Chuyện về những lễ minh thệ âm vang lịch sử

"Làm tôi tập trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết" - đó là 1 lời thề trong sự kiện hội thề ở đền Đồng Cổ phía Tây kinh thành Thăng Long thời vua Trần Thái Tông.

Đỗ Thu Nga
10:00 12/08/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nếu đến di tích Đền Hùng (Việt Trì, Phú Thọ) chắc chắn du khách sẽ được giới thiệu về cột đá trước lăng Hùng Vương (đây là cột đá mới dựng, không phải hiện vật được phát hiện trong quá trình khảo cổ những năm 1963 - 1964) và câu chuyện truyền thuyết cho rằng: Đây là "cột đá thề" của Thục Phán An Dương vương với Hùng vương thứ 18.

Câu chuyện này được chép trong chính sử nhưng trong Ngọc phả Hùng Vương, tương truyền lưu từ thời Lê Thánh Tông đến nay, có chép rằng: Sau khi lấy được Âu Lạc, Thục Phán đã dựng cột đá thề rằng: "Nguyện có trời cao lồng lộng soi xét, nước Nam được trường tồn, lưu ở miếu tổ Hùng Vương. Nếu vua sau nối trị mà trái ước, nhạt thề, sẽ bị trời đạp đất vùi...”.

chuyen-ve-nhung-le-minh-the-am-vang-lich-su
Đường lên Đền Hùng

Theo An ninh thế giới, lời thề xưa nhất có lẽ là từ thời vua Lý Nhân Tông. Năm 1119, khi vua chuẩn bị đi đánh động Sa Ma (huyện Đà Bắc, Hòa Bình ngày nay) đã cho họp các quân nhân cả nước thề ở Long Trì. 

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Vua xuống chiếu rằng: "Trẫm nhận lấy cơ nghiệp của một tổ hai tông, đứng trên dân đen, coi triệu họ trong bốn biển đều như con đỏ, cả đến cõi xa cũng mến lòng nhân mà quy phục, phương khác cũng mộ nghĩa mà lại chầu. Vả, xét dân động Ma Sa sống ở trong cõi của ta, động trưởng Ma Sa thì đời đời làm phiên thần của ta, thế mà nay kẻ tù trưởng ngu hèn ấy bỗng phụ ước của ông cha, quên việc tuế cống khiếm khuyết lệ thường phép cũ. Trẫm vẫn nghĩ mãi, việc không đừng được, nay trẫm tự làm tướng đi đánh dẹp. Nay các tướng súy sáu quân, các ngươi đều phải hết lòng, tuân theo mệnh lệnh của trẫm".

Sau đó, vua ban khí giới cho tướng sĩ, vua ngự thuyền Cảnh Hưng, xuất phát từ bến Thiên Thu, cờ xí rợp trời, gương giáo rẽ sương, quân sĩ đánh trống reo hò, khí thể trăm phần hăng hái.

Đến thời vua Lý Thần Tông, năm 1128, sau khi nhà vua lên ngôi, định niên hiệu là Thiên Thuận năm thứ nhất, tôn mẹ làm Hoàng Thái hậu, bề tôi dâng hiệu, vua lập hoàng hậu, đến tháng 2, nhà vua đã: “Ngự điện Thiên An xem quốc nhân hội thề ở Long Trì. Nhân đó xuống chiếu phát quần áo, tiền lụa trong nội phủ để ban cho”.

chuyen-ve-nhung-le-minh-the-am-vang-lich-su-0
Vua Lý Thần Tông

Thế nhưng trong bộ sử triều Nguyễn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục sau khi chép về hội thề này đã thêm rằng: "Hồi Lý Thái Tông mới lên ngôi, có cuộc hội thề ở Thần miếu, đọc lời tuyên thệ rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thì thần minh tru diệt”, vậy cuộc hội thề ở điện Thiên An dưới triều Lý Thần Tông này và hai triều Lý Anh Tông, Lý Cao Tông sau đây có lẽ cũng là phỏng theo cái ý hội minh từ đời Lý Thái Tông còn sót lại”.

Sách Cương mục cũng chú thêm rằng, Thần miếu chính là miếu thần núi Đồng Cổ. Đến tháng 6 cùng năm đó, trước khi an táng tiên vương Lý Nhân Tông, Vua Thần Tông lại cho họp các bề tôi, tuyên thệ ở cửa Đại Hưng.

Năm 1138, Vua Lý Thần Tông qua đời, hoàng thái tử Thiên Lộc, vốn là con người thiếp bị phế, làm Minh Đạo Vương, hoàng tử Thiên Tộ tuy mới 3 tuổi nhưng là con đích, được lập làm thái tử lên nối ngôi, tức Lý Anh Tông. 

Ngay sau khi đăng cơ đã cho "hội thề quốc nhân ở Long Trì". Đến năm 1175, khi vua Lý Anh Tông qua đời, Lý Cao Tông nối ngôi, Toàn thư chép "Họp quốc nhân thề ở Long Trì”. Các lễ hội thề này chủ yếu để củng cố ngôi vị cho nhà vua vừa mới nối ngôi, khiến các quan phải trung thành, hết lòng phò chủ mới.

Lễ minh thệ thời Trần được quy định vào năm 1227, tức chỉ khoảng 2 năm sau khi nhà Trần lấy được nước từ nhà Lý. Toàn thư chép rằng, các điều khoản lễ minh thệ đều theo như lệ cũ của triều Lý. Nghi thức lễ minh thệ cụ thể được tổ chức vào ngày 4/4 hàng năm.

Hôm đó, tể tướng và trăm quan đều phải đến trực ngoài cửa thành từ lúc gà gáy, tờ mờ sáng thì tiến vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang, điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục lạy 2 lạy rồi lui ra. Ai nấy đều thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu ra cửa Tây thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau lại uống máu ăn thề. Quan Trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng: "Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết".

Đọc xong lời thề, tể tướng sai đóng cửa điểm danh, người vắng mặt phải phạt 5 quan tiền. Sử chép rằng: “Ngày hôm ấy, trai gái bốn phương đứng chật ních bên đường để xem như ngày hội lớn”. 

chuyen-ve-nhung-le-minh-the-am-vang-lich-su-9
Tượng vua Lê Lợi

Hội thề này kéo dài trong suốt thời nhà Trần, đến khi Hồ Quý Ly ép vua Trần dời đô về Thanh Hóa, vào năm 1399, đời Trần Thiếu Đế, tháng 4, Hồ Quý Ly họp các quan mở hội thề ở Đốn Sơn. Trong sự kiện này, Trần Khát Chân định hành thích Hồ Quý Ly nhưng chỉ vì chần chừ, khiến từ Trần Khát Chân đến các tôn thất, trụ quốc, hành khiển, liêu thuộc và gia đình 370 người đều bị giết cả.

Sau thời nhà Hồ, giặc Minh xâm lược nước ta, đến khi Bình Định Vương Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa, tập hợp anh hào tứ phương về đất Lam Sơn thì đã diễn ra hội thề lịch sử, ghi dấu trong sử sách với tên gọi Hội thề Lũng Nhai.

Lam Sơn thực lục do giáo sư Hoàng Xuân Hãn dịch và công bố, thì lời thề như sau: “Tôi là phụ đạo Lê Lợi đứng đầu, với Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn Linh, Lê Văn An, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Nanh, Lê Kiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú, Trịnh Vô, Phạm Lôi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến. Chúng tôi kính cẩn đem lễ vật, sinh huyết mà thành khẩn dâng lời tâu, cáo cùng Vua Trời, Hậu Đất và các thần linh bậc thượng, trung, hạ, coi các cảnh đẹp sông núi tại các xứ ta. Chúng tôi cúi xin rộng rủ lòng thương, soi xét để chứng cho việc này. Rằng có bạn từ xa tới kết tình vui vẻ và rất tin nhau, cho nên phải làm lễ tâu cáo.

Nay ở nước tôi, tôi phụ đạo Lê Lợi đứng đầu với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến, tuy sinh khác họ, quê quán xa cách nhưng kết nghĩa cùng nhau, xem nhau như cành liền chung một tổ. Tuy phần vinh hiển có khác nhau nhưng nguyện đem tình đối xử với nhau như người không khác họ”.

Lời thề cũng đưa ra cam kết của các nghĩa sĩ Lam Sơn: “Nếu không chịu đồng tâm, bỏ quên lời thề ước thì chúng tôi cúi xin Trời, Đất và các vị thần linh phát xuống trăm tai, cho từ thân đến nhà, dòng dõi, con cháu đều chịu giết sạch, đúng với luật Trời. Kính cẩn tâu trình”.

Lam Sơn thực lục kí cũng chép về việc các vua nhà Lê Sơ gìn giữ lời thề Lũng Nhai cẩn trọng: "Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), ngày 17 tháng 2, các bầy tôi cùng Nguyễn Trãi tâu xin viết thệ văn vào sách (có lẽ là sách bằng đồng) để cất trong hòm. Rồi đến ngày 16 tháng 2 năm Hồng Đức thứ 12 (1481), Vua Thánh Tông lại ban cho các công thần mỗi nhà giữ một đạo".

chuyen-ve-nhung-le-minh-the-am-vang-lich-su-8

Trong khởi nghĩa Lam Sơn, lịch sử còn ghi lại nhiều lời thề khác của Bình Định Vương. Như lời thề với công thần Lê Lai trước khi ông hiến thân cứu chúa: "Lê Lai có công thay đổi áo. Sau này trẫm cùng con cháu và các tướng tá, hay con cháu các công thần, nếu không thương đến công ấy, thì xin đền đài hóa ra rừng núi; ấn vàng hóa ra đồng sắt; gươm thần hóa ra đao binh!”. Hoặc, khi vợ vua là bà Phạm Thị Ngọc Trần xin hiến mình cho thần núi Quả ở đất Hưng Nguyên, Nghệ An, vì thần báo mộng hứa sẽ phù hộ vương đánh được giặc Ngô, gây nên nghiệp đế, vương cũng thề rằng: “Ta được thiên hạ sẽ truyền cho con người làm thiên tử”.

Khi khởi nghĩa thành công, dù người con lớn của vua là Lê Tư Tề được phong làm quốc vương nhưng cuối cùng, hoàng tử Lê Nguyên Long, con bà Ngọc Trần, lại được chọn nối ngôi, tức Vua Lê Thái Tông.

Khởi  nghĩa Lam Sơn kết thúc bằng một hội thề lịch sử khác đó là Hội thề Đông Quan, được tổ chức bên bờ sông Nhị ở phía Nam thành Đông Quan vào ngày 22/11 âm lịch năm 1427. Sau khi vây khốn giặc Minh ở trong thành và đánh tan quân tiếp viện, theo mưu kế và sự sặp đặt khéo léo của Nguyễn Trãi, Bình Định Vương đã cùng Tổng binh nhà Minh - Thái tử thái bảo Thành Sơn hầu Vương Thông, các tướng Mã Anh, Mã Kỳ, Sơn Thọ, Trần Tứ, Lý An, Phương Chính... uống máu ăn thề và cùng đọc bài Văn hội thề do Nguyễn Trãi soạn thảo.

Sau hội thề, Bình Định Vương ra lệnh giải vây cho thành Đông Quan và các thành khác đang bị quân ta khống chế chặt chẽ. Đến cuối năm, quân Minh bắt đầu rút quân, nghĩa quân còn cấp lương thực, ngựa, thuyền và cho quân Minh ra khỏi biên an toàn. 

Nhờ hội thề này, cuộc chiến tranh kết thúc trong hòa bình, bớt được nhiều phần xương máu cho cả hai bên.

Đến thời vua Lê Thái Tông, sau khi đăng cơ, năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), vào ngày 15 tháng Giêng, sau khi nhà vua bái yết Thái miếu, sai quan văn làm lễ, vua cũng ngự ra trường đấu xem bọn đại thần Lê Sát và các quan văn võ trong ngoài tế cáo trời, đất, thần kỳ danh sơn, đại xuyên, giết ngựa trắng lấy máu cùng thề.

Các sự kiện hội thề lớn sau đó không còn được sử ghi chép lại nữa. Chỉ trong kỳ thi năm 1448, đời Vua Lê Nhân Tông, Tư khấu Lê Khắc Phục muốn cấm các khảo quan tư túi, tâu xin bắt họ phải uống máu ăn thề. “Các khảo quan phải thề bắt đầu từ đó. Nhưng, thói tư túi vẫn không thể nào hết được”, Toàn thư chép như vậy.

Xem thêm: Hé lộ chân dung các vị vua Việt Nam qua sử sách: Có người được ví “nhẹ nhõm như người tiên”

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận