Cái chết không rõ ràng của Quang Trung - Nguyễn Huệ, vị tướng bách chiến bách thắng

Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã lật đổ 2 tập đoàn thống trị phản động ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc. Tuy nhiên, vị vua này qua đời đột ngột ở tuổi 39 với nhiều giai thoại bí ẩn được lưu truyền trong dân gian.

Đỗ Thu Nga
06:00 20/07/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vị tướng bất khả chiến bại

Nguyễn Huệ là con trai ông bà Hồ Phi Phúc và Nguyễn Thị Đồng, quê ở thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thạnh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, thường gọi là  ấp Tây Sơn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ông Hồ Phi Phúc đi theo chúa Nguyễn vào Nam Trung bộ lập cơ nghiệp ở ấp Tây Sơn, huyện An Khê, đổi sang họ Nguyễn.

Gia đình này có 3 người con là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, trong đó Nguyễn Huệ là em út. Hồi nhỏ ông tên Hồ Thơm, tức chú Ba Thơm. Tên Huệ là do thầy giáo đặt cho. 

Thầy giáo của ông vốn người Huế, vào dạy học ở đất An Thái, phát hiện ra tài năng của mấy cậu bé này, thường khuyến khích lớp trẻ bằng một câu sấm - không rõ ông lấy từ đâu: “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” (nổi lên ở Tây Sơn sẽ lập công lớn ở miền Bắc).

Theo sử sách, Nguyễn Huệ là nhà quân sự thiên tài. Suốt 20 năm chinh chiến, ông chưa hề chùn bước trước bất kỳ khó khăn nào. Ông tin tưởng vào quần chúng nhân dân, biết trọng dụng người tài, có niềm tin tuyệt đối với khả năng của mình. Vậy nên, ông được mệnh danh là vị tướng bất khả chiến bại

Ông đã 4 lần vào đánh Gia Định, bắt Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) phải mấy phen chạy trốn ra biển. Đến năm 1784, Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm. Nguyễn Huệ dùng kế phục binh đã chiến thắng một trận rất vẻ vang tại Xoài Mút, tiêu diệt hai vạn quân Xiêm và 300 chiến thuyền.

bi-an-cai-chet-chua-co-loi-giai-cua-vua-quang-trung--nguyen-hue-9

Năm 1786, ông dùng Nguyễn Hữu Chỉnh đưa đường ra Bắc, liên tiếp thắng lợi ở Thuận Hóa rồi Quảng Trị, Quảng Bình. Tiếp đó kéo quân ra Bắc giương cao ngọn cờ “Phù Lê diệt Trịnh”, chiếm Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn Nam, tiến thẳng ra Thăng Long... Các tướng của chúa Trịnh hoàn toàn đại bại. Chúa Trịnh Khải cuối cùng đã thiệt mạng.

Ngày 21/7/1786, ông và đại quân tiến vào Thăng Long. Ngày 31/7/1786, ông cùng các tướng sĩ Tây Sơn và các quan văn võ Bắc Hà vào triều chúc mừng vua Lê Hiển Tông. Sau đó, vua Lê Hiển Tông sắc phong Nguyễn Huệ làm "Nguyên soái phù dực chính dực vũ Uy quốc công và gả công chúa Ngọc Hân cho.  Khi ấy, binh quyền Bắc Hà hoàn toàn trong tay Nguyễn Huệ người lãnh tụ kiệt xuất của phong trào Tây Sơn.

Tiếp đó, ông theo Nguyễn Nhạc rút quân về Nam, đóng ở Thuận Hóa, được phong làm Bắc Bình Vương. Nguyễn Huệ rút đi, miền Bắc lại rơi vào cảnh loạn lạc. Vua Lê Chiêu Thống nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh dẹp tay chân của họ Trịnh, ỷ được vua sủng ái Nguyễn Hữu Chỉnh lại có ý chuyên quyền. 

Từ Huế, Nguyễn Huệ sai Vũ Văn NHậm ra diệt Chỉnh, rồi thấy Nhậm có ý khác, ông lại giết Vũ Văn Nhậm, giao cho Ngô Văn Sở quản lĩnh Thăng Long. 

Khi vua quan nhà Lê sang tàu cầu cứu quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu chiếm Thăng Long, lấy danh nghĩa giúp nhà Lê thì Nguyễn Huệ chọn ngày,  lập đàn tế trời đất, thần sông, thần nước tại núi Bân Sơn (Huế), rồi lên ngôi hoàng đế, đặt hiệu là Quang Trung, đem quân ra Bắc. Ông tuyên bố: Chỉ trong 10 ngày sẽ quét sạch quân xâm lược và hẹn trước sẽ cùng quân sĩ ăn tết với nhân dân Thăng Long vào ngày 7 tháng giêng.

Nhưng mới đến ngày 5, ông đã hoàn toàn thắng lợi, đánh trận Ngọc Hồi, giết Hứa Thế Hanh, đánh thắng Đống Đa, bắt Sầm Nghi Đống phải tự tử, đuổi Tôn Sĩ Nghị phải vứt bỏ cả ấn tín chạy về nước. Vua quan Lê Chiêu Thống cùng tàn binh chạy sang Trung Hoa nương náu. 

Sau chiến thắng đó, Quang Trung - Nguyễn Huệ thực hiện những biện pháp ngoại giao tích cực, để giữ gìn hòa bình, được vua Càn Long nhà Thanh chấp nhận. Càn Long phong vương cho ông, mời ông sang thăm và hoàn toàn chấm dứt ý đồ xâm lược. Việc giao hảo này cũng giúp nước Việt mở ra trang sử hòa bình. 

Sau khi dẹp loạn xong, Quang Trung - Nguyễn Huệ tập trung cai quản đất nước từ Thuận Hóa trở ra, chấm dứt nạn phân trai thời Lê - Mạc và Trịnh - Nguyễn. Vùng miền Nam Trung Bộ do Nguyễn Nhạc thống lĩnh, vùng Nam Bộ ở dưới quyền của Nguyễn Lữ. Song những vị cầm đầu đều không có khả năng giữ vững chính quyền. Nhất là ở miền Nam, Nguyễn Lữ không chống nổi Nguyễn Ánh. Do đó, Quang Trung đã sắp đặt một kế hoạch tiến quân vào Nam để giúp việc bình định vùng đất này, tiêu diệt thế lực của họ Nguyễn.

Ở phía Bắc ông cũng có ý phải khôi phục lại những vùng đất mà trước đây bị các triều đình Minh, Thanh chiếm cứ. Ông đã soạn sửa việc cầu hôn công chúa nhà Thanh và đòi lại vùng Lưỡng Quảng. Nhưng các dự định ấy chưa thực hiện được, thì ông bất ngờ qua đời vào đêm 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792).

Lên ngôi 3 năm thì đột ngột băng hà

Tương truyền, vào một buổi chiều thu năm 1792, vua Quang Trung đang ngồi làm việc thì bỗng thấy hoa mắt, mặt mũi tối sầm rồi mê man bất tỉnh. Đến khi tỉnh dậy, ông gọi trấn phủ Trần Quang Diệu vào bàn bạc việc quan trọng. Nhưng việc chưa bàn xong thì bệnh tình của ông trở nên nguy kịch. 

Trước khi băng hà, vua Quang Trung căn dặn Trần Quang Diệu và quần thần: "Ta mở mang bờ cõi, khai thác đất đai, có cả cõi Nam này. Nay đau ốm, tất không khỏi được. Thái từ tư chất hơi cao nhưng tuổi còn nhỏ. Ngoài ra, có quân Gia Định là quốc thù, mà Thái Đức thì tuổi già, ham gật lạc, cầu yên tạm bợ, không toan tính cái lo về sau.

Khi ta chết rồi, nội trong 1 tháng phải chôn cất, việc tang làm lao thảo thôi. Lũ ngươi nên hợp sức mà giúp thái từ sớm thiên đô về Vĩnh dô để khống chế thiên hạ. Bằng không quân Gia Định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn thân".

bi-an-cai-chet-chua-co-loi-giai-cua-vua-quang-trung--nguyen-hue-8

Đêm ngày 16/9/1792, Quang Trung - Nguyễn Huệ qua đời, hưởng thọ 39 tuổi. Thi hài của ông được an táng ở Phú Xuân. Sau đó, Nguyễn Quang Toản lên ngôi, đặt niên hiệu là Cảnh Thịnh, sai sứ sang nhà Thanh báo tang và xin tập phong.

Vua Càn Long biết chuyện, tặng tên hiệu cho ông là Trung Thuần, lại thân làm một bài thơ viếng và cho một pho tượng, 300 lạng bạc để sửa sang việc tang. Sứ giả nhà Thanh đến tận mộ ở Linh Đường (mộ giả) thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội) để viếng.

Sau khi Cảnh Thịnh lên ngôi, triều đình Tây Sơn sinh ra lục đục. Nguyễn Ánh nhân cơ hội này kéo quân đánh bại nhà Tây Sơn. Mười năm sau khi Quang Trung qua đời, nhà Tây Sơn sụp đổ.

Theo một số giai thoại, để trả thù, Nguyễn Ánh sai người phá mộ Quang Trung và Nguyễn Nhạc. Nơi đặt lăng mộ Quang Trung bị san phẳng, không cho để lại dấu tích gì. Bên cạnh đó, các lăng mộ gia tộc Tây Sơn ở Nghệ An, Quy Nhơn cũng bị khai quật, phá hủy  đến mức người ta gọi là giếng huyệt.

Những giai thoại kỳ lạ về cái chết của Quang Trung - Nguyễn Huệ

Cho đến nay vẫn còn nhiều giả thuyết về nguyên nhân cái chết của Quang Trung. Nhưng chưa có giả thuyết nào có được chứng cứ xác thực, đủ sức thuyết phục. Cụ thể:

Trong sách Ngụy Tây liệt truyện, một tài liệu chính sử của Sử quán triều Nguyễn ghi chép cái chết của vua Quang Trung như sau: "Một hôm, về chiều, Quang Trung đang ngồi bỗng xây xẩm, tối tăm, thấy một ông già đầu bạc từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt, mắng rằng: "Ông cha người sống ở đất của Chúa, đời đời làm dân Chúa Nguyễn, sao phạm đến lăng tẩm...". Rồi lấy gậy đánh vào trán Quang Trung, mê man ngã xuống, bất tỉnh nhân sự lâu lắm... Từ đó, bệnh chuyển nặng...".

Theo nhiều đánh giá, ghi chép trong sách này có nhiều phần hư cấu, nâng cao sự mê tín vào "thiên mệnh" của nhà Nguyễn. Nhưng nó cũng cho thấy Quang Trung bất tỉnh đột ngột, có lẽ do tai biến ở vùng não.

Sách Tây Sơn thực lục cũng có ghi: "Huệ mắc bệnh nặng, chữa không khỏi… Năm ấy Nguyễn Huệ mất, tóc của Huệ thì quăn, mặt thì đầy mụt, có một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu…". 

bi-an-cai-chet-chua-co-loi-giai-cua-vua-quang-trung--nguyen-hue-0

Ở sách Hoàng Lê nhất thống chí ghi lại thì khi vua Quang Trung làm sứ giả sang Bắc Kinh (Trung Quốc) gặp vua Càn Long, được vua Càn Long tặng cho chiếc áo, có thêu 7 chữ: Xa tâm chiết trục, đa điền thử. Nghĩa là: Bụng xe gãy trục, nhiều chuột đồng.  Theo phép chiết tự, chữ “xa” và chữ “tâm” ghép lại thành chữ “Huệ” là tên của Nguyễn Huệ; “chuột” nghĩa là năm Tý (Nhâm Tý 1792). Ý của dòng chữ trên áo là Nguyễn Huệ sẽ chết vào năm Tý.

Liệu có bàn tay ám hại ngầm của Thanh triều hay không? Điều đó khó mà biết được. Nhất là sau trận chiến năm 1789, hai nước lại giao hảo nhờ tài ngoại giao khôn khéo của Ngô Thì Nhậm. Càn Long đối với vua Quang Trung rất mềm mỏng. Việc xin bỏ lệ cống người vàng từ nhà Minh được ưng thuận. Rồi trước khi Quang Trung mất đã xin hỏi cưới công chúa nhà Thanh, lại đòi đất Lưỡng Quảng. Việc cưới công chúa là việc nhỏ nhưng đòi đất là việc lớn, thế mà Càn Long đồng ý ngay?

Giả thuyết nhà Thanh tẩm thuốc độc vào áo của Quang Trung mặc lâu ngày bị chất độc ngấm gây bệnh rồi chết xem ra không mấy thuyết phục. Bởi là những cựu thù, những món quà tặng nhau người ta còn đang xem xét tỉ mỉ không thể dễ dàng sử dụng. Thêm nữa chiếc áo lại có dấu hiệu khả nghi là thêu 7 chữ như đã nói thì lại càng khiến người ta cảnh giác. Việc hai chữ Xa và Tâm ghép lại thành chữ Huệ thì không lý gì các Nho thần của Hoàng đế Quang Trung lại không thể luận ra.

Một giáo sĩ tên Longer, có mặt ở Đàng Ngoài vào những thời điểm này, đã viết trong một bức thư đề ngày 21 tháng 12 năm 1792 là vua Quang Trung chết vì bệnh, nhưng không rõ là bệnh gì. Các nhà nghiên cứu về sau gạt bỏ các chi tiết mê tín trong Ngụy Tây liệt truyện thì họ cho rằng Quang Trung đã bị một cơn tăng huyết áp đột ngột. Bác sĩ Bùi Minh Đức qua khảo cứu các nguồn tư liệu lịch sử, kết luận rằng Nguyễn Huệ bị "Xuất huyết não dưới màng nhện; nguyên nhân tử vong: do viêm phổi sặc" (tràn dịch màng phổi).

Và cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được vị trí lăng mộ vua Quang Trung. 

Xem thêm: Giai thoại ly kỳ về "mệnh đế vương" của vua Lý Thái Tổ

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận