Oai hùng như nhà Trần: Đem quân lấn biên, dằn mặt nhà Tống

Có thời điểm, vua Trần Thái Tông tự đi tuần biên, cho chiến thuyền đi dọc khắp trại Vĩnh Bình thuộc Ung Châu rồi sang cả Khâm Châu và Kiêm Châu của nước Tống neo đậu mà chẳng sợ sệt gì.

Đỗ Thu Nga
09:38 21/02/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đại Việt sau thời đổi ngôi Lý - Trần

Nhà Lý đã giúp cho Đại Việt có hơn 200 năm phát triển mạnh mẽ, ổn định về mọi mặt. Tuy nhiên, không nằm ngoài quy luật thịnh suy của các triều đại phong kiến, triều Lý cũng rơi vào tình trạng lung lay, suy vong.

Dưới thời vua Lý Cao Tông, chính sự thối nát, đất nước loạn lạc. Họ Trần nổi lên từ đất Tức Mặc, nhờ công cứu giá của vua Lý Huệ Tông, đánh dẹp nổi loạn mà dần trở thành thế lực cát cứ hùng mạnh. 

Thế lực họ Trần nắm vua trong tay, cùng thế lực của Đoàn Thượng ở Hồng Châu, Nguyễn Nộn ở Bắc Giang tạo thành thế chân vạc. Quyền bính họ Trần ban đầu nằm trong tay Thái úy Trần Tự Khánh. Sau khi Trần Tự Khánh mất, em họ ông là Trần Thủ Độ giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ nằm hết chính sự.

Vua Lý Huệ Tông nhu nhược, lại mắc bệnh điên dại, không có con trai. Ông đã truyền ngôi cho công chúa Chiêu Thánh mới lên 6 tuổi. Trần Thủ Độ nhân việc này mà thu xếp cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh, sau đó sắp đặt việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng.

Năm 1225, Trần Cảnh được vợ nhường ngôi khi mới 17 tuổi, tức là vua Trần Thái Tông (Trần Thừa là cha đẻ của vua được tôn lên là Thượng hoàng, sau khi mất truy tôn là Trần Thái Tổ). Cuộc đổi ngôi từ họ Lý sang họ Trần được coi là êm thấm hiếm có trong lịch sử Việt Nam.

Oai-hung-nhu-nha-Tran-Dem-quan-lan-bien-dan-mat-nha-Tong-8

Bằng nhiều biện pháp từ nhẹ nhàng đến thô bạo, Trần Thủ Độ đã một tay lèo lái giữ vững cơ nghiệp ban đầu của Trần triều. Ông đã bức tử vua Lý Huệ Tông để trừ hậu họa. Nhân dịp tôn thất họ Lý tập trung bái tế tổ tiên, Trần Thủ Độ cho đào hố đặt bẫy chôn sống hàng loạt tôn thất triều Lý có ý chí phản kháng.

Họ Lý trong cả nước bị bắt đổi thành họ Nguyễn với lý do kỵ húy Trần Lý, vốn là tổ tiên họ Trần. Chế độ hôn nhân trong nội bộ hoàng thất nhà Trần được Trần Thủ Độ đề ra nhằm tránh đi vào vết xe đổ mất ngôi về tay ngoại thích của họ Lý.

Lý Chiêu Hoàng từ ngôi vị hoàng đế sai khi nhường ngôi cho chồng thì được phong làm Chiêu Thánh hoàng hậu. Sau đó lại bị giáng xuống làm Chiêu Thánh công chúa. Tất cả những điều đó đều là kịch bản của Trần Thủ Độ cả.

Đối với những thế lực cát cứ bên ngoài, vương triều mới tổ chức đánh đập những thế lực nhỏ yếu, hòa hoãn, phong tước cho hai thế lực cát cứ mạnh là Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn. Năm 1228, Nguyễn Nộn đánh giết được Đoàn Thượng, thu phục một phần lực lượng Hồng Châu, thế lực càng mạnh.

Trần Thủ Độ một mặt điều quân phòng giữ nơi trọng yếu, mặt khác xin vua gửi thiệp chúc mừng đến Nguyễn Nộn, gia phong tước Hoàng Đạo Hiếu Vũ Vương, gả công chúa Ngọa Thiềm cho Nguyễn Nộn để kết thân và cũng nhằm mục đích do thám.

Nguyễn Nộm cũng chấp nhận thần phục triều đình. Năm 1229, Nguyễn Nộm chết vì bệnh, lực lượng tan rã nhanh chóng. Bất ngờ đất nước mới thực sự quy về vương triều Lý đã gây dựng.

Nhà Trần từng oai hùng trước nhà Tống thế nào?

Không chỉ đổi mới nội chính, nhà Trần còn rất chú trọng đến quân sự nhằm bảo toàn sự hưng thịnh, bình yên cho dân chúng. Quân đội Đại Việt thời này bao gồm cấm quân, sương quân, lộ quân và thân quân của các vương hầu.

Cấm quân có quân số chừng 2 - 3 vạn đóng ở kinh đô là lực lượng lòng cốt tinh nhuệ nhất đất nước, tuyển chọn từ những binh sĩ giỏi nhất trong toàn quân đội, được thích chữa Thiên Tử Binh trên trán, xăm hình rồng cùng hoa văn trên người. 

Cấm quân đặt dưới sự chỉ huy của Điền tiền chỉ huy sứ. Sương quân là quân được tuyển từ những trai tráng khỏe mạnh trong nước để đóng giữu những vùng phụ cận kinh đô. Sương quân hoạt động theo chế độ luân phiên.

Khi đến phiên, quân lính sẽ nhập ngũ để huấn luyện và chiến đấu. Hết phiên thì quân lính về nhà làm ruộng, cứ thế thay nhau tại ngũ. Lộ quân cũng như sương quân nhưng quân đóng ở các lộ phủ, giữ vai trò phòng thủ tại địa phương và được điều động phối hợp với cấm quân, sương quân khi có chiến tranh lớn.

Các quan lại địa phương có quyền tự tuyển mộ lộ quân dưới sự giám sát của triều đình trung ương. Các vương hầu cũng được tuyển thân binh để dùng khi có việc cần. Nhờ chính sách tuyển mộ quân lính linh hoạt và tiếp nối chính sách Ngụ Binh Ư Nông, triều Trần không tốn quá nhiều binh lực để nuôi quân.

Oai-hung-nhu-nha-Tran-Dem-quan-lan-bien-dan-mat-nha-Tong

Tổng quân số Đại Việt đầu thời Trần trong điều kiện hòa bình có khoảng 10 vạn quân, thay phiên nhau về làm ruộng (trừ cấm quân). Tổng số dân Đại Việt thời ấy chừng 6 - 8 triệu người. Khi có chiến tranh, quân số tăng lên nhiều để đủ lực lượng chiến đấu.

Triều đình chú trọng giảng dạy binh pháp và võ nghệ cho các tướng sĩ. Giảng Võ Đường là một trường quân sự cao cấp được thành lập để đào tạo, trau dồi kỹ năng cho các tướng lĩnh. Nhà Trần xây dựng quân đội theo phương châm " Qúy hồ tinh, bất quý hồ đa” (cần tinh nhuệ chứ không cần nhiều).

Quân lính được huấn luyện để tinh thông cả binh pháp lẫn võ nghệ, được trang bị tốt. Thời kỳ này quân chủng mạnh nhất của Đại Việt là thủy binh với nhiều loại thuyền tối tân. Kỵ binh, bộ binh, tượng binh cũng là những lực lượng mạnh.

Từ quý tộc đến bình dân, nô tì ai ai cũng có tinh thần thượng võ. Con trai nhà quý tộc đều được đào tạo võ nghệ, sử dụng các loại binh khí, luyện tập cỡi ngựa, bắn cung. Nô tì trong các thái ấp cũng được huấn luyện võ nghệ.

Môn thể thao được yêu bậc nhất thời này là môn đô vật. Những ngày lễ hội thường tổ chức đấu vật cho các trai tráng thi thố. Ngoài ra, còn một môn “thể thao” được giới vương tôn ưa chuộng khác là gây sự đánh nhau bằng tay không và một mình đi “ăn cướp” (cướp của là việc phụ, chủ yếu là đánh nhau tranh hơn).

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép : “Bấy giờ các vương hầu phần nhiều coi việc đánh nhau bằng tay không và một mình đi cướp là dũng cảm”.

Thời vua Trần Thái Tông trước khi quân Mông Cổ xâm phạm thì đất nước tương đối thái bình. Lần động binh lớn nhất trước kháng Mông Cổ chính là lần thân chinh của vua Trần Thái Tông đánh Chiêm Thành năm 1252 để răn đe việc vua Chiêm Thành đòi đất cũ mà Chiêm Thành đã dâng cho Đại Việt thời Lý.

Lần này Đại Việt toàn thắng, bắt được vợ và nhiều thê thiếp của vua Chiêm Thành, cùng nhiều dân Chiêm rồi rút quân. Ngoài chiến sự Việt Chiêm, lần động binh khác tuy nhỏ hơn nhưng cũng rất đáng quan tâm là việc tuần biên bắc của vua Trần Thái Tông năm 1247.

Vua Trần tự phụ thủy quân của mình tinh nhuệ, sẵn việc tuần biên thì đi cả sang đất Tống. Vua xưng là Trai Lang, cho chiến thuyền đi dọc khắp trại Vĩnh Bình thuộc Ung Châu, rồi đi sang cả Khâm Châu và Liêm Châu nước Tống mà neo thuyền.

Dân Tống không hiểu quan quân từ đâu ra, sợ hãi bồng bế nhau mà chạy tán loạn cả một vùng. Sau đó người Tống biết được là quân Đại Việt, bèn dùng xích sắt chặn sông ngăn đường về nước.

Vua Trần Thái Tông vẫn ung dung rút quân về, nhân tiện còn sai quân nhổ neo sắt mà đem về nước dùng. Cuộc đi tuần lấn biển này là chứng tỏ sự hùng mạnh của quân Đại Việt với người Tống.

Chỉ với quãng thời gian chừng hơn hai mươi năm ổn định và phát triển đất nước sau nội chiến và cuộc đổi ngôi Lý – Trần, nước Đại Việt lại vươn lên mạnh mẽ. Bấy giờ đất nước thái bình, nhân dân an cư lạc nghiệp.

Quân đội Đại Việt thời Trần Thái Tông tỏ ra vượt trội hơn hẳn các nước lân bang, dân chúng thì yêu nước và tin tưởng vào triều đình mới. Đó là những tiền đề quan trọng để đất nước bước qua những thử thách ngặt nghèo phía trước.

Xem thêm: Lật lại “vụ án” tàn sát tôn tộc nhà Lý và thử minh oan cho Thái sư Trần Thủ Độ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận