Đại thi hào Nguyễn Du chết trong đại dịch nào?

Theo nhiều nhà nghiên cứu hiện nay, có thể đại thi hào Nguyễn Du chết do dịch tả xuất hiện vào năm 1820 dù nhà Nguyễn không có ghi chép rõ về tên dịch bệnh này.

Đỗ Thu Nga
17:00 08/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguyễn Du (3/1/1765 - 1820), tên tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng Sơn lạp hộ, Nam Hải điếu đồ. Ông là nhà thơ, nhà văn hóa lớn Lê mạt Nguyễn sơ. 

Ông được người đời sau kính trọng tôn xưng là "Đại thi hào dân tộc" (Đại thi hào Nguyễn Du). Ông được UNESCO vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới". Truyện Kiều do ông sáng tác được xem là kiệt tác văn học, một trong những thành tựu tiêu biểu nhất trong nền văn học trung đại Việt Nam.

dai-thi-hao-nguyen-du-chet-trong-dai-dich-nao-7

Một trong những câu chuyện về đời tư của đại thi hào Nguyễn Du được quan tâm nhất chính là cái chết của ông. Theo sử sách, nơi an nghỉ của ông ở làng Tiên Điền, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Theo các sử gia, Nguyễn Du là nạn nhân của dịch bệnh.

Theo bối cảnh lịch sử, cái chết của đại thi hào Nguyễn Du xảy ra vào năm đầu của triều Minh Mạng (1820). Khi đó một trận dịch đã bùng phát từ mùa thu sang mùa đông, từ phía Nam lan dần ra phía Bắc Việt Nam. 

Bộ chính sử Đại Nam thực lục ăm ắp những thông tin gây rùng mình về dịch bệnh, khi thì nổ ra ở Quảng Ngãi, Bình Hòa, Hải Dương, Phú Yên, khi tràn về Hưng Yên, Sơn Tây, Nghệ An, Nam Định, Hà Nội... Mỗi đợt dịch ít thì làm vài ngàn người chết, nhiều thì lên đến vài vạn. Cá biệt, năm  1850 dưới thời Tự Đức, bộ Hộ xác nhận các hạt Bắc, Nam có 589.460 người chết vì dịch bệnh; năm Đồng Khánh thứ ba (1888), chỉ riêng dịch bệnh đậu mùa bùng phát ở Quảng Ngãi đã làm chết 13.934 người, khiến vua phải mời cả quan thầy thuốc Pháp giúp đỡ.

dai-thi-hao-nguyen-du-chet-trong-dai-dich-nao-9
Phần mộ của đại thi hào Nguyễn Du

Ngay cả vua Minh Mạng khi ấy cũng chưa chắc được lên ngôi nếu người anh trai - hoàng tử Cảnh, vốn được Nguyễn Ánh chọn làm người kế vị chính thức không mất vì bệnh đậu mùa năm 1801. 

Sử cũ có chép, từ khi Bình Thuận trở ra đến Quảng Bình có tin báo dịch bệnh, vua đã lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa bệnh dịch sai người ban cấp, sắc cho các địa phương mỗi nơi đặt một đàn tế lễ; lại sai bố thí cho các chùa, làm đàn cầu trai cầu đảo...    

Theo Đại Nam thực lục, "dịch bệnh ở Hà Tiên rồi lan ra toàn quốc" và vua Minh Mạng dường như đã có lúc trở nên hoảng loạn, nói với các quan rằng: "Theo sách vở chép thì bệnh dịch chẳng qua chỉ một châu một huyện, chưa có bao giờ theo mặt đất lan khắp như ngày nay”.

dai-thi-hao-nguyen-du-chet-trong-dai-dich-nao-8
Đồ uống rượu Nguyễn Du dùng khi ở Tiên Điền

Một chỉ dụ của vua Minh Mạng ban bố trong thời điểm này được Đại Nam thực lục ghi chép đã cung cấp những chi tiết đáng chú ý về tình hình dịch bệnh và cái chết của đại thi hào Nguyễn Du. Chỉ dụ có viết về dịch bệnh như sau:  "Gần đây lệ khí lan tràn từ Gia Định trở ra đến Quảng Bình nhiều người ốm chết, trẫm nghe thấy rất lấy làm thương”... “Trẫm từ khi lên ngôi đến giờ, nau náu nơm nớp, chỉ sợ chưa hợp ý trời, nay đại hạn và ôn dịch làm tai vạ, có lẽ là trời răn ta bất đức chăng?”.

Về cái chết của đại thi hào Nguyễn Du: "Hữu Tham tri Lễ bộ là Nguyễn Du chết. Du là người Nghệ An rộng học giỏi thơ, càng giỏi về quốc ngữ. Đến bây giờ có mệnh sai sang nước Thanh, chưa đi thì chết. Vua thương tiếc, cho 20 lạng bạc, 1 cây gấm Tống...". 

Các tư liệu không chỉ rõ đây là dịch bệnh gì, nhưng qua ghi chép "Vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp”, thì khi đó triều đình nhận thức rằng đây là trận dịch tả.

dai-thi-hao-nguyen-du-chet-trong-dai-dich-nao-6
Nhà trưng bày hiện vật của đại thi hào Nguyễn Du ở làng Tiên Điền

Trên bình diện quốc tế, trận dịch năm 1820 trùng với thời điểm dịch tả càn quét nhiều nước ở khu vực châu Á. Trận dịch này bùng phát từ Ấn Độ vào năm 1816 và tràn sang Đông Nam Á những năm sau đó, khiến hàng trăm nghìn người chết với các triệu chứng sốt xuất huyết, nôn ra máu đen.

Trong Đại Nam thực lục cũng nêu ra mối liên hệ giữa trận dịch ở Việt Nam năm 1820 với đại dịch ở châu Á lúc đó, qua lời tâu của quan đại thần Phạm Đăng Hưng rằng “thần nghe dịch bệnh từ Tây dương sang”. Thời đó, có nhiều thuyền buôn từ phía Tây đến các hải cảng của Việt Nam.

Khi xâu chuỗi các tư liệu lịch sử, không khó để hình dung ra bức tranh chết chóc của một đại dịch bao trùm châu Á ở thế kỷ 19, mà Việt Nam chỉ là 1 trong rất nhiều quốc gia bị ảnh hưởng. Và đại thi hào Nguyễn Du chỉ là 1 trong vô số nạn nhân.  Sau 200 năm, thảm kịch đã may mắn không lặp lại với Việt Nam.

Xem thêm: 3 bí ẩn lịch sử Việt Nam đến giờ vẫn chưa có lời giải chính xác

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận