Giải mã sức mạnh đội quân Thiết Đột nhà Lê - ông tổ lực lượng đặc công Việt Nam

Đội quân Thiết Đột nhà Lê đóng vai trò then chốt trong việc quét sạch giặc Minh, giúp dân tộc ta thoát khỏi ách đô hộ. Đội quân này được xem là ông tổ lực lượng đặc công Việt Nam.

Đỗ Thu Nga
09:50 04/05/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Những điều chưa biết về đội quân Thiết Đột nhà Lê

Nguồn gốc

Trong chiến tranh Việt Nam cận đại, nhắc đến "bụi cây biết đi" là chúng ta nghĩ đến lực lượng đặc công Việt Nam. Song ít ai biết được, thời vua Lê Lợi cũng có một đội quân được xem là ông tổ của lực lượng đặc công Việt Nam - đội quân Thiết Đột.

Theo tìm hiểu, đội quân này là lực lượng chủ lực cơ động của nghĩa quân Lam Sơn và quân đội Hậu Lê thời Lê Sơ (1428 - 1527). Đội quân này rất giỏi phục kích, trong các trận đánh quyết định, dù luôn bị địch áp đảo về số lượng nhưng quân THiết Đội thường là người chiến thắng.

Chiến thuật chủ yếu của đội quân Thiết Đột là xung kích thẳng vào trung tâm quân địch giết chết chủ soái, sử dụng voi chiến và ngựa bọc giáp làm rối loạn đội hình đối phương, chia cắt để đại quân tiêu diệt, xứng đáng với tên gọi Mũi dùi sắt.

Doi-quan-Thiet-Dot-nha-Le-ong-to-luc-luong-dac-cong-Viet-Nam-9
Khởi nghĩa Lam Sơn

Đội quân Thiết Đột bắt nguồn từ buổi đầu khởi nghĩa, năm 1418. Khi ấy, vua Lê Lợi có một đội quân thiết kỵ gồm 200 người do Lê Thạch giữ chức Thứ thủ. Đây có lẽ là tiền thân ban đầu của quân Thiết đột.

Đại Việt sử ký toàn thư có chép, tháng 2 năm 1428, vua Lê Lợi tổ chức ban thưởng cho các chỉ huy và quân nhân Thiết đột có công khó nhọc ở Lũng Nhai gồm 121 người. Rất có thể đây là những người còn sống sót của đội thiết kỵ 200 người ban đầu kia.

Cũng theo cuốn sử này, Lê Thạch thường cầm quân tiên phong đánh đâu  thắng đó. Ngoài việc làm quân tiên phong, đội quân Thiết Kỵ của Lê Thạch cũng nhiều lần giúp nghĩa quân Lam Sơn chống cự trước các cuộc tấn công của quân Minh.

Tổ chức

Trong lời dụ vào tháng 4/1427 của vua Lê Lợi, ta biết được rằng, thời điểm đó có 14 vệ Thiết đột. Trong đó có các vệ kỵ binh và các vệ không phải kỵ binh. Cụ thể là theo Đại Việt thông sử, các tướng Lê Lâm, Đinh Liệt, Trịnh Khả được chép là làm “thứ thủ vệ quân Thiết đột”, trong khi các tướng Lê Nhân Chú, Lê Lý, Lê Văn An, Lê Thận thì được chép là làm “thứ thủ vệ kỵ binh trong quân Thiết đột”.

Một điều đáng suy ngẫm là những tướng từng chỉ huy vệ kỵ binh của quân Thiết đột thì về sau đều được phong tước cao hơn các tướng kia nhiều nên các đơn vị kỵ binh này có lẽ có tầm quan trọng đặc biệt thế nào đó.

Quân số

Theo sách Binh chế chí thì thời Lê Thái Tổ khởi nghĩa đặt ra 14 vệ là: Thiết đột, Kim ngô, Ngọc kiểm, Phùng thần, Xa kỵ, Câu kiềm, Thiên ngưu, Phùng thánh, Tráng sĩ, Thần võ, Du nỗ, Thần tý, Võ lâm, Thiên uy, Ngũ uy.” (ở đây có 15 cái tên, có lẽ người dịch đã ngắt câu sai ở đâu đó). Lam Sơn thực lục nói rằng Lê thái tổ thời gian này có được hơn 5 vạn tinh binh.

Doi-quan-Thiet-Dot-nha-Le-ong-to-luc-luong-dac-cong-Viet-Nam-0

Nếu làm phép tính nhanh thì ta có thể đoán quân số của một vệ tinh binh là xấp xỉ 3571 người. Vệ Thiết đột lại chia thành 14 vệ nhỏ như đã nói ở trên, mỗi vệ nhỏ xấp xỉ 255 người.

Con số này sẽ khá hợp lý nếu xét đến 2 sự kiện: tháng 3 năm 1427, Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem 500 quân Thiết đột đến giải vây cho Tây Phù Liệt, nghĩa là quân số của xấp xỉ hai vệ nhỏ. Đội quân này bị sa lầy và thiệt hại gần hết tại My Động. Đến tháng 9 năm đó, tướng Phạm Vấn đem 3000 quân Thiết đột, nghĩa là toàn bộ quân số trong 12 vệ còn lại đến trợ chiến cho trận đồng Xương Giang để dứt điểm đạo viện binh của nhà Minh.

Tuy nhiên cũng có cách hiểu khác về dòng in nghiêng trên kia là: “thời Lê Thái Tổ khởi nghĩa đặt ra 14 vệ Thiết đột là: Kim Ngô, Ngọc Kiềm…" Trong trường hợp này thì ta biết được chi tiết tên của 14 đơn vị Thiết đột nhưng không biết quân số có bao nhiêu. Chỉ biết là lần huy động nhiều nhất được ghi lại là 3000 người.

Trang bị

Không hề có cuốn sử nào mô tả về trang bị của đội quân Thiết Đột. Song có giả thuyết cho rằng, đội quân này là tiền thân của lực lượng thiết kỵ, thường đánh giáp lá cà nên được trang bị áo giáp hạng nặng. 

Tình trạng thiếu thốn thời kỳ đầu có lẽ sẽ khiến quân sĩ phải sử dụng lại áo giáp chiến lợi phẩm của quân Minh và ngụy quân. Có nghĩa là loại Đinh giáp - giáp tán đinh kiểu brigandine hoặc Sơn Văn giáp - loại áo giáp tấm được ghép lại từ các mảnh kim loại hình chữ “sơn”.

Tất nhiên là cũng có sự sửa đổi phù hợp với tình hình quân đội và để tránh quân ta nhận lầm. Được biết là trong những năm sau này của thời Lê, quân sĩ thích vẽ Hổ phù lên trên khiên. Vũ khí sử dụng đầu thời Lê là mỗi người được trang bị đại trà một cây đao, một tấm mộc và vài mũi lao ngắn. Ngoài ra mỗi người sẽ dùng một trong những món sau: giáo dài, câu liêm, phi liêm, nỏ. Ngoài ra còn có hỏa đồng, chiến thuyền… Không có gì lạ khi quân Thiết đột cũng dùng các vũ khí tương tự.

Tuyển mộ và ưu đãi

Quân Thiết Đột được tuyển mộ từ những người khỏe mạnh, bất kể là người Thanh - Nghệ hay Bắc Hà. 

Theo Sử ký toàn thư thì những người tham gia hoặc phụ giúp quân Thiết đột sau chiến tranh sẽ được trả lại ruộng đất từng bị quân Minh cướp đoạt. Ngoài ra quân Thiết đột còn được ban cho ruộng đất riêng và con cháu của họ được miễn một số nghĩa vụ quân sự , lao dịch.

Loạt chiến công vang dội của đội quân Thiết Đột

Những lần đầu lập công

Năm 1418, nghĩa quân Lam Sơn khởi nghĩa. Khi ấy, nghĩa quân mới chỉ thành lập được 7 ngày, quân Minh quyết định tấn công ngay vào căn cứ nhằm tiêu diệt nghĩa quân.

Nghĩa quân buộc phải rút lui và mai phục ở Lạc Thủy (ở thượng lưu sông Chu, phía trên Lam Sơn). Quân Minh tiến đến đây và bị mai phục. Lê Thạch cùng đội quân Thiết Kỵ đã giúp nghĩa quân tiêu diệt hàng nghìn quân Minh.

Cuốn “Lam Sơn thực lục” ghi chép rằng: “Lê Lợi liền tung phục binh ra đánh và sai con của người anh là Lê Thạch cùng các tướng như Đinh Bồ, Lê Ngân và Lê Lý đem quân xông trước vào trận giặc, chém được đến vài ba ngàn tên, quân trang khí giới bắt được kể có đến hàng ngàn”.

Doi-quan-Thiet-Dot-nha-Le-ong-to-luc-luong-dac-cong-Viet-Nam-7

Ngay sau trận thắng ở Lạc Thủy, nghĩa quân di chuyển đến Mường Nanh (phía Tây Thanh Hóa, gần Lam Sơn). Quân Minh đóng ở các điểm bên ngoài tạo thành thế bao vây nghĩa quân.

Lê Lợi cho quân tấn công Mỹ Canh để tránh khỏi bị vây. Trận này Lê Thạch cùng Thiết Kỵ quân lại lập công đầu diệt hàng trăm quân Minh, bắt sống tướng giặc là Nguyễn Sao.

Đẩy lùi giặc Minh, bẻ gãy quân Lan Xang

Một trận đánh đáng chú ý của Thiết Đột là với quân Lan Xang. Cụ thể, cuối năm 1421, Tham tướng Trần Trí cùng 10 vạn quân Minh từ Đông Quan (tên gọi của thành Thăng Long vào thời đó) tiến đánh nghĩa quân. Đến ải Kính Động (thuộc Cẩm Thủy, Thanh Hóa ngày nay) cách đại bản doanh nghĩa quân 50 dặm thì quân Minh đóng quân lại.

Nghĩa quân Lam Sơn quyết định tấn công trong đêm để tiêu diệt bớt lực lượng quân MInh. Lê Thạch cùng với đội Thiết Kỵ lập công đầu, cùng nghĩa quân diệt hơn ngàn quân Minh trước khi rút đi.

Sau khi quân Trần Trí lui đo, Lan Xang đưa 3 vạn quân đến, nói là hỗ trợ nghĩa quân. Vì quân Lam Sơn từng nhận sự giúp đỡ của quân Lan Xang nên rất tin tưởng, doanh trại hai bên đóng kề nhau. Đến đêm, quân Lan Xang bất ngờ tất công.

Bị đánh bất ngờ, quân Lam Sơn thiệt hại nhiều. Trong tình thế này, Lê Thạch cùng quân Thiết Kỵ đương đầu, giúp nghĩa quân Lam Sơn kịp thời củng cố đội hình, tiêu diệt địch. Số quân Lan Xang còn lại phải chạy về nước.

Nghĩa quân Lam Sơn đuổi theo quân Lan Xang suốt 4 ngày liền. Lê Thạch lo ngại quân Lan Xang chờ viện binh, quyết tâm diệt trừ hậu hoạn. Tuy nhiên trong trận thắng cuối, ông bị trúng tên mà tử trận.

Một số trận đánh oai hùng khác

Cùng với sự lớn mạnh của nghĩa quân Lam Sơn, đội quân tinh nhuệ Thiết Kỵ cũng được bổ sung lực lượng. Ngoài ra, nghĩa quân cũng bổ sung nhiều chủng quân để đa dạng hơn. Vì thế, Thiết Kỵ quân ban đầu được đổi tên thành Thiết Đột quân với 14 vệ quân khác nhau như: Thiết Đột, Xa Kỵ, Tráng Sĩ, Ngũ Uy, v.v…

Doi-quan-Thiet-Dot-nha-Le-ong-to-luc-luong-dac-cong-Viet-Nam-6

Vào năm 1426, nhà Minh cử Vương Thông đưa 5 vạn quân, hợp với số quân ở Giao Chỉ là 10 vạn. Song trong trận mai phục ở Tốt Động - Chúc Động, 5 ngàn quân Lam Sơn đã đánh tan 10 vạn quân Minh, tiêu diệt 5 vạn quân. Chiến công này có sự đóng góp không nhỏ của đội quân Thiết Đột. Nó cũng giúp cán cân nghiêng về nghĩa quân Lam Sơn.

Vào tháng 2/1427, tướng quân Minh là Phương Chính đánh úp quân Lam Sơn ở Từ Liêm. Cũng trong năm này, Vương Thông tiến đánh quân Lam Sơn ở Tây Phù Liệt, quân bị bao vây phải xin cứu viện.

Lê Lợi cử Đinh Lễ và Nguyễn Xí cùng 500 quân Thiết Đột đến ứng cứu. Quân Thiết Đột dù chỉ có 500 người nhưng vô cùng dũng mãnh, đánh tan quân Minh, Vương Thông phải đưa quân tháo chạy.

Đinh Lễ cùng Nguyễn Xí cưỡi voi đuổi theo sát quân Minh. Song hai tướng hăng hái tiến nhanh khiến hậu quân không theo kịp. May Động, Vương Thông thấy nghĩa quân đuổi theo ít nên cho quân quay lại đánh.,

Quân Thiết Đột vô cùng anh dũng chống trả, nhưng do quân bị dàn trải, hy sinh quá nửa, voi của 2 tướng bị sa xuống đầm lầy nên bị bắt. Đinh Lễ thà chết không hàng nên bị giết chết. Nguyễn Xí nhân đêm mưa gió lừa được giặc mà trốn thoát trở về. Lê Lợi gặp được Nguyễn Xí thì mừng rỡ nói “Thực là sống lại” (“Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn).

Ngoài ra quân Thiết Đột giữ vai trọng quan trọng trong những chiến thắng khác như trận chém đầu Liễu Thăng ở Chi Lăng, vây hãm Vương Thông ở Đông Quan, đuổi Mộc Thạnh ở ải Lê Hoa, v.v…

Sau kháng chiến chống Minh, lực lượng Thiết đột được tổ chức lại thành 5 “quân” là Tiền, Hậu, Tả, Hữu, Trung. Trong các đời vua Thái Tông, Nhân Tông, đội quân này có tham gia một số trận đánh dẹp phản quân ở Lạng Sơn năm 1434, kinh lược Ai Lao 1435, hay thậm chí là vét sông. Năm 1448 đời vua Nhân Tông, vua ra lệnh giảm bớt biên chế chỉ huy các đạo quân. Đến năm 1466, vua Lê Thánh Tông cải cách quân đội, chia quân cả nước làm 5 phủ, năm 1470 biên chế nhiều vệ quân nhưng từ đó về sau không còn có tên vệ Thiết đột nữa.

Xem thêm: Diệu kế thu phục nhân tâm của vĩ nhân đất Việt: Lê Lợi và chiêu "tạo dư luận để mưu nghiệp lớn"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận