Cuộc chinh phạt Chiêm Thành và chút sĩ diện "đáng yêu" của vua Lý Thánh Tông

Thắng lợi của vua Lý Thánh Tông tại Chiêm Thành đã làm cho các lân bang phải kiêng dè Đại Việt. Vua Chiêm Thành phải dâng 3 châu để chuộc tội mới được tha về nước.

Đỗ Thu Nga
09:00 04/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Lý Thánh Tông - vị vua tạo ra "trăm năm thịnh thế"

Lý Thánh Tông (30 tháng 3 năm 1023 – 1 tháng 2 năm 1072) là vị hoàng đế thứ ba của hoàng triều Lý nước Đại Việt, trị vì từ tháng 11 năm 1054 đến khi qua đời năm 1072. Thời đại của cha ông là Lý Thái Tông, ông và con ông là Lý Nhân Tông được xem là thời thịnh vượng của Nhà Lý với tên gọi là Bách niên Thịnh thế.

Vua Lý Thánh Tông tên thật là Lý Nhật Tôn, là con trưởng của vua Lý Thái Tông và Linh Cảm Hoàng hậu họ Mai. Tháng 5 âm lịch năm 1028, ngay sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông sách phong Lý Nhật Tôn làm Thái tử.

Sách Đại Việt sử lược chép, Thái tử Nhật Tôn sớm trở nên "tinh thông kinh truyện, hiểm âm luật, lại càng giỏi về võ lược". Tháng 8 âm lịch năm 1033, Lý Thái Tông phong ông tước Khai Hoàng vương và dựng cung Long Đức làm nơi ở cho ông. Ông đã sớm được tiếp xúc với dân chúng, nên hiểu được nỗi khổ của dân và thông thạo nhiều việc.

chuyen-thu-vi-ve-cuoc-chinh-phat-chiem-thanh-cua-vua-ly-thanh-tong-0
Lý Thánh Tông - vị minh quân yêu dân như con

Ngày 1 tháng 10 âm lịch (3 tháng 11 dương lịch) năm 1054, Lý Thái Tông qua đời. Lý Nhật Tôn lên nối ngôi, tức Hoàng đế Lý Thánh Tông, lấy niên hiệu đầu là Long Thụy Thái Bình. Ông lập 8 hoàng hậu, và tôn mẹ là Mai thị làm Linh Cảm Thái hậu.

Cũng giống như cha mình, Lý Thánh Tông nổi tiếng thương dân như con. Ông được xem là vị minh quân đức độ trong lịch sử Việt Nam.

Đại Việt Sử ký Toàn thư có miêu tả ông như sau: "Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt".

Không những thế đến ngày giá rét, vua Lý Thánh Tông có bảo các quan hầu cận rằng: "Trẫm ở trong cung ngự sưởi than thú, mặc áo hồ cừu mà còn rét thế này. Huống chi những tù phạm giam trong ngục, phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc; vả lại có người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm". 

Sau đó ban cho tù nhân trong ngục chăn chiếu, ngày được hưởng 2 bữa. Quả thật, đây là một vị minh quân, yêu dân thực lòng, lấy nhân từ mà cai trị đất nước nên được trăm họ mến phục. Hơn nữa, thời kỳ Lý Thánh Tông cai trị giặc giã, can qua, chiến tranh cũng ít, nhân dân có cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế.

Nhưng ít chứ không phải không có, và đó là việc "phá Tống - bình Chiêm", cũng là những chiến công lẫm liệt của vua Thánh Tông.

Chút "sĩ diện" đáng yêu giúp vua đánh tan quân Chiêm Thành

Lại nói chuyện đất nước chống giặc ngoại xâm, khi ấy, mối quan hệ giữa nước Việt ta và nhà Tống không mấy tốt đẹp. Nhà Tống ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta. Chúng không chỉ tập trung lực lượng, tích trữ lương thực mà còn phái nhiều sứ giả đến các nước lân bang, xúi giục họ bắt tay, quấy phá, tấn công Đại Việt.

Điển hình là Chiêm Thành. Họ không chỉ tuyệt giao với Đại Việt mà còn âm thầm bắt tay, thần phục nhà Tống với mưu đồ tạo thành thế gọng kìm, trên đánh xuống, dưới đánh lên bóp nghẹt nước Việt ta.

Trước tình hình đó, nhà Lý buộc phải nhanh chóng đưa ra đối sách. Sau nhiều lần hội thảo, vua tôi nhà Lý quyết định sẽ lần lượt đối phó, bé gãy từng bên một. Từ đó đập tan toàn bộ âm mưu xâm lược của nhà Tống. 

Đầu năm Kỉ Dậu 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh dẫn đại quân chinh phạt Chiêm Thành, giao quyền khiển chính cho Nguyên phi Ỷ Lan và thái sư Lý Đạo Thành. Khi ấy, Chiêm Thành không phải một nước lớn nhưng đất nước này có địa hình hiểm trở, dễ thủ khó công để thắng được không phải chuyện dễ dàng.

chuyen-thu-vi-ve-cuoc-chinh-phat-chiem-thanh-cua-vua-ly-thanh-tong
Quân Chiêm Thành khá mạnh về thủy binh

Quả đúng như vậy, "trận này vua đánh chiêm thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hoá hoà hợp.

Trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?". Bèn quay lại đánh nữa, thắng được". (trích Đại Việt Sử ký Toàn Thư, kỷ nhà Lý, quyển III).

Như nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần có nói: "...Lý Thánh Tông chợt thấy mình thua kém, thua kem ai còn được, thua vợ mình thì còn ra thể thống gì nữa. Thánh Tông vì sĩ diện mà đánh đến cùng. Chiêm Thành thua, gọng kềm phía Nam tan nát... Chút sĩ diện ấy đáng yêu biết ngần nào".

Sau trận đánh này, quân ta bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ cùng hơn 5 vạn tù binh. Lý Thường Kiệt giải Chế Củ đem về Thăng Long, được Lý Thánh Tông phong làm Thiên tử nghĩa nam vì công lao này.

Vua Chiêm xin dâng đất ba châu là Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội. Thánh Tông lấy 3 châu ấy và tha cho Chế Củ về nước. Những châu ấy nay ở địa hạt các huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hòa, Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) và huyện Bến Hải (tỉnh Quảng Trị). Trong số tù binh Chiêm Thành bị bắt về Đại Việt có một thiền sư người Tống là Thảo Đường, sau này là Quốc sư của triều đình Lý Thánh Tông và là Tổ khai sáng Thiền phái Thảo Đường - một trong 3 thiền phái của Phật giáo Đại Việt thời Lý.

Thắng lợi của Lý Thánh Tông tại Chiêm Thành đã làm cho các lân bang phải kiêng dè Đại Việt. Cuối năm 1069, Hoàng đế Thánh Tông cử Quách Sĩ An làm Chánh sứ, Đào Tông Nguyên làm Phó sứ sang báo cho người Tống về việc đánh bại Chiêm Thành, bắt sống vua Chiêm. Tống Thần Tông trong bụng không thích, song đành thừa nhận Chiêm Thành là chư hầu của Đại Việt. Chính quyền Tống cũng nghiêm cấm các tướng ở biên giới khiêu khích, gây hấn với Đại Việt. Còn ở phía Nam, Chân Lạp và Chiêm Thành lần lượt sai sứ sang dâng lễ cống vào các năm 1069, 1071.

Xem thêm: Lý Thánh Tông - 1 trong 3 đấng minh quân nhà Lý tạo ra thời kỳ "trăm năm thịnh thế"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận