Chân dung thầy giáo cõng gạch xây trường trên đỉnh Ngọc Linh

Chẳng quản ngại khó khăn, thầy giáo Nguyễn Văn Nhân miệt mài cõng từng viên gạch, bao xi măng dựng trường học mới cho học sinh trên đỉnh Ngọc Linh.

Đỗ Thu Nga
17:00 20/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ngày khai giảng, khi khắp nơi trên cả nước là ngày hội, thầy cô giáo đón học trò vào lớp với tiếng trống trường rộn rã thì ở điểm trường Ông Bình, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, thầy giáo Nguyễn Văn Nhân vừa dạy vừa canh, kiểm đếm từng xe vật liệu.

Sau 1 tuần triển khai, vật liệu xây dựng cho điểm trường mới vừa được khởi công tại nóc Ông Bình đã dần đủ. Thầy Nhân dậy từ sớm, vào làng huy động bà con ra cõng gạch, ximăng từ điểm tập kết lên con dốc đến điểm trường mới.

Con đường đất vừa mới đào, những cơn mưa rừng đổ xuống khiến chúng trở nên lầy lội. Trời nắng nóng thì bụi mịt mờ. Nhưng nếu đợi thì chẳng biết bao giờ mới đủ vật liệu để thợ xây nên thầy Nhân mỗi ngày đi vận động bà con giúp mỗi người một tay. Mà chẳng ai khác, chính thầy là người kề vai vào vác, cõng những túi gạch đá, xi măng đầu tiên cho đến tận đêm khuya.

chan-dung-thay-giao-cong-gach-xay-truong-tren-dinh-ngoc-linh-0
Thầy giáo cùng người dân cõng vật liệu lên điểm trường mới
chan-dung-thay-giao-cong-gach-xay-truong-tren-dinh-ngoc-linh-9

Những ngày đi vận động, giọng thầy khản đặc nhưng tối về vẫn đi dò nơi có sóng để gọi báo cho nhóm từ thiện – đơn vị tài trợ gần 1 tỉ đồng xây dựng điểm trường biết tiến độ.

Ra trường năm 2017 thì tháng 1.2018, thầy Nhân bắt đầu nhận công tác ở điểm trường Ông Bình. “Khi tôi lên đây thì điểm trường không có. Nơi dạy học là căn nhà lụp xụp. Vất vả nhất là những mùa mưa, lớp học bị dột, nước tràn vào không học được. Có cố gắng thì cả thầy và trò đều bị ướt nên chúng tôi đành cho các em nghỉ. Sau đó, chúng tôi kết nối với các nhóm tình nguyện, xin được hội trường để dạy học” – thầy Nhân kể.

Nhưng thầy cô giáo miền núi nào chỉ có dạy học, họ còn kiêm luôn việc nấu ăn, nước uống cho học sinh vào buổi trưa, cho các em ngủ trưa, vệ sinh cá nhân rồi lại lo bữa cơm chiều.

Là người gốc Nam Trà My, thầy Nhân hiểu rõ hơn ai hết điều kiện của học sinh nơi đây, nhà em nào cũng thiếu thốn rất nhiều. Thậm chí có em không có quần áo mặc, cả sách vở bút cũng không đủ.

Thấy học trò khó, lòng người thầy chịu không được lại chạy khắp nơi tìm nguồn xin hỗ trợ, lúc xin bộ đồng phục, lúc xin cặp sách, tập vở… Và gần đây nhất, một nhóm tình nguyện đã vận động giúp thầy cô gần 1 tỉ đồng để xây dựng điểm trường mới khang trang hơn cho các em.

chan-dung-thay-giao-cong-gach-xay-truong-tren-dinh-ngoc-linh-8
Thầy giáo Nhân dắt tay học trò trong lễ khai giảng đầu tiên có tiếng trống trường
chan-dung-thay-giao-cong-gach-xay-truong-tren-dinh-ngoc-linh-6

Khó khăn là vậy nhưng thầy Nhân và một cô giáo dạy mẫu giáo tại điểm trường này vẫn đang là giáo viên hợp đồng, có mức lương chưa đến 4 triệu đồng.

Trải lòng về điều này, thầy Nhân cười hiền: “Mức lương như thế với bản thân tôi chỉ đủ để đi qua đi lại thôi chứ trang trải cuộc sống thì không đủ. Nhưng tôi yêu nghề, tâm huyết với nghề, tôi sẽ cố gắng phấn đấu để sau này được kí hợp đồng chính thức, để tôi có thể cùng các em học sinh vùng cao tiếp tục hành trình dạy và học”.

Thầy Trương Công Một – Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn cho biết, toàn xã có 11 điểm trường. Hầu hết các điểm trường đều khó khăn nhưng điểm trường Ông Bình là nơi chưa có điện lưới, sóng điện thoại chập chờn và con đường vào điểm trường còn gian nan.

Chia về những người đồng nghiệp của mình, thầy Một không giấu được sự xúc động: “Các thầy cô đang là giáo viên hợp đồng, mức lương thấp nhưng động lực để họ đến trường là vì thầy cô là người hiểu rõ hơn ai hết việc đi học khó khăn. Họ càng nhận thức được rằng, chỉ có giáo dục mới giúp từng đứa trẻ, người dân, gia đình nơi đây phát triển. Vậy nên dù mưa hay nắng, tấm lòng của người thầy, người cô vẫn vượt qua tất cả để lên với các em”.

(Theo Báo Lao động)

Xem thêm: Chân dung cô gái bỏ việc làm ổn định để "đi lính"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận