Không nhà, không người thân cụ bà 30 năm sống dưới gầm cầu thang vẫn dang tay với người lạ
Suốt 3 thập kỷ sống dưới gầm cầu thang, cụ bà Nguyễn Thị Sang (79 tuổi, TPHCM) vẫn sẵn sàng mở lòng, cưu mang người xa lạ. Giữa phố thị tấp nập, đâu đó vẫn có những mảnh đời nương tựa nhau bằng nghĩa tình vô giá!
Trên con đường Hoàng Diệu (Quận 4, TP.HCM), ít ai biết rằng, lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng sầm uất lại có một căn nhà siêu nhỏ, chỉ khoảng 5 mét vuông, cao hơn 1 mét. Đây là nơi tá túc của bà Sang suốt 30 năm qua.
Gọi là “nhà” cho sang, thực chất chỉ là một khoang gầm cầu thang nhỏ nằm dưới khu dân cư cũ, muốn vào phải cúi rạp, thậm chí bò vào. Bên trong “nhà” tối tăm, chật hẹp, chỉ vừa đủ chỗ kê một chiếc nệm mỏng, một góc thờ, vài vật dụng sinh hoạt được người hảo tâm tặng và một khoảng nhỏ được bà Sang tận dụng làm nhà vệ sinh.

Bà Sang nhớ lại, lúc còn trẻ, bà phụ cha nấu nước trà rồi đi bán dạo ở chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Sau khi cha mất, bà chuyển về sống kế bên cư xá Vĩnh Hội (Q.4). 30 năm trước, nhà bà bị giải toả, không đủ vốn để mua nhà mới nên vợ chồng bà quyết định mua lại gầm cầu thang để tạm trú. Sau này chồng mất, không có con cái nên bà sống lủi thủi 1 mình.
Không có chồng con, bà Sang tự lo cuộc sống bằng cách bán nước giải khát trước cửa nhà. Thế nhưng cách đây 5 năm, bà đã quyết định cưu mang anh Lê Văn Hùng (46 tuổi, quê Bình Dương), một người hoàn toàn xa lạ và cho anh mượn vỉa hè trước nhà để dựng bạt sửa xe mưu sinh.

Hỏi vì sao bà quyết định cưu mang "người dưng", bà chỉ cười: "5 năm trước, Hùng rửa chén thuê ở quán bún bên cạnh rồi thất nghiệp, không có chỗ ngủ. Tôi thấy tội quá nên bảo nó dựng tạm cái lều trước nhà mà sống. Ở TP.HCM, người ta sống có nghĩa tình. Khi tôi nghèo, hàng xóm giúp đỡ tôi thì tôi cũng phải giúp lại người khác. Mình sống nay chết mai, giúp được ai thì giúp để lòng thanh thản”.
Anh Hùng cũng rất mang ơn bà Sang vì đã giúp đỡ anh những lúc không có gì trong tay, chăm sóc anh những lúc ốm đau và thiếu thốn.

Anh Hùng kể, anh và vợ chia tay nên anh phụ vợ nuôi con trai đang học lớp 12. Anh Hùng cho hay, nhờ bà Sang cho anh tá túc 5 năm qua mà anh dành dụm được tiền để nuôi con ăn học 4 triệu đồng/tháng.
Hỏi anh Hùng có bao giờ tính đến chuyện thuê trọ để ở không? Anh lắc đầu nguây nguẩy: "Tôi làm không có dư, nếu thuê thì không đủ tiền nuôi con nên tôi chấp nhận sống tạm bợ ở đây, tới đâu hay tới đó. Vả lại, bà Sang cũng già yếu rồi nên mình ở đây phụ chăm bà được chút nào hay chút đó".
Để tiết kiệm tiền, anh dè sẻn chi tiêu và tự nấu ăn mỗi ngày. Ngày nào khách đông, anh Hùng lãi 200.000 - 300.000 đồng. "Tôi giúp bà Sang đóng tiền điện nước. Ngày nào kiếm được, tôi chia bà 30.000 đồng, nếu ít thì đưa bà 10.000 đồng".


Khi được hỏi về mong ước của mình, anh Hùng trầm tư bảo: “Tôi không có mong ước gì cao sang. Chỉ mong có khách để có tiền cho con ăn học đàng hoàng tử tế, sau này nó có cái nghề, đời nó đỡ khổ".
Ở TP.HCM hiện đại, giữa những chung cư cao tầng, 2 mảnh đời ấy vẫn nương tựa nhau bằng nghĩa tình vô giá. Đôi khi không cần một mái nhà to, chỉ cần một trái tim đủ rộng là đã có thể cưu mang cả một con người.
Xem thêm: Hành động ấm lòng của hai thực tập sinh khi thấy bà cụ U80 đưa em gái 69 tuổi vào viện khám
Tin liên quan
Hơn 10 năm nay, đã có hàng ngàn suất cháo được cụ Chu Thị Lương (81 tuổi, ngụ TT.Cẩm Xuyên, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) trao đến tay những người có hoàn cảnh khó khăn.
Những ngày này, khắp các thôn, tổ dân phố, đâu đâu cũng rộn ràng “bữa cơm đoàn kết” được người dân Hải Phòng tổ chức để chào mừng 70 năm ngày giải phóng thành phố.
Trên đường về nhà, bác sĩ Phạm Tiến Mạnh vô tình nhìn thấy một cô gái bị tai nạn giao thông, nằm trên đường trong tình trạng tay chân co quắp, sùi bọt mép nên vội vã xuống hỗ trợ.