Hồ Quý Ly dùng kế 'lấy độc trị độc' với nhà Minh: Suy cho cùng cũng vì nền độc lập của Đại Ngu
Hồ Quý Ly đã áp dụng đúng những thủ đoạn của nhiều năm làm quyền thần lên nhà Minh. Nhưng suy cho cùng, mọi hành động đó cũng để bảo vệ nền độc lập của Đại Ngu.
Sử chép, thời niên thiếu, Hồ Quý Ly theo học võ, gia nhập chốn quan trường sau khi đỗ thi Hương, khoa Hoành từ (nhà Trần). Hồ Quý Ly có 2 người cô là vợ của vua Trần Minh Tông: Một người sinh ra vua Trần Nghệ Tông, một người sinh ra Trần Duệ Tông. Chính nhờ đó mà ông nhận được sự tín nhiệm khi Trần Nghệ Tông đăng cơ.
Vào năm 1372, ông được phong làm Tham mưu quân sự. Năm 1377, vua Trần Duệ Tông đánh Chiêm Thành bị tử trận. Hồ Quý Ly kinh hãi, bỏ về nước nhưng vẫn được tha tội.
Đến năm 1380, Hồ Quý Ly làm thống lĩnh quân Đại Việt chống lại các đợt tấn công của Chiêm Thành. Năm 1387, ông được phong làm Tể tướng. Từ đó, quyền lực trong triều bị ông thâu tóm, các tông tộc, quan lại trung thành với họ Trần đã 2 lần chính biến nhằm lần đổ Hồ Quý Ly nhưng không thành. Cuối cùng phải chịu cảnh đầu rơi máu chảy.
Năm 1400, Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, chưa được 1 năm trao ngôi cho con và làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm đại quyền.
Hồ Quý Ly là nhân vật lịch sử gây ra nhiều tranh cãi. Các sử gia sau này chê trách ông là thần tử mà lại tìm cách giết vua (xúi Trần Nghệ Tông truất ngôi giết Trần Phế Đế, sau lại ép Trần Thuận Tông thoái ngôi rồi cho người giết), đoạt ngôi. Bên cạnh đó, việc Hồ Quý Ly sau này theo hàng nhà Minh cũng bị lên án gay gắt.
Tuy nhiên, trong thời gian chấp chính bao gồm cả thời gian làm vua và Thái Thượng hoàng thì Hồ Quý Ly luôn tỏ ra là người có chính sách ngoại giao độc lập, cứng rắn với phương Bắc. Thậm chí ông còn dùng thủ đoạn dĩ độc trị độc với người phương Bắc.
Sau màn kịch tráo ngôi, Hồ Quý Ly liền cử sứ thần sang nhà Minh. Một mặt vua Minh Thành Tổ phong Hồ Hán Thương (con trai Hồ Quý Ly) làm An Nam quốc vương. Mặt khác lại tìm cách câu kết với Chiêm Thành để gây bất lợi cho Đại Ngu.
Chủ trương của Hồ Quý Ly khi đó là nếu phát hiện quân Minh ở phía Nam thì cứ thẳng tay trừng trị không cần kiêng dè. Nếu quan binh mà dám nhân nhượng thì xử phạt theo phép nước.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chép về chuyện này như sau: "Người Chiêm Thành cầu cứu với nhà Minh, nhà Minh dùng 9 chiếc binh thuyền vượt biển sang cứu, gặp đạo quân của bọn Nguyên Côi, người nhà Minh bảo Nguyên Côi rằng: "Nên rút quân về ngay, không nên ở lại nữa". Khi bọn Nguyên Côi về đến kinh thành, Quý Ly quở trách về tội không sao giết hết được quân nhà Minh, còn Nguyên Trác vì trái tướng lệnh, nên phải tội đày làm lính".
Không chỉ câu kết với Chiêm Thành, nhà Minh còn nhân cơ hội nước ta "đổi chủ, đổi triều" để tung người sang nói điều tra thực hư chuyện nhà Trần hết hậu duệ như lời Quý Ly nói có đúng hay không.
Thực tế thì đây là cách nhà Minh tung gián điệp sang dò la tình hình nước ta, cài cắm nội ứng. Đại Việt sử ký toàn thư viết về chuyện này rất rõ ràng: "Sứ thần nhà Minh đi lại nước ta như mắc cửi, nào yêu cầu, nào hạch sách, Hán Thương phải khổ sở về sự ứng tiếp”.
Trong đám gián điệp đó, đáng ngại nhất là những hoạn quan Việt gian. Thời nhà Trần suy vi, nhà Minh cạy thế bắt nhà Trần nộp một số đàn ông đã thiến sang để chúng làm hoạn quan. Một số hoạn quan này sau khi sang phương Bắc đã bị mua chuộc, thay tâm đổi tính.
Nhà Minh cử đám Việt gian này như Nguyễn Toán, Từ Cá, Nguyễn Tông Đạo, Ngô Tín... đi sứ quay lại nước Việt. Vốn là người Việt, hiểu rõ phong tục tập quán... nên bọn chúng dễ dàng trà trộn. Đồng thời bọn chúng lợi dụng chuyện đi thăm hỏi thân thuộc họ hàng và bí mật dặn thân thuộc họ hàng rằng: khi quân Minh sang, thì thân thuộc họ hàng tập hợp lại, dựng cờ làm nội ứng, cờ ghi rõ là thân thuộc của nội quan nào. Việc tiết lộ, thân thuộc những tên nội quan này đều bị Hồ Quý Ly bắt hết rồi đem giết đi.
Về phần Hồ Quý Ly, ngay cả ngự sử nhà Minh sang dò la tình hình ông cũng không ngại. Quý Ly sẵn sàng sai người thủ tiêu nêu thấy điều đáng nghi. Trong số sứ nhà Minh cử sang điều tra về hậu duệ nhà Trần có ngự sử Lý Kỳ.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: "Khi Lý Kỳ đã sang qua quan ải, đánh đập những người hộ tống, bắt phải đi thật nhanh cho được đường, không kể gì nhật trình đã định; khi đến quán sứ, lại đi xem xét tình thế khắp nơi rồi trở về. Quý Ly sợ lộ việc sai người đuổi theo để giết đi; lúc theo đến Lạng Sơn, thì Kỳ đã sang qua quan ải bên kia rồi".
Đến năm 1405, nhà Minh cho sức sang ép nhà Hồ cắt đất Châu Lộc (Lạng Sơn). Hồ Quý Ly cho Hoàng Hối Khanh làm cát đại sứ đi giải quyết. Hối Khanh cắt đất nhiều quá, đem 59 thôn ở Cổ Lâu nộp cho Minh, Hồ Quý Ly tức giận, trách mắng Hoàng Hối Khanh và cho người địa phương ngầm đánh thuốc độc giết những quan lại của Minh tới cai trị vùng này.
Lời bàn: Có thể thấy, do nhiều năm chuyên quyền, dùng thủ đoạn để đánh bại các đối thủ chính trị nên Hồ Quý Ly "quen thói" đem áp dụng biên pháp đó để đối phó với thủ đoạn của nhà Minh. Hồ Quý Ly cứng nhắc, sẵn sàng cho quân đánh tan quân Minh trên biển, miễn là không còn người để đối chất sau này. Hồ Quý Ly cũng sẵn sàng cho người đuổi cùng giết tận quan ngự sử làm gián điệp của nhà Minh. Quý Ly còn sẵn sàng cho người đánh thuốc độc các quan lại nhà Minh cai trị trộm các vùng đất lỡ tay đánh mất.
Rất nhiều hành động của Hồ Quý Ly nhận chỉ trích, phán xét nặng nề từ sử gia và hậu thế. Song cũng phải thừa nhận rằng, những việc làm đó xuất phát từ động cơ muốn bảo vệ độc lập của Đại Ngu.
Suy cho cùng, nếu nhà Minh không có những âm mưu, thủ đoạn đê hèn nhằm xâm lược bờ cõi nước ta thì Hồ Quý Ly cũng không cần đi đến bước đường lao tâm khổ tứ dùng kế lấy độc trị độc như vậy...
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận