Khác biệt cốt lõi giữa Trần Thủ Độ và Hồ Quý Ly trong vở kịch chính trị "tranh quyền, đoạt ngôi" là gì?
Trần Thủ Độ và Hồ Quý Ly cùng là dòng ngoại thích, cùng đoạt ngôi báu. Tuy nhiên, hai nhân vật này lại đưa lịch sử nước ta đi vào quỹ đạo hoàn toàn khác nhau...
Trần Thủ Độ (1194 – 1264), cũng gọi Trung Vũ đại vương, là một nhà chính trị của Đại Việt sống vào thời cuối triều Lý đầu triều Trần. Ông đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện: lật đổ nhà Lý mục ruỗng lập nên nhà Trần, thu phục các thế lực người Man làm phản loạn và trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất.
Còn Hồ Quý Ly (1336 – 1407), lấy tên húy Hồ Nhất Nguyên, là hoàng đế đầu tiên của nước Đại Ngu. Ông ở ngôi từ 1400 đến 1401, tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng, sau đó giữ ngôi Thái thượng hoàng từ 1401 đến 1407. Nhưng các sử quan của Đại Việt sau khi biên soạn các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã không coi nhà Hồ như một triều đại chính thống. Họ đã chỉ trích việc giết vua cướp ngôi, các chính sách làm mất lòng dân của Hồ Quý Ly và coi việc họ Hồ thất bại trước nhà Minh là kết cục tất yếu.
Nói về câu chuyện đoạt ngôi, cả Trần Thủ Độ và Hồ Quý Ly cùng làm việc đó. Tuy nhiên, kết quả của hai nhân vật lịch sử này lại hoàn toàn khác nhau. Vì sao vậy?
Trước, phải nói rằng, Trần Thủ Độ và Hồ Quý Ly đều là dòng ngoại thích. Theo nghiên cứu, Trần Thủ Độ là con của Trần Quả - em họ của Trần Lý. Trần Lý là người có công phò nhà Lý trong lúc loạn lạc. Sau anh em Trần Thừa, Trần Tự Khánh (con của Trần Lý và là anh ruột của Hoàng hậu Trần Thị Dung) là người lãnh đạo gia tộc họ Trần chiến đấu bảo vệ vương triều nhà Lý và dần nắm vai trò quan như một nhiếp chính.
Sau khi Trần Tự Khánh mất (1223) thì Trần Thừa trọng dụng người em họ là Trần Thủ Độ. Sử chép: Tháng 12 (1223), Trần Tự Khánh mất. Dùng anh Hoàng hậu là Trần Thừa làm Phụ quốc Thái úy. Giáp Thân, năm thứ 14 (1224). Tháng 10 trở về sau, là triều Lý Chiêu Hoàng, niên hiệu Thiên Chương hữu đạo thứ 1. (Tống, năm Gia Định thứ 17). Dùng em họ của Hoàng hậu là Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ.
Chiêu Hoàng mới lên ngôi, Thái hậu Trần Thị cùng với em họ là Trần Thủ Độ ngày đêm bàn bạc mưu tính, xuống chiếu tuyển lựa con em các quan trong ngoài, sung làm nội sắc dịch thay phiên lên hầu. Thủ Độ thì tự nắm giữ các việc quân sự trong triều và ngoài lộ; dùng cháu họ là Trần Bất Cập làm Cận thị thực lục cục Chi hậu; Trần Thiêm làm Chi hậu cục; Trần Cảnh làm Chính thủ.
Chưa đầy 2 năm sau, đến 1226 thì Trần Cảnh lên ngôi (vua Trần Thái Tông). Như vậy, chỉ sau 3 năm cầm binh quyền thay Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ đã thúc đẩy thành công cuộc chuyển giao quyền lực từ tay họ Lý sang tay họ Trần.
Trong Khâm Định Việt sử cương mục thông giám ghi nhận: "Thủ Độ là chú họ nhà vua. Nhà Trần lấy được thiên hạ đều do mưu mô của Thủ Độ; khi nhà vua mới được Chiêu Hoàng truyền ngôi cho, đã phong Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, giữ việc cai trị thiên hạ, đến đây, lại hạ lệnh phong làm thái sư".
Trong những năm đầu của nhà Trần, người có binh quyền lớn nhất là Trần Thủ Độ. Và việc đầu tiên mà Trần Cảnh làm sau khi đăng cơ chính là "Phong Trần Thủ Độ làm Thái sư, giữ tất cả việc hành quân đánh dẹp trong nước" và phải mấy tháng sau mới "Suy tôn bố đẻ là Thừa làm Thượng hoàng; mẹ là Lê thị làm Quốc Thánh hoàng thái hậu".
Là người có quyền lực lớn nhất trong triều nhưng Trần Thủ Độ chưa bao giờ có ý định cướp ngôi của Trần Cảnh. Trong suốt cuộc đời mình, ông dành hết tâm sức để phò vua, củng cố quyền uy của nhà Trần và chống giặc ngoại xâm.
Nhận xét về tài đức của Trần Thủ Độ, trong Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn: "Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua. Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông khóc mà nói rằng: "Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?". Thái Tông lập tức lệnh xe ngự đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và nói hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời: "Đúng như những lời hắn nói". Rồi lấy ngay tiền lụa thưởng cho người ấy".
Quay lại lịch sử vào thời nhà Trần mới được chuyển giao quyền lực, việc Trần Thủ Độ muốn biến Trần Cảnh trở thành "vua bù nhìn" quả thực dễ như trở bàn tay. Thế nhưng ông không làm chuyện càn quấy đó. LÒng trung của Thủ độ được thể hiện rõ nét nhất qua câu "chỉ là chó săn" của nhà Thái Tông.
Ấy là khi Trần Liễu mất vợ dấy binh làm loạn ở sông Cái. Được 2 tuần, Trần Liễu tự lượng thế cô, khó lòng đối lập được, ngầm đi thuyền độc mộc giả làm người đánh cá, đến chỗ vua xin hàng. Thủ Độ thấy thế, vội vàng rút gươm, huy động quân đến vây thuyền rồng và quát: "Giết chết tên giặc Liễu!". Thấy thế vua lấy thân hình ra che và phân trần: "Phụng Càn Vương (Phụng Càn là tên hiệu cũ của Liễu hồi còn nhà Lý) đến hàng đầy!".
Thủ Độ tức lắm, ném gươm xuống sông nói: "Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào?". Vua nói giải hòa, rồi bảo Thủ Độ rút quân về.
Vì giang sơn nhà Trần, Trần Thủ Độ vẫn mở đường, trọng dụng con cháu của Trần Liễu là Trần Quốc Tuấn. Sử sách sau này hầu như không nhắc đến con cháu của Trần Thủ Độ.
Trần Thủ Độ có thể là quyền thần của nhà Lý nhưng ông lại là khai quốc công thần của nhà Trần. Tấm lòng trung quân ái quốc của ông có nhật nguyệt soi rọi, chẳng cần bàn nhiều.
Trần Trọng Kim đánh giá trong Việt Nam sử lược: "Thủ Độ là người rất gian ác đối với nhà Lý, nhưng lại là một người đại công thần của nhà Trần".
Sử chép, Hồ Quý Ly có học vấn "ăn đứt" Trần Thủ Độ. Họ Hồ nhiều chữ nghĩa nhưng cách mà Hồ Quý Ly dùng để cướp ngôi nhà Trần cũng thủ đoạn tương tự. Khi nắm quyền lực trong tay, Quý Ly liền cài thân tín của mình vào triều để ép vua cũ đi tu, ép vua mới phải nhường ngôi.
Nếu Trần Thủ Độ ép Lý Huệ Tông đi tu ở chùa Chân Giáo thì Hồ Quý Ly ép Trần Thuận Tông đi tu ở đạo quán Ngọc Thanh. Sau này, để tránh hậu họa, cả Trần Thủ Độ và Hồ Quý Ly đều tận sát các cựu hoàng.
Và nếu Trần Thủ Độ tìm cách ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Thái Tông thì Hồ Quý Ly ép cháu ngoại là Trần Thiếu Đế nhường ngôi cho mình.
Nhưng điểm khác cốt lõi của hai nhân vật lịch sử này trong vở kịch chính trị là Trần Thủ Độ không vơ ngai vàng về mình, còn Hồ Quý Ly vội vã đăng cơ dù khi đó đã ngoài 60 tuổi.
Lấy lăng kính của thời phong kiến mà soi thì người nhà Lý coi Trần Thủ Độ như dạng Tào Tháo hay Tư Mã Ý còn người nhà Trần lại nhìn Thủ Độ giống như Chu Công, Hoắc Quang (tấm gương điển hình về phò tá vua nhỏ thời đầu Tây Chu và Tây Hán). Riêng với Hồ Quý Ly nhìn đi nhìn lại thì đều giống như Vương Mãng cuối thời Tây Hán mà thôi.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận