Thiếu Lâm Tự Trung Quốc trở thành trùm bất động sản: Thế mới nói, ai rồi cũng đi buôn đất thôi!
Gamingsym đưa tin, Thiếu Lâm Tự Trung Quốc đã lấn sân vào thị trường bất động sản, phân lô bán đất nền.
Vào sáng 6/4, thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) đã đăng ký bán một khu đất thương mại. Công ty Công nghệ Kỹ thuật số Tiesong sau đó đã trúng thầu dự án với giá khởi điểm là 452 triệu nhân dân tệ (tương đương 1.600 tỷ đồng).
Được biết, khu đất này có diện tích khoảng 38.200m2 này sẽ được sử dụng để chia lô bán nền, kinh doanh chợ đầu mối, dịch vụ ăn uống, khách sạn và tài chính.
Hồi tháng 12/2020, Ủy ban Quản lý Quận mới Zhengdong cũng đã thực hiện kế hoạch công nghiệp hóa khu đất. Đồng thời coi dự án trên như một hạng mục công nghiệp văn hóa - nơi diễn ra các buổi biểu diễn văn học, triển lãm nghệ thuật, xây dựng khách sạn và căn hộ dịch vụ.
Cụ thể, dự án bao gồm trung tâm văn hóa và biểu diễn có diện tích xây dựng khoảng 6.000m2, nhà triển lãm nghệ thuật có diện tích khoảng 3.000m2, khu công nghiệp văn hóa và sáng tạo có diện tích khoảng 11.000m2 và một công viên quốc tế với diện tích khoảng 18.000m2. Khách sạn 5 sao và các căn hộ dịch vụ có diện tích khoảng 19.200m2 có thể được rao bán ra bên ngoài.
Đáng nói hơn cả, 2 cổ đông chính của Công ty Công nghệ Kỹ thuật số Tiesong lại là Công ty Phát triển Toàn diện Henan Tietou và Công ty Công nghiệp Henan Yuanhan (sau đây tạm gọi là Yuanhan Industrial) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 51% và 49%. Trong đó, người hưởng lợi cuối cùng là nhà Thích Vĩnh Tín, hiện là Trụ trì chùa Thiếu Lâm Tự của tỉnh Hà Nam.
Từ góc độ vốn chủ sở hữu, sư Thích Vĩnh Tín hiện đang nắm giữ 80% cổ phần Công ty Quản lý Tài sản Thiếu Lâm Hà Nam - nơi nắm trong tay đến 70% vốn cổ phần của Yuanhan Industrial.
Vào hồi năm 2015, cũng có tin đồn rằng, Thiếu Lâm Tự sẽ phát triển các dự án bất động sản ở nước ngoài, xây dựng khách sạn 4 sao và sân đánh golf tại Australia.
Như đã chia sẻ, người có công xây dựng đế chế kinh doanh Thiếu Lâm Tự chính là vị trụ trì Thích Vĩnh Tín. Nhà sư này đã lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Thời điểm mới lên nắm cương vị phương trượng, chứng kiến cảnh tiêu tàn của Thiếu Lâm Tự, nhà sư đã chủ trương phát triển kinh tế, dự vào tiềm lực kinh tế để phô trương thanh thế của Thiếu Lâm Tự.
Vào năm 1998, ông thành lập Công ty Quản lý Tài sản Thiếu Lâm Hà Nam, giúp ngôi chùa mở rộng kinh doanh, bao gồm cả văn hóa, dịch vụ y thuật, thời trang và một số lĩnh vực khác.
Hoạt động kinh doanh phát triển tới nỗi đến năm 2013, Thiếu Lâm Tự đã nộp hồ sơ IPO trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc). Song hồ sơ của nhà chùa sau đó, đã bị từ chối do lo ngại rằng việc thương mại hóa quá mức sẽ làm mất đi hình ảnh nhà chùa.
Trong một bài phát biểu vào năm 2011, Thiếu Lâm Tự tiết lộ đang có khoảng hơn 40 công ty con ở nước ngoài với mục tiêu truyền bá võ thuật lấy cảm hứng từ Phật giáo toàn cầu. "Chúng tôi hiện đang điều hành hơn 40 công ty tại nhiều thành phố trên toàn thế giới, như Berlin và London".
Tuy có công gây dựng đế chế kinh doanh Thiếu Lâm Tự nhưng năm 2015, trụ trì Thích Vĩnh Tín bị phanh phui bê bối có con ngoài giá thú và biển thủ công quỹ. Tuy nhiên, phía Thiếu Lâm Tự đã phủ nhận điều này và từ đó đến nay, trụ trì Thích Vĩnh Tín ít xuất hiện trước công chúng hơn.
Xem thêm: Giải mã đế chế kinh doanh triệu đô kín tiếng của tập đoàn Thiếu Lâm Tự
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận