Lý Thánh Tông - 1 trong 3 đấng minh quân nhà Lý tạo ra thời kỳ "trăm năm thịnh thế"

Điều đáng nhớ trong cuộc đời Lý Thánh Tông đó những đóng góp của ông đã giúp Đại Việt trở thành quốc gia thịnh vượng suốt trăm năm.

Đỗ Thu Nga
10:00 28/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chuyện đăng cơ và đổi tên nước thành Đại Việt

Lý Thánh Tông (30 tháng 3 năm 1023 – 1 tháng 2 năm 1072) là vị hoàng đế thứ 3 của triều nhà Lý. Ông trị vì từ tháng 11/1054 đến khi qua đời là năm 1072.

Lý Thánh Tông tên thật là Lý Nhật Tông - con trưởng của vua Lý Thái Tông và Linh Cảm Hoàng hậu họ Mai. Ông sinh tại cung Long Đức vào cuối thời Lý Thái Tổ. Đến tháng 5 âm lịch năm 1028, sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông sách phong Lý Nhật Tôn làm Thái Tử. 

Trong Đại Việt sử lược có chép: Thái tử Lý Nhật Tôn sớm trở nên "tinh thông kinh truyện, hiểu âm luật, lại càng giỏi về võ lược". Tháng 8 âm lịch năm 1033, Lý Thái Tông phong ông tước Khai Hoàng vương và được dựng cung Long Đức làm nơi ở. Ông sớm được tiếp xú với dân chúng nên hiểu được nỗi khổ của nhân dân, thông thạo nhiều việc trong dân gian. Nhờ đó mà ông nuôi dưỡng được lòng vị tha, nhân hậu, thương dân như con.

Tháng 2 âm lịch năm 1037, ông được Thái Tông phong làm Đại Nguyên soái, cùng cha đi dẹp quân nổi dậy ở Lâm Tây (Lai Châu) và giành được chiến thắng. Tháng 2 âm lịch năm 1039, Lý Thái Tông thân chinh đi đánh Nùng Tồn Phúc ở mạn tây bắc. Thái tử Nhật Tôn mới 17 tuổi được cử làm Giám quốc, coi sóc kinh thành và việc triều chính.

Đến ngày 1 tháng 4 năm 1040, ông được Lý Thái Tông gioa quyền xét xử các vụ kiện tụng trong nước, lập cơ quan ở điện Quang Vũ. Sử thần đời nhà Lê sơ Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư chỉ trích quyết định này của Thái Tông: "Chức việc của thái tử, ngoài việc thăm hỏi hầu cơm vua ra, khi ở lại giữ nước thì gọi là Giám quốc, khi đem quân đi thì gọi là Phủ quân, có thế mà thôi, chưa nghe thấy sai xử kiện bao giờ. Phàm xử kiện là việc của Hữu ty. Thái Tông sai Khai Hoàng vương làm việc đó không phải là chức phận của thái tử, lại lấy điện Quảng Vũ làm nơi Vương xử kiện là không đúng chỗ".

chan-dung-vi-hoang-de-doi-tien-nuoc-tu-dai-co-viet-thanh-dai-viet-0

Đến mùa đông năm 1042, cư dân châu Văn (nay là Lạng Sơn) làm binh biến. Ngày 1 tháng 10 âm lịch cùng năm, Thái Tông phong Nhật Tôn làm Đô thống Đại nguyên soái, chỉ huy quân đi trấn áp. Đến ngày 1 tháng 3 âm lịch năm 1043, ông lại được cử làm Đô thống Đại Nguyên soái đi dẹp loạn ở châu Ái (nay thuộc Thanh Hóa). Đại Việt sử lược chép rằng: "Thánh Tông... đánh dẹp giặc giã, tới đâu cũng đều đánh thắng được cả".

Đến cuối năm 1043, Lý Thái Tông thấy Chiêm Thành đã 16 năm không chịu sang cống, bèn quyết ý chinh phạt phương Nam. Mùa xuân năm 1044, Thái Tông tự làm tướng đi đánh Chiêm Thành, giao cho Thái tử Nhật Tôn làm Lưu thủ kinh sư. Trên mặt trận, quân Việt thắng to ở sông Ngũ Bồ, giết chết chúa Chiêm là Sạ Đẩu, chiếm quốc đô Phật Thệ trong một thời gian rồi về nước.

Đến tháng 7 âm lịch năm 1054, thấy mình đã già yếu, Thái Tông cho phép Thái tử Nhật Tôn ra coi chầu nghe chính sự.Đến ngày 1 tháng 10 âm lịch (3 tháng 11 dương lịch) năm 1054, Lý Thái Tông qua đời.[12] Lý Nhật Tôn lên nối ngôi, tức Hoàng đế Lý Thánh Tông, lấy niên hiệu đầu là Long Thụy Thái Bình. Ông lập 8 hoàng hậu, và tôn mẹ là Mai thị làm Linh Cảm Thái hậu.

Trong suốt thời gian tại vị, từ năm 1054 đến năm 1072, Lý Thánh Tông đã đổi 5 niên hiệu:

- Long Thụy Thái Bình (龍瑞太平 1054 – 1058)

- Chương Thánh Gia Khánh (彰聖嘉慶 1059 – 1065)

- Long Chương Thiên Tự (龍彰天嗣 1066 – 1067)

- Thiên Huống Bảo Tượng (天貺寶象 1068 – 1069)

- Thần Vũ (神武 1069 – 1072)

Đáng chú ý, sau khi lên ngôi, Lý Thánh Tông đã quyết định đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt, nuôi hoài bão xây dựng đất nước thành một quốc gia văn minh hùng mạnh.

Quốc hiệu Đại Việt tồn tại không liên tục (gián đoạn 7 năm thời nhà Hồ và 20 năm thời thuộc Minh), kéo dài từ năm 1054 đến năm 1804, trải qua các triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Tây Sơn, khoảng 723 năm.

Đấng minh quân tạo ra thời kỳ "trăm năm hưng thịnh"

Trong suốt thời kỳ cầm quyền của mình, Lý Thánh Tông đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp,  khoan giảm hình phạt, đồng thời bảo trợ Phật giáo và Nho giáo. Ông còn xây dựng quân đội Đại Việt hùng mạnh, thực hiện chính sách đối ngoại cứng rắn với Đại Tống và mở đất về ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (nay là một phần thuộc Quảng Bình và Quảng Trị, Bắc Trung Bộ Việt Nam) sau thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt - Chiêm (1069).

Sử thần đời Hậu Lê Ngô Sĩ Liên viết về Lý Thánh Tông: "Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt". Ở thời đại của cha ông là Lý Thái Tông, ông và con ông là Lý Nhân Tông được xem là thời thịnh vượng của Nhà Lý với tên gọi là "Bách niên Thịnh thế" (trăm năm thịnh thế). Cụ thể:

Chính sách đối nội

Lý Thánh Tông được sử cũ mô tả là vị hoàng đế nhân đức. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại, trong mùa đông năm 1055, Thánh Tông từng nói với các quan hầu cận: "Ta ở trong cung sâu, sưởi là than, mặc áo hồ cừu mà còn lạnh như thế này, huống chi những kẻ ở trong tù, khốn khổ vì trói buộc, phải trái chưa phân minh mà quần áo không đủ, thân thể không có gì che, nên mỗi khi bị cơn gió lạnh khắc nghiệt thì há không chết được người vô tội hay sao! Ta vô cùng thương xót". Tiếp đó, ông sai quan Hữu ty cấp mền, chiếu trong kho cho tù nhân và yêu cầu cung cấp cho người tù hai bữa ăn đầy đủ mỗi ngày. Cùng năm đó, Thánh Tông truyền lệnh giảm một nửa tô thuế cho dân cả nước.

Lý Thánh Tông cũng chính là người có chủ trương giảm các hình phạt trong nước. Đại Việt sử lược, trong một trong những hành động đầu tiên của ông khi lên ngôi là sai đốt các công cụ tra tấn. Sử chép, vào tháng 6 âm lịch năm 1065, khi đang ngự ở điện Thiên Khánh để xét án, vua chỉ vào Động Thiên công chúa đứng cạnh và tuyên bố: "Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy, hiềm vì trăm họ ngu dại, làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Từ rày về sau tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi".

chan-dung-vi-hoang-de-doi-tien-nuoc-tu-dai-co-viet-thanh-dai-viet-8

Đến năm 1070, ông cho phép những người chịu hình phạt đánh roi (trượng hình) được nộp tiền để giảm tội.[21] Ngoài ra, vào năm 1067, nhà vua đã định ra chế độ lương bổng hàng năm cho quan Đô hộ phủ Sĩ sư (người đứng đầu cơ quan tư pháp cả nước) và các cai ngục: theo đó, hai Đô hộ phủ Sĩ sư Ngụy Trọng Hòa, Đặng Thể Tư mỗi người hưởng 50 quan tiền, 200 bó lúa và các loại cá muối; ngục lại mỗi người nhận 20 quan tiền và 100 bó lúa. Chính sách này giúp nâng cao tinh thần thanh liêm của các quan hình án.

Trong thời kỳ trị vì, Lý Thánh Tông còn chú trọng sản xuất nông nghiệp. Vào tháng 10 âm lịch năm 1056, ông ban bố Chiếu khuyến nông. Ông cũng đi đến nhiều nơi để xem nông dân gặt lúa. Khi sản xuất gặp khó khăn, ông đem thóc, tiền và lụa trong kho phát cho dân nghèo.

Đến năm 1059, Lý Thánh Tông bắt đầu áp dụng kiểu mẫu triều phục cho bá quan. Tại điện Thủy Tinh, ông đã ban phát mũ cánh chuồn (hay mũ phốc đầu) và hia cho quan viên; từ đây có lệ quan lại vào chầu phải đội mũ cánh chuồn và mang hoa.

Về quân sự, Lý Thánh Tông chia quân chính quy làm 8 hiệu quân, đặt tên là Ngự Long, Long Dực, Thần Điện, Phủng Thánh, Bảo Thắng, Hùng Lược và Văn Tiệp. Mỗi hiệu quân bao gồm 4 bộ gồm Tả, Hữu, Tiền và Hậu, hợp lại là 100 đội có kỵ binh, cung thủ và lính bắn đá. Còn phiên binh (quân các vùng sâu xa) thì được phiên chế thành các đội riêng. Mô hình quân đội của Lý Thánh Tông đã đạt được trình độ cao đến mức một võ quan Đại Tống là Thái Diên Khánh phải áp dụng, và được Tống Thần Tông khen ngợi.

Lý Thánh Tông cũng là một người mộ Phật giáo. Ông cho xây dựng nhiều chùa tháp, trong đó có chùa Thiên Phúc, Thiên Thọ - nơi hoàng gia nhà Trần sau này thường đến lễ Phật. Ông cũng cho dựng tượng Đế Thích, Phạm Thiên bằng vàng và đúc chuông đồng lớn... Đặc biệt, trong khuôn viên chùa Súng Khánh, nhà vua sai dựng Bảo tháp Đại Thắng Tư Thiên (gọi tắt là Tháp Báo Thiên) vào năm 1056.

Bên cạnh đó, ông còn chú trọng mở mang Nho học. Vào mùa thu năm 1070, nhà vua đã xây dựng Văn miếu và tạc tượng thờ Chu Công, Khổng Tử cùng 4 học trò xuất sắc. Ông cũng cho vẽ tranh thờ 72 môn sinh của Khổng Tử và sai tế lễ bốn mùa.

Dưới thời Lý Thánh Tông, xã hội Đại Việt tương đối ổn định. Bên cạnh đó, một số cuộc binh biến xảy ra xảy ra tại động Sa Đãng (1061), năm huyện Ái Châu và Giang Long (1061), động Sa Ma - nay thuộc Hòa Bình (tháng 10 âm lịch năm 1064) và châu Mang Quán - Lạng Sơn (tháng 7 âm lịch năm 1065). Lý Thánh Tông đã tự mình cầm quân đánh bại các cuộc nổi dậy này. Lý Thánh Tông có người vợ thứ là Nguyên phi Ỷ Lan cũng nổi tiếng có tài trị nước. Nhà vua muộn con, không có thái tử giám quốc như các đời trước khi đi chinh chiến nhưng việc chính sự được yên ổn nhờ tay Nguyên phi Ỷ Lan.

Chính sách đối ngoại của Lý Thánh Tông

Đối với nhà Tống 

Sau các cuộc quấy phá của Nùng Trí Cao vào Trung Hoa, quan hệ Đại Tống – Đại Việt trở nên căng thẳng. Tri châu Ung là Tiêu Chú đã thuyết phục hoàng đế Tống chuẩn bị tấn công Đại Việt. Lý Thánh Tông đã nắm được tình hình này, và thoạt tiên ông chọn cách ứng xử mềm dẻo.

Năm 1057, ông sai Mai Nguyên Thanh mang thú lạ sang dâng cống nhà Tống, bảo rằng đây là kỳ lân. Nghe lời khuyên của Tư Mã Giang, hoàng đế Tống Nhân Tông từ chối không nhận, sau đó Tiêu Chú lại cho quân khiêu khích dọc biên giới.

Năm 1059, Lý Thánh Tông sai quân tướng từ miền đông bắc đánh phá đất Tống. Về sự kiện này, Toàn thư chỉ chép quan quân "đánh Khâm Châu nước Tống, khoe binh uy rồi về, vì ghét nhà Tống phản phúc". Nhưng học giả Hoàng Xuân Hãn viện dẫn các sách sử của Tống cho biết quân Đại Việt đã chiếm các động Cổ Vạn, Tư Lẩm và Chiêm Lăng, giết quan Tống là Lý Duy Tân, đồng thời bắt giữ nhiều quân, dân và vật nuôi. Tống Nhân Tông và các quan lộ Quảng Tây phải ra dụ cấm Tiêu Chú gây sự với Đại Việt, rồi Thánh Tông mới rút quân về.

chan-dung-vi-hoang-de-doi-tien-nuoc-tu-dai-co-viet-thanh-dai-viet-6

Cũng trong năm 1059, một số quân, dân Đại Việt đã lánh sang châu Tây Bình của Tống. Họ được chỉ huy quân sự Tây Bình là Vi Huệ Chính bao che. Thánh Tông sai Châu mục Lạng Châu là Thân Thiệu Thái mang quân sang bắt lại. Từ động Giáp (Đại Việt), Thân Thiệu Thái tiến quân vào huyện Như Ngao (Tây Bình) và giao chiến với quân Tống do Tống Sĩ Nghiêu chỉ huy. Sau trận đánh này, Thân Thiệu Thái rút quân về nước; Tống Sĩ Nghiêu phản công đánh vào động Giáp nhưng bị quân Đại Việt đập tan.

Đến năm 1060, Thánh Tông lại sai Thân Thiệu Thái tấn công đất Tống, giết chết Tống Sĩ Nghiêu cùng 4 tướng thuộc hạ. Quân Tống ở Tây Bình chống cự không nổi. Từ châu Tây Bình, quân Đại Việt tiến tới châu Ung và tấn công trại Vĩnh Bình. Quân Tống lại thua; quân Đại Việt bắt được Chỉ huy sứ Dương Bảo Tài cùng nhiều quân dân. Vua Tống sai Thị lang Bộ lại Dư Tĩnh tung quân lộ Quảng Nam Tây phản kích nhưng không thành công.

Sau các trận đánh trên biên giới, nhà Tống sa thải các quan lại hiếu chiến như Tiêu Cố, Tiêu Chú, đồng thời cử Dư Tĩnh sang điều đình với Đại Việt. Lý Thánh Tông cử Phí Gia Hậu đi hòa đàm, đối đãi với Dư Tĩnh rất hậu nhưng cương quyết không trả Dương Bảo Tài và quân dân bị bắt.

Đối với Chiêm Thành

Sau khi bị Lý Thánh Tông đánh bại trong chiến dịch Nam chinh năm 1044, nước Chiêm Thành một mặt cống nạp lễ vật, mặt khác lại ngấm ngầm luyện binh, thắt chặt quan hệ với nhà Tống đợi thời cơ báo thù Đại Việt.

Năm 1065, vua Chiêm là Chế Củ (Rudravarman III) đình chỉ việc cống nạp cho nhà Lý, sau đó năm 1068 quân Chiêm kéo sang quấy nhiễu biên giới. Tháng 2 âm lịch năm 1069, Lý Thánh Tông quyết định mở chiến dịch đánh Chiêm. Ông thân chinh cầm quân tấn công, đánh tan quân Chiêm Thành và bắt được Chế Củ.

Thắng lợi của Lý Thánh Tông tại Chiêm Thành đã làm cho các lân bang phải kiêng dè Đại Việt. Cuối năm 1069, Hoàng đế Thánh Tông cử Quách Sĩ An làm Chánh sứ, Đào Tông Nguyên làm Phó sứ sang báo cho người Tống về việc đánh bại Chiêm Thành, bắt sống vua Chiêm. Tống Thần Tông trong bụng không thích, song đành thừa nhận Chiêm Thành là chư hầu của Đại Việt. Chính quyền Tống cũng nghiêm cấm các tướng ở biên giới khiêu khích, gây hấn với Đại Việt. Còn ở phía Nam, Chân Lạp và Chiêm Thành lần lượt sai sứ sang dâng lễ cống vào các năm 1069, 1071.

Xem thêm: Vua Lý Thánh Tông và chuyện phong thần cho khúc gỗ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận