Chuyện chưa kể về phép tập trận tài tình thời nhà Lê
Không chỉ có nhà Trần, nhà Lê cũng rất chú trọng việc xây dựng quân đội mạnh để sẵn sàng chiến đấu khi có giặc. Vậy, các vua thời Lê có cách luyện quân tài tình như thế nào?
Nhà Lê (hay Nhà Lê Sơ, đôi khi là nhà Hậu Lê) là giai đoạn đầu của triều đại quân chủ nhà Hậu Lê. Đây là thời kỳ mà chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền trong lịch sử Việt Nam lần đầu tiên đạt đến đỉnh cao của sự phát triển cũng như suy thoái của nó.
Nhà Lê Sơ được thành lập khi Lê Lợi phát động Khởi nghĩa Lam Sơn đánh bại nhà Minh. Ông đã đổi tên Giao Chỉ (vốn tồn tại trong thời gian nội thuộc nhà Minh) trở về Đại Việt, quốc hiệu có từ thời Lý Thánh Tông.
Thời đại Lê sơ có 10 vị hoàng đế thuộc 6 thế hệ, đây là thời kỳ các hoàng đế nhà Lê nắm trọn được quyền hành, cũng là thời kỳ vĩ đại, hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. Đời Lê Thái Tổ (Lê Lợi) và đặc biệt là đời Lê Thái Tông, xã hội được đi vào ổn định, phát triển thịnh vượng một cách mau chóng sau thời kỳ chiến tranh trước đó.
Dưới thời Lê Thánh Tông, Đại Việt phát triển cực thịnh về mọi mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự. Nước Đại Việt từ trước chưa bao giờ cường thịnh và mạnh mẽ, có sức ảnh hưởng đến toàn khu vực bằng thời này. Thời kỳ này được gọi là Hồng Đức thịnh thế.
Nói về nhà Lê thì không thể không nhắc đến việc phát triển quân sự nhằm bảo vệ đất nước, chống lại thù trong giặc ngoài. Và việc tập trận thời Lê cũng được sử sách nhắc đến nhiều.
Việc tập trận đồ ở nước ta được ghi chép đầu tiên trong “Đại Việt sử ký toàn thư" là thời Vua Lê Thái Tổ. Từ khi đang vây quân Minh trong thành Đông Đô, Bình Định vương Lê Lợi đã dụ bảo tướng sĩ rằng: "Số quân hiện tại của ta nay có 35 vạn, đợi khi nào khôi phục được Đông Đô, bấy giờ sẽ cho 25 vạn về làm ruộng, chỉ để lại 10 vạn quân ở lại làm việc phòng thủ và bảo vệ đất nước”.
Đến năm Thuận Thiên thứ 2, nhà vua sắc sai các vệ quân ở 5 đạo đều diễn tập thủy chiến và lục chiến. Việc xong rồi, chia quân làm 5 phiên: 1 phiên lưu lại tại ngũ, còn 4 phiên cho về làm ruộng như lời hứa trước đây. (Nước ta lúc đó chia làm 5 đạo, gồm các đạo Đông, Tây, Nam, Bắc theo các hướng xung quanh kinh thành và đạo Hải Tây, gồm các vùng từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa).
Về phép luyện quân thời Lê, bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục thời Nguyễn có chép lại lời dụ của vua Lê Thánh Tông: "Phàm đã có quốc gia, tất phải có vũ bị, vậy thì nên nhân lúc nhà nông nhàn rỗi, tạm hoãn những việc không cần, mỗi tháng cứ đến ngày rằm là ngày binh lính đến phiên thay đổi thì lượng lưu lại một số để canh giữ, còn bao nhiêu người thì 1-2 ngày đầu, Tổng quản, Tổng chi được phép dựa vào trận đồ, điều chỉnh dốc sức chia thành từng đội, từng ngũ, dạy chúng biết phép ngồi đứng tiến lui, nghe rõ tiếng hiệu lệnh về chiêng trống, làm cho quân sĩ tập quen việc bắn cung tên, không quên việc vũ bị, đến ngày thứ tư trở đi mới được sai phái. Nếu người nào không biết dụng tâm dạy bảo luyện tập, dám làm điều phiền tạp nhũng nhiễu, sẽ luận vào tội giáng chức hoặc bãi chức".
Sử sách cũng chép rằng, đầu năm 1463, vua miễn việc hội họp điểm duyệt cho các quân. Theo quy chế cũ, hằng năm cứ đầu mùa xuân, các quân ở 5 đạo đều hội họp ở kinh sư để kiểm điểm tập dượt. Đến nay được miễn, vì năm trước có chiếu chỉ đại xá.
Vua Thánh Tông còn ban bố phép tập trận đồ của thủy quân, quân bộ đã được nhà vua xét duyệt. Theo đó, thủy quân có các phép: trung hư, thường sơn, xà mãn, thiên tinh, nhạn hàng, liên châu, ngư đội, tam tài, thất môn và yển nguyệt; bộ trận có các phép: trương cơ, tương kích và kỳ binh...
Nhà vua lại ban bố 31 điều quân lệnh về thủy trận, 32 điều quân lệnh về tượng trận, 27 điều quân lệnh về mã trận, 42 điều về bộ trận của quân túc vệ kinh sư. Theo chú thích của “Cương mục” thì quân đội của Lê Thánh Tông về voi có 4 vệ Tuần tượng, về ngựa có 4 vệ Mã nhân.
Đến mùa xuân năm 1467, Vua Lê Thánh Tông tuần du, về bái yết Lam Kinh, khi quay ra đến Thiên Trường, hạ lệnh cho các quân sĩ diễn tập phép đánh trận.
Vua lệnh cho quân sĩ tập trận Trung hư ở Lỗ Giang, tập trận Tam tài và Thất môn ở Vi Giang. Lúc ấy có Lê Thiệt, Tây quân đô đốc, vì trái lệnh trong khi duyệt tập, phải trói chặt hai tay lại đằng sau, điệu đến cửa dinh chịu tội, sau lại được tha.
Cũng trong thời Lê Thánh Tông, vua cho đào hồ Hải Trì và dựng điện Giảng Võ cạnh hồ để luyện quân. Vào thời Vua Lê Hiến Tông, Giảng Võ còn là nơi nuôi voi trận.
Thời Lê, hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm ngày nay) là nơi luyện tập thủy quân nên còn có tên là hồ Thủy quân. Chúa Trịnh đã cho xây ở bên hồ tòa lầu Ngũ Long, vị trí vào khoảng nơi đặt Bưu điện Hà Nội ngày nay, để xem thủy quân luyện tập và nhiều lần mời Vua Lê ngự lên xem thủy quân duyệt binh. Thủy quân của các triều Trần, Lê cũng nhiều lần tổ chức diễn tập và duyệt binh trên sông Hồng.
Xem thêm: Giải mã sức mạnh đội quân Thiết Đột nhà Lê - ông tổ lực lượng đặc công Việt Nam
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận