Làm lễ ông Công ông Táo và lễ Tạ thần cùng 1 ngày được không?

Ngày nay nhiều người kết hợp làm Lễ ông Công ông Táo và lễ Tạ thần cùng một ngày để tiết kiệm thời gian cũng như thuận tiện hơn. Vậy, cách làm này có đúng không?

Đỗ Thu Nga
10:21 19/01/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Làm lễ ông Công ông Táo và lễ Tạ thần cùng 1 ngày được không?

Theo quan niệm của người Việt, hàng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp sẽ là ngày Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để bẩm báo các công việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình của gia chủ cho Ngọc Hoàng. Đến đêm giao thừa, Táo quân lại quay trở về hạ giới tiếp tục công việc của mình.

Ông táo (Táo quân hay Thổ Công) là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, ông là vị thần quyết định sự may, rủi, phúc họa của cả gia chủ, bên cạnh đó ông còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vì vậy tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ "thần Bếp" chuyên cai quản việc bếp núc.

Lam-le-ong-Cong-ong-Tao-va-le-Ta-than-cung-1-ngay-duoc-khong

Còn lễ tạ cuối năm là nghi thức tạ ơn các vị thần linh mà gia đình đã xin lộc đầu năm. Nghi thức này được thực hiện theo quan niệm, đầu năm kêu cầu xin lộc, cuối năm ắt phải trả lễ. Điều này thể hiện rõ quan niệm tâm linh "có vay, có trả" của người Việt từ bao đời nay.

Ngoài ra, lễ tạ thần linh cuối năm còn có ý nghĩa, tạ ơn các vị thân đã che chở, bảo hộ cho gia đình, cho đất đai phần âm của gia chủ. Đó là lễ tạ các vị tôn thần cai quản trong 1 năm như Thái Tuế tinh quân, Tào phán quan, Hành binh chi thần, rồi các sớ điệp, tôn thần mà chúng ta cầu cúng xin phúc, tài, lộc, thọ trong 1 năm. Cuối năm mãn khí các ngài mãn nhiệm, sở cầu tâm đắc nên chúng ta cần tạ.

Vậy, làm lễ ông Công ông Táo và lễ Tạ thần cùng một ngày có được không? Ngày nay, nhiều người bận rộn, không có thời gian làm nhiều lễ nên lễ tạ thần được các gia đình kết hợp cùng với lễ tạ táo. Theo các chuyên gia phong thủy, có thể thực hiện hai nghi cùng 1 ngày.

Ngày giờ đẹp để làm lễ ông Công ông Táo và lễ thần

Dù bận trăm công ngàn việc nhưng vào những ngày cuối năm, các gia đình Việt cũng luôn dành thời gian để làm các nghi lễ theo phong tục truyền thống, trong đó có lễ tạ Táo và tạ Thần. Người dân có thể thực hiện nghi lễ này vào ngày 23 tháng Chạp

Lam-le-ong-Cong-ong-Tao-va-le-Ta-than-cung-1-ngay-duoc-khong-7

Tuy nhiên, nếu có điều kiện và thời gian, người dân cũng có thể thực hiện 2 nghi lễ này vào những ngày, giờ khác nhau. Cụ thể: 

Lễ tạ Thần:

- Ngày 18 tháng Chạp: Giờ tốt là giờ Tị.

- Ngày 20 tháng Chạp: Giờ tốt là giờ Mùi, Thân.

Lễ tạ Táo:

- Ngày 23 tháng Chạp: Giờ tốt là giờ Tị

Các gia chủ lưu ý, trong lễ tạ Táo có lễ phóng sinh. Theo dân gian, trong gian bếp cả năm chúng ta sát sinh các loài thủy hải sản, động vậy... vậy nên cuối năm cần phóng sinh cá chép là cách để hóa giải và tích thêm phúc đức. Các gia đình mua 3 con cá chép (càng nhiều càng tốt, không nhất thiết là cá chép vàng mà chép giống hoặc loại cá khác vẫn tốt) và phóng sinh ra ngoài sông là tốt nhất.

Sắm lễ cúng ông Công ông Táo và tạ thần như thế nào?

Về phần lễ

1. Mâm lễ gồm có:

Một con gà luộc (nên chọn gà trống)

1 đĩa xôi

2 bát chè ngọt.

1 chén gạo

1 chén muối

1 chén nước, 1 chén rượu trắng, 1 chén trà khô.

1 đĩa ngũ quả

1 đĩa bánh kẹo bày vào đĩa to

5 chiếc bánh bao bày vào 1 đĩa.

1 bình hoa (nên chọn hoa cúc vàng hoặc hoa ngũ sắc).

1 mâm cơm canh có 3 loại thịt

Trầu 3 lá, cau 3 quả cành dài, đẹp.

Về tiền vàng mã

Theo chuyên gia phong thủy, chúng ta nên hạn chế việc sử dụng vàng mã. Nhưng theo quan niệm truyền thống thì có: Quần áo mũ ngựa thần linh đỏ (2 ngựa đỏ), 3 bộ Táo quân, 1000 vàng hoa đỏ, 1000 vàng ngũ phương, 5 đinh tiền lễ, 1 đinh tiền Tào quan.

Về phóng sinh

Cá chép vàng sống tối thiểu 3 con (hoặc cá chép giống nhỏ cũng được), nhiều cá chép phóng sinh hơn càng tốt.

Văn khấn ông Công ông Táo và văn khấn tạ thần

Lễ cúng ông Công ông Táo và lễ tạ thần thực hiện trước bàn thờ Thần linh Thổ công, ban thờ thần tại gia. Nếu có ban thờ Táo riêng thì bày 3 bộ mũ áo Táo quân dưới bếp. 

Gia chủ làm lễ và đọc văn khấn lễ tạ thần trước (văn khấn lễ tạ Thần ít người biết nên Chuyên gia để ở box cuối bài), rồi tiến hành đến đọc văn khấn lễ tạ Táo (văn khấn lễ tạ Táo được in trong các sách khấn).

Sau khi thực hiện nghi lễ thì đọc văn khấn phóng sinh, rồi đem cá chép phóng sinh ở các sông, hồ rộng, bằng cách thắp 1 nén nhang đọc sớ, hóa sớ (nếu có), rồi thả cá phóng sinh.

Sau nghi lễ tạ Thần, tạ Táo thì gia chủ tiến hành tỉa chân nhang, hóa hết vàng mã, các phù, bùa, các phù bình an dùng theo năm, hoặc các lệnh bài mang theo người, bao sái ban thờ, dọn dẹp phòng thờ, lau dọn các đồ thờ cúng bằng nước thơm khai vận, xông tẩy khí phòng thờ.

Văn khấn lễ ông Công ông Táo

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:…………

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp năm ... tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

(Trích sách Văn khấn nôm của NXB Văn hóa Thông tin)

Văn khấn tạ thần

Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần).

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy ngài đương niên Thái Tuế Chí Đức Tôn Thần. Con kính lạy ngài Thành Hoàng Bản Thổ, chư vị đại vương. Con kính lạy đức Hoàng Thiên Hậu Thổ, chư vị Tôn Thần. Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân. Con kính lạy ngài Bản Gia Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần. Con kính lạy các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc Đức Tôn Thần.

Con kính lạy các ngài Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần.

Con kính lạy các bậc Tiên gia và chư vị Tôn Thần cai quản trong đất này xứ này.

Con kính lạy hội đồng Gia tiên họ..................

Hôm nay là ngày......tháng......năm....... (âm lịch)

Tên con là:………..........................Sinh năm: ......................... cùng các các thành viên gia đình: (Họ tên......................... Năm sinh......................) cư ngụ tại: .......................................................

Nhân ngày lành tháng tốt, gia đình chúng con thành tâm sắm sửa phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo chư vị Tôn Thần về việc lễ tạ chư vị Tôn Thần cuối năm.

Gia đình chúng con nhờ có duyên lành mà đến an cư lạc nghiệp xứ này, đội ơn Thành Hoàng Bản Thổ, Thần Linh, Thổ Địa cùng các Tôn Thần nơi đây che chở, ban ân đất này được phong thủy yên lành, khí sung, mạch vượng, bốn mùa không hạn ách tai bay, tám tiết có điềm lành tiếp ứng, trong ngoài ấm êm, toàn gia mạnh khỏe.

Hôm nay, nhằm ngày lành tháng tốt cuối năm mãn khí, gia đình chúng con sắm sửa lễ tạ ơn mong báo đáp ân thâm, tỏ lòng tôn kính. Cúi xin chư vị Tôn Thần lai giáng án tiền, nhận hưởng lễ vật, chứng minh tâm đức, chứng giám lòng thành của gia đình chúng con.

Cung kính mong chư vị Tôn Thần Ngài Đương Niên Thái Tuế, Ngài Thành Hoàng Bản Cảnh, ngài Thần Linh, Thổ Địa, Ngũ Phương, Ngũ Thổ các chư vị Tôn Thần cai quản trong xứ này, đất này phù hộ cho gia đình chúng con được an cư, đạt được những điều mong ước, nhà cao cửa rộng, tăng tài tiến lộc, nhân, vật hưng long, sang năm khí lành tiếp ứng, quý nhân phù trợ, công thành danh toại, gia đạo hưng vượng, tám tiết bình an hanh thông lợi lạc.

Chúng con cũng xin đội ơn các ngài là Thiên Tướng, Thiên Quan năm nay, các vị Tôn Thần đã phù hộ độ trì cho chúng con được sức khỏe, thành đạt và nhiều sự thuận may.

Chúng con kính thỉnh hội đồng Gia tiên họ.............. đồng lâm án tiền đồng lai hâm hưởng, chứng giám lòng thành tiếp dẫn lễ vật của gia đình chúng con đến chư vị Tôn Thần, chúng con cúi xin phù hộ độ trì.

Âm dữ dương đồng, dốc lòng cầu khấn, cúi xin soi tận, ý khẩn tâm thành, cúi xin phù hộ. Gia đình chúng con cúi lạy tạ ơn!

Kính xin cẩn cáo!

Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần).

Xem thêm: 5 sai lầm gia chủ dễ mắc khi cúng ông Công ông Táo 2022

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận