Bà hoàng có số phận bi thảm nhất sử Việt: Bỗng dưng thất sủng, hạ độc giết vua, bị cháu nội ban chết vì lý do không ngờ

Cuộc đời Trường Lạc Thái hậu trải qua bao thăng trầm với số phận bi thảm nhất sử Việt. Bà từng là quý phi được sủng ái bỗng 1 ngày thất sủng, sống trong cô đơn. Sau đó dính nghi án giết vua và cuối đời bị chính cháu nội sát hại.

Đỗ Thu Nga
07:00 14/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trường Lạc thái hậu là ai?

Trường Lạc Thái hậu (Huy Gia Hoàng thái hậu, 1441 - 8/4/1505) là chính thất của vua Lê Thánh Tông, mẹ đẻ của Hoàng đế Lê Hiến Tông, bà nội của Lê Túc Tông và Lê Uy Mục.  Tuy là chính thất của vua nhưng vì ngại ngoại thích nên Lê Thánh Tông không lập bà làm Hoàng hậu.

Cái tên Trường Lạc Hoàng hậu xuất hiện sớm nhất có lẽ trong Đại Việt sử ký toàn thư, chép việc bà đến thăm Lê Thánh Tông khi ông bệnh nặng và cuốn sử ghi lại bà đã hạ độc khiến bệnh Thánh Tông trở nặng và chết nhanh chóng sau đó.

Theo Đại Việt thông sử, nhà Lê Sơ không có truyền thống lập Hoàng hậu, mà chỉ cao nhất là Quý phi. Các bà Cung Từ Hoàng thái hậu, Tuyên Từ Hoàng thái hậu, Quang Thục Hoàng thái hậu đến Huy Gia Hoàng thái hậu (tức bà Trường Lạc) vốn không hề được lập Hoàng hậu khi còn sống, chỉ được tôn làm Hoàng thái hậu khi con trai các bà lên ngôi. Vì lẽ đó, cách gọi Trường Lạc Hoàng hậu đối với bà Huy Gia Hoàng thái hậu là một vấn đề chưa có lời giải chính xác.

Một giả thiết về việc này, có lẽ cũng tương tự trường hợp Thượng Dương Hoàng hậu Dương thị nhà Lý. Bà khi ấy là Hoàng thái hậu, ở Thượng Dương cung, nên gọi là Thượng Dương Thái hậu, nhưng về sau hay gọi bà thành Thượng Dương Hoàng hậu, biến từ tên cung nơi ở Thượng Dương trở thành phong hiệu khi làm Hoàng hậu của Dương hậu vậy. Tương tự, Huy Gia Hoàng thái hậu khi ấy ở Trường Lạc cung, và người đời quen dùng tên cung thất để gọi bà, cho nên từ Trường Lạc cung Hoàng thái hậu, dần dần trở thành Trường Lạc Thái hậu và cuối cùng là Trường Lạc Hoàng hậu.

Cuộc đời của bà trải qua nhiều vinh hoa phú quý cũng như thăng trầm. Từ vị trí Sung nghi rồi Quý phi, Hoàng Thái hậu, Thái Hoàng Thái hậu, cuối cùng đột ngột kết thúc một cách đầy bi kịch khi bị chính cháu nội là Lê Uy Mục Đế giết chết.

chuyen-ly-ky-ve-vi-thai-hau-co-so-phan-bi-tham-nhat-su-viet-6
Tranh vẽ Trường Lạc Thái hậu

Bà trở thành 1 trong 2 vị Thái hậu bị giết một cách bi thảm nhất trong lịch sử Việt Nam. Người còn lại là Hiến Từ thái hậu của triều đại nhà Trần. Cả hai đều bị sát hại bởi cháu của mình (Dương Nhật Lễ trên danh nghĩa là cháu nội Hiến Từ thái hậu).

Về thân thế, theo Wiki, Trường Lạc Thái hậu tên thật là Nguyễn Thị Hằng, người ở trang Gia Miêu ngoại, huyện Tống Sơn. Bà là con gái của Trinh quốc công Nguyễn Đức Trung - người có công trong việc đưa Lê Thánh Tông lên ngôi. 

Lê Thánh Tông khi còn là hoàng tửu, trong một lần dạo chơi ở bên bờ sông Tống Sơn (Thanh Hóa) chợt thấy bà Hằng - cô gái xinh đẹp đang ngồi vo gạo dưới bến nước thì tức cảnh sinh tình bèn ra vế đối: "Gạo trắng nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả...".

Câu đối bỏ lửng như một lời ngỏ ý khéo léo khiến người ta phải rung động. Bà nghe thấy khúc khích cười rồi đối đáp lại: "Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hãy lo cho…". 

Câu đối vừa cho chàng trai một chút hy vọng nhưng vừa là một lời trách của người con trai phải biết lo việc đời trước khi lo duyên, thế mới xứng đáng là đấng nam nhi. Nghe lời đáp ấy, trái tim vị hoàng tử trẻ loạn nhịp và thầm nghĩ sao trên đời lại có người con gái tài sắc vẹn toàn đến vậy. Lê Thánh Tông quyết phải chinh phục bằng được người này. 

Sau hỏi mãi thì biết được, bà là Nguyễn Thị Hằng, con của tướng Nguyễn Đức Trung. Mà vợ của vị tướng này lại là bạn thân của mẹ hoàng tử (Ngô Sung Viên). Đã có duyên gặp gỡ nay lại được thêm duyên phụ mẫu vun đắp. Mối tình ấy nhanh chóng đơm hoa kết trái. Vào tháng 7 năm Quang Thuận thứ nhất (1460), bà được Lê Thánh Tông phong làm Sung nghi, cho ở Vĩnh Ninh cung để vua luôn được gần bên. Bà cũng được Thánh Tông yêu quý nhất trong số các cung nhân. Lúc này, hoàng đế trẻ tuổi, rất đa tình và chưa có con trai.

Nghi vấn đề thân thế của Trường Lạc Thái hậu

Hiện nay vẫn có nhiều nghi vấn đề thân thế của bà Nguyễn Thị Hằng. Có ý kiến cho rằng, bà chính là con ruột còn sống sót duy nhất của Nguyễn Trãi sau thảm án Lệ Chi Viên. Gia phả họ Nguyễn cho biết, sau vụ án Lệ Chi Viên, gia quyết của Nguyễn Trãi có một số người chạy thoát được. Đó là một người con của ông cùng 2 bà vợ thứ 4 và thứ 5 đang mang thai. Người con đó không ai khác chính là Trường Lạc Thái hậu.

Thế nhưng, sử gia Trần Huy Liệu ((Nguyễn Trãi, Khoa Học, 1966) lại viết rằng: "Thế rồi cả gia quyến Nguyễn Trãi bị bắt giam: con gái bị sung làm nô tỳ ở cung vua hay ở các nhà quan, con trai thì chờ ngày ra pháp trường chịu tội tử hình". Như vậy, giả thuyết con gái Nguyễn Trãi sống sót là có. Cùng với sự trùng khớp về ngày tháng năm sinh của Nguyễn Thị Hằng, cũng như là việc được cháu nội Lê Uy Mục lập cho điện thờ tổ tiên ở Thăng Long thành (quê gốc của Nguyễn Trãi). Giả thuyết này càng khẳng định thêm mức độ xác thực.

chuyen-ly-ky-ve-vi-thai-hau-co-so-phan-bi-tham-nhat-su-viet-7
Tranh vẽ Lê Thánh Tông và Trường Lạc Thái hậu

Mặt khác, chính sử chép rằng, Trường Lạc Thái hậu mất năm 1505, thọ 65 tuổi. Theo cách tính tuổi thông thường, bà hoàng này sinh năm 1441. Được hai tuổi (1442) thì mồ côi cha. Năm 1460 được tuyển vào cung, tuổi vừa tròn 20. Chi tiết này có vẻ khá trùng hợp với các tài liệu nói về Nguyễn Trãi. Tính từ năm ông bị giết (1442) đến năm bà Hằng được tuyển vào cung (1460) được 18 năm. Bà Hằng vào cung hầu Thánh Tông năm bà ít nhất cũng được 19 tuổi. Và năm Nguyễn Trãi bị giết, bà đã được 2 tuổi, Anh Vũ còn nằm trong bụng mẹ. Rất có thể bà Trường Lạc là chị ruột hay ít ra cũng là chị cùng cha khác mẹ của Anh Vũ.

Tiếp đó, tại sao chính sử nói bà Trường Lạc quê ở Gia Miêu (Thanh Hóa), song lại được Uy Mục cho làm điện Quang Mỹ ở phường Lệ Viên, huyện Quảng Đức (Thăng Long, Hà Nội ngày nay) để thờ tiên tổ của bà. Phải chăng quê quán thực của bà là vùng Quảng Đức, chứ không phải Gia Miêu? Chúng ta cũng được biết rằng Nguyễn Trãi sinh ra tại gia đình nhà mẹ là dinh quan Tư đồ Trần Nguyên Đán ở Thăng Long. Đây là một điều trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý? Hay là cha đẻ của bà không phải là Nguyễn Đức Trung mà chính là Nguyễn Trãi?

Một số sử gia đương đại cho rằng, việc Nguyễn Trãi có một người con gái còn sống sót nhưng chính sử lại chép Hoàng thái hậu Trường Lạc (hay Hoàng thái hậu họ Nguyễn) là con gái thứ hai của ông Nguyễn Đức Trung có thể lý giải do Thái úy là người tốt, ông nuôi cô từ nhỏ và nhận là con. Thêm vào đó là dù triều đình Thánh Tông có biết rõ gốc gác của bà Hoàng hậu Trường Lạc, thì sử thần đương thời cũng khó mà có thể chép rằng chính triều đình của cha Thánh Tông đã giết oan ba họ nhà cha vợ của vua.

Nếu Trường Lạc Thái hậu đúng là con của Nguyễn Trãi như Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án cho biết thì cuộc đời của bà có thể nói là nhiều thăng trầm, bi thảm nhất trong lịch sử Việt Nam. Cha bà cùng với 3 họ bị giết oan, bà bị bắt làm nô tì từ năm 2 tuổi. Lớn lên bà được tuyển vào cung, được phong Quý phi, rồi lại bị hắt hủi, giam nơi cung cấm. Bà được tấn phong Hoàng thái hậu, Thái hoàng thái hậu và cuối cùng bị cháu nội sai người giết chết.

Giấc mộng đưa chủ tử Vĩnh Ninh Cung 1 bước lên mây

Sau khi được phong Sung nghi, bà Nguyễn Thị Hằng trở thành chủ Vĩnh Ninh Cung và rất được Lê Thánh Tông cưng chiều. Nhưng cơ duyên đến thêm lần nữa, đưa danh phận của bà cũng như gia tộc họ Nguyễn trong triều đình nhà Lê tăng lên mấy bậc. 

Chuyện là, vào một hôm, Sung nghi nằm mơ thấy mình được đưa lên trời gặp Ngọc hoàng. Vừa thấy Ngọc hoàng nàng liền quỳ xuống cầu xin ngài ban cho một đứa con trai. Trước lời cầu xin chân thành, Ngọc hoàng bèn bảo: "Được, cho Thiên Lộc xuống làm con họ Nguyễn".

chuyen-ly-ky-ve-vi-thai-hau-co-so-phan-bi-tham-nhat-su-viet-4
Tạo hình Trường Lạc Thái hậu trong phim Việt

Sung nghi giật mình tỉnh giấc, liền không giấu được niềm vui sướng mà kể cho vua Lê Thánh Tông nghe. Câu chuyện này khiến vua Thánh Tông vô cùng vui mừng, hứa với Sung Nghi nếu quả thật sinh con trai, đứa trẻ sẽ lập tức trở thành Thái tử, kế vị ngai vàng khi ông qua đời.

Không lâu sau quả nhiên bà sinh con trai. Đứa con được cho là "Ngọc hoàng ban tặng" này ngay sau đó được Lê Thánh Tông phong làm Đông cung Thái tử như lời đã hứa. Còn Sung nghi được nâng bậc làm Quý phi. 

Mặt khác, cũng nhờ vào sự thăng tiến quyền lực chốn hậu cung mà bà đã góp phần đưa gia tộc của mình trở nên lớn mạnh trong triều đình nhà Lê

Giấc mộng quý hóa tai ương

Khi chưa hưởng được trọn vẹn vinh hoa phú quý nhờ giấc mộng sinh long chủng, Quý phi Phạm Thị Hằng đã bị chính nó đẩy xuống tận cùng của đau khổ. Bởi lẽ, khi gia tộc trở nên hùng mạnh thì không ít quan lại trong triều bắt đầu kiêng dè, lo ngại. Họ tìm cách lật đổ bà, cũng như gia tộc họ Nguyễn đang làm mưa làm gió chốn quan trường.

Khi giấc mộng đến tai vị cận thần của Lê Thánh Tông, người này không khỏi thắc mắc, tại sao Ngọc hoàng lại ban cho họ Nguyễn con trai mà không phải họ lê. Trong khi đứa trẻ này theo đúng ra là kế vị Lê Thánh Tông sau này, tiếp tục sự nghiệp của họ Lê. Chính điều này đã khiến người cận thần nhận ra, đây đúng là một cơ hội hiếm có để ông lật đổ Quý phi và gia tộc của nàng.

chuyen-ly-ky-ve-vi-thai-hau-co-so-phan-bi-tham-nhat-su-viet-8

Vị cận thần mang điều thắc mắc này đi nói với vua Lê. Ông thắc mắc, phải chăng đây là điềm báo cho một cuộc đảo chính và gia tộc họ Nguyễn sẽ lật đổ nhà Lê? Và rồi một thời gian ngắn sau đó, vua Lê Thánh Tông bỗng mắc bệnh lạ, toàn thân ngứa ngáy, mụn nhọt mọc khắp người. Cộng thêm nghi vấn nhà Lê bị lật đổ và nhiều lời bàn tán trong triều, ông buộc lòng giam lỏng Quý phi vào cung Trường Lạc, bắt đầu có ý định không cho Đông cung Thái tử nối ngôi nữa.

Đang được hết mực sủng ái bỗng dưng bị lạnh nhạt, thất sủng khiến Quý phi Nguyễn Thị Hằng vô cùng đau lòng. Bà bị nhốt trong cung Trường Lạc gần như bị cô lập, bỏ rơi. Lúc này, nàng mới hiểu ra sai lầm của mình trong việc kể cho vua Lê nghe về giấc mộng năm nào.

Để cứu vãn tình thế, nàng bao lần nàng tìm cách tấu bày, minh oan, nhưng dường như nhà vua chẳng còn đoái hoài gì nữa. Nàng như mất hy vọng để tìm lại được vinh sủng như xưa, nhưng tệ nhất là tương lai của con trai nàng đang bị đe dọa.

Nghi án đầu độc vua Lê Thánh Tông

Năm 1497, vua Lê Thánh Tông băng hà. Thái tử Lê Tranh công bố về cái chết, nói nhà vua mắc chứng phong nhũng từ ngày 27 tháng 11 âm lịch năm trước (1496 - bia Chiêu Lăng ghi ngày 17) và qua đời vào giờ Thìn ngày 30 tháng giêng năm 1497. Tuy nhiên, lời bàn của sử thần Vũ Quỳnh hé lộ nguyên nhân khác.

Sau khi bàn luận về đức độ của Lê Thánh Tông, sử thần Vũ Quỳnh nói tiếp: "Tiếc rằng vua nhiều phi tần quá (nữ yết thịnh), nên mắc bệnh nặng. Trường Lạc hoàng hậu bị giam ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn ngầm giấu thuốc độc trong tay mà sờ vào chỗ lở, bệnh vua do vậy mới lại thêm nặng”. Nói cách khác, Trường Lạc hoàng hậu đã thúc đẩy cái chết của vua.

chuyen-ly-ky-ve-vi-thai-hau-co-so-phan-bi-tham-nhat-su-viet
Ghi chép về việc Trường Lạc Thái hậu giết vua trong Đại Việt sử ký toàn thư

"Trong lo lắng, đau đớn, bỗng nàng thấy lóe lên một tia hy vọng, nếu ta… nếu ta dám làm điều này! Thôi, nàng nghĩ cũng phải vì con, vì dòng họ!" - đó là một đoạn trích trong quyển sách "36 hoàng hậu, hoàng phi Thăng Long" khi đề cập tới việc Quý phi Nguyễn Thị Hằng bắt đầu lập mưu giết vua để bảo vệ vương vị cho con trai mình. Tuy nhiên dù việc này được nhiều sử sách ghi lại, nhưng nó lại không nằm trong Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn nên đến tận ngày nay, nó cũng chỉ là nghi vấn.

Vào một hôm, Quý phi Nguyễn Thị Hằng quyết liệt năn nỉ, khóc lóc xin được thăm Thánh thượng một lần, trước khi ngày nguy kịch. Lê Thánh Tông mủi lòng, cũng nhớ tới Quý phi và Thái tử nên suy nghĩ một lát rồi quyết định cho nàng vào gặp. 

Quý phi trông thấy chồng, liền quỳ xuống, ôm lấy tau vua mà nức nở, rồi lại xoa bóp chân tay, tiếp đó ngầm giấu thuốc độc trong tay mà sờ vào những vết ngứa lở loét của vua, bày tỏ sự thương xót. Hôm sau, Lê Thánh Tông băng hà mà chưa kịp trăn trối điều gì.

Thế là cứ theo di chỉ còn lại, Đông cung Thái tử con trai Quý phi Nguyễn Thị Hằng trở thành hoàng đế, hiệu là Lê Hiến Tông. Sau khi lên ngôi, vua Hiến Tông tôn bà làm Trường Lạc Thánh Từ Hoàng thái hậu, cho ở cung Trường Lạc và phụng dưỡng rất chu đáo. Tuy nhiên, cai trị ngai vàng được 7 năm thì Lê Hiến Tông qua đời.

Bị cháu nội ban chết

Năm 1504, Lê Hiến Tông băng hà. Hoàng Thái tử Lê Thuần lên ngôi (tức Lê Túc Tông), tôn bà Nguyễn Thị Hằng làm Thái Hoàng Thái hậu. Nhưng Túc Tông lại sớm qua đời sau 1 năm trị vì. Lúc đó triều đình xảy ra tranh chấp ngai vàng.

chuyen-ly-ky-ve-vi-thai-hau-co-so-phan-bi-tham-nhat-su-viet-1
Tranh minh hoa vua Lê Uy Mục

Do vua Túc Tông không có con trai lúc lâm chung đã chỉ định anh trai thứ 2 là Lê Tuấn kế vị. Song Thái hậu cho rằng Lê Tuấn (vua Lê Uy Mục) là con trai người phụ nữ hèn kém không xứng lên ngôi. Triều thần đành lừa bà đi đón Lã Công vương rồi đóng cửa thành, nhanh chóng đưa Lê Tuấn lên ngôi. Uy Mục tôn bà làm Trường Lạc Thánh Từ Thái hoàng thái hậu.

Đến năm 1505, Uy Mục bất ngờ sai người giết chết Trường Lạc Thái hoàng thái hậu tại chính tẩm cung của bà. Thi hài của bà được an táng tại khu sơn lăng nay là Lam Sơn, Thanh Hóa. Lý do bà bị chính cháu nội sát hại là vì khu vua Lê Hiến Tông mất, bà không có ý chịu lập ông làm vua.

Xem thêm: Nguyễn Thị Anh - Thái hậu ác nhất sử Việt: Mưu hại Hoàng tự, giết vua gây thảm án Lệ Chi Viên, tàn sát công thần

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận