Chuyện "kẻ cướp cơm Hà Bá" mang ánh sáng tri thức đến cho trẻ em xóm liều ở dưới bãi đá sông Hồng
Đến nay, ông Được "Đen" không nhớ nổi đã bao nhiêu lần "cướp cơm của Hà Bá", cũng không nhớ hết đã giúp bao nhiêu đứa trẻ ở xóm liều được khai sinh và đến trường.
Người dân xóm liều ở bãi giữa sông Hồng (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) gọi ông Nguyễn Đăng Được (75 tuổi) là ông Được "Đen" - "kẻ cướp cơm Hà Bá". Hoặc có những người cao niên lại gọi là "thằng Được Đen".
Ông Được "Đen" vốn là người xứ Huế nhưng do cuộc đời thăng trầm nhiều biến cố, số phận lênh đênh mà "dạt" ra tận bãi giữa sông Hồng. Xóm phao hay xóm liều chính là "quê hương" thứ hai của ông. Ông Được cũng là 1 trong những người đầu tiên tìm đến và "khai hoang" khu vực này.
Gần 30 năm gắn bó với xóm liều, cuộc sống của người dân trong xóm đã đi vào ổn định, có nề nếp. Họ dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, chài lưới, bốc vác ở chợ Long Biên để kiếm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Trong 30 năm sinh sống tại xóm liều, ông Được không ít lần "cướp cơm Hà Bá". Thậm chí ông cũng chẳng nhớ đã bao nhiêu lần vớt được thi thể những người xấu số chết đuối dưới sông Hồng.
Ông Được từng kể, cách đây 30 năm, một nhóm học sinh cấp 2 rủ nhau đi tắm sông Hồng không may có 1 em bị thụt xuống hố cái rồi bị dòng nước cuốn đi. Gia đình nhiều ngày thuê thợ ngụp lặn khắp sông để tìm thi thể nhưng không thế.
Khi đó ông Được chèo thuyền xung quanh vị trí em học sinh gặp nạn thì bất ngờ phát hiện đầu người nhô lên. Cảm giác lúc đó lạnh toát sống lưng, mùi cơ thể nạn nhân khiến ông ớn lạnh. Nếu ai mà yếu bóng vía "chắc khiếp đến già".
Mặc dù khá sợ hãi nhưng ông Được vẫn dùng hết sức bình sinh vớt thi thể cậu bé lên bờ. Cũng từ đó mà cái "nghiệp" vận vào người ông đến giờ.
Được biết, dân làng chài kiêng kỵ việc cứu người chết đuối, vớt xác trôi dạt trên sông. Bởi họ quan niệm, cướp cơm của Hà Bá thì ắt phải đền mạng. Nhưng ông Được không vậy, mỗi lần vớt xác người, ông đều làm cơm cúng tạ thủy thần để chuộc lỗi và chưa bao giờ có ý định, từ bỏ bất kỳ nạn nhân nào giữa dòng nước xiết.
Hơn 30 năm qua, ông Được đã vớt và chôn cất hàng trăm xác chết ở bãi giữa sông Hồng. Ngoài ra ông còn cứu sống không ít người nhảy cầu tự tử.
Ông Được cho biết, những xác chết trên người có giấy tờ tùy thân ông sẽ liên hệ gia đình đến nhận, đưa về an táng. Những xác chết vô thừa nhận ông tự mình đem chôn cất, hương khói cho họ. Nghĩa trang tuềnh toàng của ông có đến vài chục ngôi mộ nhưng nhiều năm trước nước lũ lên, bờ sạt lở khiến không ít ngôi mộ bị cuốn trôi.
Cũng theo ông Được, đã rất nhiều lần có người trả ơn hàng chục triệu đồng nhưng ông không nhận. "Tôi làm theo lương tâm, không xem đây là công việc, bởi chẳng ai kiếm tiền trên thân xác những người đã chết", ông nói. Chỉ cần có người báo tin là ông xông giữa mưa gió, giá rét cứu người mà chẳng e dè, ngại ngần.
Bên cạnh việc vớt xác, cứu người, ông Được còn là "người thủ lĩnh" của xóm phao. Ông cho biết, các gia đình ở đây đều sống trong kiếp "vô danh". Có những nhà sống 2,3 thế hệ, trẻ nhỏ không được đến trường, không có giấy khai sinh. Kinh tế khó khăn, chúng lớn lên lại nối vòng tuần hoàn nghèo đói của cha mẹ, ông bà.
"Không biết chữ, nghĩa là không có tương lai", ông Được nói. Và cũng từ suy nghĩ đấy, ông đã dành một mảnh đất thuê mướn làm nông nghiệp để dựng lán, nhặt đồ phế liệu về làm sân chơi, mở lớp xóa mùa chữ cho trẻ em trong xóm.
Khi tích được một chút tiền, ông liền mua sách mở thư viện miễn phí cho trẻ em trong xóm. Lúc rảnh rỗi, ông đi thu gom sách truyện cũ mà người dân bán theo cân hoặc đi xin để về "làm giàu" thêm cho thư viện trong xóm. Các loại sách được ông phân loại vô cùng cẩn thận.
Với những cuốn sách các cháu đã đọc nhiều lần rồi thì ông thu gom lại rồi gửi lên vùng cao cho các bạn nhỏ khác. Ông Được luôn tâm niệm: "Cũ người mới tam chẳng vứt đi đâu".
Trăn trở về tương lai của lũ trẻ, ông Được quyết tâm giúp chúng thoát kiếp "vô danh", được đến trường, được hòa nhập cộng đồng. Ông Được đã liên hệ và được chính quyền phường Ngọc Thụy hỗ trợ làm giấy khai sinh cho bọn trẻ.
Ngày bọn trẻ được "khai sinh", được đến trường cũng là lúc lớp xóa mù chữ của ông đóng cửa. Nhưng thư viện thì vẫn duy trì đến hôm nay. Thư viện của ông Được vẫn đón tiếp rất đông trẻ em trong xóm. Chúng được đi học nhưng không bao giờ quên ánh sáng tri thức từ thư viện tuềnh toàng của ông Được "Đen".
Mỗi năm, ông Được mất cả chục triệu đồng thuê đất làm nông nghiệp nhưng chẳng ngần ngại trích một phần đất để làm sân chơi cho trẻ em trong xóm. Nhiều người cho rằng ông khùng điên, rảnh việc nhưng ông bỏ ngoài tai tất cả vì "tôi yêu trẻ em, tôi thích thì làm". Đáp lại tình cảm của ông Được, lũ trẻ coi ông như người thân trong nhà, có bát canh cà chua cũng mang biếu.
Dù đã ở tuổi thất tuần nhưng ngày nào ông Được cũng luôn chân luôn tay. Nhiều người khuyên ông nên nghỉ ngơi, ngồi nhà xem tivi nhưng ông Được nói "như thế thì chóng chết". "Tôi còn sống là còn phải duy trì, làm đến khi nào chân đứng không vững, mắt mờ, tay run thì mới buông", lão nông cười.
Chia sẻ về con người và việc làm của ông Được "Đen", ông Lê Đăng Lễ, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết: "Mô hình thư viện miễn phí của ông Nguyễn Đăng Được rất có ý nghĩa tới cộng đồng. Việc xây dựng thư viện này đã giúp cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với giáo dục, mở mang tri thức, lan tỏa, xây dựng thói quen đọc sách cho các em nhỏ".
Cụ bà 63 tuổi quyết nộp đơn xin thoát nghèo vì muốn "nhường cho người khác"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận