9x từng giành học bổng 7 trường ĐH Mỹ: "Nếu bạn nghĩ nước Mỹ vượt trội hơn Việt Nam, bạn đã nhầm”
9x Nguyễn Siêu đánh giá, mỗi nền văn hóa có những mặt sáng - tối khác nhau và không thể so sánh. Thay vì chê bai Việt Nam hay soi mói góc khuất của nước Mỹ, hãy tìm hiểu và học cách thích nghi.
Nguyễn Siêu (SN 1995) là một trong số ít học sinh Việt Nam đạt điểm cao kỳ thi sát hạch để được nhận vào các trường ĐH Mỹ, cụ thể, Siêu đạt điểm SAT 1 là 2220/2400, SAT 2 là 2340/2400, TOEFL 112/120.
Vào năm 2013, Nguyễn Siêu nhận được thông báo trúng tuyển 7 trường ĐH danh giá của Mỹ là Vassar College, Tufts University, Oberlin College, Franklin and Marshall College, Dickinson College, Saint John’s University, Yale-NUS College in Singapore. Cuối cùng, chàng cựu học sinh chuyên Ams chọn học trường Vassar, nơi Siêu được học bổng 100%.
Nguyễn Siêu cho biết, cậu chọn Vassar không chỉ vì trường cho nhiều học bổng mà còn vì trường có thiên hướng mạnh về đào tạo các môn khoa học xã hội, trong đó có truyền thông và ngành làm phim mà cậu theo đuổi. Đối với Siêu, học và sống trên đất Mỹ mang lại nhiều điều thú vị, trong đó có sự khác biệt về văn hóa - giáo dục.
Đến năm 2018, Nguyễn Siêu tốt nghiệp Cử nhân Điện ảnh và Truyền thông tại đại học Vassar, New York (top 12 nước Mỹ) loại xuất sắc (GPA: 3.9/4.0). Ngay sau đó, cậu vào làm việc tại Paramount Network dưới vị trí Junior Associate Producer-Editor sau khi trải qua một thời gian thực tập tại các công ty: Walt Disney, MTV, Blumhouse.
Không chỉ nổi dần dần vì thành tích học tập "khủng", Nguyễn Siêu còn khiến dân mạng chú ý bởi những phát ngôn sốc, chẳng hạn như: quan điểm người Việt cuồng hoa hậu năm 2015, 5 lời khuyên gửi tân sinh viên Việt tại Mỹ…
Vào những ngày tháng 6/2018, Nguyễn Siêu được chú ý khi ra mắt cuốn sách "Cô đơn để trưởng thành - Nhật ký từ Mỹ". Nội dung đề cập đến đất nước, con người và văn hóa Mỹ dưới góc nhìn của một du học sinh. Tất cả mọi thứ từ cách cư xử, ăn uống, đi lại, học tập, yêu đương, đấu tranh cho lý tưởng sống của thanh niên Mỹ đều được Siêu ghi chép một cách rất tỉ mỉ.
Cuốn sách của Nguyễn Siêu nhận được sự chú ý của nhiều người, nhất là những ai đang quan tâm đến mảng du học và khám phá đất nước khác trên thế giới. Để tìm hiểu về quan điểm của tác giả cùng những trải nghiệm đã giúp Siêu làm nên tác phẩm thành công, Saostar đã có buổi gặp gỡ và trò chuyện cùng anh bạn này.
Khi được hỏi, điều gì đã thôi thúc Nguyễn Siêu viết "Cô đơn để trưởng thành - Nhật ký từ Mỹ", chàng trai 9x nhẹ nhàng đáp: "Bốn năm du học nước Mỹ đã mang đến cho mình nhiều cách nhìn mới về cuộc sống, con người. Trong suốt quãng thời gian ấy, mình hay chia sẻ những trải nghiệm, quan sát của mình về nước Mỹ hoặc đưa ra nhận định về những vấn đề xã hội nóng hổi trên FB cá nhân. Song viết trên FV vẫn chưa bao giờ là đủ đối với tất cả những gì mình trông thấy, học được. Mình luôn muốn viết nhiều hơn để miêu tả được cụ thể trải nghiệm của mình với tư cách là một du học sinh, giải thích rõ hơn tại sao xã hội Mỹ như này mà xã hội Việt Nam lại như khác.
Minh mong muốn cuốn sách này sẽ mang đến một cái nhìn chân thực hơn, gần gũi hơn về nước Mỹ cho tất cả những ai đang ấp ủ giấc mơ Mỹ, vì nước Mỹ của một du học sinh không hoàn toàn giống như nước Mỹ trên phim ảnh, báo chí. Nước Mỹ trên phim ảnh, báo chí có thể hào phóng, nhưng cái “đất khách quê người ấy” với một du học sinh thì đầy cam go, thách thức và có cả cạm bẫy.
Mình cũng mong muốn cuốn sách là một cuốn sổ hữu ích cho những du học sinh sắp sang Mỹ, có thể chuẩn bị hành trang cho mình kỹ càng hơn, ví dụ như hiểu được một lớp học ở Mỹ hoạt động thế nào, ăn uống ở Mỹ như thế nào thì đỡ hại sức khỏe, làm thế nào để kết bạn trong một xã hội mà ai ai cũng đề cao cái tôi cá nhân lên trước hết…
Quan trọng hơn, mình nghĩ “Cô đơn để trưởng thành” không hẳn là một cuốn cẩm nang, và cũng không đơn giản chỉ là một cuốn sách cho những ai quan tâm tới vấn đề du học. Bản chất của “Cô đơn để trưởng thành” là một cuốn sách về văn hóa. Hầu hết 192 trang của cuốn sách là sự so sánh, đối chiếu giữa văn hóa Việt và văn hóa Mỹ qua một loạt các khía cạnh: cách xưng hô, cách chào hỏi, cách ăn uống, cách học tập, cách đi đứng,…
Là một du học sinh có 18 năm sống ở Việt Nam và 5 năm sống ở Mỹ, mình có con mắt của một người trung gian, một kẻ đứng giữa có thể quan sát cả hai nền văn hoá, từ đó có những so sánh, đối chiếu, nhận xét của riêng mình. Qua những so sánh, đối chiếu ấy, mình kỳ vọng độc giả của “Cô đơn để trưởng thành” hiểu được rằng: Không có nền văn hoá nào là hơn nền văn hoá nào. Mỗi bên Đông - Tây đều có những điều đặc trưng như nhau. Nếu nghĩ nước Mỹ vượt trội hơn Việt Nam, bạn đã nhầm!
Cuốn sách này vì thế còn dành cho tất cả những ai quan tâm tới văn hoá, đời sống, con người, dù có liên quan trực tiếp tới nước Mỹ hay lĩnh vực du học hay không.
Quan điểm của Siêu về nước Mỹ, về Việt Nam. Tại sao nói Việt Nam không kém Mỹ nhưng sau khi du học lại chọn cách ở lại Mỹ làm việc thay vì trở về quê hương?".
Khi tiếp tục được hỏi: "Tại sao nói Việt Nam không kém Mỹ nhưng sau khi du học lại chọn cách ở lại Mỹ làm việc thay vì trở về quê hương", Nguyễn Siêu cho biết: "Trong Cô đơn để trưởng thành, mình đã so sánh và đối chiếu rất nhiều khía cạnh giữa văn hóa Việt và văn hóa Mỹ. Qua những so sánh, đối chiếu này, mình muốn đưa tới kết luận là hai nền văn hóa rất "khác nhau", "mỗi người một vẻ".
Ví dụ, văn hoá Việt thiên về tính cộng đồng, còn văn hoá Mỹ thiên về cá nhân, cái tôi là trên hết. Văn hoá cộng đồng ở Việt Nam nhiều khi khuyến khích mọi người để ý đến cuộc sống của người khác một cách thái quá, ví dụ như tọc mạch vào đời sống gia đình hoặc đánh giá về ngoại hình của họ; tuy nhiên, ngược lại, văn hoá cộng đồng lại khiến chúng ta khăng khít hơn trong một tập thể, quan tâm tới nhau hơn. Nói vậy để thấy, vấn đề nào cũng có hai mặt, cái gì cũng có nửa tốt, nửa xấu. Bởi vậy, chúng ta chỉ nên dừng ở kết luận là mỗi bên Đông - Tây đều có những điều tích cực và tiêu cực riêng, thay vì chia ly so sánh cái nào hơn, cái nào kém".
Nguyễn Siêu cho biết, hiện tại đang ở lại Mỹ làm việc một phần vì ngành truyền thông - giải trí ở Mỹ rất mạnh nên muốn học hỏi từ những người làm phim, làm truyền hình ở đây. Những tác phẩm điện ảnh - truyền hình ở Mỹ có sức ảnh hưởng trên toàn cầu, nên học hỏi từ họ là điều tốt, kể cả sau này có về Việt Nam (điều này chưa quyết định).
"Một lý do nữa là mình mới chỉ ở Mỹ 4 năm, chắc chắn chưa hiểu hết về đất nước này, nên mình muốn học hỏi thêm, để biết đâu có thể viết một cuốn “Cô đơn để trưởng thành” thứ hai sâu sắc hơn thì sao.
Việc ở lại Mỹ làm việc trong thời điểm này không có nghĩa là mình “cắt đứt” mọi mối quan hệ ở Việt Nam. Mình vẫn làm việc với nhà xuất bản ở Việt Nam để cho ra mắt cuốn “Cô đơn để trưởng thành,” và bên cạnh đó vẫn viết về nhiều vấn đề xã hội trên Facebook để kết nối với cộng đồng giới trẻ ở Việt Nam. Ngoài ra, mình vẫn đang trong quá trình dựng một bộ phim Việt Nam mà mình đã quay một vài năm trước. Địa điểm sống thì chỉ có một, nhưng mình vẫn nói cả hai ngôn ngữ, có hai cộng đồng bạn bè, và sống song song trong hai nền văn hoá mà mình trân trọng như nhau", Nguyễn Siêu chia sẻ.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận