Mái ấm chông chênh của gia đình có chồng mù, vợ thiểu năng, con động kinh
Gia đình có 4 người thì 3 người gặp vấn đề về sức khỏe nên chỉ biết sống bằng những đồng tiền trợ cấp ít ỏi. Giờ đây, ước mơ lớn nhất của ông bố mù lòa là có con trâu cho con trai đi chăn.
Anh Trần Văn Quý (SN 1983, quê ở thôn Đồng Chùa, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) là một người bất hạnh, từ khi sinh ra đã gặp vấn đề về mắt. Anh chẳng nhìn rõ thứ gì. Vào năm 3 tuổi bị sập cầu hai mắt dẫn đến mù vĩnh viễn.
Sau khi trưởng thành, anh Quý kết hôn với chị Nguyễn Thị Côi (SN 1984). Chị Côi cũng có hoàn cảnh éo le như anh Quý, bị thiểu năng, chậm chạp. Hai con người không may mắn ấy ráp lại với nhau, mong được chở che và dìu dắt nhau qua những tháng ngày đầy khó khăn này.
Kết quả của cuộc hôn nhân là hai đứa con 1 trai, 1 gái. Con trai anh Quý là cháu Trần Văn Hòa (SN 2008) bị động kinh, thi thoảng trái gió trở trời lại lên cơn co giật, thuốc động kinh luôn kè kè bên người. Cả nhà chỉ còn mỗi cô con gái tên là Trần Thu Dung (SN 2006) là người bình thường.
Tình cảnh của gia đình anh Quý vô cùng éo le, nhà có 4 người thì 3 người có vấn đề sức khỏe. "Tôi lớn lên trong cảnh mù lòa, nhận biết ngày và đêm qua giọng nói, tiếng động, cả ngày chỉ có ngồi một chỗ, mỏi người thì cầm gậy mò mẫm quanh nhà. Đến tuổi lập gia đình, theo lời bố mẹ, tôi kết hôn với người phụ nữ ở xã bên. Sống với nhau hơn 15 năm, có với nhau 2 mụn con nhưng tôi chẳng biết mặt mũi, hình dáng vợ mình ra sao", anh Quý tâm sự.
Vì chậm chạp hơn người bình thường nên mọi công việc trên nương rẫy của chị Côi đều nhờ các anh chị trong nhà cầm tay chỉ việc mới biết làm. Còn anh Quý, công việc duy nhất có thể làm để giúp đỡ vợ là nấu cơm.
Mắt anh tuy đã hỏng nhưng tai lại rất thính. Việc đi lại trong nhà anh phụ thuộc hoàn toàn vào gậy gộc, cứ thế lần mò đi rồi cũng thành quen. Vì không đi ra ngoài làm ăn được nên quanh năm suốt tháng anh quanh quẩn làm việc vặt trong nhà.
"Ngày vợ sinh được đứa con trai tôi mừng lắm, trong bụng nghĩ thầm ít ra thì mình cũng có một đứa con để sau này hi vọng được nương nhờ vào nó. Được 4 tháng thì nó lên cơn động kinh khiến cho cả nhà lo lắng, cho đi viện khám thì bác sĩ bảo con tôi bị động kinh. Từ đó đến nay con trai tôi thi thoảng vẫn lên cơn co giật, nó có sổ động kinh để hàng tháng được nhận thuốc miễn phí", anh Quý kể.
Theo báo Dân trí, con trai anh Quý năm nay 14 tuổi đang học lớp 7. Nhưng do ảnh hưởng của bệnh động kinh nên cơ thể gầy gò, ốm yếu hơn bạn bè cùng trang lứa. Còn cô con gái học hết lớp 9 thì nghỉ vì gia đình nghèo quá. Hàng ngày, con gái anh theo cô chú lên nương làm rẫy, thi thoảng đi làm thuê để kiếm thêm tiền phụ giúp cha mẹ.
Cuộc sống của gia đình anh Quý phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền trợ cấp khuyết tật hàng tháng của hai bố con. Vợ anh Quý thì được hưởng thêm 360 nghìn tiền chăm sóc người khuyết tật.
Trước đây gia đình sống khổ sở trong căn nhà lá rách nát. Sau này nhờ vay tiền ngân hàng và anh em giúp đỡ nên xây được căn nhà mới. Nhà chỉ chát qua vôi vữa rồi dọn vào ở, bên trong cũng không có đồ gì đáng giá. Khoản nợ ngân hàng để xây nhà anh Quý cũng không biết bao giờ mới trả xong.
"Chẳng bao giờ tôi mong muốn được điều gì cao sang, chỉ mong mọi người giúp đỡ để gia đình mua được con trâu, con bò cho bọn trẻ đi chăn thả. Lớn lên bán lấy tiền trả nợ ngân hàng và trang trải cuộc sống cho cả gia đình", anh Quý mong muốn.
Chính quyền địa phương cho biết, gia đình anh Quý rất khó khăn. Nhà có 4 người thì 3 người không khỏe mạnh. Vợ anh Quý chậm chạp nên cũng không làm được nhiều việc. Sau khi vay ngân hàng xây lại được ngôi nhà lấy chỗ chui ra chui vào thì không có khả năng trả nợ, lúc nào cũng chỉ lo vay tiền để đáo hạn ngân hàng.
Thông qua các cơ quan báo đài, chính quyền địa phương rất mong các nhà hảo tâm có thể dang tay giúp đỡ để gia đình anh Quý thoát khỏi cơn bĩ cực này.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi trực tiếp về:
Anh Trần Văn Quý
Địa chỉ: Thôn Đồng Chùa, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái
Điện thoại: 037.407.6697
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận