Võ Văn Dũng - mãnh tướng diệt cao thủ Tàu, khử gian thần và là 'cánh tay phải' của Quang Trung

Trong số 7 hổ tướng của Quang Trung thì chỉ có Võ Văn Dũng là nổi danh là "võ thánh" oanh liệt. Ông không chỉ diệt được cao thủ Tàu mà còn thẳng tay trừ khử gian thần, giúp người trung lương.

Đỗ Thu Nga
07:00 22/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tây sơn thất hổ tướng là danh hiệu của 7 tướng lĩnh, thủ lĩnh quân sự của nhà Tây Sơn ở thời kỳ đầu. Họ là: Võ Văn Dũng, Võ Ðình Tú‎, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu và Nguyễn Văn Lộc.

Danh tướng Võ Văn Dũng là ai?

Theo Wiki, Võ Văn Dũng (hay Vũ Văn Dũng, 1750 - 1802) là danh tướng nhà Tây Sơn, đứng đầu trong Tây Sơn thất hổ tướng. Ông chính là người được vua Quang Trung cử đi sứ vào những thời điểm quan trọng nhất. Ông cũng là một trong những tướng lĩnh trung thành cuối cùng đã chiến đấu để bảo vệ sự tồn tại của vương triều Tây Sơn.

Nói về năm sinh của Võ Văn Dũng, nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Minh Hồng cho biết: Các tài liệu chính thức đều ghi mãnh tướng này sinh năm 1750. Tuy nhiên, luận điểm này đến nay vẫn chưa được các nhà khoa học công nhận vì không có bằng chứng cụ thể.

Theo tư liệu dòng họ Vũ - Võ Việt Nam, Võ Văn Dũng sinh năm Giáp Tý (1744) tại xã Đan Giáp, tổng My Động, huyện Thanh Miện (Hải Dương) trong một gia đình quan lại dưới triều Lê. Song nhiều tài liệu khác lại xác nhận mãnh tướng này sinh ra trong gia đình khá giả nhất nhì vùng Phú Phong, phủ Quy Nhơn (nay là huyện Tây Sơn, Bình Định). Gia phả họ Vũ tại Bình Định nói ông là con của Vũ Văn Khanh - người từng đượcn phong tước Nam do lập nhiều công trạng.

manh-tuong-diet-cao-thu-tau-tru-gian-than-thoi-tay-son-la-ai-7
Tượng thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng

Bởi gia đình có điều kiện nên từ nhỏ Văn Dũng cùng anh em đã được cha mời thầy về dạy võ. Vốn là người có tư chất thông minh, khả năng thiên bẩm về võ học nên ông học 1 biết 10 khiến cha phải thường xuyên đổi thầy. 

Đến năm 20 tuổi, ông vào đất Phú Yên, gặp được cao nhân họ Lương tại vùng Tuy Hòa, lúc này mới học được lâu dài. Ở đây, ông được dạy về trường kiếm, đoản đao và cách chiến đấu trên lưng ngựa.

Ông luôn tâm niệm lời thầy dạy: Học võ để phòng thân lúc cần thiết, dẹp nỗi bất bình khi cứu người, chứ không phải để đấu sức khỏe tài. Do vậy, rất ít người biết tài võ thuật của Văn Dũng. Sau này, khi gia nhập quân Tây Sơn, người Bình Định và vùng lân cận thường truyền nhau câu nói: “Vũ Văn Dũng quán quân/Bách chiến khởi Tây thùy”. Nghĩa là: Tiếng tăm Vũ Văn Dũng trùm khắp ba quân/ Trăm trận đánh nổi lên từ bờ cõi phương Tây.

Về tài dùng đao của Võ Văn Dũng, Nguyễn Nhạc từng khen: "Phá trung sơn giặc dị, thắng Văn Dũng đao nan”; dịch nghĩa: Phá giặc trong núi thì dễ, thắng được cây đao của Văn Dũng mới khó.

Theo sử sách, vì là cao thủ võ học xuất sắc, am hiểu về đao pháp nên Văn Dũng nổi tiếng với cây Lôi long đao tung hoành trên chiến trường. Hiện nay, bài võ Lôi long đao do ông nghiên cứu, biên soạn vẫn được lưu truyền trong dân gian. Bài võ này đã được đưa vào chương trình 18 bài võ cổ truyền Việt Nam.

Diệt cao thủ người Tàu

Trong cuốn Võ nhân Bình Định của 2 tác giả Quách Tấn và Quách Giao có kể lại câu chuyện: Tại chợ Gò Chàm ở phía Bắc thành Quy Nhơn có một nhà sư người Tàu thường đến biểu diễn võ thuật. Nhà sư cởi áo, ngồi xếp bằng, lưng thẳng, vận công, rồi cho người khác cầm gươm, dao chém vào khắp thân thể nhưng vẫn không hề gì. Mọi người kinh sợ, đồn ầm lên là dị nhân. 

Nhà sư đắc ý và tỏ thái độ coi thường võ thuật của người Việt. Từ khi có sự hiện diện của nhà sư này thì ban đêm các xóm làng thường xảy ra những vụ "hái quả" bằng cường lực. Biết chuyện, Nguyễn Nhạc liền sai Võ Văn Dũng đi trừ hại cho dân.

manh-tuong-diet-cao-thu-tau-tru-gian-than-thoi-tay-son-la-ai-8
Mô hình thuyền chiến nhà Tây Sơn

Võ Văn Dũng nhận lệnh ngầm điều tra thì phát hiện nhà sư tuy nội công thâm hậu nhưng lòng dạ bất chính, bay làm điều bất nghĩa. Ông đã thuê vài tên vô lại và gái lầu xanh làm việc dâm dục trước mặt nhà sư.

Ban đầu nhà sư này cười nói bình thường nhưng một hồi lâu bỗng nhắm mắt không nhìn nữa. Xuất kỳ bất ý, Võ Văn Dũng rút kiếm chém một nhát, đầu nhà sư rơi xuống đất.

Võ Văn Dũng nói: “Nhà sư không có thuật gì lạ. Dày công luyện khí cho cơ thể cứng rắn. Tâm định thì khí tụ, tâm động thì khí tan. Lúc ban đầu, tâm nhà sư không động, nên nhà sư dám nhìn tự do. Đến khi nhà sư nhắm mắt thì biết tâm đã động nên chém xuống không thể kháng cự được”. 

Khi đó người dân ai cũng trầm trồ thán phục, khen ngợi tài trí của Võ Văn Dũng.

Trừ gian thần, giúp người trung lương

Theo Bảo tàng lịch sử, Võ Văn Dũng từng theo Nguyễn Huệ vào Nam đánh quân Xiêm. Sau đó lại ra Bắc đánh quân Thanh Xâm lược. Ông là tướng chỉ huy đánh quân Thanh ở đồn Khương Thượng, góp công lớn làm nên chiến thắng đầu xuân Kỷ Dậu (1789). Tiếp đó ông được cử ra làm Trấn thủ Bắc Thành.

Đến năm 1791, ông được vua Quang Trung cử làm chính sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ sang Trung Quốc với trọng trách đòi đất lưỡng Quảng và cầu hôn công chúa nhà Thanh. Nhờ tài đối ngoại của mình ông khiến vua Càn Long phải đồng ý các yêu sách của vua Quang Trung. Song do Quang Trung đột ngột băng hà, đoàn sứ bộ phải về nước chịu tang nên những thắng lợi về ngoại giao không được thực hiện.

Sau khi Quang Trung băng hà, Quang Toản lên kế vị. Nhưng do tuổi còn nhỏ nên quyền binh đều nằm trong tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên.

Theo cuốn Nhân vật Bình Định của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, Bùi Đắc Tuyên ngày càng lộng hành, bạc đãi công thần, cho bè đảng và dòng họ giữ các địa vị then chốt, bán quan buôn ngục, tranh lợi với bách tính… khiến quốc dân bất mãn, đẩy đế nghiệp Tây Sơn đến chỗ diệt vong.

manh-tuong-diet-cao-thu-tau-tru-gian-than-thoi-tay-son-la-ai-3.jpg
Bia di tích tại từ đường Vũ (Võ) Văn Dũng tại Bình Định

Năm 1795, Bùi Đắc Tuyên sai Ngô Văn Sở ra Bắc Hà thay chức Trấn thủ của Võ Văn Dũng. Đồng thời triệu hồi Võ Văn Dũng về Phú Xuân đợi lệnh. Trên đường về kinh, Võ Văn Dũng được Trần Văn Kỷ (đang bị Bùi Đắc Tuyên đầy ở trạm Hoàng Giang) thông báo tình hình triều chính. Đồng thời khuyên nên diệt Tuyên để trừ hại cho xã tắc.

Nghe vậy, Võ Văn Dũng tức tốc về  Phú Xuân cùng 2 tướng Phạm Công Hưng và Nguyễn Văn Huấn abwts Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ và Ngô Văn Sở, khép tội mưu phản, đóng cũi nhốt rồi đem dìm xuống sông Hương. Sau đó, vua Quang Toản phong Võ Văn Dũng làm Đại tư đồ, Trần Quang Diệu làm Thái phó, cùng với Thiếu bảo Nguyễn Văn Huấn, Đại tư mã Nguyễn Văn Danh là tứ trụ triều đình.

Đến tháng 5 năm Kỷ Mùi (1799), thành Quy Nhơn bị quân nhà Nguyễn bao vây, Võ Văn Dũng cùng Trần Quang Diệu kéo quân ứng cứu nhưng vào đến Quảng Ngãi thì bị chặn đánh, phải lui về giữ Quảng Nam. Gian thần trong triều sàm tấu với vua Cảnh Thịnh là do Trần Quang Diệu không chịu ứng cứu nên Quy Nhơn mới mất. Vua Cảnh Thịnh sai người mang mật thư vào Quảng Nam bảo Văn Dũng bắt Trần Quang Diệu giết đi. Biết đây là âm mưu của gian thần nên Võ Văn Dũng báo cho Trần Quang Diệu biết để kéo quân về Phú Xuân diệt trừ.

Đến năm 1801, Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu hợp quân chiếm lại được thành Quy Nhơn thì kinh thành Phú Xuân trước đó cũng lọt vào tay Nguyễn Ánh. Hai ông lại kéo quân theo đường của nước Lào ra Nghệ An chuẩn bị tấn công lấy lại Phú Xuân. Tuy nhiên, lần lượt Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và Võ Văn Dũng đều bị quân nhà Nguyễn bắt sống. Trên đường giải về kinh, chỉ có Võ Văn Dũng trốn thoát được.

Sau đó, Võ Văn Dũng về quê, lẩn tránh ở các làng người dân tộc vùng cao, đón 2 con của vua Thái Đức  là Văn Đức, Văn Lương và cháu nội là Văn Đẩu về tính chuyện khôi phục nhà Tây Sơn. Tuy nhiên, năm Minh Mạng thứ 12 (1882), ba chú cháu Văn Đức bị bắt rồi giết chết. Võ Văn Dũng đau buồn sinh bệnh rồi mất năm Ất Mùi (1835).

Xem thêm: Cuộc đời tận tâm với vua, với nước, lòng dạ sáng tựa sao băng của vị tướng tài Lê Văn An

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận