Vì trẻ em: Tấm lòng từ bi của sư thầy Thích Diệu Nhân với những mảnh đời bất hạnh

Chùa Yên Ninh (Đông Trang Tự) ở xã Ninh An (Hoa Lư, Ninh Bình) là mái ấm cưu mang những mảnh đời bất hạnh, đùm bọc  rất nhiều trẻ lang thang cơ nhỡ.

Đỗ Thu Nga
08:35 16/10/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tấm lòng từ bi của sư thầy Thích Diệu Nhân với trẻ lang thang cơ nhỡ

Lý do để sư thầy Thích Diệu Nhân, trụ trì chùa Yên Ninh trở thành "mẹ" của nhiều trẻ em là bởi từ năm 1996, trong những lần đi khất thực, thầy Nhân chứng kiến nhiều hoàn cảnh vô cùng đáng thương của những em nhỏ là nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi lang thang. Những mảnh đời ấy khiến lòng từ bi của một người tu hành trăn trở, thương xót và quyết tâm trở thành chỗ dựa để nuôi dưỡng, chăm lo cho các em khôn lớn thành người.

tam-long-tu-bi-cua-su-thay-thich-dieu-nhan-voi-nhung-manh-doi-bat-hanh

Sư thầy cho biết, mỗi trẻ sống tại chùa đều có hoàn cảnh bất hạnh, tính cách khác nhau nên thầy phải lựa cách chỉ bảo từng em. Nhiều em sống lang thang cơ nhỡ từ bé nên tính khí thất thường, bướng bỉnh, quậy phá. Cũng có em do mặc cảm với số phận của mình trở nên lầm lì, hay cáu gắt. Vì vậy, sư thầy Thích Diệu Nhân không chỉ có trách nhiệm nuôi dưỡng mà còn phải chăm sóc, dạy bảo các em nên người. Hằng ngày, các em được nhà chùa giáo dục từ điều ăn đến nếp ở, dạy làm những công việc nhẹ nhàng như quét sân, nấu cơm, thỉnh chuông, lau tượng Phật, nghe giảng kinh để tu dưỡng tâm đức, dần dần mọi khoảng cách được lấp đầy bằng tình yêu thương.

Sự chung tay của cộng đồng với trẻ lang thang cơ nhỡ

Thời gian mới bắt đầu nhận nuôi dưỡng những em nhỏ lang thang, chùa còn hoang sơ và thiếu thốn trăm bề. Sư thầy đã xin địa phương được thầu những thửa ruộng quanh chùa, kêu gọi người dân trong xã tham gia Hội tương thân tương ái. Từ những đóng góp nhỏ bé ban đầu, nhà chùa cùng các hội viên cấy hái, gieo trồng, chăn nuôi để lấy kinh phí nuôi các cháu ăn học.

Cách làm của nhà chùa cũng rất sáng tạo, hộ nào nghèo thì được Hội cấp cho một con lợn giống và thức ăn chăn nuôi. Đến khi xuất chuồng, được bao nhiêu sẽ chia làm ba phần: một cho người nuôi, một trả lại cho Hội và một cho hộ khác làm vốn. Nếu là lợn nái, số lợn con cũng được chia đều như vậy. Còn các hội viên, mỗi người bỏ ra 1.000 đồng/ngày để góp quỹ, ai không có tiền thì mỗi bữa góp một nắm gạo. 

Nhà chùa còn dành riêng một thửa ruộng để trồng những cây thuốc Nam được lấy ở khắp nơi về, một phần để các cháu dùng lúc ốm đau, bệnh tật, phần còn lại để quyên góp cho Hội Chữ thập đỏ.

tam-long-tu-bi-cua-su-thay-thich-dieu-nhan-voi-nhung-manh-doi-bat-hanh-0

Tiếng lành đồn xa, biết được tấm lòng từ bi và chứng kiến những hành động cao đẹp của sư thầy nên nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã đóng góp cho nhà chùa để cùng chung tay nuôi dưỡng các em có hoàn cảnh khó khăn. Với các em nhỏ, ngôi chùa này đã thành một gia đình đầy đủ tình yêu thương. Tối đến, các anh, các chị cấp 3 dạy các em cấp 2, cấp 1 học. Ngôi chùa trở thành một phòng học lớn, với những tiếng khuyên bảo, dạy dỗ nhẹ nhàng, trìu mến. Chia sẻ, cảm thông với nỗi vất vả của sư thầy Thích Diệu Nhân, nhiều người trong xã cũng đến xin đỡ đần thầy việc chăm sóc bọn trẻ. Hàng ngày, những lúc rảnh rỗi, họ lại giúp thầy cơm nước, dọn dẹp, giặt giũ quần áo cho các cháu.

Ban đầu sư thầy chỉ nhận nuôi những cháu nhỏ mồ côi, lang thang cơ nhỡ nhưng rồi tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình mang con đến gửi gắm xin nương nhờ mái ấm nơi cửa Phật. Mỗi năm vào dịp lễ Vu Lan là dịp để những đứa trẻ đã lớn lên từ ngôi chùa đặc biệt này tìm về với mái ấm tình thương của mình như một nghĩa lễ tri ân, nhắc nhở về lòng hiếu thảo, niềm tin vào tình người.

(Theo Sức kỏe đời sống)

Xem thêm: Cô ve chai cưu mang 3 đứa con của người dưng: Đã về chung nhà thì không phân biệt, là con ruột cả

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận