Diệu kế thu phục nhân tâm của vĩ nhân đất Việt: Lê Lợi và chiêu "tạo dư luận để mưu nghiệp lớn"
Lê Lợi là 1 trong những người phi thường của sử Việt. Ông đã biết cách đề ra và triệt để áp dụng những biện pháp hữu hiệu nhằm thu phục nhân tâm, giúp hoàn thành đại sự...
Lê Lợi (Lê Thái Tổ) là một nhà chính trị, nhà lãnh đạo quân sự, người thành lập quân đội Việt và lãnh đạo đội quân ấy chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của quân đội nhà Minh. Ông cũng thành công với các chiến dịch quân sự đánh dẹp các tù trưởng ở biên giới phía Bắc Đại Việt và quân đội Ai Lao. Ông được coi là anh hùng, vị Hoàng đến huyền thoại của Đại Việt với tài năng quân sự, khả năng cai trị và lòng nhân ái đối với nhân dân.
Tài năng thu phục nhân tâm để mưu nghiệp lớn của Lê Lợi được thể hiện rõ nét nhất ở sự việc lịch sử sau: Vào đầu thế kỷ XV, giặc Minh xâm lược và đô hộ nước ta. Nhân dân nhiều vùng nổi dậy khởi nghĩa nhưng đều bị đàn áp đẫm máu. Người thủ lĩnh đất Lam Sơn (Thanh Hóa) là Lê Lợi không hề khiếp sợ, đêm ngày vẫn đau đáu suy tư tìm cách diệt trừ mối nguy hại này cho đất nước.
Để có thể nhanh chóng tập hợp được lực lượng đánh đuổi giặc cướp nước hung bạo, Lê Lợi và những người thân tín đã vạch sẵn kế hoạch nhằm ngấm ngầm tuyên truyền trong dân về thiên ý đã chọn ông là vị cứu tinh của đất nước này.
Kế hoạch ấy hiểu hiện bên ngoài bằng những sự việc ngỡ như là vô cùng ngẫu nhiên, tình cờ. Nhưng liên hệ với nhau lại khiến người ta phải tin theo. Kế hoạch ấy được sách "Đại Việt thông sử" chép lại bằng một câu chuyện kỳ ảo.
Theo đó thì, một người bạn của Lê Lợi tên Lê Thận làm nghề đánh cá, tự nhiên thấy ở quãng sông Lam đêm nào cũng có ánh sáng tỏa ra rực rỡ. Hơn 1 tháng sau, Lê Thận quăng lưới ở chỗ ấy và kéo lên được một thanh sắt, trông giống như kiếm, đem về nhà cất.
Hôm ấy, Lê Lợi sang chơi, thấy ở góc tối trong nhà Lê Thận có ánh sáng lạ, đến xem rồi cầm thanh sắt đem về. Lạ thay, đem về đến nhà không phải mài mà sáng như kiếm mới, Lê Lợi nhìn kỹ thì thấy trên có hàng chữ triện.
Vào đêm hôm sau có trận mưa lớn, khi trời sáng, phu nhân của Lê Lợi ra vườn thì nhặt được một quả ấn, trên có khắc tên của Lê Lợi. Cùng hôm đó, Lê Lợi cũng tình cờ nhặt được chuôi thanh gươm ở trên cây đa, đem về rửa sạch đất cát thì thấy hình con rồng, con hổ và hiện lên chữ "Thanh Thúy". Ông đem lắp vào thanh kiếm đã nhặt được thì thấy vừa khít.
Từ đó, tin tức Lê Lợi được trời trao cho ấn kiếm không cánh mà bay, được nhân dân Lam Sơn và nhiều vùng lân cận không ngừng bí mật lan truyền. Dân chúng nhiều nơi vì thế đã hồ hởi theo về với Lê Lợi.
Trong số những người đến với Lê Lợi thì có Nguyễn Trãi (1380 – 1442). Nguyễn Trãi hiểu rõ sự thật phía sau câu chuyện ấn và kiếm đầy huyền ảo kia. Nguyễn Trãi cũng biết đó là điều phải làm để quy tụ lực lượng, chờ ngày nổi dậy. Vậy nên, ông đã cùng Lê Lợi bàn tính rồi triển khai một số hành động tiếp theo nhằm gia tăng niềm tin cho trăm họ.
Sách "Tang thương ngẫu lục" có chép: Nguyễn Trãi “lấy mỡ viết khắp lá cây trong rừng: Lê Lợi vi quân Nguyễn Trãi vi thần (Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi). Sâu và kiến ăn mỡ đục thành nét chữ. Kẻ đi kiếm củi thấy thế cho là chuyện thần linh. Người nọ bảo người kia, nhân thế theo về ngày một nhiều”.
Bởi đó, số người theo về dưới trướng Lê Lợi ngày càng đông, đủ anh tài khắp mọi miền. Ngày mùng hai tết Mậu Tuất (1418), khi mọi thứ đã sẵn sàng, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, chính thức giương lên ngọn cờ bình Ngô đầy chính nghĩa…
Xem thêm: Sự thật về đàn chim dưới tay mưu sĩ kiệt xuất của Lê Lợi: Thiên binh vạn mã chưa chắc đã địch nổi
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận