Đại tướng Nguyễn Kim: Bề tôi tận trung, anh hùng nơi sa trường chết yểu vì 1 miếng dưa hấu
Nguyễn Kim là lão tướng thiện chiến có công phù Lê diệt Mạc. Ấy vậy mà ông lại yểu mệnh, chết oan chỉ vì một miếng dưa hấu.
Thân thế đại tướng Nguyễn Kim
Theo Wiki, Nguyễn Kim (1468 - 1545) là một nhà chính trị và quân sự giai đoạn Lê Trung Hưng. Ông được là người tích cực đối kháng nhà Mạc sau khi nhà Lê sơ sụp đổ. Ông đã đem các con em chạy sang Ai Lao, chiêu tập binh mã, tôn lập vua Lê Trang Tông, đặt nền móng gây dựng lại nhà Lê và mở đầu thời kỳ Nam - Bắc triều (1533 - 1592).
Về thân thế của Nguyễn Kim, theo Đại Nam thực lục (bộ sử của nhà Nguyễn Soạn): Tổ tiên họ Nguyễn trước là một họ có danh vọng ở xứ Thanh Hoa. Cha của Nguyễn Kim là Trừng Quốc công Nguyễn Hoằng Dụ, ông nội của Nguyễn Kim là Nghĩa Quận công Nguyễn Văn Lang. Nguyễn Kim là con trưởng, làm quan triều Lê, chức Hữu vệ điện tiền tướng, tước An Thanh hầu.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Kim húy là Cam, người làng Bái Trang, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, là con của Tên Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ và cháu của Nghĩa Quận công Nguyễn Văn Lang.
Còn theo sách Đại Việt thông sử, dưới triều Mạc Đăng Dung: Hữu vệ Điện tiền tướng quân An Thanh hầu Nguyễn Kim là em của Nguyễn Hoằng Dụ.
Theo nhóm tác giả Đinh Công Vỹ, Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, trong cuốn sách Nhìn lại lịch sử, nhóm tác giả này nghiên cứu phả hệ họ Nguyễn Gia Miêu cho rằng Nguyễn Kim và Nguyễn Hoằng Dụ chỉ là anh em họ. Người sinh ra Nguyễn Kim là Nguyễn Văn Lưu, anh Nguyễn Văn Lang và bác Nguyễn Hoằng Dụ.
Sách Nguyễn Phước Tộc Thế Phả do Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc Huế ấn hành năm 1995, trong phần Thủy Tổ phả ghi Thân phụ ngài Nguyễn Kim là Trừng Quốc công Nguyễn Văn Lưu, ông nội ngài là Phó Quốc công Nguyễn Như Trác. Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc Hải Ngoại ở Hoa Kỳ ghi nhận Thân phụ ngài Nguyễn Kim là ngài Nguyễn Hoằng Dụ, tức ngài Nguyễn Văn Lưu, ông nội ngài là ngài Nguyễn Văn Lang. Một số Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc Hải Ngoại khác lại chỉ ghi là Trừng Quốc công Nguyễn Văn Lưu và vài nơi còn ghi chú rõ không phải là ngài Nguyễn Hoằng Dụ.
Sau khi thành gia lập thất, Nguyễn Kim có 2 người con trai. Con trưởng là Nguyễn Uông được vua Lê Trang Tông phong làm Lãnh Quận công khi Nguyễn Kim bị hạ độc chết (nhưng Nguyễn Uông sau này bị Trịnh Kiểm giết). Con trai thứ 2 là Nguyễn Hoàng được vua Lê Trang Tông phong làm Hạ Khê hầu, sai đem quân đi đánh giặc. Sau này, Nguyễn Hoàng trở thành người mở đầu cho sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở miền Nam Việt Nam.
Nguyễn Kim còn có 1 người con gái lớn là Nguyễn Thị Ngọc Bảo lấy Trịnh Kiểm, sinh ra Trịnh Tùng. Ngoài Ngọc Bảo, các liệu sử không đề cập gì đến những người con gái còn lại của ông.
Nguyễn Kim - bề tôi tận trung, có công "phù Lê diệt Mạc"
Nhà Lê từ thời Lê Tương Dực bắt đầu suy yếu, nội bộ triều đình chia bè kết phái đấu đá lẫn nhau. Một số tướng lĩnh lập vua khác để tách mình khỏi sự ràng buộc, có thể kể đến các thế lực lớn như: Trịnh Duy Đại, Trịnh Tuy... Bên ngoài, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân cũng nổ ra liên tiếp, điển hình là của Trần Cảo. Tất cả điều đó khiến triều đình lung lay.
Lúc bấy giờ, Mạc Đăng Dung - võ tướng nhà Lê đã đứng ra trấn áp các cuộc nổi dậy bên ngoài. Và nhân cơ hội đó nắm quyền trọng yếu của triều Lê. Lê Chiêu Tông chạy trốn khỏi sự khống chế, kêu gọi các lực lượng quân khác đứng lên cùng phản kháng nhưng cuối cùng bị đánh bại.
Năm 1527 sau khi vị vua cuối cùng là Lê Cung Hoàng bị phế truất. Mạc Đăng Dung chính thức giành ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc.
Nhà Lê sụp đổ, một số quan lại bỏ về quê sống ẩn dật, một số khác ngả sang nhà Mạc, một số trung thần vì uất ức tìm đến cái chết để vẹn tròn chữ "Trung". Riêng Nguyễn Kim không chấp nhận thời cuộc, ông đưa người thân tín bên mình, đồng thời triệu tập hào kiệt bốn phương chung chí hương lánh sang đất Thanh Hóa (giáp Lào), được vua Lào là Sạ Đẩu thỏa thuận cho mượn đất Sầm Châu lập doanh chờ cơ hội kéo quân về phục hận cho nhà Lê.
Nguyễn Kim còn tìm được con vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh ở Thanh Hóa và đưa sang Sầm Châu tôn làm vua Lê Trang Tông. Vua Lê phong Nguyễn Kim làm Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công trưởng nội ngoại sự với sứ mệnh "Phù Lê diệt Mạc".
Về việc này, Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chép: "Trước kia, khi Đăng Dung thí nghịch và tiếm ngôi, Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta (chỉ Nguyễn Kim – người dẫn) lánh nạn sang ở tại châu Sầm Nưa thuộc Ai Lao, chiêu tập những người trung dũng, đầu tiên dựng lá cờ nghĩa, quyết chí diệt Mạc để khôi phục nhà Lê.
Bèn tìm khắp mọi nơi kiếm lấy cho cháu họ Lê, thì được con nhỏ của Chiêu Tông là Ninh, lập làm vua, lên ngôi ở Ai Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa. Từ đó, hội gió mây lôi cuốn, tiếng chính nghĩa lẫy lừng, quân trẩy đến đâu chẳng ai là không hưởng ứng. Công nghiệp trung hưng nhà Lê thực bắt đầu từ đấy".
Năm 1543, Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh chết, Mạc Phúc Hải lên ngôi. Lúc này, Lê Trang Tông thân chinh đi đánh, lấy được Tây Đô, phá quân Ngụy Hoằng Vương Mạc Chính Trung, Tổng trấn Thanh Hoa là Đại tướng quân Trung Hậu hầu dẫn quân đầu hàng.
Khi đó, Nguyễn Kim ở Ai Lao chưa đi theo. Vua Lê Trang Tông sai tuyên quận công Trịnh Công Năng mang chiếu thư về gọi. Nhận được chiếu, Nguyễn Kim chỉnh đốn bộ ngũ lên đường ngay, bái yết vua ở hành tại sông Nghĩa Lộ.
Vì nhà Lê phản công như vũ bão nên tướng nhà Mạc là Dương Chấp NHất xin hàng. Việc này khiến Nguyễn Kim rất vui lòng vì nghĩ mình đã thu phục được một vị tướng tài của nhà Mạc. Nhờ có Dương Chấp Nhất cung cấp thông tin nên quân nhà Lê trăm trận trăm thắng. Nguyễn Kim vì vậy lại càng coi trọng Dương Chấp Nhất.
Thế nhưng Nguyễn Kim chẳng biết được, trọng dụng Dương Chấp Nhất chính là hành động "rước cáo về nhà". Bởi việc thâm nhập vào nội bộ để phá hoại nhà Lê là kế sách đã được y lập ra trước đó. Để thực hiện mưu kể này, Dương Chấp Nhất đã chấp nhận giao nộp cả gia đình cho vua Lê và tỏ ý hàng phục.
Cũng nhờ đó mà Dương Chấp Nhất nhanh chóng lấy được lòng tin của vua Lê và các quan đại thần cùng Nguyễn Kim. Khi hắn mở tiệc thiết đãi, Nguyễn Kim đã vui vẻ đến dự mà không hay đó là cái bẫy được kỳ công giăng ra để chờ ông lọt vào.
Cái chết oan khuất vì 1 miếng dưa hấu
Nói về tài năng của Nguyễn Kim, Lê Quý Đôn nhận định trong Đại Việt thông sư: "Nguyễn Kim lấy thân phận là tướng già của con nhà thế thần, giữ vững tiết tháo, lật đật nơi hang núi, cố chí lo toan việc khôi phục, rước lập thế tử, nối lại tông thống, đánh kẻ loạn tặc, phá đám chông gai, mở mang canh thổ Thanh, Nghệ, Thuận, Quảng hàng hơn ngàn dặm. Cơ nghiệp ngàn vạn năm của nước nhà, thực bắt đầu từ đây. Như thế chả phải là người bầy tôi xã tắc đó ư?".
Một lão tướng dày dặn kinh nghiệm trên sa trường, một trung thần sẵn sàng chịu gian khổ để phục quốc nổi tiếng trong chính sử như Nguyễn Kim lại có kết cục đầy oan khuất.
Theo Đại Nam thực lục: "...Ngày Tân Tỵ, tháng Năm, mùa hạ, năm Ất Tỵ (1545) ông bị hàng tướng Mạc (tên Trung) đầu độc. Triệu Tổ băng, thọ 78 tuổi. (Trước là nhà Mạc thấy quân nhà vua hoạt động mạnh, rất lo, ngầm sai hoạn quan là Trung (không rõ họ) trá hàng, để đầu độc vua Lê; việc không thành, nó liền ngầm cho thuốc độc vào quả dưa hấu rồi đón dâng Triệu Tổ)...".
Còn theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tên hàng tướng ấy chính là Dương Chấp Nhất: "...Bấy giờ đại quân tiến đóng Yên Mô (thuộc Ninh Bình – người dẫn), hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đón mời Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta đến chơi quân doanh của hắn. Nhân đương nắng nóng, Chấp Nhất mời Triệu Tổ ăn dưa; trúng độc, khi trở về quân doanh, Triệu Tổ thấy người bải hoải khó chịu, rồi mất...".
Sau khi lão tướng Nguyễn Kim qua đời, vua Lê Trang Tông vô cùng thương tiếc. Vua đã truy tặng ông là Chiêu huân tinh công, đặt tên thụy là Trung Hiến, sai quan đem về quê ở Tống Sơn mai táng.
Đến thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, tôn thụy hiệu là Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Vĩ Tích Chiêu Huân Tĩnh vương.
Đến đời Chúa Vũ Nguyễn Phúc Khoát thì cải thụy thành Di Mưu Thùy Dụ Khâm Cung Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Vĩ Tích Chiêu Huân Tĩnh vương, và truy tôn phi là Từ Tín Chiêu Ý Đức phi.
Đời vua Gia Long năm thứ 5 lại truy tôn là Di Mưu Thùy Dụ Khâm Cung Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Khải Vận Nhân Thánh Tĩnh Hoàng đế, miếu hiệu là Triệu Tổ, lăng gọi là Trường Nguyên, và truy tôn phi là Từ Tín Chiêu Ý Hoằng Nhân Thục Đức Tĩnh Hoàng hậu.
Lăng Triệu Tường, tên lăng chính thức là Trường Nguyên. Lăng này tọa ở vùng núi Triệu Tường nên gọi là lăng Triệu Tường, nơi hợp táng Nguyễn Kim và vợ. Từ sau ngày nhà Nguyễn cáo chung (1945) rồi chiến tranh liên miên, khu vực lăng Trường Nguyên không được chăm sóc, dân Mường được dồn về đây lập nghiệp, thiếu ý thức tôn trọng di tích nên các kiến trúc xưa bị vi phạm hầu như không còn gì. Vào hai năm 2006-2007, dòng họ Nguyễn Phúc ở Huế đã đích thân về đây trùng tu khôi phục lại nơi thờ vọng, bia và nhà bia ở chân núi Triệu Tường. Khu vực lăng Triệu Tường mở ra một địa điểm du lịch sinh thái tâm linh.
Lời bình về cái chết đầy oan khuất của Nguyễn Kim: Người xưa nói ""đao kiếm dễ tránh, ám tiễn khó phòng" quả không hề sai, lòng tin đặt không đúng chỗ ắt sẽ mang đến họa diệt thân. Đôi lúc tiễn đao sắc nhọn nơi chiến trường lại không hiểm ác và khó lường bằng lòng người, một miếng dưa hấu đổi lấy mạng một vị Thái sư đương triều, há chẳng phải quá hời hay sao???
Xem thêm: Cái chết không rõ ràng của Quang Trung - Nguyễn Huệ, vị tướng bách chiến bách thắng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận