Lê Trung Hưng - thời kỳ duy nhất có nghi lễ sách lập hoàng hậu

Theo Lịch triều hiến chương loại chí, thời Lê Trung Hưng có vài hoàng hậu họ Trịnh và có nghi thức sách lập.

Đỗ Thu Nga
10:00 29/04/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nghi lễ sách lập hoàng hậu thời Lê Trung Hưng

Thời Tây Chu, hoàng hậu có nghĩa là quân chủ. Có chú giải rằng: "Hoàng, đại dã, hậu; quân dã". Như vậy, hoàng hậu là đại quân. Từ thời Tần trở về sau, hoàng hậu có nghĩa là chính thê của hoàng đế.

Trong sử Việt, vua Đinh đã lập 5 hoàng hậu, không rõ ai là chính thê. Vua Lý Thái Tổ lập 9 hoàng hậu, có một vị chính cung là Lập Giáo Hoàng Hậu Lê thị - thân mẫu Lý Thái Tông. Thời nhà Lê Sơ có 1 hoàng hậu. Thời nhà Nguyễn có 2 hoàng hậu: tào khang của Gia Long và vợ đầu của Bảo Đại. Riêng thời Lê Trung Hưng có vài hoàng hậu họ Trịnh và nghi thức sách lập.

Theo Lễ Nghi Chí của Phan Huy Chú: Trước một ngày, Tư Lễ Giám đặt ngự tọa của hoàng hậu ở điện Vạn Thọ (che màn); đặt kim sách phía đông sân rồng. Nghi vệ ty cầm hai chiếc tàn vàng ở hai bên án kim sách. Hai thự Đồng văn; Nhã nhạc đặt dàn nhạc lễ hai bên sân rồng (hướng tây). Bốn viên cử sách và một viên phủng sách đứng phía đông, một viên Nghi chế ty đứng bên phải, hai viên cáp môn đứng hai bên sân rồng và hai cáp môn đứng hai bên Đoan Môn.

Hồi trống đầu, các viên chấp sự đứng bên phải điện Vạn Thọ. Vua đội mũ Xung thiên, mặc hoàng bào, đai ngọc ngự ra điện, các viên chấp sự được triệu đến trước, làm lễ 5 lạy 3 vái rồi lui về chỗ.

Nghi-le-sach-lap-thoi-Le-Trung-Hung-dien-ra-the-nao-9

Khi hồi trống đầu vang lên, các quan văn võ tiến vào hai bên sân rồng. Vua ngự lên ngai. Cáp môn xướng: "Bài ban, ban tế" (bên ngoài cũng xướng như thế). Tiếp tục lại sướng: "Cúc cung, bái" (5 lạy 3 vái, nhạc nổi), hưng, bình thân" (nhạc nghỉ). Lại xướng: "Cách quan phân ban thị lập". Bốn viên tự ban nhấc án kim sách đặt giữa đường ngự, xong đều lui ra (hai người bến trái, hai người bên phải).

Quan điển lễ xướng: "Truyền chế". Quan truyền chế quỳ giữa đường vua đi tâu: "Truyền chế" rồi phục xuống, vẫn quỳ. Quan tư lễ bưng tờ chế trao cho vị truyền chế, sau đó bưng bàn sách đặt lên án, lui ra đứng tựa về phía đông. Các viên thiên hộ, bách hộ mang tàn vàng che hai bên án.

Quan truyền chế lui ra, đứng tựa về phía đông. Hai viên dẫn tán dẫn quan phủng sách đến giữa ngự đạo. Quan truyền chế nói: "Hữu chế". Quan dẫn tán xướng: "Quỵ". Quan truyền chế đọc: "Nay sách phong cho chính cung chức... họ... làm hoàng hậu, sai các ngươi mang sách vàng đến làm lễ".

Khi đọc xong, quan truyền chế bưng tờ chế đến giữa đường ngự, quỳ xuống dâng lên. Quan tư lễ nhận lấy. Quan truyền chế lui ra đứng chỗ cũ. Dẫn tán xướng: "Phủ phục, hưng (5 lạy 3 vái), bình thân". Lại xướng: "Quỵ". Quan tư lễ đem sách vàng trao cho quan phủng sách nhận lấy, xong lui ra đứng về bên trái. Nghi chế ty đến giữa ngự đạo quỳ tâu: "Lễ tất".

Vua ngự về cung. Quan phủng sách bung sách vàng vào bên trái điện Vạn Thọ, đặt ở án trước ngự tọa của hoàng hậu. Các quan chia ban đứng. Quan đặc sai tư lễ giám từ phía đông đứng trước án làm lễ. Quan điển lễ đứng bên đông xướng: "Cúc cung bái (4 lạy), hưng, bình thân". Lại xướng: "Quỵ".

Quan tuyên sách đứng bên phải án sách. Quan tư lễ đứng bên phải đưa bản sao kim sách trao cho quan tuyên sách. Quan tuyên sách đọc xong trao cho quan tư lễ bưng đặt lên án. Quan điển lễ xướng: "Phủ phục, cúc cung bái (4 lạy), hưng, bình thân, lễ tất" rồi lui ra đứng vào chỗ cũ.

Các quan chấp sự đứng vào ban. Quan tư lễ đem sách vào cung dâng lên hoàng hậu, hoàng hậu nâng bảo sách lên trán rồi giao cho cung nhân. Làm lễ tạ Thượng hoàng, Thái hậu và bệ hạ. Lễ tạ xong rồi, hoàng hậu ra ngự bảo tọa (trong màn). Quan tư lễ truyền cho cáp môn xướng: "Bài ban, ban tế". Các quan làm lễ 5 lạy 3 vái. Làm lễ xong, chia ban đứng Nghi chế tu đến giữa ngự đạo: "Tấu lễ tất".

Những hoàng hậu nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

1. Đại Thắng Minh hoàng hậu - trước là Hoàng thái hậu nhà Đinh, sau là Hoàng hậu nhà Tiền Lê với tư cách là vợ cả của Lê Đại Hành. Bà không được ghi lại tên thật, nhưng rất nổi tiếng với cái tên dã sử là Dương Vân Nga.

2. Linh Hiển hoàng hậu - chính thất của Lý Thái Tổ, sinh mẫu của Lý Thái Tông và Uy Minh vương Lý Nhật Quang. Có thuyết cho rằng bà là con gái của Dương hoàng hậu và Lê Đại Hành.

3. Thượng Dương hoàng hậu - chính thất của Lý Thánh Tông, vốn dĩ được tôn làm Hoàng thái hậu nhiếp chính. Sau do sự tranh đoạt của Linh Nhân thái hậu mà bị bức chết, cùng 72 cung nữ khác.

4. Linh Từ quốc mẫu - chính thất của Lý Huệ Tông. Bà nổi tiếng vì là mẹ của Lý Chiêu Hoàng và Hiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu. Sau khi nhà Lý bị nhà Trần thay thế, Linh Từ quốc mẫu sau đó lấy Trần Thủ Độ - người được cho là đạo diễn lớn nhất diễn ra cuộc đổi ngôi giữa hai triều đại này.

5. Lý Thiên Hinh - chính thất đầu tiên của Trần Thái Tông, sau bị phế. Bà nổi tiếng vì là Nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam.

Nghi-le-sach-lap-thoi-Le-Trung-Hung-dien-ra-the-nao-8

6. Hiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu - kế thất của Trần Thái Tông. Bà là chị ruột của Lý Thiên Hinh, sinh mẫu của Trần Quốc Khang, Trần Thánh Tông và Trần Quang Khải. Bà giữ vai trò quan trọng khiến hai nhà Lý-Trần có mối liên kết vĩnh cữu, khi sinh ra người thừa kế mang cả hai dòng máu này, tức Trần Thánh Tông.

7. Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng hậu - chính thất của Trần Minh Tông. Là con gái của Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn, bà nổi tiếng như là một Hoàng hậu đức độ và là biểu tượng hiền hậu của nhà Trần. Về sau bà đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Dương Nhật Lễ kế vị, và bản thân bà cũng bị Dương Nhật Lễ ám hại không lâu sau đó.

8. Lê Thần Tông Trịnh hoàng hậu - chính thất của Lê Thần Tông. Đương thời bà nổi danh với phẩm hạnh và học vấn uyên thâm, truyền thuyết kể rằng bà còn là bạn thơ của Nữ trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ.

9. Bắc Cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân - trắc thất của Quang Trung Đế Nguyễn Huệ. Vốn là công chúa nhà Lê trung hưng, con gái Lê Hiển Tông. Nổi tiếng với cuộc hôn nhân chính trị, Lê Ngọc Hân thường được nhắc đến trong rất nhiều truyền thuyết xoay quanh về Nguyễn Huệ.

10. Thừa Thiên Cao Hoàng hậu - chính thất của Hoàng đế Gia Long, sinh mẫu của Anh Duệ Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh. Hoàng hậu đầu tiên của triều Nguyễn, Thừa Thiên Cao Hoàng hậu nổi danh với vị thế vợ cả của Hoàng đế Gia Long, và cũng là Hoàng hậu duy nhất của triều Nguyễn được "song táng" cùng Hoàng đế trong hoàng lăng, vì các Hoàng hậu (do truy phong) khác đều được chôn ở mộ phần riêng so với Hoàng đế.

11. Lệ Thiên Anh hoàng hậu - chính thất của Hoàng đế Tự Đức. Bà được tôn làm [Khiêm Hoàng hậu] do di chiếu, trở thành một trong ba vị Hoàng hậu "chính danh" hiếm hoi của nhà Nguyễn.

12. Nam Phương hoàng hậu - chính thất của Hoàng đế Bảo Đại. Bà là Hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn, và cũng là Hoàng hậu cuối cùng của nền quân chủ chuyên chế trong lịch sử Việt Nam.

Xem thêm: Chuyện về "hoàng hậu 2 triều" Dương Vân Nga: 10 thế kỷ bị nhục mạ, đến tượng thờ cũng ăn đòn

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận