:00 30/03/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vị tể tướng tinh thông tử vi, cố giữ cơ nghiệp nhà Trần là ai?

Vị tể tướng tinh thông tử vi, cố giữ cơ nghiệp nhà Trần chính là Trần Nguyên Đán (1325 hay 1326? - 1390). Ông có hiệu là Băng Hồ, là tôn thất nhà Trần, dòng dõi Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Làm quan tới Tư đồ dưới thời vua Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế, tước Chương Túc quốc thượng hầu.

Sử chép, Trần Nguyên Đán là người hiền từ, nho nhã, có phong cách của bậc quân tử thời xưa. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "...Quang Khải ham học hay thơ, có Lạc đạo tập lưu hành ở đời. Con ông là Văn Túc vương Đạo Tái cũng nổi tiếng về văn học thời đó, được Thượng hoàng ưu ái hơn các em thúc bá khác...cháu Quang Khải là Uy Túc công Văn Bích làm Thái bảo thời Minh Tông, chắt là Chương Túc quốc thượng hầu Nguyên Đán là Tư đồ đời Nghệ Tông cũng có danh tiếng...".

Tran-Nguyen-Dan-nhin-thay-da-tam-cua-Ho-Quy-Ly-bang-cach-nao
Tranh minh họa về Trần Nguyên Đán

Hay theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì: "Quang Khải lúc làm tướng võ, lúc làm tướng văn, giúp vương nghiệp nhà Trần, uy danh ngang với Quốc Tuấn. Khi mất, hưởng thọ 54 tuổi, có sáng tác tập thơ Lạc đạo lưu hành ở đời. Con cháu Văn Túc vương Đạo Tái cũng có tiếng là người văn hay, cháu là Uy Túc hầu Văn Bích từng làm quan đến Thái bảo; chắt là Chương Túc hầu Nguyên Đán danh vọng cũng lừng lẫy".

Trên website của Ban quản lý Côn Sơn-Kiếp Bạc viết rằng ông là con của Nhập nội Thái bảo Uy Túc hầu Trần Văn Bích, cháu đời thứ tư của Trần Quang Khải nhưng có lẽ ông là chắt đời thứ năm của Trần Quang Khải vì cũng trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép rằng: "...Canh Tuất, Đại Định năm thứ 2 [Dương Nhật Lễ]... vua [Nghệ Tông] vì có con gái làm hoàng hậu (của Nhật Lễ), sợ vạ lây đến mình, tránh ra trấn Đà Giang (tức Gia Hưng), ngầm hẹn với các em là Cung Tuyên vương Kính, Chương Túc quốc thượng hầu Nguyên Đán, Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha hội ở sông Đại Lại, phủ Thanh Hóa để dấy quân...".

Nếu như thế thì đoạn này khẳng định ông làm em họ của Nghệ Tông. Trong khi Quang Khải lại là em ruột của Trần Thánh Tông nên Đạo Tái là em họ của Trần Nhân Tông, Văn Bích là em họ của Trần Anh Tông và phải còn một người nữa ngang hàng với Trần Minh Tông thì ông mới là em họ của Nghệ Tông. Còn nếu ông là chắt đời thứ tư của Quang Khải thì về mặt gia đình, Trần Nghệ Tông phải gọi ông bằng chú, xưng cháu mới là đúng.

Nhìn thấu dã tâm của Hồ Quý Ly

Sử chép, đời vua Trần Dụ Tông (1341 -1369), Trần Nguyên Đán được bổ nhiệm chức Đại phu Ngự sử đài, chuyên việc can gián. Vào tháng 10 Âm lịch năm 1370, ông cùng Cung Định vương Trần Phủ (tức Trần Nghệ Tông sau này), Cung Tuyên vương Trần Kính (tức Trần Duệ Tông sau này), Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha hội ở sông Đại Lại, phủ Thanh Hóa để dấy quân chống Dương Nhật Lễ.

Đến tháng 2 âm lịch năm 1371, sau khi lật đổ được Dương Nhật Lễ, ông được Trần Nghệ Tông phong làm tư đồ. 

Sau khi vua Nghệ Tông lên ngôi thì Hồ Quý Ly thăng tiến trên chốn quan trường rất nhanh. Theo lịch sử thì hai bà cô ruột của Hồ Qúy Ly (cũng là hai chị em ruột) đều là Hoàng phi của vua Trần Minh Tông. Bà Minh Từ sinh ra vua Trần Hiến Tông và vua Trần Nghệ Tông. Bà Đôn Từ sinh ra vua Trần Duệ Tông.

Sau, con gái của Hồ Quý Ly lại là Hoàng hậu của vua Trần Thuận Tông. Em họ của Hồ Quý Ly lấy Trần Duệ Tông, sinh ra Trần Phế Đế. Hồ Quý Ly dựa vào đó mà thăng tiến, nhét nhiều vây cánh vào trong bộ máy của triều đình nhà Trần.

Tran-Nguyen-Dan-nhin-thay-da-tam-cua-Ho-Quy-Ly-bang-cach-nao-5
Tranh vẽ Hồ Quý Ly

Trần Nghệ Tông ở ngôi 2 năm thì truyền lại cho Trần Duệ Tông, lên làm Thượng hoàng. Khi ấy, Trần Nguyên Đán xem lá số tử vi của Thượng hoàng Nghệ Tông thấy có Vũ Phá thủ mệnh, coi người thân như cừu thù, coi kẻ ác như ruột gan, chắc sẽ nghe lời họ Hồ.

Trần Nguyên Đán lại thấy, Hồ Quý Ly có Tử Phá thủ mệnh tại Mùi, biết y sẽ cướp ngôi và nhà Trần mất. Chính vì thế, ông cố gắng thuyết phục Thượng hoàng không nên tin tưởng họ Hồ. Nhưng những lời ruột gan của ông không được nghe theo.

Khi Thượng hoàng Trần Nghệ Tông gả công chúa cho Hồ Quý Ly thì Trần Nguyên Đán hết sức can ngăn. Thậm chí, ông còn làm bài "Thập cầm" (10 giống chim) cảnh tỉnh Thượng hoàng. Ông cho rằng nên cảnh giác với "con quạ già hiểm" (ám chỉ Hồ Quý Ly). Trong bài thơ có câu:

Nhân ngôn ký gửi dữ lão nha

Bất thức lão nha liên ái phầu

Diễn nghĩa là:

Gửi con cho lão quạ già

Biết là lão quạ thương là mấy thương.

Mặc dù Nghệ Tông không thật sự coi người thân như "cừu thù" nhưng trong vài lần tôn thất nhà Trần muốn diệt Hồ Quý Ly thì sự can thiệp của Nghệ Tông đã thực sự mang đến điều tai ương cho người thân vì “coi kẻ ác như ruột gan” vậy.

Nhờ tinh thông thuật coi tử vi, lại đưa lời cảnh tỉnh vua không được, Trần Nguyên Đán biết rõ vận nhà Trần đã hết nên quyết định về Côn Sơn ở ẩn, dạy học.

Trước khi đi, biết Hồ Quý Ly cướp ngôi sẽ giết hại nhiều tôn thất nhà Trần nên Trần Nguyên Đán đành kết thông gia với Hồ Quý Ly. Mục đích của ông là bảo vệ con cháu sau này, giao các con mình Mộng Dữ, Thúc Giao và Thúc Quỳnh cho Hồ Quý Ly.

Đáp lại, Hồ Quý Ly cũng đem con gái Hoàng Trung gả cho Mộng Dữ và cho Mộng Dữ làm chức Đông cung phán thủ. Thúc Giao và Thúc Quỳnh đều làm tướng quân.

Cũng từ đó, dù Trần Nghệ Tông có đến thăm hỏi, “hỏi việc sau này” (Đại Việt Sử ký toàn thư), nhưng Trần Nguyên Đán không thể tiết lộ, biết rằng nói ra sẽ liên lụy nhiều người mà vẫn không xoay chuyển được, chỉ đành nói tránh: “Xin bệ hạ kính nước Minh như cha, yêu Chiêm Thành như con, thì nước nhà vô sự. Tôi dầu chết cũng được bất hủ”.

Ngày nay, nhiều người chê trách Trần Nguyên Đán về việc này, nhiều người gia tộc họ Trần xem hành động kết thông gia với Hồ Quý Ly của ông là phản bội là nhà Trần. Tuy nhiên nếu nhìn mọi chuyện ở góc độ Trần Nguyên Đán biết trước được tương lai nhờ tử vi, và đồng thời còn biết được xa hơn cả chuyện Hồ Quý Ly cướp ngôi, thì có thể thấy rằng ông đã nhẫn nhục chịu tiếng oan để cháu ngoại và cháu nội làm nên nghiệp lớn.

(Tổng hợp)

Xem thêm: Sử Việt có nàng công chúa "to gan lớn mật" dám khởi binh giết chết kẻ cướp ngôi nhà Trần

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận