Đỗ Tử Bình - kẻ gian thần hại nước, tham vàng khiến vua Trần chết thảm

Sử chép, Đỗ Tử Bình là hạng học nhảm chiều người, tham lam bòn vét, là kẻ gian thần hại nước. Hắn là kẻ có gan hùm che mắt vua, để đến nỗi Duệ Tông dẫn quân vào đất người rồi tử trận, quân sĩ cũng đầu rơi máu chảy rất nhiều.

Đỗ Thu Nga
09:00 24/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tung tích, thân thế còn nhiều bí ẩn của Đỗ Tử Bình

Lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt Nam có đoạn chép: "Vua Trần Duệ Tôn đi thân chinh (1376) dẫn quân đến cửa biển Thi nại (ở phía đông huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định bây giờ), vua Chiêm là Chế Bồng Nga trá hàng rồi phục quân mà đánh chặn ngang, vua Duệ Tôn phải tử trận, quân sĩ chết mất nhiều lắm”. Kẻ gián tiếp gây lên cái chết của vua nước Nam ấy là Đỗ Tử Bình.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đỗ Tử Bình là một tướng nhà Trần. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn với cuộc chiến giữa Đại Việt và Chiêm Thành cuối thế kỷ 14. 

Theo thần phả trong di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thì quê quán của Đỗ Tử Bình ở thôn Hưng Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Vào thời nhà Trần trị vì, vùng đất này thuộc tỉnh Nam Định ngày nay.

Trong ghi chép của họ Đỗ, thông tin về Đỗ Tử Bình rất nhỏ giọt. Xem ra, việc phục dựng lại gần nhất tiểu sử, gốc tích của Đỗ Tử Bình, chẳng dễ dàng gì. Đến ngay cả sử thần nhà Nguyễn khi biên soạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng không rõ tung tích, quê quán thật sự của viên quan này.

Trong "lời chua" của sử thần nhà Nguyễn chỉ đưa ra giả thuyết rằng, Đỗ Tử Bình, có thể là người huyện Cổ Lan, và nơi ấy ở thời điểm sách “Cương mục” được viết ra, thuộc về Nam Định. Nên nhớ rằng, nó chỉ là ước đoán bởi họ liên hệ với sách "An Nam chí" của Cao Hùng Trưng có đề cập đến vườn Tử Bình ở huyện Cổ Lan nơi thắng cảnh để du ngoạn, nên có thể Tử Bình là người huyện Cổ Lan chăng? Ước đoán thế, làm sao chắc chắn cho được. 

Theo báo Pháp luật Việt Nam, tháng Giêng năm Mậu Tuất (1348), khi đang làm ngự tiền học sinh, vua bổ dụng Đỗ Tử Bình làm Thị giảng. Đây là chức quan làm việc trong Hàn Lâm viện, có nhiệm vụ soạn các văn bản như chiếu, chế, chỉ… của vua. Lần bổ nhiệm này có thể xem là lúc đương tiến thân của y. Và đây cũng là lúc mà tên tuổi của họ Đỗ xuất hiện trong chính sử.

Còn theo báo Bình Phương, vào tháng 7/1359, Đỗ Tử Bình được thăng làm Tri khu mật viện sự. Đến năm 1362, biên giới phía Nam bắt đầu căng thẳng. Đỗ Tử Bình theo lệnh vua Trần Dụ Tông đi duyệt bổ quân ở Lâm Bình, Thuận Hóa và đắp thành Hóa Châu.

Đến năm 1367, vua Trần Dụ Tông cử Trần Thế Hưng làm Thống quân hành khiển đồng tri, Đỗ Tử Bình làm phó, mang quân đi đánh Chiêm Thành. Vào tháng 4 âm lịch năm 1368, quân Trần tiến vào Chiêm Động (vùng đất Quảng Nam ngày nay). Quân Chiêm Thành còn đặt phục binh nên quân Trần rơi vào chỗ phục kích, bị thua trận. Trần Thế Hưng bị bắt. Đỗ Tử Bình chạy thoát rồi mang tàn quân về nước.

Vào tháng 4 năm Nhâm Tý (1372), Đỗ Tử Bình được cất nhắc lên vị trí cao hơn, được dùng làm Hành khiển, tham mưu quân sự. Trải qua thời gian, rõ ràng là họ Đỗ đã được các quan nhà Trần ngày càng tín nhiệm hơn, đặt vào các vị trí quan trọng. Gần nhất, ấy là vị trí tham mưu quân sự. Đó là nơi đòi hỏi người có năng lực, nhãn quan tốt trong việc binh bị.

Hạng tham lam bòn vét, kẻ gian thần hại nước

Khi nói về Đỗ Tử Bình, sử thần Ngô Thì Sĩ nhận định: "Nước đến khi sắp mất, tất nhiên trời sinh ra một người để mà phá hoại. Việc Tử Bình được tiến cử, là lúc mối hấn khích ở biên giới Nhật Nam đã chớm nảy nở, cái nguy cơ tai họa của Duệ Tông đã ngấm ngầm phục sẵn, mà từ đó, dần dần gây ra mối suy sụp cho cơ nghiệp nhà Trần”. 

Điều ấy, xét thì thấy rất đúng. Những việc mà Đỗ Tử Bình làm đã gây nên tai họa cho nước, y đáng bị xử chết ngàn lần.

Sử chép, thời vua Trần Duệ Tông có ý muốn chinh phạt Chiêm Thành (khi đó do vua Chế Bồng Nga cai trị) cho phân rạch được thế mạnh của Đại Việt so với Chiêm quốc. Vua Huệ Tông ra sức chuẩn bị lương thảo, tích trữ vũ khí, rèn luyện quân binh, quyết một phen sống mái với phía Nam.

Thế nên, ngay trong năm Ất Mão (1375), vua cho tuyển lĩnh, dùng Hồ Quý Ly làm tham mưu quân sự. Sang năm sau vào dịp tháng 5, Chiêm Thành lại lần nữa vượt biên giới lấn vào đất Hóa Châu. Vua cho duyệt binh ở Bạch Hạc giang, có ý đánh Chiêm. Dẫu Ngự sử trung tán là Lê Tích, rồi Ngự sử đại phu Trương Đỗ can, nhưng vua nào có nghe, nên tháng 12 năm Bính Thìn (1376) vua thân chinh. 

Cuoc-doi-chat-chong-toi-loi-hai-vua-hai-nuoc-cua-Do-Tu-Binh
Vua Duệ Tông luyện binh đánh Chiêm Thành

Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho hay, sở dĩ một phần vua quyết định đánh Chiêm, ấy chính là do lời vu của Đỗ Tử Bình. Bởi trước đó, Bình trấn giữ đất Hóa Châu "chúa Chiêm là Chế Bồng Nga đưa 10 mâm vàng để dâng triều đình. Tử Bình ăn chặn, trẩm đi, lại nói dối rằng: Bồng Nga kiêu ngạo, khinh nhờn, vô lễ, nên đem quân đi đánh. Bấy giờ nhà vua mới quyết tâm thân chinh”.

Rõ thấy, Chế Bồng Nga đã có ý sợ uy lực của Đại Việt nên mới dâng vàng tạ lỗi. Đáng lẽ với trách nhiệm là người đại diện cho đất nước ở nơi Hóa Châu, Bình phải thành thực tâu với vua và triều đình để quan hệ hai nước trở nên hòa hữu. Nhưng hắn lại mờ mắt vì vàng, 

Hắn chẳng những nhắm mắt làm bừa mà còn tham ô luôn 10 mâm vàng ngoại giao ấy. Hắn tâu vua Chiêm kiêu ngạo không thần phục khiến Duệ Tông nổi giận, quyết định thân chinh đi đánh. 

Cuoc-doi-chat-chong-toi-loi-hai-vua-hai-nuoc-cua-Do-Tu-Binh-6
Trần Duệ Tông chết trong đám loạn quân

Tháng giêng năm 1377, quân Trần tiến tới kinh thành Đồ Bàn của nước Chiêm. Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành, rồi cho người đến trá hàng và nói với Trần Duệ Tông rằng Chế Bồng Nga đã bỏ thành trốn. Nghe vậy, Trần Duệ Tông thúc quân tiến vào thành.

Sau đó, quân Chiêm tứ phía đổ ra đánh. Quân Đại Việt không kháng cự nổi, vua Duệ Tông bị hãm trong vòng vây, bị trúng tên và tử trận. Các tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh cũng tử trận.

Đỗ Tử Bình lúc đó lĩnh hậu quân không tới cứu giá. Lê Quý Ly sợ hãi bỏ chạy. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai đem xe tù đi bắt Tử Bình. Khi tử bình về qua phủ Thiên Trường, người ta đua nhau mắng chửi, lấy gạch ngói ném vào xe tù Tử Bình. 

Thượng hoàng sau đó xuống chiếu trị tội nhưng miễn tử hình, chỉ bắt đi làm lính. Tuy nhiên, không lâu sau, Tử Bình được phục chức. Vào tháng 5/1378, Chế Bồng Nga đưa hàng vương Trần Húc về nước, đánh cướp ở vùng Nghệ An. Tháng 6, quân Chiêm tiến vào cửa Đại Hoàng. 

Cuoc-doi-chat-chong-toi-loi-hai-vua-hai-nuoc-cua-Do-Tu-Binh-0
Tranh minh họa Đỗ Tử Bình bị giải về sau khi vua Duệ Tông tử trận (Báo Bình Phước)

Thượng hoàng Trần Nghệ Tông phục chức cho Đỗ Tử Bình, sai ra chống giữ. Tử Bình đánh không lại và Chế Bồng Nga tiến vào Thăng Long lần thứ 3, bắt người cướp của rồi rút về.

Đến năm 1380, vua Chiêm lại dụ dân Tân Bình và Thuận Hóa đi cướp phá Nghệ An và tiến lên Thanh Hóa. Thượng hoàng Nghệ Tông sai Lê Quý Ly lĩnh quân thủy và Đỗ Tử Bình lĩnh quân bộ đi chống. Tới tháng 5, quân Chiêm không đánh được phải rút lui.

Từ sau trận đánh này, Đỗ Tử Bình cáo ốm, xin lui không giữ binh nữa. Đến tháng 11 năm đó, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông phong ông làm Nhập nội hành khiển tả tham tri chính sự, lĩnh chức Kinh lược sứ Lạng Giang.

Khi đó, trong nước gặp khó khăn vì chiến tranh liên miên nhưng Đỗ Tử Bình lại kiến nghị Thượng hoàng Nghệ Tông theo phép cho thu thuế "dung" (thuế thân) của nhà Đường, tức là bắt đinh nam mỗi năm nộp 3 quan tiền. 

Từ đầu thời nhà Trần đã có thuế đinh nhưng thực ra chỉ người có ruộng mới phải đóng. Đến đây, không cứ có ruộng hay không, mọi người đều phải chịu loại thuế này, chỉ có binh lính là được miễn. Từ đó, thuế đinh mới thêm nặng. Phép thu thuế này bất công, khiến mọi người phải đóng như nhau.

Sau khi nhận phong Nhập nội hành khiển tả tham tri chính sự được vài năm thì Đỗ Tử Bình chết. Ông được vua Trần Nghệ Tông truy tặng làm Thiếu bảo và cho ông được tòng tự ở Văn Miếu, thờ chung với Chu Văn An và Trương Hán Siêu. Nhưng về sau, các thân sĩ không đồng tình với quyết định của vua Nghệ Tông nên tước bỏ Đỗ Tử Bình ra khỏi Văn Miếu.

Nói về chuyện Đỗ Tử Bình được đưa vào Văn Miếu, sách Đại Việt sử ký toàn thư nêu ý kiến của sử gia Phan Phu Tiên về Đỗ Tử Bình như sau: Bậc danh nho các đời có bài trừ được dị đoan, truyền giữ được đạo thống thì mới được tòng tự ở Văn Miếu, thế là để tỏ rõ đạo học có ngọn nguồn. Nghệ Tông cho Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình được dự vào đó,... Tử Bình là hạng học nhảm chiều người, tham lam bòn vét, là kẻ gian thần hại nước, sao lại được len vào chỗ đó? Và sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có nhận định về Đỗ Tử Bình như sau: Tội... người này đáng giết, không dung tha được; thế mà lại còn vẫn dùng! Chính sự nhà Trần không có kỷ cương trách nào chẳng vong.

Với hậu thế thì cơ nghiệp nhà Trần xiêu đổ là tại vua Trần Nghệ Tông không biết phân biệt hiền gian để kẻ quyền thần được thế làm loạn, thành ra tự mình nối giáo cho giặc, tự mình làm hại nhà mình vậy. Một ông vua mà đằng trước có kẻ siểm nịnh nhưng không thấy, đằng sau có giặc cướp mà không hay thì quả là tai họa của nước nhà. Và chính những ông vua như vậy mới có những quyền thần như Đỗ Tử Bình, Lê Quý Ly. Cái giá mà triều đại nhà Trần phải trả sẽ mãi mãi là bài học hữu ích cho hậu thế. 

Xem thêm: Bùi Đắc Tuyên - quyền thần thao túng triều Tây Sơn: Kẻ gieo gió ắt gặt bão 

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận