Nguyễn An Ninh: Nhà cách mạng "chọc trời khuấy đất", thần tượng của thanh niên Sài Gòn

Người ta tìm thấy thi thể của Nguyễn An Ninh trong manh chiếu rách, trên chiếc xe bò lọc cọc, trong túi áo là những dòng thơ viết vội thể hiện lý tưởng cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng, quyết hy sinh chứ không thẹn lòng.

Đỗ Thu Nga
09:00 18/05/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguyễn An Ninh - một trí thức Tây học yêu nước

Nguyễn An Ninh sinh ngày 15/9/1900 tại quê mẹ ở xã Long Thượng, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An) trong một gia đình có truyền thống Nho học và yêu nước. Cha ông là Nguyễn An Khương, người ở Quán Tre, huyện Hóc Môn (nay là TP Hồ Chí Minh). 

Cha ông là một nhà văn có tinh thần yêu nước, tinh thông Hán học và chữ Quốc ngữ. Chú ruột của ông là Nguyễn An Cư, cũng là một nhà văn, một Đông y sĩ nổi tiếng. Cả cha và chú đều được nhiều người trong nước quý trọng. 

Năm 1910, ông bắt đầu đi học trường dòng Taberd, rồi Collège Mỹ Tho và sau đó theo học chương trình Brevet Elémentaire tại trường Chasseloup Laubat. Năm 1916, ông ra Hà Nội theo học Cao đẳng Y dược nhưng bỏ sang học Luật rồi tìm đường đi Pháp năm 1918.

Ở Pháp, ông thi lấy bằng Tú tài rồi tiếp tục học luật tại Đại học Sorbonne. Hai năm sau, ông được cấp bằng cử nhân Luật hạng xuất sắc rồi tiếp tục theo học bậc tiến sĩ nhưng lại không thi để hoạt động cách mạng.

Chuyen-ve-nha-cach-mang-huyen-thoai-Nguyen-An-Ninh
Nhà báo Nguyễn An Ninh có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào yêu nước của Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Trong thời kỳ này, Nguyễn An Ninh đến nhiều nước châu Âu, tiếp xúc với nền văn minh Pháp/phương Tây không chỉ qua sách vở mà còn cả các sinh hoạt chính trị, tư tưởng, văn hóa nghệ thuật của giới trí thức tinh hoa. Ông không chỉ nghiên cứu triết học phương Tây mà còn cả chủ nghĩa Gandhi, Phật giáo và triết học Mác - Lênin và các học thuyết cách mạng trên thế giới.

Dù ở Pháp nhưng ông vẫn rất tích cực tham gia phong trào yêu nước. Ông tham gia "Nhóm ngũ long" (gồm có Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tất Thành/Nguyễn Ái Quốc). Ông cũng kết giao rộng rãi với các nhà hoạt động cánh tả, Cộng sản ở Pháp và một số nước khác ở châu Âu.

Đến ngày 3/10/1922, Nguyễn An Ninh về nước và bắt đầu một chặng đường mới trên hành trình dấn thân. Trên hành trình đó, ông đã sang Pháp thêm 3 lần và 5 lần bị thực dân Pháp bỏ tù vào các năm 1926, 1928, 1936, 1937, 1939, tổng cộng hơn 10 năm.

Ngày 25/1/1923, ông diễn thuyết trước đông đảo thanh niên trí thức Sài Gòn với chủ đề "Chung đúc một nền học thức cho dân An Nam". Ngày 15/10/1923, ông diễn thuyết lần thứ hai tại Hội Khuyến học Nam Kỳ với bài "Lý tưởng của thanh niên An Nam". Ông kịch liệt đả kích chính sách cai trị của chính quyền thực dân, kêu gọi Nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên hăng hái rũ bỏ những ràng buộc của hủ tục, bất chấp sự đàn áp của thực dân Pháp ra đi tìm đường cứu nước và xây dựng cho dân tộc một nền văn hóa mới tự do và hiện đại. Tư tưởng của ông được công chúng, nhất là thanh niên yêu nước ở Nam Kỳ nhiệt liệt hưởng ứng nhưng nhà cầm quyền thực dân thì vô cùng tức tối và tuyên bố cấm ông diễn thuyết tại các nơi công cộng.

Từ 1923, ông bắt đầu làm báo La Cloche Fêleé (Chuông rè). Cùng với Thanh niên (1925) của Nguyễn Ái Quốc và Tiếng Dân (1927) của Huỳnh Thúc Kháng, La Cloche Fêlée đã tạo thành một bộ ba báo chí cổ vũ tinh thần yêu nước và cách mạng Việt Nam những năm 1920.

Năm 1926, ông bị chính quyền thực dân bỏ tù 2 năm. Sau khi ra tù, ông sáng lập Thanh niên Cao vọng Đảng, một tổ chức yêu nước hoạt động theo nguyên tắc hội kín ở Nam Kỳ. Ông còn phối hợp vận động phát triển Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên ở Nam Kỳ. Vì việc này, ông lại bị thực dân Pháp bỏ tù vào cuối năm 1928.

Năm 1936, Mặt trận bình dân ở Pháp thắng lợi. Chớp thời cơ, Nguyễn An Ninh đã phát động Phong trào “Đông Dương đại hội” ở Việt Nam; được nhận định là “cuộc tổng diễn tập lần thứ hai” cho thành công của Cách mạng Tháng Tám (1945).

Nhà cách mạng "chọc trời khuấy nước"

Trong cuốn hồi ký 41 năm làm báo, nhà báo kỳ cựu Hồ Hữu Tường (1910-1980) dành những dòng thán phục dành cho nhà báo - nhà cách mạng dấn thân, nhiệt tình và tràn đầy lòng yêu nước này: “So sánh với tất cả trong nhóm, Ninh là một đàn anh có một ngôi sao sáng chói hơn tất cả trên bình diện dư luận quốc tế. Từ năm 1921, Ninh đã cùng với những nhà trí thức tiền phong của nước Pháp, đầu cắt tóc dài, như lấy búa mà chặt ngon lành chấn một phát ngay nơi ót, cổ đeo nơ buộc chùm gọi là Lavaillière, tung đầy ngực, ôm sách của Gide đương làm say mê thanh niên là Les nourritures terrstres (Dưỡng chất trần gian) mà cuốc bộ trên hè đường xóm La tinh, đi mỏi chơn (chân) thì chun (chui) vào một quán bình dân mà lập những kế hoạch chọc trời khuấy nước…”.

Chuyen-ve-nha-cach-mang-huyen-thoai-Nguyen-An-Ninh-0

Những việc "chọc trời khuấy nước" mà Nguyễn An Ninh và các đồng chí của ông thực hiện tại Paris bao gồm: “Xuất bản tạp chí Cách Mạng, tung hô phong trào văn nghệ tiền phong”. Do đó, sau này, đám bạn bè của Nguyễn An Ninh đều trở thành những ngôi sao sáng của nghệ thuật và văn chương của “kinh đô ánh sáng”.

Giáo sư Trần Văn Giàu, trong lời tựa cuốn Nguyễn An Ninh - Tác phẩm, đã viết: “Một thuở, Nguyễn An Ninh là thần tượng của đồng bào lục tỉnh, của học sinh, thanh niên chúng tôi”.

Thần tượng của thanh niên Sài Gòn thập kỷ 20 của thế kỷ XX

Theo Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Tập 10, Các nhà chính trị, NXB Trẻ, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh nổi tiếng với màn đối đáp khôn ngoan với Thống đốc Nam Kỳ Cognacq khi bị ngăn cấm không được diễn thuyết. Ông nhã nhặn đáp:

– Tôi chỉ là người đóng vai cái chuông để gióng lên những tiếng chuông cảnh tỉnh đồng bào tôi.

Cognacq gào lên:

– Nhưng tiếng chuông của ông là tiếng chuông nứt, tiếng chuông rè (La cloche Fêlée)!

Không thèm tranh luận, ông nhếch mép mỉm cười. Nụ cười tỉnh bơ ấy khiến Cognacq tái mặt giận dữ:

– Tôi cấm ông cười! 

Ông từ tốn đáp:

– Nhưng thưa ông Thống đốc! Ông đã cấm chúng tôi đi du lịch, đi ra nước ngoài, hội họp, lập hội, ông đã tước đoạt chúng tôi quyền tự do phát ngôn, tự do tư tưởng, tự do viết. Vậy ông hãy làm ơn để chúng tôi tự do cười!

Chuyen-ve-nha-cach-mang-huyen-thoai-Nguyen-An-Ninh-5
Nguyễn An Ninh (bìa trái) và Nguyễn Thế Truyền (bìa phải) năm 1927 tại Pháp - Ảnh tư liệu gia đình

Sáng 5/10/1939, viên thanh  tra  mật  thám đại diện Sở mật thám Nam Kỳ đến thẳng nhà Nguyễn An Ninh, trình giấy của biện lý rồi bắt ông, áp giải về Sài Gòn. Ngày 10/12/1942, chúng đày ông ra Côn Đảo. Tại "địa ngục trần gian", sức khỏe của ông ngày càng suy sụp. Đêm ngày 14/8/1943, sau khi mua chuộc không được, chúng đã hèn hạ thủ tiêu ông.

Trong cuốn "Dấu ấn định mệnh", người lính Pháp gác cổng trại giam là Rognorn đã kêu rú lên khi thấy trong chiếc bao bố là xác của ông Ninh được bó trong manh chiếu. Rognorn chạy nhanh đến xin chúa đảo Côn Đảo Tisseyer một cái hòm, nhưng chẳng được gì ngoài lời chửi rủa. Bà Charlotte Printanière, vợ của giám đốc Sở điện của đảo, trước đây cùng học chung với ông Ninh, đến ngỏ ý muốn đóng một quan tài cho ông, nhưng cũng bị chúa đảo từ chối.

Vì vậy, chiếc xe bò chở thi thể của Nguyễn An Ninh cứ như thế, tiếp tục lộc cộc đi qua những con đường gập ghềnh để đến khu mộ Hàng Keo. Thấy quần áo ông quá cũ nát, một người tù đã lấy chiếc áo còn khá lành lặn của mình để thay. Và họ đã tìm thấy trong túi áo ông những dòng chữ viết nguệch ngoạc – người ta đặt tên cho bài thơ là “Bài thơ cuối cùng”.

Xem thêm: Nữ biệt động huyền thoại cắt tay bị thương để tiếp tục chiến đấu và hành trình hơn 40 năm đi giải oan cho đồng đội

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận