Chuyện "thầy giáo làng" 30 năm ròng xóa mù chữ cho "học sinh" tóc muối tiêu vùng sông nước

"Thầy giáo làng" Trần Văn Hòa không chỉ miệt mài xóa mù chữ cho người dân vùng sông nước đầm phá Tam Giang mà còn trở thành "cầu nối" với các nhà hảo tâm giúp đỡ học sinh nghèo có thêm cuốn vở, cây bút để đến trường.

Đỗ Thu Nga
09:43 20/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ngày Nhà giáo Việt Nam (hay Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam) là ngày lễ đặc biệt của ngành Giáo dục Việt Nam. Đây là ngày mà cả xã hội dành trọn tình cảm, sự tôn vinh công lao của các thế hệ nhà giáo trên khắp miền Tổ quốc.

Năm nay xin chia sẻ đến quý vị độc giả chân dung "thầy giáo làng" suốt  30 năm miệt mài xóa mù chữ cho người dân vùng sông nước ở đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế). Người thầy đó là ông Trần Văn Hòa (thầy giáo Hòa). 

thay-giao-lang-30-nam-rong-xoa-mu-chu-cho-nguoi-dan-vung-song-nuoc
30 năm qua, "thầy Hòa" vẫn miệt mài xóa mù chữ cho người dân vùng đàm phá Tam Giang

Theo Báo Gia đình Việt Nam Online, do điều kiện sống còn nhiều khó khăn nên người dân ở khu vực Đàm Sam (một phần của xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) ít được học hành đến nơi đến chốn. Ngay từ tấm bé họ đã phải theo cha mẹ lặn ngụp dưới nước để mưu sinh. Đến khi lớn lên lại lo chuyện dựng vợ cả chồng, gồng gánh cuộc sống của cả gia đình. Nói về việc học hành ai cũng cho rằng, cuộc sống khó khăn chưa đủ ăn, đủ mặc thì lấy đâu ra tiền cho con cái học chữ.

Chứng kiến cảnh trẻ em thất học, đời này sang đời khác nối nhau giữ nghề đánh bắt cá, ông Trần Văn Hòa (SN 1960) không đành lòng. Mặc dù mới học qua lớp học kiểu mẫu, quá trình học còn dang dở do điều kiện gia đình khó khăn nhưng ông vẫn chọn ở lại quê hương, nuôi mộng gieo con chữ cho người lao động nghèo trong làng. 

Với quyết tâm đó, vào tháng 6/1990, ông Hòa quyết định dựng một căn chòi sát nhà, mở lớp xóa mù chữ miễn phí cho người dân trong vùng. "Học trò" của ông có người trẻ, có người trung tuổi và thậm chí có cả người đầu hai thứ tóc.

thay-giao-lang-30-nam-rong-xoa-mu-chu-cho-nguoi-dan-vung-song-nuoc -0
Chỉ cần các "học trò" tóc muối tiêu cần là "thầy Hòa" miệt mài giảng giải không quản sáng sớm hay chiều muộn

Nhớ lại những ngày đầu mở lớp tình thương, ông Hòa chia sẻ: Mới đầu chỉ nhận trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để dạy học nhưng sau thấy cần phải dạy chữ cho cả bố mẹ của các em nữa. Vì thế thầy Hòa vận động thêm phụ huynh, những người lớn tuổi, đặc biệt là chị em phụ nữ vào lớp học.

“Nhiều người trong số họ khi được vận động đến lớp vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của việc học, chỉ một suy nghĩ duy nhất trong đầu là làm gì để có được cái ăn, cái mặc qua ngày…”, ông Hòa tâm sự.

Để nâng cao trình độ của bản thân và có thêm kiến thức truyền dạy cho những "học trò nghèo", vào năm 2006, ông Hòa quyết định đi học lại bậc THPT dù tuổi đã lớn. Sau khi lấy được bằng tổ túc lớp 12 (năm 2008), ông tiếp tục học thêm 3 tháng nghiệp vụ sư phạm để nâng cao kỹ năng dạy học của mình.

Là lớp xóa mù chữ nên ông Hòa chỉ dạy tiếng Việt và Toán từ lớp 1 đến lớp 4 nhằm giúp học sinh viết thông thạo. Sau đó, nếu em nào có nguyện vọng đi học, ông Hòa sẽ kết nối, giới thiệu đến các điểm trường chính của địa phương.

thay-giao-lang-30-nam-rong-xoa-mu-chu-cho-nguoi-dan-vung-song-nuoc-7
Nhờ "thầy Hòa" mà rất nhiều người dân đã biết chữ, biết tính toán

Tiếng lành đồn xa, lớp học tình thương giúp người dân nghèo của “thầy Hòa” được nhiều người biết đến. Vì thế, mỗi ngày trôi qua lại có thêm nhiều người dân và trẻ em trong vùng đến nhờ thầy dạy chữ.

Nắm bắt được việc làm ý nghĩa và những khó khăn, vất vả trong việc tổ chức dạy học của "thầy giáo làng", năm 2000, Tổ chức ACWP - Hoa Kỳ thông qua chính quyền địa phương đã tài trợ vốn, xây dựng căn nhà cấp 4 với diện tích 30m2 là điểm trường cho ông Hòa dạy học cho bà con tại địa phương.

Hơn 30 năm qua, nhờ có sự nỗ lực từ ông Hoà nên những suy nghĩ có phần lệch lạc về việc đi học của bà con vùng sông nước giờ đây đã có sự thay đổi.

Nói về chuyện công cán dạy học, "thầy giáo làng" Trần Văn Hòa cho biết, ông chưa khi nào nhận được một đồng tiền công của bà con. Mong muốn của ông là dạy học cho người dân ở đây cho đến khi sức khỏe ông không cho phép nữa thì thôi.

thay-giao-lang-30-nam-rong-xoa-mu-chu-cho-nguoi-dan-vung-song-nuoc-5

“Thời điểm này, có rất nhiều người tốt nghiệp bằng đại học chính quy nhưng vẫn không có việc, tôi học hành chắp vá như này cũng không mong gì hơn, chỉ mong người dân trong làng, từ người già đến trẻ nhỏ biết đọc, biết viết, xóa nạn mù chữ”, ông Hoà chia sẻ.

Không chỉ là người "đưa đò" giúp người dân nghèo mù chữ, ông Hòa còn là cầu nối với các nhà hảo tâm để giúp đỡ những em học sinh khó khăn có thêm  cuốn vở, cây bút đến trường. 

Nhờ những nỗ lực của ông Hòa mà bây giờ, học sinh ở vùng quê nghèo đầm Sam đã vươn tới giảng đường cao đẳng, đại học. Có nhiều người đã đến thành phố lớn làm việc, không còn  nối nghiệp đánh bắt cá truyền thống của gia đình nữa.

“Mong sao ông trời cho mình có sức khỏe để mình có thể giúp được thêm nhiều người chưa biết chữ hơn nữa mong các cơ quan cùng chính quyền địa phương, phụ huynh tạo điều kiện cho những trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, đến lớp” – người thầy giáo làng tâm sự thêm.

Xem thêm: Những chuyến xe mang "siêu thị 0 đồng" tới người nghèo của thầy giáo cấp 3 tại TP.HCM

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận