Chuyện chàng trai hoàn tục trở thành chuyên viên tư vấn tâm lý để "trả nợ đời"

Sau 3 năm xuống tóc, ăn chay niệm Phật để chuộc lại lỗi lầm quãng đời nghiện ngập, Lê Kim Tuân xin hoàn tục để tiếp tục học tập, trở thành chuyên viên tư vấn tâm lý giúp đỡ nhiều người đoạn tuyệt với ma túy.

Đỗ Thu Nga
10:44 22/04/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Quãng thanh xuân "đổ nát" của Lê Kim Tuân

Anh Lê Kim Tuân (30 tuổi, chuyên viên tư vấn tâm lý của Viện nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy (PSD)) đã giúp đỡ không ít trường hợp đoạn tuyệt với ma túy. Anh Tuân từng được biết đến là "phép thử" của viện PSD sau 9 năm chìm đắm trong ma túy. Viện PSD đã giúp anh Tuân thức tỉnh, trở thành người có ích cho xã hội.

Mỗi lần tư vấn cho người nhà những người nghiện ma túy, anh Tuân lại nhớ đến hình ảnh mẹ mình - bà Trịnh Thị Đông (trú ở Đội Bình, Yên Sơn, Tuyên Quang) cũng từng đi khắp nơi tìm cách cứu con.

Anh Tuân chia sẻ với VnExpress, năm 14 tuổi, bố đột ngột qua đời. Một mình mẹ lao vào làm việc để có tiền nuôi 2 con. Nhưng vì thương các con thiếu tình cha, mẹ hết mực chiều con. Con cái xin bao nhiêu bà cũng đưa, chẳng bao giờ hỏi lý do. Chính điều đó đã khiến anh Tuân bán mình cho ma túy, mà mẹ lại là người biết chuyện cuối cùng.

Thời đó, anh Tuân thường theo đám bạn xấu chìm đắm trong những bữa tiệc ma túy, chỉ về nhà lúc trời rạng sáng. Có lần, sau cơn phê thuốc anh về nhà, mở cửa nhẹ, giật bắn mình khi thấy mẹ ngồi thu lu  ở ghế, trân trân nhìn ra cửa đợi con.

Anh Tuân lúc đó gắt gỏng, đóng sập cửa phòng để bóng tối bao trùm lên khuôn mặt hốc hác của mẹ. Khi đó, anh Tuân chẳng biết suy nghĩ gì, suốt ngày chỉ tìm cách được đàn đúm, hút chích với lũ bạn xấu.

chuyen-chang-trai-hoan-tuc-de-tra-no-doi-8
Anh Tuân sa ngã vào ma túy từ năm học lớp 10

Cứ không xin được tiền, Tuân lại lấy xe máy đi cắm. Lúc đó anh biết, xe máy là kỷ vật của bố để lại nên chắc chắn mẹ sẽ đi chuộc về. Lúc không cắm được xe nữa thì đi trộm cắp, cướp giật điện thoại để có tiền mua ma túy.

Chị Trần Thị Nga (hàng xóm nhà anh Tuân) kể: "Khi tỉnh táo nó rất thương mẹ, khao khát cuộc đời bình thường. Nhưng khi thèm thuốc, nó trộm cắp không tha nhà nào trong xóm".

Khi Tuân đậu đại học, bà Đông thương con, chu cấp cả tiền ăn lẫn tiền mua ma túy. Học được 1 năm thì Tuân bỏ học quay về tụ tập với đám bạn xấu. Đến lúc mẹ không chịu nổi liền xích con vào cột nhà, ném chìa khóa xuống ao.

Suốt 1 năm trời, bà Đông vừa đi làm kiếm tiền, vừa phục vụ thằng con trời đánh nghiện ngập. Từ một người phụ nữ mặt phúc hậu, bà Đông gầy sọp đi, mặt hốc hác chỉ còn khoảng 40kg. Trong khi đó, Tuân trắng trẻo, khỏe mạnh và không còn nghĩ đến ma túy nữa.

Lúc đấy, bà Đông mừng lắm vì công sức của mình bỏ ra đã được đền đáp. Bà Đông thả dây xích cho con tự do, mong nó làm lại cuộc đời.

Về phần mình, anh Tuân cũng phấn khởi vì bỏ được ma túy, anh xin mẹ xuống Hà Nội làm việc. Tuy nhiên, cám dỗ ở nơi phồn hoa khiến  anh lại "ngựa quen đường cũ". Những "cữ thuốc" của anh ngày càng dày đặc, có thời điểm, cứ 20 phút anh lại chích 1 lần.

Không có tiền mua thuốc, Tuân lại đi trộm cắp và bị bắt trong 1 lần cướp điện thoại. Tòa tuyên phạt anh 18 tháng tù. Ba tháng sau khi được trả tự do, Tuân lại bị bắt vì buôn ma túy. 

Tại ngoại lần này, Tuân được đưa vào trung tâm cai nghiện. Một lần đi đưa tang người bạn nghiện, chàng trai trẻ thấy đám ma không kèn trống, không nước mắt, người làng sợ "lây" nên đào một thật sâu, đổ bê tông lên. "Tôi sợ mình cũng sẽ chết như thế ", Tuân kể.

Để tránh xa ma túy, anh Tuân quyết định xuống Hải Phòng làm việc. Tại đây anh yêu một cô gái không hay biết gì về quá khứ của mình. Anh cũng nhiều lần tự nói với bản thân sẽ làm lại cuộc đời, không dùng ma túy nữa.

Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, cô bạn gái phát hiện quá khứ bất hảo của anh nên đã chia tay. Thất tình và trầm cảm, anh chạy ra đường lao đầu vào ô tô nhưng không chết.

Biết con có bệnh, bà Đông lại khăn gói cùng con xuống Hà Nội điều trị tâm thần. Và một lần nữa, Tuân tìm đến ma túy.

Hoàn tục để "trả nợ đời"

Trong thời gian ở Hà Nội, bác của Tuân dẫn anh đến  Viện Tâm lý người sử dụng ma túy. Ở trung tâm này, anh gặp một người đàn ông mặc sơ mi trắng, dùng tiếng lóng của dân nghiện để giao tiếp với anh: "Chú mày 'đâm' hay ngáp?" (hút hay chích). "À, hóa ra ông này cùng phường với mình?", Tuân cười, nghĩ bụng.

Người đàn ông mặc sơ mi trắng nói chuyện với Tuân là anh Lê Trung Tuấn - người sáng lập viện cũng từng có hơn chục năm nghiện ngập. 

"Hãy tin anh. Chỉ cần các chú không buông tay anh trước, anh sẽ cố gắng giúp các chú làm lại cuộc đời", anh Tuấn nói với chàng trai mới gặp lần đầu. "Em tin anh!", Tuân thành thật. Ngày hôm sau, anh gom quần áo về cơ sở ở Hà Nam cai nghiện.

Mới được 3 ngày, cơm thèm thuốc lại dâng lên, Tuân đòi về. Thậm chí còn vác dao đuổi nhân viên chạy toán loạn. Nhưng mọi người thương Tuân nên kiên nhẫn khuyên nhủ, trấn an. Dần dần, anh bớt hung hăng. Những lúc tỉnh táo, đôi mắt ầng ậc nước của mẹ cứ lởn vởn trong đầu. Tuân nhớ đến cái xe máy của bố hàng chục lần anh mang cắm.

chuyen-chang-trai-hoan-tuc-de-tra-no-doi
Sau 3 năm ăn chay niệm Phật, anh Tuân quyết định hoàn tục để "trả nợ đời"

Để giúp anh ổn định tâm lý, người bác mang Phật pháp, kinh sám hối về cơ sở ở Hà Nam cho cháu đọc. Mỗi tối, anh Tuân nghe kinh sám hối, đọc kinh. Và 1 tháng sau, anh Tuân tìm đến một đạo tràng, xuống tóc, ngày đêm tụng kinh, niệm Phật.

Anh nói với mẹ muốn đi tu để sám hối. Nghe ý định của con, bà Đông hạnh phúc vô cùng. "Đời tôi tưởng như đã mất đứa con trai duy nhất này nên con biết quay đầu, tôi còn gì mong hơn", mẹ Tuân nói.

Suốt 3 năm liền anh Lê Kim Tuân ở đạo tràng, định thoát tục để chuộc lỗi nhưng anh Lê Trung Tuấn đã đề nghị quay về Viện hỗ trợ mình. Nghĩ tu ở cửa Phật hay ở đời đều có ích, Tuân chọn "hoàn tục", làm hồ sơ đi học.

Anh Tuân dành thời gian theo học cử nhân ngành tâm lý học. Bên cạnh đó còn tham gia các khóa đào tạo về phòng, chống ma túy do Colombo Plan, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức.

Những ngày mới đến giảng đường anh Tuân bỡ ngỡ lắm vì hơn chục năm bỏ trường bỏ lớp. "Việc tiếp thu và hòa nhập với các bạn trẻ hơn rất nhiều so với mình cũng cần sự kiên trì và nhẫn nại. Nếu là tôi của ngày xưa, chắc sẽ không làm được thế", Tuân nói.

Sau nhiều năm nỗ lực học tập, giờ anh Tuân đã trở thành chuyên viên tư vấn tâm lý, người đã cùng với nhân viên của PSD giúp đỡ hơn 230 người cai nghiện ma túy, hòa nhập với xã hội. Tuân cũng tham gia giảng dạy kỹ năng sống tại các trung tâm ở Hà Nội.

"Thời gian khiến mẹ tôi già đi, sức khỏe giảm sút, nhưng ánh mắt mẹ tươi vui chứ không còn ủ rũ như trước", Tuân nói. Bà Đông cũng cho biết, đã tăng 10 kg, kể từ khi con thoát nghiện ngập.

Giữa trưa, vị khách của Tuân ra về và hứa sẽ sớm đưa con gái quay lại nhờ anh tư vấn. "Tôi cũng mong có ngày được thảnh thơi như mẹ cháu bây giờ", ông nói với chàng tư vấn viên.

Hành trình "trả nợ cộng đồng" của Lê Trung Tuấn: Từ gã giang hồ nghiện ngập đến Tiến sĩ danh dự

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận