Nỗi oan thấu trời của danh sĩ đại thần Phan Thanh Giản
Đại thần Phan Thanh Giản kết thúc đời mình bằng 17 ngày nhịn ăn và chén thuốc độc tự vẫn vì đau buồn, thương dân thương nước. Cụ ra đi trong lúc vận nước đang nghiêng ngả.
Danh sĩ đại thần Phan Thanh Giản là ai?
Phan Thanh Giản (1796–1867), tự Tĩnh Bá, Đạm Như, hiệu Ước Phu, Lương Khuê. Ông xuất thân trong gia đình nghèo khó. Tương truyền, tổ phụ của ông là Phan Thanh Tập, hiệu Ngẫu Cừ, sống thời nhà Minh.
Sau khi nhà Minh bị Mãn Thanh tiêu diệt, Phan Thanh Tập di cư sang phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (Việt Nam). Ở đây, Phan Thanh Tập lấy vợ là Huỳnh Thị Học, sinh được 1 người con trai là Phan Thanh Ngạn, tục gọi là Xán.
Vào năm 1771, gia đình Phan Thanh Ngạn vào Nam tạm cư ở Thang Trông, thuộc tỉnh Định Tường. Sau đó lại dời về Mân Thít, trấn Vĩnh Thanh (thuộc Vĩnh Long ngày nay), rồi lại dời về ở huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, cũng thuộc tỉnh Vĩnh Long. Cuối cùng đến lập nghiệp ở thôn An Hòa, làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thạnh (nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).
Tại đây, Phan Thanh Ngạn cưới vợ tên là Lâm Thị Búp. Ngày 11/11/1796 sinh ra con trai đặt tên là Phan Thanh Giản. Năm Giản lên 7 tuổi (1802) thì mẹ qua đời. Cha đi bước nữa lấy vợ tên là Trần Thị Dưỡng để có người chăm sóc con. Bà mẹ kế rất yêu thương con chồng.
Đến tuổi đi học, Phan Thanh Giản được theo học nhà sư Nguyễn Văn Noa ở chùa làng Phú Ngãi. Năm 1815, vì sự cáo gian của kẻ có thù riêng với gia đình, cha Phan Thanh Giản lúc ấy đang làm Thủ hạp phải ngồi tù.
Nóng lòng vì cha bị hàm oan, Phan Thanh Giản đệ đơn lên Hiệp trấn Lương ở Vĩnh Long xin thay cha vào tù. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo, viên quan này đã cho ông ở gần nơi cha bị giam cầm để trau dồi kinh sử, vừa có cơ hội thăm cha mỗi ngày.
Sau khi cha mãn hạn tù, nghe lời Hiệp trấn Lương, Phan Thanh Giản ở lại Vĩnh Long học tiếp và chờ đợi khoa thi. Từ đây, cụ gặp người phụ nữ tên Ân. Người này đã giúp lo tiền, cơm, áo để Phan Thanh Giản tiếp tục việc đèn sách.
Năm 1825, ông đậu Cử nhân khoa Ất Dậu. Sau đó một năm, ông đậu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826), vào năm 30 tuổi. Ông là người đậu Tiến sĩ khai khoa ở Nam bộ. Và bắt đầu từ đây cụ theo nghiệp quan trường.
Theo sử Việt, năm 1834, cụ Phan Thanh Giản được phong Sung Cơ mật viện. Tháng 9/1835, cụ được phong Hiệp biện Đại học sĩ, đó là chức quan hàm tùng nhất phẩm, trên thượng thư một bậc. Đến năm 1848 đổi sang Thượng thư Bộ lại. Đến năm 1851, cụ làm Kinh lược phó sứ Nam Kỳ. Đến năm 1853 thì làm Thượng thư Bộ Hình, Sung Cơ mật viện; 1856: Chánh tổng tài Quốc sử quán…
Vào những năm 1836, 1840, cụ Phan Thanh Giản bị giáng chức vì can ngăn vua, có năm phải đi khai mỏ vàng ở Thái Nguyên (1838) sau đó lại được phục hồi chức phẩm. Cụ là Tổng tài phụ trách việc biên soạn bộ Khâm định Sử việt thông giám cương mục trong 3 năm từ 1856 - 1859 - đây là bộ Quốc sử đồ sợ, lớn nhất thời Nguyễn gồm 53 quyển.
Về văn thơ, cụ Phan Thanh Giản thi khảo gồm 454 bài thơ và Lương Khê văn tập (1876) do các con tập hợp in sau khi cụ mất. Cụ còn có các tập thơ, nhật ký như Sứ Thanh thi tập, Tây phủ Nhật ký, ghi chép trong chuyến đi Pháp…
Phan Thanh Giản cùng với Nguyễn Thông đã có công xâu Văn Thánh Miếu và lập Văn Xương Các ở Vĩnh Long... Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ thấy cụ là một nhà văn, nhà văn hóa, nhà lịch sử lớn của dân tộc.
Viện Sử học từng kết luận: “Với nhận thức mới trên quan điểm lịch sử cụ thể, nhân vật Phan Thanh Giản xứng đáng được tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau”. Đó là sự phán quyết công bằng. Như vậy Phan Thanh Giản đã được giải oan sau gần 150 năm mang tiếng “bán nước”.
Nỗi oan thấu trời của Phan Thanh Giản
Nói về câu chuyện của cụ Phan Thanh Giản xưa nay có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái ngược. Không ít người cho rằng, cụ là người có tội trong việc để mất 6 tỉnh Nam Kỳ vào tay quân Pháp khi làm Chánh sứ toàn quyền đại thần ký hòa ước Nhâm Tuất năm 1862. Cũng chính vì lẽ đó mà trong dân gian xuất hiện câu ca lên án cụ "bán nước" "Phan, Lâm mãi quốc; triều đình khí dân”.
Theo báo Tuổi trẻ, vua Tự Đức, ông vua "chủ hòa" đã cho rằng cụ Phan Thanh Giản làm mấy Lục tỉnh Nam Kỳ nên phán: "Xét phải tội chế, chưa đủ che được tội” và nghi án “truy đoạt lại chức hàm và đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm giam hậu”.
Các nhà sử học không đồng nhất quan điểm. Nhiều nhà sử học quê hương Nam Bộ hiểu nhân cách và khí tiết của Phan Thanh Giản đã không đồng thuận với phán xét của vua Tự Đức và quan điểm của chính sử đương thời.
Vào năm 1963, ở miền Bắc, kết luận tổng kết cuộc tranh luận về Phan Thanh Giản trên Tạp chí Lịch sử, một nhà sử học đã lại lên án Phan Thanh Giản phạm tội “bán nước”, “dâng thành hiến đất cho giặc”. Dù vậy, cũng không giải tỏa được băn khoăn của nhân dân và giới sử học.
Nhưng quan niệm của đồng bào Nam Bộ lại khác. Ngay sau khi cụ tuẫn tiễn, nhân dân Vĩnh Long đã đưa linh vị của cụ vào thờ ở Văn Thánh Miếu. Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ, nhà yêu nước cùng thời, cùng sống ở Ba Tri với Phan Thanh Giản lại có thơ điếu ca ngợi cụ: “Minh tinh chín chữ lòng son tạc…”.
Trong Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong, cụ Đồ Chiểu viết về Phan Thanh Giản: “Phan học sĩ hết lòng mưu quốc”. 10 năm sau khi Phan Thanh Giản tự vẫn, năm 1886, vua Đồng Khánh đã xét lại công tội của cụ và đã ra chiếu chỉ “khai phục nguyên hàm” và khắc lại tên trong bia tiến sĩ ở Văn Miếu Huế cho cụ Phan Thanh Giản. Dưới chân núi Ba Thê, Thoại Sơn, An Giang có đền thờ Phan Thanh Giản từ trăm năm trước.
Ở xã Tương Bình Hiệp (Bình Dương), từ khi cụ mất, nhân dân đã thờ cụ ở trong Đình làng. Và ngày 25/8/1924, vua Khải Định đã sắc cho đình Tương Bình Hiệp thờ cụ làm thần.
Bản sắc dịch ra như sau: “Nay sắc cho xã Tương Bình Hiệp, tổng Bình Phú, tỉnh Thủ Dầu Một phải phụng thờ Tam giáp Tiến sĩ, Hiệp tá đại học sĩ, Sung cơ mật viện đại thần Phan Thanh Giản tướng công làm thần giữ nước giúp dân. Vì ông thường linh ứng nên nhân tiết tứ tuần đại khánh trẫm ban bửu chiếu phong cho ông vào bậc ĐOAN TÚC DỰC BẢO TRUNG HƯNG TÔN THẦN, chuẩn cho phụng thờ ông làm thần để giúp đỡ và che chở dân đen của ta...”. Như vậy các vua Nguyễn sau Tự Đức đã hiểu đúng công lao của Phan Thanh Giản!
Cũng nói về cái chết của cụ Phan Thanh Giản, báo Vietnamnet từng viết: "Trước sức mạnh về quân sự, Pháp quyết tâm đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây. Thành Vĩnh Long bị bao vây, Phan Thanh Giản liệu sức mình không thể chống lại được nên đã tìm cái chết. Sau khi nhịn ăn 17 ngày, ngày 4/8/1867 cụ uống thuốc độc quyên sinh. Trước khi chết, cụ dặn dò con cháu không được hợp tác với Pháp. Từ lời dặn này, sau đó các con của cụ, Phan Liêm, Phan Tôn, Phan Ngữ đã chống Pháp quyết liệt".
Trong sớ gửi vua Tự Đức có đoạn cụ viết: "Tội tôi đáng chết không dám sống cẩu thả để cái nhục lại cho quân phụ". Tình thế đất nước đang lúc rối bời, cả triều đình lẫn vua Tự Đức đều gán tội làm mất thành, mất đất cho cụ và ban lệnh xử trảm, mặc dù cụ đã chết. Cụ còn bị xóa hết phẩm hàm, đục bỏ tên trên bia tiến sĩ. Mãi đến năm 1886, cụ mới được khôi phục lại chức vị. Năm Khải Định thứ 9, cụ được sắc phong làm Thành Hoàng ở Tương Bình Hiệp đến nay.
Hàng năm cứ vào ngày 12 tháng 10 âm lịch, người dân khắp nơi đổ về đình Tương Bình Hiệp để viếng cụ Phan. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiếu Học cho biết, một văn thư chính thức của viện Sử học phúc đáp cục Di sản văn hóa đã xác nhận Phan Thanh Giản có nhiều đóng góp lớn đối với lịch sử dân tộc trên lĩnh vực ngoại giao, chính trị, văn học, sử học.
Xem thêm: Trần Nhật Duật - danh tướng không có khuyết điểm để chê
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận