Thầy giáo khiếm thị và những việc làm truyền cảm hứng
Không chỉ là Chủ tịch Hội Người mù huyện Triệu Sơn, anh Lê Sỹ Anh (34 tuổi) còn là một thầy giáo cho người khiếm thị, chuyên viên tư vấn pháp lý miễn phí cho người nghèo, người yếu thế...
Tôi gặp anh Lê Sỹ Anh khi đang dạy chữ nổi cho người khiếm thị, được anh cho biết trên địa bàn huyện Triệu Sơn có gần 200 người khiếm thị. Để góp phần giúp đỡ những trường hợp khiếm thị gặp khó khăn về kinh tế, hội đang duy trì cho khoảng 15 lao động tập trung nhận làm tăm, tẩm quất. Bên cạnh đó tổ chức các lớp dạy xóa mù chữ song song với dạy nghề cho học viên.
Cho học trò nghỉ giải lao, anh kể lại câu chuyện đầy nỗ lực của bản thân để có được ngày hôm nay. “Tôi không phải là người mù bẩm sinh. Khi lên 5 tuổi, sau một lần bị ngã, tôi đã mất đi đôi mắt sáng”, anh Sỹ Anh nói.
Để đi học, suốt 2 năm ròng bố, mẹ đã chở anh xuống Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa học chữ nổi. Khi biết chữ và học xong lớp 2, anh được tiếp nhận vào học lớp 3 tại trường tiểu học địa phương cùng các bạn mắt sáng. Vượt qua vô vàn những khó khăn, anh đã tốt nghiệp THPT. Không dừng lại ở đó, anh ước mơ đến giảng đường đại học. Bố mẹ lo khi anh xa nhà không thể tự lo cho bản thân nên khuyên anh từ bỏ ý định. Song với quyết tâm có được tấm bằng cử nhân luật, năm 2012 anh đã hoàn thành ước mơ. Theo anh, khó khăn nhất với anh bấy giờ là không có giáo trình, tài liệu chữ nổi... Vượt qua những năm tháng học tập, năm 2016 anh tốt nghiệp và về làm Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Thiệu Hóa. Đến tháng 5/2019 anh được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù huyện Triệu Sơn.
Ngoài việc quản lý, duy trì hoạt động của hội, bằng chuyên môn của mình anh còn làm chuyên viên tư vấn pháp lý miễn phí cho người nghèo, người yếu thế.
Ông Lê Văn Hạnh (71 tuổi, là người khiếm thị ở xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn) cho biết, đến đây ông được học chữ nổi, được giao tiếp với những người đồng cảnh ngộ. Bên cạnh đó, ông còn có thêm thu nhập từ làm tăm. Ông cho biết thầy Sỹ Anh là nguồn cảm hứng cho nhiều học viên có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống.
Theo anh Sỹ Anh, việc làm tăm đang tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đơn vị nhập phôi tăm từ Hà Nội về cho học viên hấp sấy, đóng gói, dán nhãn rồi bán ra thị trường. Mỗi năm đơn vị bán được khoảng 1 tấn tăm. Tuy nhiên, việc tiêu thụ tăm cho người mù còn gặp nhiều khó khăn. Đây là trăn trở lâu nay của hội. Để người mù có thêm nguồn thu nhập, mong sẽ có thêm những đơn vị quan tâm tiêu thụ.
Nhận xét về công tác hội cũng như cá nhân Chủ tịch Hội Người mù huyện Triệu Sơn, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Xuân Trung cho biết: Bằng nỗ lực của bản thân, anh Sỹ Anh đã trở thành tấm gương truyền cảm hứng cho nhiều học viên, những người đồng cảnh ngộ. Hội Người mù huyện Triệu Sơn luôn là một trong những đơn vị đi đầu về các hoạt động dạy học, đào tạo nghề cũng như giải quyết việc làm cho nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
(Theo Báo Thanh Hóa)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận