Theo tín ngưỡng dân gian nên cúng ông Táo vào khung giờ nào ngày 23 tháng Chạp là tốt nhất?
Cúng ông Táo (hay ông Công ông Táo) là nghi lễ rất quan trọng trong những ngày cuối năm. Vậy, theo tín ngưỡng dân gian, cúng ông Táo vào khung giờ nào là tốt nhất?
Theo văn hóa dân gian, ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo (hay ông Công ông Táo) bay lên thiên đình để báo cáo Ngọc Hoàng về những chuyện tốt xấu của gia chủ trong năm. Và vào ngày này, các gia đình Việt sẽ sắm lễ để cúng ông Táo.
Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam gắn liền với huyền tích "hai ông một bà" gồm vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp. Ba vị Táo quân chính là những vị thần định đoạt phúc đức cho mỗi gia đình. Phúc đức này có được do việc ăn ở đúng đạo lý của gia chủ mà nên.
Người xưa nói rằng, có bàn thờ Táo quân riêng, đặt gần bếp, khi cúng phải nổi lửa lên cho bếp cháy rực. Song giờ đây, người ta giản tiện đi và thường cúng Táo quân ngay trên bàn thờ gia tiên.
Lễ vật cúng Táo quân chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình, phổ biến là xôi, cơm canh, rượu nước, vàng mã, cau trầu, thịt gà, thịt lợn và hoa quả... Điều đặc biệt là phải có 3 bộ mũ áo, hài; một hoặc 3 con cá chép (cá sống hoặc bằng giấy mã).
Sách "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính ghi: "Mua hai mũ ông, một mũ bà và mua con cá chép để làm ngựa cho Táo quân lên chầu trời".
Những năm 1990 trở về trước, ở miền Bắc, nhiều gia đình bất kể lễ vật nhiều hay ít, luôn cố gắng có một đĩa bánh kẹo (bánh mật, kẹo mạch nha, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo kéo...) hoặc một bát mật mía. Dân gian cho rằng Táo quân về chầu Ngọc hoàng cần "ngọt giọng" tấu báo những điều tốt đẹp về gia đình mình, cầu mong Ngọc hoàng ban phúc lành cho gia đình trong năm mới.
Ở một số địa phương khu vực Bắc Trung bộ như Thọ Xuân, Cẩm Thủy (Thanh Hóa), lễ vật cúng Táo quân không dùng canh, vì ba ông Táo (ba ông đầu rau) được đắp bằng đất sét, cúng canh sợ làm Táo quân bị "thũng" chân. Chuyện dân gian ở đây kể rằng, xưa có gia đình do lười biếng nên nghèo khổ, quanh năm chẳng có gì ăn, cuối năm cũng không có gì cúng Táo quân. Ngày 23 tháng Chạp, chủ nhà sang hàng xóm xin nước luộc chân giò về cúng Táo quân khiến ông bị sũng nước (phù thũng), bởi vậy nhân dân một số xã trong vùng kiêng bày canh trong mâm lễ.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng phong tục cúng Táo quân ở nước ta cơ bản thống nhất, cả về quan niệm, nghi thức, lễ vật và văn – sớ, chỉ có một vài yếu tố khác biệt mang tính dị bản trong sự tích ông Táo, vốn là thuộc tính của văn hóa dân gian.
Mâm cúng Táo quân thì có 2 loại: mâm cỗ mặn và mâm cỗ ngọt:
- Mâm cỗ mặn: 1 đĩa muối gạo; 1 con gà luộc hoặc thịt heo luộc; 1 tô canh, 1 đĩa rau xào, 1 đĩa giò và 1 đĩa xôi (hoặc bánh chưng).
- Mâm cỗ ngọt: 1 đĩa (hoặc chén) chè kho, đĩa trái cây, trầu cau; đĩa trà thuốc và rượu và 1 bình hoa.
Ngoài ra, thêm đĩa trầu cau và 3 chén nước (hoặc rượu).
Theo các chuyên gia phong thủy, lễ cúng ông Táo cần thực hiện trước giờ các Táo quân bay về trời - tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Sau khi bày lễ, thắp hương và đọc văn khấn xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông,... để đưa ông Táo lên chầu Trời.
Các khung giờ cúng ông Táo năm 2022 chuẩn nhất gồm:
- Nếu cúng ngày 21 tháng Chạp, bạn nên cúng vào giờ Mão (5 – 7g), giờ Ngọ (11 – 13g), giờ Thân (15 – 17g), giờ Dậu (17 – 19g). Trong đó, giờ Ngọ là giờ Tốc Hỷ, là khung giờ tốt nhất để cúng ông Công ông Táo ngày 21 tháng Chạp. Cùng vào khung giờ này giúp gặp nhiều may mắn, niềm vui, hóa giải bệnh tật và xui xẻo cho các thành viên trong gia đình.
- Nếu cúng ngày 23 tháng Chạp, bạn nên cúng vào giờ Thìn (7 – 9g) và giờ Tị (9 – 11g). Trong đó, giờ Thìn chính là giờ Tốc Hỷ, là thời điểm thích hợp nhất và mang lại nhiều may mắn cho gia đình.
- Theo tín ngưỡng dân gian, giờ Ngọ (11 – 13g) cũng là khung giờ tốt để cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp. Khung giờ này là thời điểm mà các Thần Bếp quy tụ cùng về trời nên rất linh thiêng, thích hợp để đưa ông Táo về trời và tốt nhất nên cúng trước 12h trưa. Tuy nhiên giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp Tết Tân Sửu trúng vào giờ Hắc đạo nên không quá tốt, bạn có thể chuyển sang cúng vào giờ Thìn (7 – 9g) hoặc giờ Tị (9 – 11g) nhé.
Xem thêm: Làm lễ ông Công ông Táo và lễ Tạ thần cùng 1 ngày được không?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận