Hồ Quý Ly không hẳn là người tham sống sợ chết

Việc Hồ Quý Ly đầu hàng, bị bắt, trở thành tù nhân bị dẫn sang Yên Kinh khiến sử gia đương thời và hậu thế vô cùng bất mãn. Nhiều ý kiến cho rằng, ông tham sống sợ chết nên làm thế. Tuy nhiên, nếu soi xét cục diện chính trị khi ấy thì có thể thấy điều khác...

Đỗ Thu Nga
11:00 12/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sử chép Hồ Quý Ly đã tính đủ đường lắt léo khi liên tục ép cháu ngoại là Trần Thiếu để nhường ngôi cho mình rồi lại truyền ngôi lại cho cháu ngoại của vua Trần là Hồ Hán Thương để tạo tính chính danh. Thế nhưng, nhà Minh khi đó cường thịnh (khác với lúc nhà Tống suy yếu thời điểm nhà Trần thay nhà Lý) đã tìm mọi cách xóa bỏ màn kịch này để thực hiện dã tâm.

Đúng là trong bối cảnh không còn đường lui, Hồ Quý Ly có nhiều cách để giữ khí tiết. Ban đầu khi thua và bị quân Minh đuổi đến Lỗi Giang (Mã giang), tướng Ngụy Thức thấy thế nguy cấp, bèn tâu: "Nước đã mất, làm ông vua không nên để cho người ta bắt được, xin Bệ hạ tự đốt đi mà chết còn hơn". Nhưng Hồ Quý Ly lại nổi giận, bắt Ngụy Thức chém rồi chạy vào Nghệ An.

Tháng 6/1407, tại Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cha con Hồ Quý Ly bị bắt. Thời điểm đó, vẫn có cách giữ khí tiết. Vấn đề chỉ có dám hay không. Đại Việt sử ký toàn thư còn chép: “Hành khiển tham tri chính sự Ngô Miễn, trực trưởng Kiều Biểu nhảy xuống nước chết. Khi Miễn chết, vợ là Nguyễn thị ngửa mặt lên trời than rằng: "Chồng ta thờ chúa, một đời ăn lộc, ngày nay giữ tiết nghĩa mà chết, thế là chết xứng đáng, còn oán hận gì nữ? Nếu thiếp muốn sống cho qua ngày, chẳng lẽ lại không còn chỗ đến nữa hay sao? Nhưng đạo chồng, ơn vua, một chốc mà phụ bạc thì thiếp không nỡ nào! Chi bằng, xin theo nhau!".

Ho-Quy-Ly-khong-han-la-nguoi-tham-song-so-chet-7
Tranh vẽ Hồ Quý Ly

Hay như vua Trùng Quang thời Hậu Trần khi bị bắt cũng tìm cách giữ khí tiết, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: "Tướng Minh là Trương Phụ sau bắt được Đế Quý Khoáng (tức vua Trùng Quang) bèn dẫn quân về thành Đông Quan, sai người đưa vua tôi Quý Khoáng sang Yên Kinh. Khi đi đến giữa đường, Đế Quý Khoáng nhảy xuống sông chết".

Khi bị áp giải sang Yên Kinh gặp Minh Thành Tổ, Hồ Quý Ly bị sỉ nhục nhưng vẫn phải chịu đựng ngậm miệng cầu an. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép với ý khác hẳn: “Vua nhà Minh ngự điện nhận tù binh và hỏi Quý Ly rằng: "Giết vua, cướp nước, như thế có phải là đạo người bầy tôi không?". Quý Ly không trả lời được.

Tất cả những chi tiết được chép trên đều khiến người ta thấy Hồ Quý Ly là kẻ tham sống sợ chết. Song nếu thử nhìn bối cảnh rộng hơn thì có thể thấy Hồ Quý Ly không hẳn như vậy. Nếu Hồ Quý Ly là người ham sống cầu an thì ông đã không dám tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị khốc liệt cuối triều Trần. 

Việc thâu tóm quyền lực, đối đầu với nhà Trần bao gồm cả vua Trần Phế Đế rồi sau này là Trần Thuận Tông đã khiến Hồ Quý Ly nhiều phen phải đánh cược cả 3 họ cho sinh mạng chính trị của mình. Những lần Hồ Quý Ly đối đầu với Trần Phế Đế, Trần Khát Chân thật sự là canh bạc mạo hiểm không thể biết trước kết cục và nếu thua thì sẽ là án tru di tam tộc chứ chẳng chơi.

Một điểm nữa để thấy Hồ Quý Ly không tham sống sợ chết đó là thái độ cứng rắn của nhà Minh khi lên ngôi. Hồ Quý Ly cũng phải có gan lớn khi dám lên kế hoạch đối chọi với nhà Minh. Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Quý Ly bàn mưu với bầy tôi rằng: "Làm thế nào có được trăm vạn quân để đối địch với giặc phương bắc?".

Hay Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: Người Chiêm Thành cầu cứu với nhà Minh, nhà Minh dùng 9 chiếc binh thuyền vượt biển sang cứu, gặp đạo quân của bọn Nguyên Côi, người nhà Minh bảo Nguyên Côi rằng: "Nên rút quân về ngay, không nên ở lại nữa". Khi bọn Nguyên Côi về đến kinh thành, Quý Ly quở trách về tội không sao giết hết được quân nhà Minh, còn Nguyên Trác vì trái tướng lệnh, nên phải tội đày làm lính.

Ho-Quy-Ly-khong-han-la-nguoi-tham-song-so-chet-7

Khi nhà Minh cho gián điệp sang thì Hồ Quý Ly truy cùng giết tận. Thậm chí định thủ tiêu luôn cả quan ngự sử nhà Minh. Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chép việc này như sau: "Khi Lý Kỳ đã sang qua quan ải, đánh đập những người hộ tống, bắt phải đi thật nhanh cho được đường, không kể gì nhật trình đã định; khi đến quán sứ, lại đi xem xét tình thế khắp nơi rồi trở về. Quý Ly sợ lộ việc sai người đuổi theo để giết đi; lúc theo đến Lạng Sơn, thì Kỳ đã sang qua quan ải bên kia rồi". Trên thực tế, Hồ Quý Ly đã cho người thủ tiêu quan lại nhà Minh đến cai trị vùng biên giới tranh chấp.

Thậm chí Quý Ly cũng là người chủ trương đánh tan quân Minh khi hộ tống vua bù nhìn Trần Thiêm Bình về nước. Việc xử tùng xẻo Trần Thiêm Bình là hành động thể hiện sự cao ngạo của Hồ Quý Ly, thách thức lại triều Minh.

Hồ Quý Ly có thừa sự hiểu biết để hiểu rằng, những hành động cứng rắn của ông sẽ thúc đẩy nhà Minh hành động sớm hơn. Song ông vẫn làm điều đó. Vậy nên, có thể thấy, Hồ Quý Ly không phải kẻ tham sống sợ chết. 

Vậy tại sao Hồ Quý Ly chấp nhận đầu hàng? Có lẽ Hồ Quý Ly muốn học theo Việt vương Câu Tiễn thời Xuân Thu. Hồ Quý Ly là người thuộc điển tích (Quý Ly từng làm 14 thiên Minh Đạo dâng lên vua Thuận Tông, rồi từng được Trần Nghệ Tông tặng tranh tứ phụ đồ) thì làm sao không hiểu chuyện Câu Tiễn chịu làm tù nhân, nếm phân cho vua Ngô Phù Sai để sau dựng lại đất nước từ đống tro tàn.

Thế nhưng phải thấy rằng, hoàn cảnh của Quý Ly và Câu Tiễn quá khác nhau. Câu Tiễn khi đường cùng ở Cối Kê thì vẫn có thứ để ngã giá với quân Ngô để đầu hàng có điều kiện (***). Câu Tiễn biết cách để tuy thân phải hàng nhưng nước không mất.

Còn Quý Ly thì khác, ông đầu hàng ở Kỳ La trong thế khốn cùng, không có gì để ngã giá với quân Minh. Vì đầu hàng vô điều kiện nên thân thì tù, nước thì bị cướp.

Và Hồ Quý Ly không thể thành công như Câu Tiễn vì không có được lòng dân. Câu Tiễn có lòng dân nên vua Ngô không dám giết sợ người nước Việt (Xuân thu) nổi loạn mà muốn giữ Câu Tiễn để yên bụng chúng. Còn Quý Ly không được lòng dân (theo lời Hồ Nguyên Trừng) nên khi đánh thì không nhận được hưởng ứng đoàn kết, khi bại thì cũng chẳng ai buồn đau.

Do vậy, dù Hồ Quý Ly có cái chí của Câu Tiễn đi chăng nữa thì rốt cuộc ông cũng chẳng làm được gì ở tuổi 70 mà phải đi làm lính thú ở Quảng Tây. Và việc Hồ Nguyên Trừng (con trưởng của Hồ Quý Ly) sau này làm quan cho nhà Minh đối phó với nhà Hậu Trần trở thành một vết đen với cha con nhà Hồ Quý Ly. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: "Khi bọn Nghiện Thần (sứ giả của vua Hậu Trần) đến Yên Kinh, vua Minh sai Hồ Nguyên Trừng mượn cớ là tình nghĩa cố cựu, hỏi về tình hình trong nước mạnh yếu hư thực thế nào, Nghiện Thần nói hết cho Nguyên Trừng biết".

Nếu đã không thể phục quốc thì hãy sống an phận chứ không nên nối giáo cho giặc. Cũng vì hành động của Trừng được sử chép mà sau này chẳng mấy ai nghĩ đến việc cha con nhà Hồ Quý Ly có chí của Câu Tiễn mà đa phần tin rằng họ ham sống sợ chết.

(***): Khi Câu Tiễn và 5.000 quân bị vây ở Cối Kê, Câu Tiễn bèn sai Chủng đem gái đẹp, của quý lẻn đến đưa cho Thái Tế nước Ngô là Phỉ. Phỉ nhận rồi giúp cho đại phu Chủng được yết kiến vua Ngô. Chủng đập đầu nói: “Xin đại vương tha tội cho Câu Tiễn, mà lấy tất cả của cải châu báu. Nếu đại vương không tha thì Câu Tiễn sẽ giết vợ con, đốt tất cả châu báu, năm nghìn người liều chết xông ra thì cũng là một sức mạnh đáng kể”.

Xem thêm: Hồ Quý Ly dùng kế 'lấy độc trị độc' với nhà Minh: Suy cho cùng cũng vì nền độc lập của Đại Ngu

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận