Chuyện về danh tướng đánh tan quân Chiêm, phá thế phong thủy kinh thành Tây Đô

Danh tướng Trần Khát Chân có đủ tài năng và dũng khí để giết chết vua Chiêm - Chế Bồng Nga nhưng lại không thể bảo toàn được tấm thân trước những biến cố phức tạp cuối triều Trần.

Đỗ Thu Nga
17:00 03/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nổi danh từ chiến công đánh tan quân Chiêm Thành

Trần Khát Chân (1370 – 1399) là một tướng lĩnh Đại Việt cuối thời Trần. Ông là người  làng Hà Lãng, phủ Vĩnh Ninh (nay là xã Hà Lương, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Ông là người thuộc dòng dõi Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng, cha ông là Trần Vi Nhân làm nghề thầy thuốc, mẹ ông là Đặng Thị Thục.

Từ nhỏ, ông nổi tiếng ham học, có tiếng văn võ song toàn. Năm 1388, Trần Khát Chân thi đỗ thái học sinh (tiến sĩ), được triều đình phong là tướng chỉ huy đội quân Long Tiệp.

Trần Khát Chân là viên tướng có công lao giúp triều đình nhà Trần đánh tan quân Chiêm Thành. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép: Năm Kỷ Tỵ (1389), vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga lại dẫn quân tiến đánh kinh thành Thăng Long. Hồ Quý Ly chống cự nhưng trúng kế của giặc, nhanh chóng thất bại, thiệt hại nặng nề, phải bỏ chạy thục mạng.

chuyen-danh-tuong-tran-khat-chan-pha-the-phong-thuy-nha-ho
Trần Khát Chân đánh quân Chiêm Thành (tranh Sỹ Hòa)

Lúc đó, Trần Khát Chân chỉ là một quan võ cấp thấp, tuổi trẻ. Vì tình thế bí bách, thượng hoàng Trần Nghệ Tông buộc phải sai ông cầm quân Long Tiệp đánh trả. Quân nhà Trần xuất phát từ sông Lô đến Hoàng Giang (Ninh Bình) gặp quân Chiêm Thành. Quan sát thấy địa hình khó tổ chức đánh trả, Trần Khát Chân đã lui về giữ sông Hải Triều (Thái Bình). 

Chế Bồng Nga cùng hàng tướng Trần Nguyên Diệu dẫn hơn trăm chiến thuyền đến dò xét cách bài binh bố trận của quân Trần. Khi chiến thuyền Chiêm Thành chưa kịp ổn định hàng ngũ, tên thuộc hạ Ba  Lậu Kê bị Chế Bồng Nga trách phạt. Sợ bị giết, kẻ này đã chạy sang trại quân Trần. Hắn chỉ vào chiến thuyền sơn màu xanh, nói với Trần Khát Chân rằng đó là nơi Chế Bồng Nga ở.

Biết tin này, Trần Khát Chân liền hạ lệnh cho quân sĩ nhả đạn thẳng vào thuyền vua Chiêm Thành. Chế Bồng Nga trúng đạn chết ngay tại trận, quân địch vỡ trận. Trần Khát Chân lại sai giám quân Lê Khắc Khiêm về Thăng Long báo tin thắng trận.

Sử sách chép rằng, lúc đó là canh ba, thượng hoàng đang ngủ say, giật mình tỉnh giấc, ngỡ là quân giặc đã đánh vào tận ngự doanh. Sau khi biết tin thắng trận thì vui mừng, cho gọi các quan đến bàn chuyện.

Sau chiến công đó, Trần Khát Chân được phong làm Long Tiệp bổng thần nội vệ Thượng tướng quân, gia phong tước Vũ tiết quan nội hầu và được cấp hai tổng Đông Thành và Nguyễn Xá làm thái ấp. Là hậu duệ của Bão nghĩa vương Trần Bình Trọng, sau chiến công này, Trần Khát Chân trở thành vị tướng quân trụ cột của họ Trần.

Phá thế phong thủy kinh thành Tây Đô

Năm 1397, Hồ Quý Ly làm Thái sư, tước Tuyên Trung Vệ quốc Đại vương, giữ chức Bình chương phụ chính nắm mọi quyền hành trong tay. Hồ Quý Ly khi ấy dời kinh đô về Thanh Hóa khiến các quan đại thần vô cùng bức xúc, nhiều người phản đối kịch liệt. Song những người phản đối đều bị ông ta tìm cách diệt sạch.

Khi triều thần đang bàn bạc chuyện xây thành với yêu cầu chọn vị trí hiểm yếu, quan khu mật chi là Nguyễn Như Thuyết nói rằng "đức bất tại hiểm", tức ý nói rằng cốt là ở "đức" chứ không phải ở việc xây thành hiểm yếu, nhưng Hồ Quý Ly đã không nghe. Đến đầu năm 1397, Hồ Quý Ly cho xây dựng thành ở Thanh Hóa, đặt tên là thành Tây Đô. Đến nay, một số đoạn tường thành vẫn còn nguyên vẹn.

Để đáp ứng yêu cầu quân sự, thành Tây Đô được xây dựng ở địa thế khá hiểm trở, có sông bao quanh, có lợi để phòng thủ hơn là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị.

Trần Khát Chân vốn là người tinh thông phong thủy, lại không muốn Hồ Quý Ly lấn áp mà cướp mất nhà Trần nên khi thành Tây Đô xây xong ông đã dâng tấu như sau: "Chọn đất vàng để xây thành hay lắm, phía trước có Cung sơn làm án. Thiết tưởng cung mà không có tên thì cũng như vua không có uy, theo ý thần nên đắp một con đường từ Cung Sơn chạy đến trước cửa thành Tây Đô như một mũi tên. Có cung, có tên mới đủ vẻ hùng tráng của đức Thiên tử. Đường ấy thần sẽ đặt tên là Tiễn Lộ".

Hồ Quý Ly nghe lời nên đã cho đắp đá Hoa Cương gọi là Hoa NHai (Tiễn Lộ). Thế nhưng xét về phong thủy thì việc đắp đường Tiễn Lộ là rất tệ hại vì mũi tên xuyên thẳng vào điện của vua chẳng khác nào đâm trúng tim. Và sau này nhiều ý kiến cho rằng, chính con đường như mũi tên này đã khiến nhà Hồ nhanh chóng diệt vong.

Tháng 11/1397, Hồ Quý Ly bức vua Thuận Tông phải dời kinh đô về Thanh Hóa. Cung nhân Trần Ngọc Cơ và Trần Ngọc Kiểm bí mật nói cho Vua biết nếu đồng ý dời đô thì thế nào cũng bị cướp ngôi. Hồ Quý Ly biết được liền đem giết cả 2 người này.

chuyen-danh-tuong-tran-khat-chan-pha-the-phong-thuy-nha-ho-0
Thành nhà Hồ

Vào năm 1398, Hồ Quý Ly bức vua Thuận Tông phải nhường ngôi cho Thái tử Án mới 3 tuổi nhằm dễ bề điều khiển. Năm 1399 thì giết Thuận Tông. Sau sự vụ này, nhiều người bất mãn với Hồ Quý Ly, kể cả những người thân thiết với ông ta. Các tôn thất nhà Trần cùng nhiều người quyết định lên kế hoạch diệt Hồ Quý Ly trong đó có Trần Khát Chân.

Mùa hè năm 1399, Hồ Quý Ly tổ chức hội thề trên đỉnh Đốn Sơn, ngồi trên lầu nhà Khát Chân để dự tiệc và xem hội. Theo kế hoạch Phạm Thu Tổ và thích khách Phạm Ngưu Tất cầm gươm định tiến lên lầu, thế nhưng Khát Chân lại trừng mắt ngăn lại. 

Lúc này, Hồ Quý Ly chột dạ cảm thấy nghi ngờ nên quyết định xuống lầu với hộ vệ ở dưới. Ngưu Tất liền vứt gươm xuống đất nói: "Cả lũ chết thôi". Quả nhiên sau đó, Hồ Quý Ly đã truy bắt gần 400 người là tướng lĩnh nhà Trần cùng những ai liên quan đem hành hình. Con cái của họ, gái thì bị bắt làm nô tì, trai từ một tuổi trở lên thì bị chôn sống hoặc bị dìm nước cho chết.

Hồ Quý Ly cũng tìm bắt tất cả những ai thân thích hay liên quan đến vụ việc suốt mấy năm liền khiến người quen biết cũng chỉ dám đưa mắt ra hiệu chứ không dám nói chuyện với nhau. Không khí khủng bố bao trùm khắp nơi, nhà dân không được phép chứa người xin trọ. Nếu có người xin trọ thì phải báo lên làng xã để xét giấy tờ và truy tìm lý do xin ở trọ, các làng xã đều có lính canh ngày đêm.

Nói về cái chết của Trần Khát Chân, Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Người đời truyền rằng Khát Chân khi sắp bị chém, lên núi Đốn Sơn gào thét ba tiếng. Chết qua ba ngày sắc mặt vẫn như sống, ruồi nhặng không dám bậu vào. Sau đó gặp đại hạn đảo vũ thì ứng ngay”. 

Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: "Quý Ly đến đây gây nhiều tội ác. Trần (Nguyên) Hãng giao hoan với văn võ bá quan từ trước rồi, nếu biết thừa cơ quyết đoán, vạch tội Ly, hiệp với Khả Vĩnh mà giết thì danh chính ngôn thuận, mà làm được việc. Đáng tiếc chỉ vì do dự mà đến nỗi phải bại vong".

Về sau, các triều đại đều sắc phong cho Trần Khát Chân và Trần Nguyên Hãng làm Thượng đẳng phúc thần. Làng Hà Lương nơi ông bị hành hình và 29 làng xã khác vùng Cao Mật, Bình Bút, Nam Cai (Thanh Hóa) cùng các làng vùng Kẻ Mơ (Thăng Long) sau đó đều lập đền thờ ông.

Hiện nay còn đền thờ ông ở làng Phương Nhai và vùng Kẻ Mơ (sau này đến đời Hậu Lê, Kẻ Mơ được chia thành 2 xã là Hoàng Mai và Tương Mai. Xã Tương Mai nay là phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tại đây, có đình Tương Mai là nơi thờ cúng ông). Tên ông được đặt cho một phố nối giữa phố Đại Cồ Việt và phố Lò Đúc tại Hà Nội, và cho một trường Trung học Phổ thông tại huyện Vĩnh Lộc quê hương ông.

Xem thêm: Thái úy Tô Hiến Thành - Danh tướng tài đức, thanh liêm, khi vua mất ăn chay để tang 6 ngày

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận