Nữ biệt động huyền thoại cắt tay bị thương để tiếp tục chiến đấu và hành trình hơn 40 năm đi giải oan cho đồng đội

Sau 2 giờ giao tranh ác liệt với địch, cánh tay của nữ biệt động Sài Gòn Huyền Nga bị thương. Bà nén đau, tự cắt đứt cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu cho đến khi kiệt sức vì mất máu mới chịu sa vào tay địch...

Đỗ Thu Nga
17:00 06/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chiến tranh đã qua đi nhưng những ký ức hào hùng thì vẫn còn mãi. Lật giở lại những trang sử ấy không thể không nhắc đến sự hy sinh anh dũng của các nữ biệt động Sài Gòn, những nòng thép đỏ giữa chiến trường khốc liệt. Trong số ấy vẫn còn "nhân chứng sống", đó là nữ biệt động huyền thoại - Đào Thị Huyền Nga (bí danh Lê Hồng Quân).

Bé như cái kẹo đã hoạt động cách mạng

Bà Đào Thị Huyền Nga (bí danh Hồng Quân) sinh năm 1947 trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Hiện tại, bà Huyền Nga đang sinh sống tại TP.HCM. Bà Huyền Nga là một trong những biệt động huyền thoại đã cắt bỏ máu thịt của mình để chiến đấu, chống lại những người phương Tây to lớn dùng vũ khí hạng nặng để cướp nước.

Năm tháng chiến tranh đã qua đi nhưng bà Huyền Nga vẫn nhớ như in quá khứ hào hùng của dân tộc và quá trình hoạt động cách mạng của mình. Bà Huyền Nga kể: "Tôi tên Nga nhưng từ năm 8 tuổi đã được tổ chức Đảng đặt cho bí danh Lê Hồng Quân. Hồi nhỏ có biết ý nghĩa cái tên này đâu, sau mới hiểu, Hồng Quân là ý chỉ Hồng Quân Liên Xô lúc bấy giờ. Còn họ Lê là họ của mẹ ruột tôi".

chuyen-ve-nu-biet-dong-huyen-thoai-dao-thi-huyen-nga-6
Bà Huyền Trân giữa đời thường

Sinh ra ở vùng sông nước nên từ nhỏ bà Huyền Nga đã bơi lội rất thuần thục lại cộng thêm dũng cảm và mưu trí nên 8 tuổi đã được tổ chức Đảng phân công nhiệm vụ giao liên, đưa thư mật, lấy tin từ các đồn bốt ở khu vực 6 xã ven sông Hậu.

"Hồi tôi còn bé tí đã bị địch dồn ép xem một chiến sĩ Việt Nam 'chiêu hồi'. Nhưng chúng thật không ngờ, chú bộ đội ấy đợi cho người xem đông đủ, bất ngờ hô vang: Hồ Chí Minh muôn năm! Đả đảo đế quốc Mỹ! Ngay lập tức chúng xông tới mổ bụng, moi gan chú để răn đe người theo cách mạng. Hình ảnh ấy đã thôi thúc tôi bỏ học đi theo quân giải phóng", bà Huyền Nga tâm sự.

15 tuổi trở thành Đảng viên, 19 tuổi được bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng

Tui bề ngoài nhìn "bé như cái kẹo" nhưng sự khôn khéo của bà Huyền Nga thì không phải ai cũng địch nổi. Bà nhanh nhẹn, giỏi che giấu khiến quân địch không thể phát hiện ra những bí mật của cách mạng. 

Và trong quá trình chiến đấu, bà Nga đã lập được nhiều chiến công xuất sắc tại khu căn cứ 6 xã (thuộc tỉnh Cần Thơ cũ). Sau đó bà vinh dự được kết nạp Đảng năm 1962, lúc đó mới 15 tuổi. Cũng trong năm đó, bà được đặc cách phân công nhiệm vụ Xã đội trưởng Xã hội Phú Thứ.

"Hồi ấy, tôi là một trong những Đảng viên trẻ nhất ở miền Tây. Chức Xã đội trưởng 15 tuổi cũng trẻ nhất", bà Huyền Nga kể lại quá khứ hào hùng của mình.

chuyen-ve-nu-biet-dong-huyen-thoai-dao-thi-huyen-nga-4
Nữ chiến sĩ biệt động hướng dẫn bộ đội đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh tư liệu)

Trong thời gian này, bà Huyền Nga được phụ trách công tác đấu tranh chính trị thông qua các tổ chức hợp pháp; đưa đón nhiều cán bộ cấp cao của Đảng; vận chuyển vũ khí qua sông Hậu để chi viện cho chiến trường Vĩnh Long, Trà Vinh. Bà còn tổ chức chôn giấu vũ khí tại nhiều ngôi mộ cổ, hay dưới những ngôi đền của gia tộc để che mắt địch.

Đến năm 1966, bà Huyền Nga được tổ chức Đảng phân công về nhận nhiệm vụ làm chiến sĩ biệt động tại đơn vị T4 (Đặc khu Sài Gòn - Gia Định). Bà được phân công làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn biệt động mang tên Anh hùng Lê Thị Giêng. Bà đã cùng các đồng đội tham gia hàng trăm trận đánh oanh liệt tại quận 2 (nay là quận 1) và quận 4 thuộc Sài Gòn - Gia Định. Trong đó có nhiều căn cứ quan trọng của địch như: Dinh Độc Lập, Thượng Nghị Viện, Căn cứ Hậu cần Mỹ, Chợ Bến Thành. 

Cắt tay bị thương để tiếp tục chiến đấu

Năm 1967, cơ sở của bà bị lộ, phải quay về Cần Thơ để hoạt động. Đến năm 1968, bà lên Sài Gòn để cùng đồng đội chuẩn bị các trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968.

Chia sẻ về những ngày lịch sử Mậu Thân 1968, giọng bà Huyền Nga như nghẹn lại khi nhớ đến các đồng đội đã hy sinh: "Trong nén hương lòng thêm đớn đau. Rõ từng khuôn mặt sát vai nhau. Trên đường phố Sài Gòn xưa ấy. Tiếp bước chân lên những chiến hào... Những nòng thép đỏ trên đường tiến...Sáng từng khuôn mặt sát vai nhau. Xin chớ hỏi ai còn, ai mất. Tất cả còn đây đau xót, tự hào…”.

Những năm tháng oai hùng ấy còn sống mãi. Bà Huyền Nga tự hào bởi bà và đồng đội đã chiến đấu anh dũng. Nhưng bà lại xót xa bởi sự hy sinh của đồng đội sau các trận đấu khốc liệt và cả nỗi đau của đồng đội sa vào tay quân thù, phải chịu những đòn tra tấn dã man của địch.

Bà Huyền Nga kể, chuẩn bị cho đợt 2, chiều 27/4/1968, Bộ Tư lệnh tiền phương ra lệnh bằng mọi giá "ém" quân đưa hết lực lượng đơn vị vào nội đô để đánh khu vực quận Nhì - trung tâm Sài Gòn lúc bấy giờ và chi viện cho Quận 4. Nhiệm vụ đầy khó khăn, mệnh lệnh như lửa cháy, trong tình hình cấp bách, bộ phận vận chuyển vũ khí đã giơ cao tay tuyên thệ “phải chuyển được vũ khí vào thành phố cho dù phải nằm lại nơi chiến trường”.

chuyen-ve-nu-biet-dong-huyen-thoai-dao-thi-huyen-nga-8
Bà Đào Thị Huyền Nga (thứ 2 bên trái) chụp ảnh cùng đồng đội và Nhà sử học Dương Trung Quốc

Đơn vị của bà Huyền Nga tổ chức "ém" quân và đưa vũ khí vào các vị trí trọng điểm của nội đô, trong đó có các điểm chợ Cầu Muối; Hẻm 83 Đề Thám (được tổ chức thành nơi ém quân, tập trung vũ khí của Sở chỉ huy tiểu đoàn); Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh (khu Mã Lạng); lõm căn cứ của Bùi Viện và Phạm Ngũ Lão. Đơn vị nhận được lệnh cấp trên phối hợp đánh vào Dinh Độc lập, Tòa Đại sứ, Ty đặc biệt 2, Nha đô thành, Tổng nha cảnh sát, Ngân hàng và một số cơ quan của Mỹ. Đồng thời, phát động quần chúng ở một số phường trên địa bàn quận Nhì tham gia Tổng tiến công.

Nhớ về trận đánh trong đợt 2 Mậu Thân năm 1968, bà Huyền Nga không thể quên trận đánh ở trong Hẻm 83 Đề Thám. Trận đánh đó bà đã mất đi một phần cơ thể. Đối mặt với kẻ thù, đánh trả quyết liệt, song tình thế ngày càng khắc nghiệt, Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân quyết định lệnh cho đơn vị rút khỏi địa bàn để bảo toàn lực lượng. 

“Yêu cầu lúc đó cần có một người lanh lẹ ở lại để chủ động lộ điểm đánh lạc hướng địch cho đồng đội chuyển ra ngoài. Khi đó, có ba người bị thương gồm chị Sáu Xuân (Lê Thị Bạch Cát), em Quang và tôi tình nguyện ở lại bởi ai cũng đã bị thương. Bản thân tôi tự nhủ tôi sẽ chiến đấu và hy sinh ở đây”, bà Huyền Nga nói.

Bà Huyền Nga kể thêm: “Ba người chúng tôi cùng chủ động lộ điểm hoàn toàn, như “bia thịt” để địch đổ vào. Súng bắn, lựu đạn ném vào ngày càng dày. Người tôi “nát” hết, toàn những vết thương mảnh đạn găm vào. Trong tích tắc, có viên đạn bắn xuyên qua tường trúng mặt tôi...". Bị thương, bà Nga đã dũng cảm cắt lìa cánh tay của mình để tiếp tục chiến đấu.

“Trong một thoáng suy nghĩ, tôi đã dùng dao xoay tròn mấy vòng và bàn tay rớt xuống. Trên bàn tay đó, ngón tay còn đeo chiếc nhẫn mà cách đây mấy ngày má tôi giao cho tôi và căn dặn nếu có gì cần thiết cho việc chung thì con cứ bán”, bà Huyền Nga xúc động hồi tưởng.

Sau đó, bà cùng đồng đội chiến đấu với kẻ thù đến viên đạn cuối cùng. Do đuối sức vì mất máu, bà sa sa vào tay giặc. Bà bị địch bắt giam, tra tấn dã man nhưng bà cương quyết không khai bất cứ điều gì. Chúng đày bà ra Côn Đảo.

Và có một câu chuyện rất bi hùng về bà Huyền Nga và mẹ đẻ - Lê Thị Xuân (mẹ VNAH nay đã mất), là khi không khai thác được gì ở con, bọn giặc đã bắt và đưa bà Xuân ra Côn Đảo giam giữ, để hòng lung lay ý chí chiến đấu của bà. Trong suốt gần 6 năm giam giữ chúng tổ chức nhiều cuộc đối chất giữa hai mẹ con, nhưng cả hai đều giữ vững lời khai “không quen biết, không họ hàng”. Cứ mỗi lần như vậy, cả hai người đều bị chúng tra tấn dã man..

chuyen-ve-nu-biet-dong-huyen-thoai-dao-thi-huyen-nga-0
Lê Hồng Quân (ngoài cùng bên trái) trong lần ra Hà Nội gặp lãnh đạo Trung ương

Đến năm 1974, bà Huyền Nga và mẹ đẻ được cùng trao trả tù chính trị. Bà lại trở về với đồng đội tiếp tục chiến đấu cho đến ngày miền Nam được giải phóng. 

Sau ngày giải phóng, bà Huyền Nga trở về với nhiều vết thương trên cơ thể. Trải qua 23 lần phẫu thuật, nhiều mảnh đạn còn lại trên cơ thể vẫn khiến bà đau đớn mỗi khi trở trời. Song, bà luôn cảm thấy tự hào với những gì mình đã cống hiến, hy sinh.

40 năm miệt mài đi giải oan cho đồng đội

Dù đã nghỉ hưu nhưng bà Nga vẫn canh cánh nỗi nhớ về những đồng đội đã hy sinh vì đất nước. Có người đã được Tổ quốc ghi công nhưng có nhiều người vẫn chưa được minh oan do làm nhiệm vụ phải che giấu nhân thân của mình.

Từ suy nghĩ đó, hơn 40 năm qua, bà Huyền Nga cất công đi tìm lại đồng đội một thời chiến đấu cùng đơn vị để có hướng giúp đỡ tận tình với vai trò là Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn Biệt động Sài Gòn - Gia Định mang tên Lê Thị Riêng.

chuyen-ve-nu-biet-dong-huyen-thoai-dao-thi-huyen-nga-9
Bà Hồng Quân (ngoài cùng, bên phải) cùng gia đình thăm đền Xẻo Kè

Từ đó đã có nhiều đồng đội thoát nghèo từ sự cưu mang của tập thể; nhiều người đã được minh oan với quá khứ “đen” của mình; nhiều ngôi mộ đồng đội đã được xây dựng tươm tất để xứng đáng với sự hy sinh của họ.

Hiện tại, dù đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm có" sức khỏe đã sa sút nhiều bởi các thương tật và đã mất đi một cánh tay nhưng nữ biệt động Huyền Nga vẫn chưa dừng bước trên cuộc hành trình tìm lại đồng đội với cái tâm sáng của người Cộng sản, người lính Cụ Hồ, người biệt động luôn làm theo lời Bác, đi theo lá cờ của Đảng vinh quang, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do.

Xem thêm: Hành trình thoát gông cùm, trở lại cầm súng chiến đấu của nữ biệt động Sài Gòn mang bí danh "con thoi sắt"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận