Chuyện về "hoàng hậu 2 triều" Dương Vân Nga: 10 thế kỷ bị nhục mạ, đến tượng thờ cũng ăn đòn

Việc Dương Vân Nga - Thái hậu nhà Đinh trở thành phi tử của vua Lê bị các nhà nho và sử gia thời trước lên án gay gắt.

Đỗ Thu Nga
10:00 08/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đinh Bộ Lĩnh là vị anh hùng cờ lau có công dẹp loạn 12 sứ quân, lập ra nhà Đinh. Thế nhưng, thời gian cai trị của ông không được dài lâu. 

Sử chép, năm 797, vua Đinh Tiên Hoàng và con trưởng Đinh Liễn bị hoạn quan Đỗ Thích giết hại. Hoàng tử duy nhất còn lại là Đinh Toàn mới 6 tuổi vẫn được tôn lên làm vua, còn Dương Vân Nga trở thành Hoàng Thái hậu. Trong bối cảnh lịch sử rối ren đó, Thái hậu Dương Vân Nga đã chọn Lê Hoàn - người nắm giữ trong tay quân đội làm nhiếp chính, cùng bà giúp con trai cai quản giang sơn mà vua Đinh Tiên Hoàng để lại. 

Thái hậu Dương Vân Nga (Đại Thắng Minh Hoàng Hậu, 952 - 1000), dã sử gọi là Dương Vân Nga. Bà là Hoàng hậu của 2 vị Hoàng đế thời kỳ đầu lập quốc trong Lịch sử Việt Nam là Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê.

Doi-loi-benh-vuc-Hoang-hau-Duong-Van-Nga-7
Tượng vua Đinh Tiên Hoàng

Vì là một người đàn bà quyền lực của 2 triều đại quan trọng, sử sách thường gọi bà với cái tên trang trọng là Dương hậu hay Dương thái hậu. Hiện nay, trong các đền thờ, tên đường và các tác phẩm văn học nghệ thuật, người Việt gọi bà là Thái hậu Dương Vân Nga hay Lưỡng triều hoàng hậu Dương Vân Nga.

Bà là nhạc mẫu của Hoàng đế Lý Thái Tổ, bà ngoại của hoàng đế Lý Thái Tông. Năm bà mất cũng là năm vị vua này sinh ra. Từ thời Lý, bà có thêm tôn xưng là Bảo Quang Hoàng thái hậu.

Chuyện nhường ngôi cho ngoại tộc

Sau khi nắm quyền nhiếp chính, Lê Hoàn được tự do ra vào cung cấm, còn tự phong làm Phó vương khiến triều đình lo lắng. Sợ quyền lực của nhà Đinh rơi vào tay Lê Hoàn, các đại trung thần của nhà Đinh như Nguyễn Bặc, Đinh Điền dấy binh khởi nghĩa. Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị Lê Hoàn dẹp tan. 

Nhân tình hình rối ren, nhà Tống mưu đồ đưa binh sang xâm lược nước ta, chuyện hoán ngôi của Lê Hoàn được thúc đẩy và diễn ra thành công.

Chính sử có chép, khi triều đình họp bàn để xuất quân chống giặc, Phạm Cự Lạng - đại tướng được Lê Hoàn sủng ái và cất nhắc - dẫn các tướng tiến vào đề nghị đưa Lê Hoàn lên ngôi báu thay cho vua Đinh Toàn. Lý do được đưa ra là: 

"Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết giết để chặn giặc ngoài may có chút công lao thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập Đạo (Lê Hoàn) làm thiên tử, sau đó xuất quân thì hơn”. 

Doi-loi-benh-vuc-Hoang-hau-Duong-Van-Nga
Ảnh minh họa cảnh Thái hậu Dương Vân Nga trao long cổn cho Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn

Lời đề nghị này được Thái hậu Dương Vân Nga và quân sĩ ủng hộ. Thái hậu còn sai người lấy áo long cổn, khoác lên người Lê Hoàn và mời ông lên ngôi để trở thành vua Lê Đại Hành, lập ra nhà Tiền Lê.

Mấy dòng vắn tắt từ sử cũ cho thấy: Lê Hoàn lên ngôn thật sự rất đơn giản và suôn sẻ. Điểm tựa của ông chính là việc nắm giữ quân sự trong tay và quan trọng nhất là từ Thái hậu Dương Vân Nga - mẹ ruột của vua bé Đinh Toàn. 

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, đó là một kịch bản đã được chuẩn bị chu đáo ở mọi bước: Tập hợp lực lượng, uy hiếp triều đình (với sự có mặt bất ngờ của Phạm Cự Lượng và các võ quan), nhận sự đồng thuận của người có địa vị cao nhất lúc đó (Thái hậu Dương Vân Nga) và tiến hành ngay các nghi lễ chính thức (khoác áo long cổn lên ngôi báu).

Vì sao Lê Hoàn lập Dương Vân Nga làm Hoàng hậu?

Lê Hoàn (Lê Đại Hành) vừa lên ngôi đã phải đương đầu với cuộc xâm lăng của nhà Tống. Với tài chỉ huy của ông và tinh thần đoàn kết chống giặc của quân dân Đại Cồ Việt, đầu năm 981, quân xâm lược Tống bị quét sạch khỏi bờ cõi. Khi tình hình đã yên ổn, năm 982, Lê Đại Hành quyết định lập Hoàng Hậu. Về việc này, sử cũ chép:

Nhâm Ngọ (982)…, lập Hoàng Thái Hậu nhà Đinh là Dương Thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Hậu là vợ của Tiên Hoàng, mẹ sinh của Vệ Vương Toàn. Khi vua lấy được nước, đem vào trong cung, đến đây lập làm Hoàng Hậu, cùng với Phụng Càn Chí Lý Hoàng Hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng Hậu, Trịnh Quốc Hoàng Hậu, Phạm Hoàng Hậu làm năm Hoàng Hậu” (Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Tiền Lê).

Như vậy, Dương Vân Nga đã được Lê Đại Hành đối xử theo một cách khác thường: lấy làm vợ. Đây là điều kỳ lạ vì vua Lê Đại Hành chọn ai không chọn lại chọn người đã có chồng, có con, mà lại còn là Thái hậu của triều trước - người đã giao ngai vàng lại cho ông. Nếu nói rằng, đó là vì cộng cơ chính trị thì có vẻ rất khiên cưỡng. vua Lê Đại Hành đã có trong tay tất cả, được quân đội ủng hộ, lại có uy danh vang dội sau khi đánh thắng quân Tống. Họ Đinh thì chỉ còn Đinh Toàn thơ dại, không có khả năng gây hại cho ông.

Doi-loi-benh-vuc-Hoang-hau-Duong-Van-Nga-9
Hình tượng Thái hậu Dương Vân Nga đắn đo trao việc nước về tay người ngoài hay giữ giang sơn cho họ tộc (Ảnh: Đóng Gói Tri Thức)

Sử cũ không nói rõ nhưng đã hé lộ cho hậu thế một số thông tin. Khi tóm lược về sự nghiệp của vua Lê Đại Hành, Đại Việt sử ký toàn thư có một câu rằng: “Vua nhân gian dâm trong cung mà lấy được nước” (Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Tiền Lê). Những câu chữ ngắn gọn ấy cho biết, Lê Đại Hành và Dương Vân Nga đã “quan hệ bất chính” với nhau trước khi Lê Đại Hành lên ngôi. Chuyện tư tình giữa họ ắt hẳn xảy ra trong thời gian Lê Đại Hành làm Phó Vương.

Nhưng chẳng ai rõ, Dương Vân Nga bị cưỡng ép hay thật lòng ưng thuận. Dầu sao, đó cũng được cho là nguyên do để sau này, Lê Đại Hành quyết định lập bà làm Hoàng hậu. Quyết định ấy là biện pháp hợp pháp hóa mối quan hệ giữa hai người, để Lê Đại Hành có thể công khai tiếp tục chung sống với Dương Vân Nga.

Việc bà Dương Vân Nga lần thứ 2 làm Hoàng hậu cũng chủ yếu xuất phát từ ham muốn cá nhân của Lê Hoàn. Lúc bấy giờ, Dương Vân Nga không còn trẻ nữa nhưng chắc hẳn vẫn rất cuốn hút nên đã khiến Lê Đại Hành không màng đến luân thường và những điều tiếng để lập bà làm Hoàng Hậu nhằm thỏa sức gần gũi bên bà. Những chuyện như thế không phải là hiếm gặp trong lịch sử Đông Tây kim cổ.

Chuyện Dương Vân Nga mời Lê Đại Hành lên ngôi và rồi trở thành Hoàng Hậu nhà Tiền Lê đã lưu truyền trong dân gian, là cơ sở nảy sinh của bản diễn ca lục bát “Hoàn vương ca tích”. Theo bản ca tích này, Lê Đại Hành và Dương Vân Nga vốn có tình ý với nhau trước khi Dương Vân Nga là Hoàng Hậu nhà Đinh.

Sau khi Dương Vân Nga vào cung, hai người vẫn thường xuyên gặp gỡ và có "quan hệ tư tình" với nhau. Đinh Toàn là kết quả của cuộc vụng trộm này. Đó là cơ sở để sau này Lê Đại Hành phong Dương Vân Nga làm Hoàng Hậu và không giết chết Đinh Toàn. Nội dung của bản diễn ca rất không hợp lí, bởi từ năm 970 đến năm 979, Lê Đại Hành dẫu có mặt ở kinh đô nhưng khó có thể gặp gỡ riêng tư với Dương Vân Nga mà tránh được con mắt dò xét của Đinh Tiên Hoàng cùng các đại thần khác. Bản diễn ca trên, do vậy, chỉ là do người thời sau đồn đoán và sáng tác mà thôi.

10 thế kỷ bị nhục mạ, tượng thờ cũng bị đánh

Những việc làm của Dương Vân Nga với ngôi báu của nhà Đinh bị các sử gia phong kiến trách cứ rất nhiều. Họ không tiếc lời cay đắng để về bà. Sách Đại Nam quốc sử diễn ca nói  về bà một cách mỉa mai: Nối sau Thiếu Đế thơ ngây/Lê Hoàn tiếp chính từ rày dọc ngang /Tiếm xưng là Phó quốc vương/Ra vào cùng ả họ Dương chung tình. Còn tác phẩm Thiên Nam ngữ lục ra đời vào thế kỷ 18 viết: Chẳng ngờ Dương hậu dâm tà/Xảy chồng ra thói trăng hoa loạn thường...

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử gia Ngô Sĩ Liên cũng không tiếc lời nặng nề với Dương Vân Nga: "Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sao?".

Doi-loi-benh-vuc-Hoang-hau-Duong-Van-Nga-0
Tượng Hoàng hậu Dương Vân Nga

Ở góc độ dân gian, những ánh nhìn tiêu cực với Dương Vân Nga cũng không hề ít. Theo một số nhà nghiên cứu, tại quê hương Hoa Lư (Ninh Bình) của Đinh Bộ Lĩnh, tượng Dương Vân Nga được thờ cùng vua Lê Đại Hành tại đền thờ vua Lê, nhưng phải quy về hướng nam - nơi có đền vua Đinh - để biểu thị sự tôn trọng đối với người chồng trước.  Thậm chí, trong giai đoạn trước đây, mặt tượng còn được tô màu đỏ để thể hiện sự hổ thẹn vì đã thất tiết với chồng cũ.

Đáng nói, trong dân gian có tục, mỗi khi đến ngày kỵ của vua Đinh Tiên Hoàng, tượng Dương Vân Nga sẽ bị dân làng rước từ đền thờ vua Lê sang đền thờ vua Đinh để hành lễ. Tuy nhiên, trước khi đưa lên kiệu rước, tượng bị lật sấp, đánh 10 roi vào lưng. Như lời của nhiều nhà nghiên cứu, hủ tục này được duy trì từ nhiều thế kỷ, trước khi bị dẹp bỏ vào năm 1945.

Tiến sĩ Trang Phượng, nguyên Viện trưởng Viện Mỹ Thuật Việt Nam cho biết, vào thập niên 1980, một đoàn chiếu phim từng về Hoa Lư phát sóng vở chèo (được ghi hình) ca ngợi Dương Vân Nga của soạn giả Trúc Đường. Tuy nhiên người dân địa phương đã phản ứng gay gắt và mang máy móc ném xuống ruộng.

Hậu thế đã cái nhìn thông cảm với Hoàng hậu Dương Vân Nga

Theo thời gian, những năm gần đây, lựa chọn của Dương Vân Nga đã được nhìn nhận với thái độ bao dung và công bằng hơn. Không còn nhiều những lời chỉ trích nặng nề như các sử gia xưa.

Có nhiều nhà sử học bênh vực bà cho rằng, trong khi đất nước đang lâm nguy, nếu chỉ vì quyền lợi của dòng họ và ngôi vị của con mình thì có thể giữ được nước không? Sự lựa chọn và quyết định của bà trong hoàn cảnh ấy, đã biểu hiện thái độ chính trị sáng suốt của một người có khối óc lớn thức thời, xứng đáng được coi là anh hùng. 

Sử gia Nguyễn Khắc Thuần trong Việt Sử Giai Thoại cũng cho rằng: "Đinh Tiên Hoàng mất, vua nối ngôi là Đinh Toàn chỉ mới được 6 tuổi, Lê Hoàn làm Phó Vương, giữ quyền nhiếp chính, ấy là vì sự thể lúc đó buộc phải làm như vậy. Sau, vận nước lâm nguy, xã tắc không thể phó thác cho Đinh Toàn bé nhỏ, chư tướng cùng Dương Thái hậu tôn Lê Hoàn lên ngôi, và Lê Hoàn đã vui nhận ý tôn lập đó, ấy cũng bởi sự thể lúc bấy giờ buộc phải làm như vậy đó thôi. Ai lên ngôi để hưởng cuộc đời nhung lụa, còn Lê Hoàn lên ngôi trước hết là để nhận lấy sứ mệnh vinh quang mà cực kì khó khăn, đó là chỉ huy cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lăng, bảo vệ nền tự chủ và thái bình cho xã tắc, kính thay".

Tác giả Văn Tân nhận định “Dương Thái Hậu tỏ ra là một phụ nữ khôn ngoan, sáng suốt, dám lựa chọn sự hy sinh lớn khi cần phải lựa chọn. Hành động của bà rất đẹp đẽ, nó có tác dụng hàn gắn mọi rạn nứt trong lực lượng dân tộc nảy sinh ra từ cái chết đột ngột của Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Đinh Liễn".

Xem thêm: Giai thoại ly kỳ về hoàng hậu đầu tiên của nước Việt - người góp công giúp Lý Bí dựng nghiệp đế vương

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận