Hé lộ chân dung các vị vua Việt Nam qua sử sách: Có người được ví “nhẹ nhõm như người tiên”

Khi sứ nhà Nguyên sang gặp vua Trần Minh Tông mặc áo tràng vạt bằng là màu vàng, đội mũ có thao đã không kìm lòng được mà khen ngợi dung nhan vua “nhẹ nhõm như người tiên”.

Thùy Nguyễn
17:40 09/09/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sử sách nước ta không ít lần miêu tả chân dung các vị vua mang màu sắc huyền thoại, trong đó có thể kể đến vua Quang Trung “mắt lập lòe như ánh điện” hay vua Trần Nhân Tông “nhan sắc như vàng ròng”. Trong khi đó, vua Trần Minh Tông được sứ thần nhà Nguyên khen ngợi hết lời, nói ông “thanh tú, nhẹ nhõm như thần tiên”.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1314, vua Trần Minh Tông được vua cha là Trần Anh Tông nhường ngôi, đổi niên hiệu là năm Đại Khánh thứ nhất. Khi sứ nhà Nguyên sang, gặp vua Trần Minh Tông (khi đó mới 14 tuổi) ban yến tiếp sứ trong áo tràng vạt bằng là màu vàng, đội mũ thao đã hết lời khen ngợi.

he-lo-chan-dung-cac-vi-vua-viet-nam-qua-su-sach-1
Tượng thờ vua Trần Minh Tông

Về sau, khi sứ của ta sang bên nước Nguyên có người dân bên này hỏi: “Tôi nghe đồn thế tử (tức nhà vua, vì nhà Nguyên vẫn coi Thượng hoàng mới là vua nước ta) có vẻ người thanh tú, nhẹ nhõm như thần tiên phải không?”. Sứ nước ta khôn khéo trả lời: “Đúng như thế, song cũng tiêu biểu cho phong thái cả nước vậy”.

Vua Trần Nhân Tông cũng được miêu tả với nhiều từ ngữ hoa mỹ như: “Đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim tiên đồng tử, ở hai bên tả có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn”.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, vua Lê Thái Tổ cũng được các sử thần ghi chép lại cách tả ước lệ như thế: “Vua có tướng đại trượng phu, thần sắc tinh anh, hùng vĩ, bước đi như rồng như hổ, tiếng nói vang vang như tiếng chuông”. Các sử quan cũng tả về tướng pháp vua Lý Thái Tông thay vì tả diện mạo, như sau: “có bảy nốt ruồi sau gáy, hình như Thất tinh (tức bảy ngôi sao của chòm Bắc Đẩu, tượng trưng cho ngôi vua)”.

Khi sứ nhà Minh sang nước ta gặp vua Lê Hiến Tông trở về cũng không ngừng xuýt xoa về dung mạo của vua. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sứ nước Minh là Lương Chừ đem sắc sang phong cho vua làm An Nam quốc vương vào tháng 12 năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), tháng 12, cùng với sứ đoàn của Từ Ngọc sang làm lễ viếng vua Lê Thánh Tông.

Khi đó, vua Lê Hiến Tông đã đi thuyền Tiểu Quang đến trạm Lã Khôi đón tiếp. Khi vua về cung, Lương Chừ nói với học sĩ Bùi Nhân rằng: “Ngày nay thấy quốc vương tuổi đã lớn, thực là tướng thánh nhân, tướng trường thọ, quả là phúc cho nhân dân phương nam. Sao mà học rộng và ứng tiếp công việc nhanh chóng đến thế”. Năm đó, vua Lê Hiến Tông 38 tuổi, được toàn thư ghi chép về dung mạo là “mũi cao, mặt rồng, vẻ người đứng đắn, đẹp đẽ khác thường”.

he-lo-chan-dung-cac-vi-vua-viet-nam-qua-su-sach-2
Tượng vua Trần Nhân Tông ở tháp tổ Huệ Quang, chùa Hoa Yên, Yên Tử

Khác với lời khen dành cho vua cha, sứ nhà Minh khi gặp vua Lê Uy Mục – con của Lê Hiến Tông đã viết 2 câu thơ: “An Nam tứ bách vận vưu trường/Thiên ý như hà giáng quỷ vương?”, tức là Vận nước An Nam còn kéo dài đến 400 năm, ý trời thế nào mà lại giáng sinh vua quỷ như vậy?

Dù dung mạo vua Uy Mục không được mô tả chi tiết trong sử sách nhưng hàng loạt tính xấu của ông đều được liệt kê như: hay giết người, hiếu sắc, nghiện rượu, giết cả bà nội, trăm họ oán giận gọi là quỷ vương.

Sau vua Lê Uy Mục là vua Lê Tương Dự lại được miêu tả là người có gương mặt đẹp. Khi gặp vua, Chánh sứ Phạm Hy Tăng của nhà Minh đã nói rằng: “Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lệch, tính thích dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không lâu”. Quả không sai, sau này vua Tương Dực bị Trịnh Duy Sản giết chết, nước ta rơi vào loạn lạc.

Gần với chúng ta nhất chính là triều Nguyễn. Sử sách ghi chép hành trang của từng vị vua rất chi tiết nhưng hầu như không mô tả dung mạo. Bù lại, các vị vua nhà Nguyễn được thể hiện rõ nét qua ảnh tư liệu và tranh chân dung. Tuy nhiên, vua Quang Trung lại được sử quan triều Nguyễn mô tả khá kỹ trong phần Truyện Ngụy Tây ở bộ Đại Nam liệt truyện như sau:  “Huệ tiếng vang như chuông, mắt sáng như ánh điện, mưu lược thiện chiến, người người đều kinh sợ".

Vua Quang Trung còn được miêu tả trong một bộ sách khuyết danh có tiêu đề Tây Sơn lược thuật rằng: “Huệ có một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu…”

Xem thêm: Vì sao quân Nguyên Mông "bất khả chiến bại" lại thua thê thảm trước quân dân nhà Trần?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận