Con gái lấy vua cả họ được nhờ: Vậy thời xưa, gia đình hoàng hậu được ban những ân điển gì?

Chính sử Việt Nam và các tư liệu dân gian đều có chỉ ra rằng, không chỉ họ hàng mà cả xã quê hương của hoàng hậu đều được hưởng ân điển từ nhà vua.

Đỗ Thu Nga
10:00 15/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thời nhà Lý

Thời nhà Lý ở nước ta, sau khi vua Lý Thái Tông lên ngôi năm 1028, đã lập bảy hoàng hậu. Sau đó, vua phong cho cha của Mai hoàng hậu là Hựu làm An quốc thượng tướng. Cha của Vương hoàng hậu là Đỗ làm Phụ quốc thượng tướng. Cha của Đinh hoàng hậu là Ngô Thượng làm Khuông quốc thượng tướng. 

Tất cả những điều này đã được sử thần Ngô Sĩ Liên chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Thân thích của hoàng hậu được quý hiển, đời trước cũng đã có. Tuy vậy, lấy thích thuộc cũng phải lấy người có tài. Bọn Hựu quả là có tài chăng? Thì không cứ là cha của hoàng hậu là phải, trao tước phong là không phải. Hoặc có người nói: Đây là ân sủng đặc biệt chỉ cho tước, chứ không cho quyền. Trả lời rằng: Tước cũng đã cao rồi, sao lại có danh hiệu an quốc, phụ quốc, khuông quốc thượng tướng quân mà lạm cho kẻ không có công lao!".

Thoi-xua-gia-dinh-hoang-hau-duoc-ban-nhung-an-dien-gi-8

Yêu quý Nguyên phi Ỷ Lan, năm 1068, vua Lý Thánh Tông đã cho đổi tên quê của nàng từ huyện Thổ Lỗi thành huyện Siêu Loại (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay). Vùng đất này cũng được vua và sau này là con của Nguyên phi - vua Lý Nhân Tông ban cho nhiều đặc ân đặc biệt khác.

Nhưng việc quyền lực vào tay ngoại thích được thể hiện rõ nhất ở thời vua Lê Uy Mục. Khi đó, "vua quỷ" lên ngôi, uy quyền thuộc về dòng ngoại thích, phía Đông là làng Hoa Lăng (quê của cha nuôi), phía Tây là làng Nhân Mục (quê của vợ vua), phía Bắc là làng Phù Chẩn (quê của mẹ vua) đều chuyên quyền cậy thế, vùi dập quan lại.

Toàn thư có viết, họ ngoại nhà vua gây nhiều điều ác: "Kẻ thì vì ý riêng mà giết hại sinh dân, kẻ thì dùng ngón kín mà yêu sách tiền của, mọi thứ súc vật, hoa màu của dân, chúng đều cướp đoạt cả, nhà nào có đồ lạ, vật quý, chúng đánh dấu chữ vào và đòi lấy. Muôn dân ta oán mà vua vẫn không chừa, lại mang lòng ngờ vực, đố kỵ". Vì thế, Lê Uy Mục đã bị lật đổ và giết chết.

Thời nhà Nguyễn

Sau khi chúa Nguyễn Ánh xưng vương ở Sài Gòn năm 1790, đến năm 1796, đã tôn mẹ đẻ Nguyễn Thị Hoàn làm Quốc mẫu Vương thái phi. Đại Nam liệt truyện ở phần "Truyện các hậu phi", sau khi vua Gia Long lên ngôi, ngay năm 1801, đã ra ơn cho làng họ ngoại, ở làng An Du, Thừa Thiên được miễn đi lính, tạp dịch. 

Đến năm 1802, bà được tôn làm Vương Thái hậu, và nhà vua đã truy tặng cho ông nội của bà là Phương Kiêm làm Dương Vũ công, Khai phủ phụ quốc, Quang tiến trấn quốc Đại tướng quân, Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ ty, Đô chỉ huy sứ, Thiếu úy, Quận công, thụy là Đôn Hậu.

Cha của Vương thái hậu là Phước Trung cũng được truy phong làm Tán trị công thần, Đặc tiến khai phủ phụ quốc thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Trung quân, Đô đốc phủ chưởng phủ sự, Thái bảo, Miên quốc công, thụy Chính Trực.

Nhà vua cho lập đền thờ cha vợ ở Phú Xuân gọi là đền Dục Đức. Với ông ngoại vua họ Phùng, nhà vua cũng dựng đền ở xã An Du, cho cháu gọi Vương Thái hậu bằng cô là Phùng Thế Bình làm Cai đội, coi giữ việc thờ tự. 

Thoi-xua-gia-dinh-hoang-hau-duoc-ban-nhung-an-dien-gi-0
Đám cưới vua Bảo Đại năm 1934

Đến năm Minh Mạng thứ 13, nhà vua cho đổi phong ông ngoại là Diễn quốc công, đền cũng được đổi là đền Diễn quốc công.

Với vợ chính thất của mình là Thừa Thiên Cao hoàng hậu Tống Thị Lan, năm Gia Long thứ 3 (1804), vua Gia Long cho truy tặng tới 4 đời: Cao tổ (kị của bà) là Tống Phước Đức làm Cai cơ, tước hầu; tằng tổ (cụ nội) là Tống Phước Dương làm Chưởng cơ, tước Quận công; ông nội là Tống Phước Thành làm Trưởng doanh, tước Quận công; cha là Tống Phước Khuông làm Thái bảo, tước Quốc công, lập đền ở Phú Xuân, gọi là đền Tống công (đến đời Minh Mạng đổi tên là đền Quy quốc công).

Với vợ thứ nhất Thuận Thiên Cao hoàng hậu Trần Thị Đang - mẹ đẻ vua Minh Mạng, khi vua Minh Mạng đăng cơ (1820), dựng cung Từ Thọ để mẹ ở. Nhà vua còn ban ơn cho làng họ ngoại 150 lạng bạc (họ Trần 100 lạng, xã Văn Xá 50 lạng). Tằng tổ của bà là Trần Mậu Tài được truy phong làm Thị trung trực học sĩ, phong là Văn Xá bá; ông là Trần Mậu Quế truy phong làm Lại bộ Thượng thư, tước Gia Bình hầu; cha là Trần Hưng Đạt truy phong làm Thái phó, Hà Hoa quận công. Nhà vua cũng cho miễn lệ thuế tô công tư điền 3 năm, tiền đầu quan về thuế thân và giao dịch 30 năm cho làng họ ngoại.

Năm 1829, vua Minh mạng tiếp tục miễn thuế tô ruộng cho làng họ ngoại 5 năm, cho thêm 1.500 quan. Năm 1832, cha thái hậu là Trần Hưng Đạt lại được truy thăng làm Đông các học sĩ, Thái phó, Hoa quốc công; mẹ thái hậu là phu nhân họ Lê được truy phong Hoa quốc nhất phẩm phu nhân. Làng họ ngoại được miễn tô thuế 5 năm, cho thêm tiền để cung việc tế tự 3 từ đường họ Trần là 1.000 quan.

Các dịp khánh tiết theo như mừng thọ Thái hậu 70 tuổi, mừng thọ vua, làng Văn Xá tiếp tục tận tưởng ân điển miễn tô thuế, thưởng tiền. 

Sau khi vua Thiệu Trị lên ngôi năm 1841, Thái hậu Thuận Thiên được tôn lên làm Thái hoàng thái hậu. Cha bà là Hoa quốc công Trần Hưng Đạt cũng được truy thăng lên Cần Chính điện đại học sĩ Thái sư, đổi phong là Thọ quốc công. 

Mẹ Thái hoàng thái hậu cũng được truy phong làm Thọ quốc nhất phẩm phu nhân, làng Văn Xá và họ Trần được thưởng 2.000 quan tiền, miễn thuế tô ruộng 5 năm. Các tiết Thánh thọ thời vua Thiệu Trị cũng đều thưởng tiền cho họ Trần và miễn thuế cho làng Văn Xá.

Đến khi vua Tự Đức lên ngôi (1848), cũng ban ân cho họ Trần và quê ngoại 2.000 quan tiền. Năm Tự Đức thứ 4 (1853) cho thêm kho của Tiên Thọ 24.000 quan tiền. Năm thứ 5 (1854) trở về sau, lại miễn thuế điền cho làng tới 15 năm.

Xem thêm: Cung An Định: Nơi thấm đẫm nỗi buồn, nhiều lần khiến Nam Phương hoàng hậu phải rơi lệ vì chồng

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận