Nguyện ước hiến tạng của thầy giáo viết "cuộc đời" bằng miệng, dạy học "free" cho trẻ em nghèo: Cho đi là còn mãi mãi

"Hiến tạng vốn là ước nguyện của tôi. Nếu như một người nào đó quanh năm sống trong bóng tối, nhờ có tôi mà họ nhìn được thì tôi ra đi còn một chút ý nghĩa cho đời" - thầy giáo Phùng Văn Trường.

Đỗ Thu Nga
07:00 18/06/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Lấy nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký làm người truyền cảm hứng, thầy giáo Phùng Văn Trường không ngừng nỗ lực để vươn lên. Không có đôi tay lành lặn, thầy luyện chữ bằng mồm; không thể đi ra ngoài lao động như người bình, thầy mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em nghèo; và khi thầy còn có ước nguyện hiến tạng để giúp người giúp đời ngay cả khi thầy đã rời đi...

Tuổi thơ thiệt thòi, từng nghĩ đến tự sát

Sinh ra trong gia đình có 5 anh em, học hết lớp 8, thầy  Phùng Văn Trường (SN 1979, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) phải nghỉ học vì 2 bàn tay co cứng không thể cầm nổi cây bút. Chưa hết, đôi chân của thầy cũng không thể cất bước nổi dù đã có nạng gỗ. 

Trong suy nghĩ của mọi người và cả trong suy nghĩ của thầy Trường, đây là mở đầu cho bất hạnh của một đời người. Thầy Trường từng có thời gian sống trong cảnh chán nản, tách biệt với mọi người và thậm chí từng có ý nghĩ tự sát để không làm khổ bố mẹ.

Nguyen-uoc-hien-tang-cua-thay-giao-viet-bang-mieng-day-hoc-free-2
Thầy giáo có tâm Phùng Văn Trường

Biết cú sốc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý con trai nên bố mẹ thầy Trường hay cõng ra đầu làng chơi với người, mặc cho đường đầy đá sỏi. 

"Vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình nên khi trưởng thành, tôi đã xin bố mẹ làm nhà ngoài mặt đường bán hàng kiếm sống. Có những lúc, khách mua hàng chịu nhưng tôi không ghi chép được vào sổ nợ. Lúc ấy tôi nghĩ, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký có chân để quặp bút viết, còn anh đến cả chân cũng không đứng được, giờ muốn viết chỉ có cách dùng miệng", thầy Trường chia sẻ.

Và từ thời điểm ấy, người thầy tương lai đã bắt đầu "cắn" bút tập viết chữ.

"Cắn" bút đến tóe máu để luyện con chữ

Lấy Nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký là người truyền cảm hứng, thầy Trường "cắn" bút tập viết. Thầy vẫn còn nhớ như in khi mới bắt đầu chỉ sử dụng bút chì khoảng 10cm, ngậm vào mồm, dùng răng cắn chặt để "vẽ" từng nét một. Nhưng mọi thứ không hề đơn giản, nhiều lúc miệng mỏi ra thời, thậm chí còn chảy cả máu vì cắn bút chặt trong thời gian quá lâu.

Nguyen-uoc-hien-tang-cua-thay-giao-viet-bang-mieng-day-hoc-free-0
Thầy Trường miệt mài khổ luyện viết chữ

Sau nhiều lần cố gắng, thầy Trường tìm ra được cách ngậm bút nghiêng để đỡ cái cảm giác buồn nôn: "Tôi lấy răng hàm làm điểm tì để giữ bút cố định. Răng cửa như những ngón tay kẹp chặt cán bút và dùng cổ để đưa các nét. Nói ra thì đơn giản vậy, nhưng phải mất cả tháng trời tôi mới viết được những chữ đầu tiên tạm gọi là… dễ nhìn”.

Không dừng lại ở việc viết chữ, thầy Trường còn muốn viết thật đẹp vì như thế sau này sẽ dạy lại được cho các em học sinh. Thầy nói, muốn dạy được cho ai đó thì trước hết chữ mình phải đẹp, lúc ấy người học mới phục và nghe theo. Quả thật, bây giờ nhìn những nét chữ bay bổng tinh thế của thầy, không ai nghĩ nó được tạo ra bằng miệng. 

Nguyen-uoc-hien-tang-cua-thay-giao-viet-bang-mieng-day-hoc-free-3
Nét chữ được viết ra từ miệng của thầy Trường

Cũng vì cơ thể như thế mà thầy Trường không thể đến lớp theo đuổi tri thức như các bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên thầy lại có cách khác để bồi đắp kiến thức của mình. Hàng ngày, tranh thủ lúc rảnh rỗi, thầy tìm thêm sách vở để nghiên cứu. Có nhiều cuốn sách không tìm được thì lại nhờ bạn mua hộ. 

Hơn một thập kỷ gieo chữ "free"

Từ ngày có con chữ, thầy Trường tranh thủ vừa bán hàng vừa trông và dạy cho đứa cháu 6 tuổi, con cô em gái. Hàng xóm xung quanh thấy thầy Trường chỉ dạy bàn bản nên cũng mang con, mang cháu sang đến gửi, nhờ thầy trông nom dạy dỗ mỗi khi bận việc. 

Cứ như thế, căn nhà nhỏ của người đàn ông "không hoàn hảo" trở thành lớp học từ lúc nào không hay. Tiếng lành đồn xa, người dân thôn Nhân Lý, rồi các thôn trong xã, người xã khác cũng dần biết, lớp học bắt đầu chỉ với 3 - 4 người, sau tăng lên 15 - 16 em học sinh.

Mỗi khi có học sinh đến lớp, thầy Trường hay nhắc các cháu viết chữ nắn nót, luyện chữ cho thật đẹp, bởi "nét chữ nết người".

Sau 3 năm liền dạy học, thầy giáo làng Phùng Văn Trường không lấy một đồng tiền công nào. Chỉ khi các phụ dúi vào tận tay, bảo là chút chi phí trả tiền điện nước, tiền mua sữa cho con, thầy Trường mới nhận khoảng 70.000 - 100.000 đồng/học sinh/tháng.

Nguyen-uoc-hien-tang-cua-thay-giao-viet-bang-mieng-day-hoc-free

Lúc nào thầy Trường cũng nói rằng mình không phải thầy giáo, không có trình độ, không được huấn luyện bài bản. Không viết được lên bảng để có thể chỉ dạy cho các cháu đồng đều. Thầy Trường chỉ cố sức làm theo kinh nghiệm của mình, bám sát theo sách giáo khoa của Bộ giáo dục, sau đó dùng sự kiên nhẫn của mình để  rèn dũa học sinh qua từng ngày.

Người thầy ấy, ngày ngày đều viết sẵn các dòng chữ mẫu, những phép toán cơ bản vào từng quyển vở để mỗi khi tan học từ trường về, mấy đứa nhỏ lại ghé qua nắn nót luyện tính và viết theo.

Không cần phải giải thích nhiều, có lẽ ai trong chúng ta cũng tự tưởng tượng được việc viết mẫu cho từng học sinh tốn thời gian, mồ hôi và công sức cỡ nào, nhất là với 1 người như thầy Trường. Thế nhưng, người thầy ấy chỉ nghĩ, các cháu đến đây thương mến, yêu quý mình, giúp được chúng nó thì mình thấy cuộc đời nó ý nghĩa rồi.

Em Hoàng Bảo Yến - một đứa trẻ từng được cha mẹ gửi đến nhà thầy Trường học bài cho biết: "Con phục thầy Trường lắm. Con học ở đây hơn 2 năm rồi, thầy dạy con viết chữ đẹp và làm toán nhanh. Nhờ thế con học tốt hơn và tự tin khi đến trường”. Suốt 10 năm dạy viết chữ đẹp và toán miễn phí cho học trò nghèo, lớp học này được người dân đặt cho một cái tên giản dị là “lớp thầy Trường”. Và việc chàng trai không khuất phục nghịch cảnh ấy được cả làng đều truyền nhau như một bài học về nghị lực và theo đuổi ước mơ.

Nguyen-uoc-hien-tang-cua-thay-giao-viet-bang-mieng-day-hoc-free-9
Lớp học của thầy Trường

Không chỉ dạy học miễn phí cho các em học sinh nghèo, thầy Trường cùng một số người đã vận động được hơn 3.000 đầu sách từ sách giáo khoa đến sách khoa học, kỹ năng sống, truyện tranh... và mở thư viện Hallo World (Xin chào thế giới) miễn phí cho các em. Các em học sinh nghèo sẽ được thầy tặng sách giáo khoa. Em nào muốn mượn về nhà xem chỉ cần ghi lại số điện thoại. “Nhà tôi như là nhà cộng đồng. Nhìn các em vui vẻ bên những cuốn sách, tôi thấy hạnh phúc và cảm nhận cuộc đời mình ý nghĩa hơn”.

Còn với những người phụ huynh, thầy Trường tuy không được học nghề giáo bài bản như thầy là người rất có tâm: "Tôi ở tận xã trên cơ. Ở vùng quê này chuyện học thêm học nếm chưa phổ biến lắm nhưng tôi cũng để cả 2 cháu theo học bác Trường khá lâu rồi. Có người bảo thầy tàn tật và không có bằng cấp, tôi thì chỉ thấy con tôi 2 đứa học thầy đều tiến bộ rất nhiều, thế là đủ! Thằng Sơn hồi trước viết chữ xấu với nghịch ngợm lắm, bây giờ khá hơn bao nhiêu. Học ở đâu thì cũng chỉ cần thế là đủ!".

Vừa dạy học vừa trông con hộ mọi người, thầy Trường nghĩ các cháu cần phải có sách để bồi bổ và giải trí những lúc rảnh rỗi. Khi chương trình "Điều ước thứ 7" của Đài truyền hình Việt Nam lên sóng câu chuyện của thầy Trường, đã có hỏi thầy về nguyện vọng muốn thực hiện. Thầy mới bảo muốn có tủ sách cho các cháu.

Nguyen-uoc-hien-tang-cua-thay-giao-viet-bang-mieng-day-hoc-free-7

Từ khi có tủ sách, thầy giữ gìn cẩn thận để lũ trẻ có sách đọc sau giờ học hoặc mượn về nhà nghiền ngẫm. Được khoảng 3 năm thì một người em trong làng gợi ý dựa trên những gì đã có để thành lập một thư viện cho các cháu ở quê. Thầy Trường vui mừng nói thế thì tốt quá, thầy cũng muốn từ lâu nhưng một mình thì không làm được. Mọi người hay tin đều góp sức ủng hộ sách cũ. Thư viện Hallo World (Xin chào Thế giới) nhờ thế mà ra đời.

Căn nhà nhỏ của thầy từ đó không chỉ có học sinh đến học mà còn trở thành địa điểm mượn sách miễn phí và tổ chức các hoạt động ý nghĩa. Nhờ sự năng động của Tuấn (người em cùng mở thư viện), các em nhỏ được học thêm lớp Tiếng Anh do các sinh viên tình nguyện về dạy.

Nguyen-uoc-hien-tang-cua-thay-giao-viet-bang-mieng-day-hoc-free-6

Mỗi cuối năm, hai anh em lại tổ chức hoạt động "Tết ấm yêu thương" cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, mọi người được cùng nhau gói bánh chưng, rồi trao tặng những phần quà nho nhỏ, dù chỉ 100-200 nghìn nhưng nồng đượm tình thương.

Làm được điều ấy là nhờ tâm huyết của thầy Trường và Tuấn, cũng như tấm lòng tất cả những nhà hảo tâm. Có những cụ già ở trên thành phố xem tivi biết đến cũng gửi tiền quyên góp. Các cụ tự đi gom góp phế liệu rồi bán để lấy tiền chứ cũng không xin của con cháu. Khi lòng tốt gặp lòng tốt, tự nhiên ta thấy cuộc đời mới ý nghĩa và tràn đầy hy vọng đến nhường nào...

Không đi chữa bệnh vì muốn dành tiền nuôi con ăn học thành người

Nhà thầy Trường thường xuyên có những nụ cười tươi rói của trẻ thơ điều này đã khiến cô gái tên Ngô Thị Hương cảm mến. Vượt qua sự ngăn cản của gia đình, chị Hương quyết được gắn bó đời mình với đời thầy giáo làng. 

“Dù biết ở bên anh vất vả trăm bề, dù có lúc bực tức vì con quấy, nhưng tôi vẫn không nuối tiếc về quyết định của mình”, chị Hương hạnh phúc nói.

Nguyen-uoc-hien-tang-cua-thay-giao-viet-bang-mieng-day-hoc-free-8
Vợ và con trai của thầy Trường

Khi quyết định kết hôn, hai vợ chồng anh Trường đều khó khăn, vất vả. Thời gian chuẩn bị cho đám cưới chỉ vỏn vẹn có 6 ngày, vì thế họ không có cơ hội trao nhẫn cưới, vợ anh Trường cũng chẳng  được mặc một chiếc váy cô dâu trắng muốt như bao người khác.

Chỉ có vài kiểu ảnh chụp chung nhưng đám cưới ấy vẫn thấm đẫm yêu thương. Và kết tinh của tình yêu cổ tích ấy là bé Phùng Thiên Trường Quảng ra đời giúp gắn chặt hơn tình nghĩa vợ chồng của họ. “Con trai là đôi chân, cánh tay và tương lai của tôi”, thầy Trường nói.

Nguyen-uoc-hien-tang-cua-thay-giao-viet-bang-mieng-day-hoc-free-5
Lúc nào thầy Trường cũng là tấm gương sáng cho con trai

Từ năm 30 tuổi, sức khỏe đã yếu đi nhiều. Chỉ cần nói chuyện một lúc là thầy thấy mệt, tim đập nhanh, khó thở. Việc ngồi nhiều cũng khiến tay chân thầy teo gần hết, máu vẫn dồn xuống chân gây phù nề khó chịu. Hồi chương trình "Điều ước thứ 7" đưa thầy đi khám, các bác sĩ bảo rằng căn bệnh này không dừng lại mà luôn có sự tiến triển, khuyên thầy nên chạy chữa nhưng thầy không làm theo.

"Tiền bạc có xu nào tôi muốn dành cho con đi học, để nó trưởng thành là người có tri thức. Sống đến giờ phút này, tôi mãn nguyện với cuộc đời của mình! Dù trời phật có đón đi tôi cũng không hối tiếc điều gì, cứ mỉm cười mà đi thôi!", thầy Trường tâm sự.

Nguyện ước của "thầy giáo làng"

Thầy Trường luôn tâm niệm, con người sống trên đời phải tu hạnh bố thí, không nên để phí những gì có thể cống hiến cho đời. Bởi cho đi là còn mãi mãi, cuộc sống vô thường biết đâu hôm nay còn ngồi đây nhưng mai kia đã rời xa rồi.

Bởi thế, khi thấy sức khỏe giảm sút đi nhiều, không thể tự lên xe lăn, dạy học đều đặn như trước nữa, thầy Trường luôn đau đáu nguyện ước cuối cùng là được hiến tạng cho y học, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn.

 “Chuyện hiến tạng vốn là ước nguyện của tôi. Nếu như một người nào đó quanh năm sống trong bóng tối, nhờ có tôi mà họ nhìn được thì tôi ra đi còn một chút ý nghĩa cho đời”, thầy Trường chia sẻ.

Nguyen-uoc-hien-tang-cua-thay-giao-viet-bang-mieng-day-hoc-free-4
Nguyện ước lớn nhất của thầy là được hiến tạng giúp người, giúp đời

Hơn thế nữa, thầy mong muốn mình sẽ là người tiên phong để phong trào hiến tạng ở quê thầy phát triển. “Thân mình là giả tạo, giống như cái áo, rách thì phải thay. Nhưng những phần nguyên vẹn còn sót lại trên chiếc áo đó còn có thể vá lại cho chiếc áo khác hoàn hảo hơn thì nên làm.”, thầy Trường nói thêm. Đó cũng là cách mà anh muốn cảm ơn đến cuộc đời đã cho anh được sống mạnh mẽ.

Ông trời không lấy đi của ai tất cả, tuy chân tay anh yếu nhưng bù lại anh có cái đầu minh mẫn. Đến bây giờ, anh thật sự mãn nguyện vì có một người vợ lành lặn, nhân hậu, biết hy sinh và một cậu con trai 6 tuổi khôi ngô, biết nghe lời.

Cuộc đời gắn liền với xe lăn, việc di chuyển của thầy Trường vô cùng khó khăn. Chính vì thế, anh mong muốn có thể kết nối được với các trung tâm hiến tạng sớm nhất để hoàn thành ước nguyện của mình.

(Tổng hợp)

Xem thêm: Cặp vợ chồng U70 hiện thực hóa ước nguyện mở quán cơm chay 0 đồng "đãi" thiên hạ: Một mình làm việc thiện, không kêu gọi từ ai

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận